7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Những thay đổi của ngoại giaokinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh
2.1.1. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động kinh tế và hoạt động ngoạ
giao trong Sáng kiến
Ngoại giao kinh tế được Trung Quốc vận dụng trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” là sự kết hợp giữa hoạt động kinh tế và hoạt động ngoại giao. Ngoại giao kinh tế được Trung Quốc nhìn nhận ở hai khía cạnh: Thứ nhất là, hoạt động kinh tế của quốc gia được triển khai để thực hiện mục tiêu ngoại giao, kinh tế phục vụ ngoại giao. Trong đó, kinh tế là biện pháp, ngoại giao là mục đích. Thứ hai là, hoạt động ngoại giao được triển khai nhằm thực hiện mục tiêu kinh tế của quốc gia, ngoại giao phục vụ kinh tế. Trong đó, ngoại giao là biện pháp, kinh tế là mục đích.“Vành đai và con đường” được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Trung Quốc từ trước tới nay, đồng thời là một chiến lược ngoại giao kinh tế có sự đầu tư nhiều nhất các nguồn “tài nguyên” về cả kinh tế và ngoại giao. Mục tiêu ngoại giao và mục tiêu kinh tế đều được đặt ra trong Sáng kiến “Vành đai và con đường”.
Về mục tiêu ngoại giao, trước hết Trung Quốc hướng đến tạo ra sự ổn định trong quan hệ với các nước xung quanh. Căn cứ vào quy hoạch hiện có, “Vành đai và con đường” về cơ bản đã bao trùm tất cả các nước láng giềng trên bộ và trên biển của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể thông qua hợp tác kinh tế để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và đó cũng là mục tiêu mà Trung Quốc đang thúc đẩy khi thực thi chính sách ngoại giao láng giềng hiện nay, “làm cho các nước xung quanh thiện chí, gần gũi, nhất trí, ủng hộ chúng ta hơn; tăng cường tình thân, sức thuyết phục và ảnh hưởng của Trung Quốc, … tranh thủ nhiều hơn bạn bè và đối tác” [2]. Trung Quốc cũng mong muốn tạo ra
môi trường hòa bình xung quanh phục vụ cho sự phát triển trong nước và sự “trỗi dậy” trên trường quốc tế, biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Sáng kiến được coi là biện pháp có lợi cho thúc đẩy hòa bình, ngăn chặn xung đột giữa Trung Quốc và khu vực xung quanh.
Mặt khác, thời điểm Trung Quốc đề xướng Sáng kiến cũng là giai đoạn Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương. Sáng kiến “Vành đai và con đường” được coi là chiến lược, công cụ đối ngoại để Trung Quốc đối phó với chiến lược Tái cân bằng châu Á của Mỹ. Năm 2010, Mỹ đề ra chiến lược Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương với con bài kinh tế chủ yếu là Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong tình cảnhTrung Quốc bị cho “ra rìa” TPP, hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc mong muốn đóng vai trò chủ đạo còn đang bị trì hoãn, chưa có được tiến triển quan trọng, việc đề ra sáng kiến “Vành đai và con đường” được Trung Quốc xem là có thể hóa giải sự tấn công tiềm tàng từ chiến lược Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Hiện nay, mặc dù kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã có những sự điều chỉnh, Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, cạnh tranh Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên quyết liệt, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với việc Mỹ đang từng bước hình thành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, được xem là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính vì vậy, “Vành đai và con đường” trở thành biện pháp ngoại giao quan trọng để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời nhằm cạnh trạnh ảnh hưởng có hiệu quả với Mỹ. Như vậy, “Vành đai và con đường” được cho là đang sử dụng sự chi phối về kinh tế nhằm phục vụ cho mục tiêu điều chỉnh chiến lược đối ngoại (tập hợp lực lượng từ các quốc gia dọc tuyến đường, nâng cao sức cạnh tranh với Mỹ, tăng cường sức mạnh mềm văn hóa) [6].
Thông qua Sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương với các nước lớn, mới nổi như Nga, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan…; tăng cường kết nối Đông Á và châu Âu; thúc đẩy sự xích lại gần nhau của đại lục Á – Âu; Sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng phục vụ cho việc “bảo vệ tốt hơn chủ quyền trên biển và trên đất liền”, lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc, phát huy ưu thế của quốc gia có biển, hướng tới mục tiêu xây dựng cường quốc biển, đối với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, mục tiêu ngoại giao này của Trung Quốc đồng thời đặt ra những thách thức, cảnh giác hơn trước âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, phải làm sao bảo vệ tốt nhất sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của nước mình; giảm sức ép ngoại giao từ Trung Quốc và duy trì sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Về mục tiêu kinh tế, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa (1978). Tuy nhiên, những vấn đề nội tại của nền kinh tế ngày càng bộc lộ, bên cạnh đó là những tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài đặt ra vấn đề phải tiếp tục thúc đẩy cải cách mở cửa sâu hơn nữa, giảm thiểu những rủi ro về một “sự hạ cánh cứng”. Trung Quốc xác định nền kinh tế nước mình đang ở vào “trạng thái bình thường mới” và để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” thì Sáng kiến “Vành đai và con đường” phải trở thành một biện pháp mang tính tiên phong, đột phá để giải quyết những khó khăn, thách thức và nguy cơ rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời giúp Trung Quốc thực hiện được những mục tiêu chiến lược lớn và dài hạn.
Một số mục tiêu kinh tế chủ yếu được rút ra kể từ khi Sáng kiến mới manh nha cho đến giai đoạn thực thi hiện nay, được sự công nhận của giới học giả trong và ngoài nước Trung Quốc gồm:
(1) Thông qua Sáng kiến, Trung Quốc có thể chuyển dịch ưu thế dư thừa về năng lực sản xuất ra bên ngoài. Trải qua giai đoạn phát triển nóng, Trung Quốc được coi là “công xưởng của thế giới”, nhiều ngành sản xuất như xi măng, sắt thép, dệt may… được phát triển ồ ạt, vừa nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ
trong nước của Trung Quốc, vừa phát huy được những ưu thế của thị trường nước này. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, mất cân bằng, cùng với xu hướng tập trung đầu tư vào những ngành nghề công nghệ cao đang được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích, đặc biệt với sự hạn chế những ngành sản xuất “truyền thống” nêu trên nhằm tiết kiệm năng lượng, làm phát sinh tình trạng “dư thừa năng lực sản xuất” và Trung Quốc cần cơ cấu lại ngành nghề. Mục tiêu “xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa”, nhất là về công nghệ của Trung Quốc có cơ sở để tiến hành một cách thuận lợi, dễ được các nước nằm dọc tuyến đường chấp nhận là do đa số các nước này là các quốc gia đang phát triển, trình độ phát triển công nghệ thấp, nên những “năng lực sản xuất” hay công nghệ của Trung Quốc dù có lỗi thời, lạc hậu (so với Trung Quốc) thì vẫn được cho là cần thiết và hữu ích đối với họ.
(2) Đối với sự phát triển trong nước của Trung Quốc, Sáng kiến “Vành đai và con đường” đóng vai trò của một quy hoạch phát triển tổng thể trong nước. Trước đó, Trung Quốc đã đề ra chiến lược “Đại khai phá miền Tây” hay “khôi phục khu vực phát triển công nghiệp cũ Đông Bắc”… nhằm làm giảm khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa các vùng miền, cân bằng sự phát triển giữa miền duyên hải phía Đông và khu vực ở sâu trong nội địa phía Tây. Sáng kiến “Vành đai và con đường” tuy được nêu ra trong quy hoạch có “điểm” có “tuyến” cụ thể ở trong nước, nhưng nhìn tổng thể Sáng kiến nhận được “sự hưởng ứng” của các địa phương, tạo thành “diện” bao phủ và trở thành một “quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia”. Sáng kiến hướng đến tạo ra sự phát triển hiệp đồng giữa các khu vực Đông, Trung và Tây của Trung Quốc. Đây cũng là một sự điều chỉnh, sắp xếp lại bố cục phát triển đã được thực hiện qua quá trình cải cách mở cửa, về mặt địa lý sự phát triển được tiến hành từ miền Đông đến miền Trung và miền Tây của Trung Quốc. Với thứ tự ưu tiên phát triển như vậy đã gây ra tình trạng chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, tạo ra tình trạng “Đông phú, Tây bần”. Thông qua xây dựng “Vành đai và con đường” Trung Quốc hướng đến việc phá bỏ chênh lệch vùng miền, làm cho khu vực miền
Trung và Tây của Trung Quốc trở thành khu vực tuyến đầu trên con đường cải cách mở cửa mới của Trung Quốc.
(3) Thông qua Sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc có thể thúc đẩy chiến lược khu vực thương mại tự do, đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực như như chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại của mình, cũng như quan điểm, lập trường của Trung Quốc về chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại. Trung Quốc tự nhận thấy mức độ mở cửa thương mại đối ngoại của mình còn hạn chế, không tương ứng với thực lực kinh tế hiện có và mức độ mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc so với các nền kinh tế phát triển khác là tương đối lạc hậu. Chính vì vậy, Sáng kiến“Vành đai và con đường” sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo chất xúc tác để Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do hiện có và hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mới. Điều này cũng giúp thúc đẩy quá trình nhất thể hóa khu vực đi vào chiều sâu và tăng cường thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế.
(4) Thông qua Sáng kiến, Trung Quốc có thể tận dụng được nguồn vốn, tài nguyên và năng lượng bên ngoài. Điều này đã được thừa nhận rộng rãi, nền kinh tế của Trung Quốc như một cơ thể to lớn đang trong thời kỳ phát triển sung sức cần được nuôi dưỡng bằng các nguồn vốn, tài nguyên và năng lượng. Trong khi đó, dù là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng vốn, tài nguyên và năng lượng là có hạn và Trung Quốc cũng không có ý định khai thác cạn kiệt tài nguyên trong nước để đáp ứng sự tăng trưởng nóng hiện tại, để lại nhiều hậu quả, rủi ro lớn, mà tìm kiếm các nguồn tài nguyên từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trung Quốc đề ra trọng tâm của Sáng kiến là thúc đẩy kết nối, đây đồng thời là biện pháp mở đường để Trung Quốc “vươn vòi”, “thò tay đụng chạm” vào nguồn tài nguyên của các nước, “để các nguồn vốn và năng lượng mà Trung Quốc cần sẽ được vận chuyển dễ dàng vào trong nước hơn” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Từ phân tích về mục tiêu ngoại giao và mục tiêu kinh tế trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” nêu trên có thể thấy ngoại giao kinh tế trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và con đường” là sự thống nhất của mục tiêu kinh tế và mục tiêu ngoại giao theo cách hiểu về biện pháp ngoại giao kinh tế trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” là hợp tác kinh tế dựa vào việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và nước đối tác, khi quan hệ ngoại giao được nâng cấp sẽ giúp việc triển khai hợp tác kinh tế thương mại được tốt hơn và thuận lợi hơn.
Tổng kết quá trình thực hiện hai mục tiêu ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc qua các thời kỳ cho thấy giai đoạn từ khi nhà nước Trung Quốc mới thành lập cho đến cải cách mở cửa, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc lợi ích chủ quyền là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên quốc gia của Trung Quốc. Vì vậy, kinh tế chủ yếu phục vụ cho ngoại giao. Từ cải cách mở cửa, khi phát triển kinh tế là mục tiêu chiến lược quốc gia hàng đầu, ngoại giao phải phục vụ cho kinh tế. Hiện nay, Tập Cận Bình và ĐCS Trung Quốc đề ra mục tiêu chiến lược quốc gia hàng đầu là “thực hiện giấc mộng Trung Quốc, phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” thì hai mục tiêu kinh tế và ngoại giao có sự gắn kết chặt chẽ, đều được coi trọng. Bên cạnh đó, Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã thể hiện, ngoại giao kinh tế của Trung Quốc đã chuyển sang hình thức chủ động tiến công, chủ động tạo lập cuộc chơi, phản ánh thực lực sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” mà đã “chủ động vươn lên”, thực sự “trỗi dậy”.