Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn cơ giới hóa trong sản xuất lúa
2.2.2. Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến lúa gạo ở Việt Nam
2.2.2.1. Một số chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Đất nước ta đang trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa để đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nhận thức được vai trò quan trọng của việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản phẩm phục vụ đời sống
nhân dân và hướng tới xuất khẩu, Đảng Nhà nước ta có nhiều chủ trương để khuyến khích việc ứng dụng máy móc vào sản xuất. Trong các văn bản, nghị quyết của Đảng đã thể hiện rõ điều này. Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản thể hiện cụ thể hóa chủ trương khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất:
Nghị định số 51/1999, ngày 15/02/1999 và Nghị định số 178/1999 ngày 20/02/1999 của Chính phủ về chính sách đầu tư khuyến khích đầu tư nông nghiệp và nông thôn.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại.
Thông tư số 112/2003/TT-BTC ngày 19/11/2003 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003 đến năm 2010 theo Nghị định số 129/2003 ngày 03/11/2003 của Chính phủ, đã góp phần làm giảm chi phí và tăng thu nhập cho người nông dân.
Căn cứ vào Quyết định số 497/QĐ- TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; Nghị định số 63/2010/QĐ- TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Nghị định 02/2010/NĐ- CP của Chính phủ về khuyến nông; Nghị định số 63/NQ- CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Quyết định số 124/ QĐ- TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, hàng hóa sản xuất trong nước được hỗ trợ bao gồm: Sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp gồm các chủng loại máy: Các loại động cơ đốt trong (động cơ nhỏ dưới 30 mã lực (ML), động cơ thủy lực dưới 80 ML); máy gặt đập liên hợp, máy kéo, mày cày, máy xới, máy làm đất, máy gặt, tuốt lúa, sấy nông sản, xát lúa gạo, bơm nước, phát điện, máy vò chè, tẽ ngô, gieo hạt, máy sục khí ôxy nuôi thủy sản, các
loại ghe, xuồng có gắn động cơ , máy cắt cỏ, băm cỏ, máy nghiền, trộn, đóng viên, đóng bánh thức ăn cho gia súc, gia cầm, máy vắt sữa, máy ấp, nở gia cầm, xe tải nhẹ, máy vi tính để bàn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm có phân bón hóa học các loại, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu để làm nhà ở khu vực nông thôn.
Những hàng hóa trên phải là sản phẩm được sản xuất trong nước và phải được đăng ký, niêm yết giá bán và có nhãn hàng hóa theo quy định.
Để được vay vốn và hỗ trợ lãi suất, các tổ chức, cá nhân vay phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là người trực tiếp sản xuất (không phải mua về để bán lại), có hợp đồng vay vốn với nhân hàng thương mại theo quy định.
Các ngân hàng thương mại cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường, thực hiện giảm trừ số tiền lãi được hỗ trợ vào số tiền lãi phải cho các tổ chức, cá nhân vay khi đến hạn thu lãi vay. Không được từ chối hỗ trợ lãi suất, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Nguồn kinh phí thực hiện chính sách được cấp từ các nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và các nguồn tài trợ đóng góp hợp pháp của các nhà tài trợ và các tổ chức trong và ngoài nước.
Cùng với đó, hệ thống mạng lưới cơ sở bảo hành, dịch vụ, sửa chữa, cung ứng phụ tùng thay thế máy nông nghiệp ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuyển đổi ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất lớn với hệ thống đường nội đồng đủ điều kiện để đưa các loại máy móc hiện đại vào đồng ruộng ở nhiều địa phương còn hạn chế. Thực trạng trên là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do ruộng đất ở tỉnh ta phân chia manh mún, nhiều bờ, nhiều thửa, nếu áp dụng KHKT vào sản xuất thì hiệu quả tăng thêm cho mỗi gia đình không lớn (qua thực tế cho thấy, hiệu quả khi đầu tư công nghệ chỉ tăng vài chục ngàn hay nhiều nhất là 100 ngàn đồng/sào canh tác) nên bà con nông dân không mấy mặn mà.
Thứ hai, do thiếu vốn đầu tư nên việc đẩy mạnh CGH trong SXNN gặp khó khăn và diễn ra chậm chạp. Nhà nước đã có một số nghị định, nghị quyết về phát triển NN-NT, như: Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích đầu tư vào NN-NT và các chính sách hỗ trợ đầu tư cho NN-NT; Quyết định 315/QĐ-TTg về bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề nông thôn;
đặc biệt là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT nhằm giúp nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy chủ trương của Nhà nước rất đúng đắn, song khâu thực hiện còn nhiều bất cập nên đồng vốn khó đến tay nông dân.
Thứ ba, là bất cập về nhân lực. Chưa có nhiều nông dân có trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị khoa học công nghệ cao. Chúng ta lại chưa đào tạo được đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề để có thể về nông thôn làm việc. Phần lớn người vận hành máy móc nông nghiệp đều chưa qua đào tạo, trình độ rất thấp.
Với những hiệu quả bước đầu trong việc đưa cơ giới vào SXNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã khẳng định sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình CGH SXNN trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, việc định hướng đầu tư, phát triển CGH phải đồng bộ các khâu, từ quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất lớn với hệ thống đường nội đồng, làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đến bảo quản, chế biến sản phẩm. Thực hiện tốt các khâu này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả SXNN, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tăng thu nhập cho nông dân, giảm công lao động, giúp cho lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-NT tỉnh nhà.
2.2.2.2. Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến lúa gạo nói chung ở Việt Nam
1) Tình hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Đồng Bằng sông Cửu Long
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1950, nhưng do chế độ bao cấp nên tốc độ phát triển chậm và không ổn định. Trong năm 2010, mức độ cơ giới hóa làm đất trồng lúa đạt 75%, tưới lúa chủ động 85%, sấy lúa vụ hè thu 39% và khâu gieo sạ đạt khoảng 20%. Mục tiêu đến năm 2020, cơ giới hóa sản xuất lúa trong khâu làm đất đạt 100%, diện tích trồng lúa ở 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng được cơ giới hóa bằng các loại thiết bị tiên tiến và hiệu quả cao; khâu gieo cấy bằng máy đạt 50% ở vùng đồng bằng sông Hồng và 80% tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Trong những năm vừa qua, nhờ có những chủ trương, biện pháp khuyến khích hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Nhà nước và của các tỉnh cho việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên số lượng máy móc đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, diện tích được cơ giới hóa ngày càng tăng. Điều đó đã góp phần đáng kể vào việc tạo ra những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp những năm qua.
Hiện nay, cả nước có gần 500 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp, với tổng công suất trên 5 triệu mã lực (ML), tăng 4 lần so với năm 2001; 580.000 máy tuốt đập lúa; 17.992 máy gặt lúa các loại (so với năm 2007 máy gặt đập liên hợp năm 2010 tăng 9,75 lần; năm 2011 tăng 16,6 lần; máy gặt xếp dãy năm 2010 tăng 1,4 lần, năm 2011 tăng 3,4 lần), riêng vùng ĐBSCL có 11.424 chiếc máy gặt các loại, trong đó: 6.609 máy GĐLH và 4.815 chiếc máy gặt rải hàng (tổng hợp báo cáo máy gặt lúa của 25 tỉnh đến 8/2011). Hiện nay, trang bị động lực trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,3 ML/ha canh tác.
Mức độ cơ giới hoá bình quân các khâu trong sản xuất lúa như sau: Làm đất trồng lúa đạt 35- 80%; tưới lúa chủ động đạt 85%; thu hoạch đạt 23% (vùng ĐBSCL đạt 36%); sấy lúa chủ động ĐBSCL 39%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%, góp phần bảo đảm tính thời vụ khẩn trương, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch. Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có mức độ cơ giới hóa cao như: Đồng Tháp làm đất và bơm tưới đạt 100%, thu hoạch bằng máy đạt 85%; Long An thu hoạch bằng máy đạt 70%, sấy lúa 40-45% vụ hè thu và 25-30% vụ Đông Xuân; Tiền Giang làm đất bằng máy 100%; Vĩnh Long 100% diện tích làm đất bằng máy trong đó cày ải chiếm 78,34%; thu hoạch đạt 76% diện tích; Kiên Giang máy gặt đập liên hợp phục vụ trên 45% diện tích, lò sấy lúa bảo đảm 50% sản lượng, máy làm đất phục vụ trên 98% diện tích. Cần Thơ bảo đảm 100% cơ giới hóa làm đất, tuốt lúa, bơm tưới, sấy lúa hè thu đạt 68%, thu hoạch lúa 54,7%. An Giang làm đất và tưới tiêu đạt 95%, gieo xạ 48%, thu hoạch đạt 42%.
Hệ thống dịch vụ máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp thông qua các cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm thực hiện các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng trên cả nước phát triển nhanh. Hiện có 1.267 cơ sở, trên 18.000 người chuyên kinh doanh; 1.218 cơ sở với 14.146 người chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị. Các dịch vụ này phần lớn do tổ hợp tác và tư nhân đảm nhiệm, chiếm khoảng 80% số cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. So với các
nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 ML/ha canh tác (Vũ Anh Tuấn, 2010).
Cơ giới hóa nông nghiệp chủ yếu ở khâu làm đất cây hàng năm, tập trung cây lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu (Vũ Anh Tuấn, 2010).
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, với những loại máy móc, thiết bị như: Máy sấy nông sản; máy tách hạt bắp; máy gặt lúa rải hàng; máy gặt đập liên hợp; máy xay xát lúa gạo; máy kéo 2 bánh; máy kéo 4 bánh; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ có tải trọng dưới 500 kg; máy cày; bơm nước; thiết bị nuôi trồng hải sản; thiết bị làm lạnh, cấp đông (IQF), tái đông (RF); kho lạnh bảo quản thủy sản, nông sản. Cho tới nay, cơ giới hóa nông nghiệp đang từng bước thúc đẩy tăng năng suất lao động, giải phóng được lực lượng lao động nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở vùng nông thôn, cụ thể cơ giới hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã đạt những kết quả như sau:
Một là, đã thực hiện được hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản suất lúa, gạo như đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về sản xuất lúa gạo nên việc đầu tư cho cơ giới hóa sản xuất lúa là phù hợp. Vì vậy, đến năm 2012, đã đạt mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu làm đất trồng lúa đạt 80%; thu hoạch đạt 30%; sấy lúa chủ động 42%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%.
Hai là, đã giải phóng một lượng lớn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ cho biết, cơ giới hóa nông nghiệp được tiến hành sâu rộng sẽ giải phóng một lượng lớn lao động trong nông nghiệp, tăng thêm nguồn cung cho khu vực công nghiệp vốn đang rất thiếu. Nó cũng làm tăng đáng kể năng suất lao động nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của lao động trong nông nghiệp.
Ba là, đã nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế; giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao
động; mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm được giống, phân bón, nước, năng lượng, cải thiện được chất lượng nông sản, sản phẩm; bảo vệ môi trường; đáp ứng kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu.
Bốn là, đã tạo sự đột phá trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch, giảm thất thoát: Cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần đáng kể trong việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo, trong đó, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch làm “Tỷ lệ thất thoát được kéo giảm từ 5% - 6% xuống còn 2% - 3%, chi phí thu hoạch lúa giảm từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công”.
Năm là, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp: "Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến ngày 31-01-2013 đã cho vay 6.933 hộ gia đình, cá nhân; 03 hợp tác xã và 32 doanh nghiệp, dư nợ cho vay là 1.230,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ vay lãi suất 622,4 tỷ đồng; tín dụng đầu tư phát triển 607,8 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, như các cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp Phan Tấn (Đồng Tháp); Tư Sang 2 (Tiền Giang); Hoàng Thắng (Cần Thơ).
Sáu là, cải tạo đồng ruộng để đầu tư cơ giới hiệu quả: Một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Long An bắt đầu áp dụng việc đưa thiết bị định vị bằng tia la-de để cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Việc áp dụng thiết bị kỹ thuật cao để cải tạo đồng ruộng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Khi mặt ruộng được