7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Những thay đổi của ngoại giaokinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh
2.1.2. Tăng cường cơ chế điều phối của trung ương, hiệp đồng trung
ương – địa phương và sự phối hợp giữa các bộ ngành trong thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế.
Hiện nay, các bộ ngành chủ quản về kinh tế của Trung Quốc, gồm: Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã xây dựng các phương án nhằm thúc đẩy triển khai Sáng kiến “Vành đai và con đường” [15, tr85, 86]. Về phía bộ ngành công tác ngoại
giao, có Bộ Ngoại giao là đại diện và là chủ thể chính triển khai các mặt hoạt động đối ngoại trong Sáng kiến. Tính gắn kết giữa lĩnh vực kinh tế và ngoại giao trong Sáng kiến và việc triển khai Sáng kiến này có được thuận lợi, hiệu quả hay không phần lớn được quyết định bởi việc có thực hiện được sự phối hợp, hiệp đồng tốt giữa bộ ngành kinh tế và ngoại giao hay không. Hai loại bộ ngành này có sự khác nhau về chức năng, chuyên môn và lợi ích. Ngay cả trong bộ ngành kinh tế cũng có sự khác biệt, cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp công tác. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu ngoại giao kinh tế, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và ban lãnh đạo TQ hết sức quan tâm đến vấn đề điều phối chung trong Sáng kiến. Sự điều phối chung, thống nhất từ Trung ương, sẽ giúp tránh được tình trạng không rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm trong thực thi các chính sách. Sáng kiến này mang tầm cỡ của một quy hoạch chiến lược lớn, nên vai trò của hoạt động điều phối là hết sức quan trọng.
Để điều phối và tiến hành triển khai hoạt động xây dựng Sáng kiến, Ban lãnh đạo Trung Quốc đã thành lập Tiểu tổ lãnh đạo công tác “Vành đai và con đường” (năm 2015) và cử một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đứng ra trực tiếp phụ trách tiểu tổ này (trước đây là Trương Cao Lệ, hiện nay là Hàn Chính). Ngay từ đầu việc ra quyết sách đã có sự tham gia của ba cơ quan là Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc. Việc ba cơ quan cùng chủ đạo, phản ánh việc bao hàm và cân bằng những quan điểm khác nhau cũng như trọng điểm công tác của bộ ngành ngoại giao và bộ ngành kinh tế của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện rõ, ngay từ ban đầu Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã bao gồm cả hai mục tiêu kinh tế và ngoại giao [60, tr263].
Sự thống nhất điều phối từ trung ương và sự phối hợp hiệp đồng tốt giữa các bộ ngành liên quan giúp cho quá trình triển khai Sáng kiến không gặp phải tình trạng thiên lệnh về mặt kinh tế hay mặt ngoại giao, mà vai trò của lĩnh vực ngoại giao kinh tế được phát huy, thúc đẩy phát triển một cách hài hòa, cân đối. Nếu như để bộ ngành kinh tế chủ đạo đưa ra quy hoạch “Vành đai và con
đường”, sẽ phần nhiều phản ánh mong muốn kinh tế của bộ ngành kinh tế, nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế, mà bỏ qua vai trò, hiệu quả của ngoại giao vốn có trong quy hoạch chiến lược. Nếu để bộ ngành ngoại giao chủ đạo đưa ra quy hoạch sẽ chủ yếu phản ánh mong muốn ngoại giao, thiếu đi hàm ý kinh tế, gây khó khăn cho thúc đẩy các chính sách kinh tế. Với thể chế chính trị của Trung Quốc, công tác ngoại giao cũng như công tác kinh tế được ĐCS Trung Quốc thống nhất lãnh đạo, nên việc tập trung và phân phối nguồn lực về kinh tế và ngoại giao trong triển khai Sáng kiến cũng đạt được sự tập trung và thống nhất cao độ.
Về mối quan hệ giữa trung ương và địa phương trong triển khai xây dựng Sáng kiến. Chính quyền trung ương Trung Quốc thúc đẩy các địa phương tham gia vào xây dựng Sáng kiến. So với các sáng kiến về hợp tác kinh tế đối ngoại, ngoại giao kinh tế khác của Trung Quốc, “Vành đai và con đường” là sáng kiến thu hút được sự tham gia nhiều nhất của các địa phương về quy mô (hơn 20 tỉnh trực tiếp liên quan đến xây dựng “Vành đai và con đường”), phạm vi (bao phủ toàn bộ khu vực địa lý Tây-Bắc- Đông- Nam, bao phủ toàn bộ cả khu vực phát triển và khu vực kém phát triển của Trung Quốc). Các địa phương cũng chủ động “tìm cách” kết nối vào trong Sáng kiến. Một điểm đáng chú ý, tuy “Vành đai và con đường” là sáng kiến hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia, nhưng đối với trong nước, sáng kiến này cũng đã liên kết các khu vực địa lý kinh tế khác nhau, đóng vai trò quan trọng đối với sự mở cửa đối ngoại của các tỉnh biên giới của Trung Quốc.
Các khu vực địa lý kinh tế lớn của Trung Quốc như Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoa Nam, Tây Nam hay Tây Bắc đều có vị trí trong quy hoạch “Vành đai và con đường”. Việc sắp xếp vị trí của các địa phương trong quy hoạch Sáng kiến được căn cứ vào đặc điểm phát triển kinh tế và sự hợp tác đối ngoại vốn có của các địa phương. Khu vực Đông Bắc Trung Quốc chủ yếu hướng Nga và Mông Cổ, khu vực Tây Bắc hướng Trung Á, Tây Nam và Hoa Nam hướng Đông Nam Á. Khu vực Hoa Bắc và Hoa Đông cũng thông qua quy
hoạch giao thông và khu chế xuất để hướng ra bên ngoài. Vì vậy, ngoài mức độ mở cửa được mở rộng ra, “Vành đai và con đường” cũng thúc đẩy sự hội nhập kinh tế trong nội bộ khu vực và giữa các khu vực của Trung Quốc với nhau. Bên cạnh đó, quy hoạch trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng có sự kết nối với các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế khác của Trung Quốc như Quy hoạch kinh tế Vành đai sông Trường Giang và Quy hoạch hiệp đồng phát triển Bắc Kinh-Thiên Tân-Hồ Bắc…vv.
2.1.3.Giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong thúc đẩy triển khai Sáng kiến.
Vấn đề mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường là vấn đề được đặt ra đối với toàn bộ mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như đối với lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc xuất phát từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường đối với Trung Quốc cũng được phản ánh trong quá trình triển khai Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Thông báo của Hội nghị toàn thể Trung ương ĐCS Trung Quốc lần thứ 3 khóa 18 được tổ chức vào tháng 11/2013 cho biết, mấu chốt đểTrung Quốc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thị trường hiện đại, hệ thống kinh tế mở cửa, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế là làm cho thị trường giữ vai trò quyết định trong phân phối các nguồn lực. Trong đó, trọng tâm là xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Sáng kiến “Vành đai và con đường” được đưa ra trước đó không lâu, vào tháng 9 và tháng 10/2013, cho thấy Trung Quốc sớm đã nhận thức về tính chất quan trọng của việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường đối với quá trình thúc đẩy Sáng kiến. Trung Quốc đặt ra yêu cầu phát huy ưu thế thể chế chính trị (ĐCS độc quyền lãnh đạo) để tạo ra sự hiệp đồng, cùng triển khai thực hiện Sáng kiến một cách mạnh mẽ, hiệu quả và có trật tự.
Để thúc đẩy “Vành đai và con đường”, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng mô hình công tác toàn diện, nhiều tầng, nhiều hướng. Ở cấp trung ương, tháng 12/2014, Hội nghị của Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc về công tác kinh tế đã đề xuất coi việc xây dựng “Vành đai và con đường” là
nhiệm vụ công tác trọng điểm. Tháng 11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì tổ chức hội nghị lần thứ 8 Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế, nghiên cứu chuyên đề quy hoạch “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện cũng đã tiến hành thảo luận làm thế nào để kết hợp xây dựng “Vành đai và con đường” với phát triển ưu thế ngành nghề của Trung Quốc và tiến hành hợp tác quốc tế về khu vực sản xuất.
Các bộ ngành liên quan của Trung Quốc cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực kết nối thúc đẩy xây dựng “Vành đai và con đường”. Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Ủy ban Cải cách và phát triển, Bộ Giao thông, Ngân hàng Trung ươngTrung Quốc trong các công tác của mình 5 năm qua cũng thường xuyên nêu lên nhiệm vụ công tác trọng tâm liên quan thúc đẩy triển khai xây dựng “Vành đai và con đường”.
Ở cấp địa phương, các tỉnh “Vành đai và con đường” đi qua cũng chủ động đưa ra các phương án, tìm “đột phá khẩu chiến lược” để kết nối với Sáng kiến, coi Sáng kiến này là một trong những động lực phát triển của địa phương. Ngoài ra, có những tỉnh không trực tiếp ở trong quy hoạch “Vành đai và con đường” cũng tìm cách để tham gia vào trong quá trình triển khai xây dựng. Sự thúc đẩy từ cấp Trung ương, của Đảng và Chính phủ Trung Quốc đối với Sáng kiến “Vành đai và con đường” được biểu hiện qua sự coi trọng, nhấn mạnh trong các hội nghị các cấp, trong bố trí sắp xếp công tác nội bộ.
Trong các hội nghị quốc tế, các chuyến thăm chính thức, các lãnh đạo của Trung Quốc cũng trực tiếp giới thiệu quan điểm và chính sách của Trung Quốc về Sáng kiến “Vành đai và con đường”, nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế của “Vành đai và con đường”, tranh thủ sự tham gia và ủng hộ của các quốc gia. Tại Diễn đàn Bác Ngao 2015, quy hoạch cơ bản của Trung Quốc về Sáng kiến “Vành đai và con đường” được coi là nội dung trọng tâm để Trung Quốc giới thiệu với thế giới bên ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các dịp tham dự Hội nghị phi chính thức các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11/2014, Hội nghị G20, Hội nghị các nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương,
chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á vào tháng 9/2014, tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 6 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả-rập tháng 6/2014 cũng đều đề cập đến sáng kiến “Vành đai và con đường”. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tham gia Diễn đàn Davos vào tháng 01/2015, Hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải vào tháng 12/2014, Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc – các nước Trung-Đông-Âu lần thứ 3, Hội nghị các nhà lãnh đạo lần thứ 5 hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, Hội nghị cấp cao Á-Âu và tháng 10/2014 cũng đều đưa “Vành đai và con đường” vào trong nội dung phát biểu của mình. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, người được phân công phụ trách công tác “Vành đai và con đường”, cũng thông qua các dịp đi thăm hay gặp gỡ khách nước ngoài để tuyên truyền và thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và con đường”. Lãnh đạo quan trọng các bộ ngành và lãnh đạo các địa phương liên quan của Trung Quốc khi đi thăm nước ngoài cũng ra sức tuyên truyền về Sáng kiến “Vành đai và con đường” theo phân cấp của mình.
Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong Sáng kiến được giải quyết thông qua việc chính quyền các cấp có sự phối hợp hiệp đồng, thúc đẩy triển khai ở cả trong và ngoài nước từ đó tác động đến hành vi của thị trường, đồng thời, sức mạnh của Nhà nước cũng giúp cho các doanh nghiệp của Trung Quốc“đi ra ngoài” giảm được rủi ro, được sự hỗ trợ của Nhà nước về bảo hiểm tín dụng, tài chính và vốn. Trung Quốc xác định Sáng kiến và quy hoạch có thể do Nhà nước thúc đẩy, nhưng Nhà nước không thể bao hết. Trong quá trình này, Nhà nước không thể coi nhẹ và thay thế vai trò của thị trường mà phải phát huy đầy đủ vai trò của thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không đứng ngoài mà phải tuân theo quy luật thị trường, tìm kiếm những cơ hội mà “Vành đai và con đường” mang lại [60, tr262].
Các chủ thể thị trường, các loại doanh nghiệp của Trung Quốc như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tư nhân, doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… đều được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích tham gia và đóng vai trò tích cực trong triển khai Sáng kiến. Ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp nhà nước được xác định là chủ thể thị trường quan trọng của Sáng kiến. Trước hết, với tính chất thể chế chính trị của Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước có thể được coi là các công cụ để thi hành các quyết sách chính trị. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu của sáng kiến, Trung Quốc xác định lấy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng làm ưu tiên chủ yếu. Các dự án thầu về đường sắt, đường bộ, điện lực… đều cần huy động những nguồn lực lớn, mà trong các lĩnh vực này doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực và ưu thế nổi bật hơn.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động đầu tư ra bên ngoài từ trước đó thông qua chính sách “đi ra ngoài”. Khi Sáng kiến “Vành đai và con đường” được triển khai, có thể coi là cơ hội lớn, có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã trở thành “chiếc bánh to” mà các doanh nghiệp Trung Quốc muốn được chia phần [15, tr97]. Giữa Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp có sự hợp tác mật thiết trong quá trình triển khai Sáng kiến “Vành đai và con đường”, thể hiện ở chỗ, Chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về tình hình quốc gia mà doanh nghiệp định đến đầu tư như thông tin cơ bản về quốc gia, tình hình chính trị, tình hình các đảng phái và người dân… Do Chính phủ có khả năng thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện lãnh sự để tìm hiểu và nắm các thông tin, tình hình, đưa ra các báo cáo tường tận về tình hình từng nước, giúp các nhà đầu tư Trung Quốc nắm được các thông tin tin cậy. Trung Quốc cũng chú ý chấn chỉnh tâm lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là tâm lý đầu tư mù mờ, tâm lý phục tùng quá mức ưu tiên chính trị, tâm lý dựa vào kinh nghiệm đầu tư ở trong nước một cách giáo điều, tâm lý đầu tư đỏ đen… Tuy nhiên, sự “chấn chỉnh” cũng chỉ ở mức độ nhất định, việc các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân) đầu tư hay không đầu tư, phương thức đầu tư như thế nào… đều xuất phát từ hành vi thị trường, vì mục tiêu lợi nhuận. Mô hình mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chủ thể thị trường
(các doanh nghiệp) tự chủ đầu tư, tự chịu rủi ro và tự hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay đối với Trung Quốc, không chỉ các doanh nghiệp nhà nước mà ngay cả các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn như Alibaba, Huawei, Xiaomi… cũng được sự “chống lưng” của nhà nước, để thực hiện các mục tiêu chính sách của nhà nước Trung Quốc trong đó có chính sách ngoại giao kinh tế.