Các yếu tố ảnh hưởng đến cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến lúa gạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 35 - 37)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận cơ giới hóa trong sản xuất lúa

2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến lúa gạo

Việc thực hiện cơ giới hóa lúa chịu ảnh hưởng của các nhân tố sau:

- Điều kiện tự nhiên bao gồm khí hậu, thời tiết, đặc biệt là diện tích và địa hình ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng máy móc:

+ Điều kiện khí hậu thủy văn ngoài việc ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây lúa, còn ảnh hưởng đến việc đưa máy móc vào sản xuất. Vào những mùa mưa đồng ruộng bị ngập úng, lầy thụt gây khó khăn cho việc sử dụng máy vào canh tác.

+ Đối với khâu làm đất nếu gặp trời mưa sẽ gây ra hiện tượng xa lầy máy không hoạt động được, hoặc nếu vào thời tiết khô hạn đất cứng sẽ làm giảm năng suất hoạt động của máy.

+ Đối với khâu gieo sạ bằng giàn sạ hàng nếu gặp trời mưa, nước ngập sẽ không thể sử dụng được loại công cụ này. Bởi vì, mạ gieo bằng công cụ này chỉ có chiều dài khoảng 1mm nên nếu mưa sẽ bị ngập thối, giảm năng suất.

+ Đối với khâu thu hoạch sử dụng máy gặt đập liên hợp yêu cầu ruộng có độ lầy thụt bùn không quá 15 cm. Nếu vào những ngày mưa sẽ gây ra hiện sa lầy máy không thể hoạt động. Đồng thời, mưa sẽ làm cho cây lúa bị đổ gây ảnh hưởng đến chất lượng gặt, giảm tốc độ của máy và gây tổn thất (gặt sót) lúa.

+ Điều kiện diện tích và địa hình: Những ruộng có diện tích manh mún nhỏ lẻ hoặc địa hình không bằng phẳng sẽ khó khăn trong việc đưa máy móc vào sản xuất. Ngược lại những nơi ruộng bằng phẳng, diện tích canh tác mỗi thửa ruộng lớn thì tại đó quá trình cơ giới hóa được điễn ra một cách mạnh mẽ và có hiệu quả cao. Bởi vì điều kiện đồng ruộng thường gây ảnh hưởng lớn đến khâu làm đất, tưới tiêu và đặc biệt là khâu thu hoạch lúa. Với ruộng bằng phẳng có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác thích hợp để đưa các máy móc nông nghiệp vào trong từng giai đoạn sản xuất lúa.

- Điều kiện kinh tế - xã hội

+ Qui mô sản xuất của nông hộ: Việt Nam có 14,5 triệu nông hộ với gần 70 triệu mảnh ruộng. Quy mô của những mảnh ruộng này khác nhau và nhìn chung là

đều bé. Phân tán đất đai ở miền Bắc phổ biến hơn ở miền Nam (Hồ Đăng Hòa, Lê Thị Quỳnh Trâm, Phạm Duy Nghĩa và Malcolm F. McPherson – 2012). Phân tán đất đai cản trở hiện đại hóa nông nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực do không tận dụng được tính kinh tế theo quy mô, tăng chi phí sản xuất và tiếp thị, gây khó khăn cho nông dân trong việc điều phối sản xuất với các mảnh ruộng nằm phân tán, tăng chi phí xã hội trong việc thúc đẩy tập trung ruộng đất. Phân tán đất đai còn gây lãng phí đất cho việc làm bờ thửa, đường đi, lãng phí thời gian khi di chuyển giữa các mảng ruộng và khó khăn khi vận chuyển sản phẩm.

+ Máy móc, trang thiết bị sử dụng: Chọn phương pháp, máy móc và trang thiết bị phù hợp làm giảm công lao động, giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm tổn hao trên đồng ruộng khi thu hoạch; giảm tỉ lệ hạt nứt vỡ, đổi màu của hạt do quá trình phơi lúa trên đồng hay chất đống từ đó cùng với kỹ thuật sau thu hoạch bảo đảm chất lượng hạt, tăng tỉ lệ thu hồi gạo, thu hồi gạo nguyên khi chế biến.

+ Thu nhập của nông dân còn thấp ảnh hưởng đến việc mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất. Khả năng tích lũy vốn của nông dân chưa cao, nên khả năng đầu tư mua sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất còn hạn chế. Điều này cần có sự hỗ trợ kinh phí của các cấp, ngành liên quan.

+ Trình độ người lao động: Góp phần thúc đẩy cơ giới hóa phát triển thì khả năng hiểu biết của nông dân cũng không kém phần quan trọng. Có sự hiểu biết sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp thu khoa học kĩ thuật, nhanh chóng tiếp cận và nắm được nguyên lý hoạt động của các loại máy cơ giới. Nhưng trình độ văn hóa của nước ta nói chung còn hạn chế để nông dân bắt kịp với thời kì hội nhập còn rất khó.

+ Chi phí của dịch vụ cơ giới hóa: Chi phí là khoản chi phí mà người nông dân thuê dịch vụ cơ giới hóa phải bỏ ra để trả cho người cung cấp dịch vụ cơ giới hóa. Nó có ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả sản xuất lúa của hộ. Do đó, nếu chi phí dịch vụ cơ giới hóa thấp hơn chi phí thuê lao động thủ công thì người dân sẽ chủ động tiếp cận và thuê cơ giới hóa nhiều hơn. Ngược lại, nếu chi phí thuê dịch vụ cơ giới hóa cao thì người dân sẽ chủ động tìm thuê lao động thủ công và ít ứng dụng loại dịch vụ cơ giới hóa hơn.

+ Phong tục tập quán, phương thức sản xuất ảnh hưởng đến việc sử dụng máy móc vì đa số nông dân vẫn còn tư tưởng sản xuất tiểu nông với việc sử dụng công cụ thô sơ và sức lao động là chính. Đây sẽ là trở ngại lớn trong việc cơ giới hóa sản xuất lúa.

+ Các chính sách của Đảng và Nhà nước: Các trang thiết bị phục vụ nông nghiệp thay sức lao động ở nông thôn, mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất tuy nhiên lại đòi hỏi hộ nông dân phải có một nguồn vốn lớn. Vì vậy các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước sẽ giúp cho quá trình cơ giới hóa diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu Nhà nước và địa phương không có chính sách hỗ trợ thì sẽ làm cho quá trình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa chậm lại, thậm chí không phát triển được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 35 - 37)