7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Hoạt động tài chính
Quá trình triển khai xây dựng Sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc chủ động đề xướng các cơ chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường tơ lụa…, đồng thời cũng tranh thủ các cơ chế hợp tác tài chính khu vực và thế giới để vừa giải quyết được nguồn dự trữ ngoại hối dư thừa vừa giúp thúc đẩy nguồn vốn của Trung Quốc “đi ra ngoài”, tăng cường lưu thông tiền tệ và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Thời gian qua, các cơ chế được Trung Quốc chú trọng gồm: Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đông Á và Thái Bình Dương (EMEAP), Hợp tác tài chính tiền tệ Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (10+3), Tổ chức Ngân hàng Trung ương Đông Nam Á (SEANCEN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương… Trung Quốc cũng triển khai các hoạt động hợp tác tài chính đa phương với các quốc gia tham gia “Vành đai và con đường”, với những hoạt động như: Diễn đàn hợp
tác khu vực Bangladesh – Trung Quốc - Ấn Độ - Mianma, Hội chợ triển lãm Trung Quốc – Á – Âu, Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Cơ chế hợp tác kinh tế khu vực Trung Á, thúc đẩy ký kết RCEP…
Với mục tiêu “thông tài chính, tiền tệ” được đề ra trong Sáng kiến, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao tài chính sẽ giúp cho hoạt động tài chính tiền tệ thâm nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế các nước, thúc đẩy các cơ chế liên kết, lĩnh vực kết nối khác trong Sáng kiến. Thông qua hoạt động ngoại giao tài chính, Trung Quốc bước đầu đã xây dựng được mạng lưới đối tác tiền tệ với 47 quốc gia. Những nước đối tác tiền tệ này có thể giúp đỡ về kỹ thuật và phối hợp về chính sách trong việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ theo phương diện chính thức, là cơ sở chính trị cho sự phát triển của đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc và Nga đã đạt được hiệp định mở rộng quy mô kết toán trực tiếp bằng đồng tiền của mỗi nước trong thương mại, đầu tư và cho vay, đặc biệt trong đó có cả kết toán bằng bản tệ trong mua bán dầu khí.
Trung Quốc sử dụng nguồn tài chính đa dạng, linh hoạt theo các khu vực và quốc gia. Đối với các nước láng giềng, Trung Quốc chú trọng đầu tư tài chính vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tại khu vực Nam Thái Bình Dương,Trung Quốc sử dụng tài chính để tài trợ dự án, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở Nam Thái Bình Dương. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Lowy/Úc, tổng viện trợ trị giá 1,3 tỷ USD của Trung Quốc và các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc nếu tính thêm các khoản viện trợ được cam kết sẽ lên tới 5,9 tỷ USD, gần bằng 1/3 tổng số tiền viện trợ được 62 quốc gia cam kết cung cấp cho 14 nước thuộc khu vực này. Tại khu vực châu Phi,Trung Quốc đầu tư vào các dự án kết nối hạ tầng, đường sắt Ethiopia - Djibouti, cung cấp nước xuyên biên giới, cùng với Djibouti khởi động dự án khu thương mại tự do. Các doanh nghiệp của Trung Quốc đang triển khai hỗ trợ châu Phi xây dựng tuyến đường bộ dài khoảng 3000 km, cảng biển năng lực bốc dỡ 85 triệu tấn, dự án phát điện 2000 MW và hơn 30.000 km đường dây truyền tải điện. Trong năm 2018, châu Phi trở thành một trong những khu vực được Trung Quốc cam kết đầu tư tài chính ở mức rất cao. Tại Diễn đàn Trung
Quốc - châu Phi 2018, Trung Quốc đã tuyên bố hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi, gồm cung cấp 15 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, các khoản vay không lãi suất và vay ưu đãi, cung cấp 20 tỷ tiền tín dụng, hỗ trợ lập quỹ tài chính phát triển Trung - Phi 10 tỷ USD và khoản tiền hỗ trợ nhập khẩu hàng hóa từ châu Phi, thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc trong 3 năm tới đầu tư không ít hơn 10 tỷ USD vào châu Phí. Đồng thời, Trung Quốc miễn giảm các khoản vay cho các nước nghèo châu Phi, triển khai các dự án song phương, Trung Quốc cam kết đầu tư 14,7 tỷ USD ở Nam Phi, ký hợp đồng EPC trị giá 4,4 tỷ USD với Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập để xây dựng nhà máy điện than sạch, ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Nigeria trị giá 2,5 tỷ USD [61].
Thông qua các cơ chế đa phương như AIIB để tăng cường đầu tư với đối tác, ưu tiên cho năng lượng, giao thông. AIIB là cơ chế tài chính nổi bật trong Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Tính đến tháng 12/2018, AIIB có hơn 90 quốc gia tham gia, trong đó các một số nước là đồng minh của Mỹ. Các nước tham gia vào AIIB xuất phát từ mong muốn tranh thủ được nguồn vốn từ AIIB để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối đầu tư, thương mại với các nước khác trong khu vực. Có thể, nhiều bên tham gia có suy nghĩ “không để lỡ chuyến tàu phát triển” mà Trung Quốc đang vận hành, Sáng kiến “Vành đai và con đường” có thể thành công hoặc thất bại trong tương lai, nhưng AIIB là một định chế tài chính mới, triển vọng phát triển có thể không chỉ gắn với “Vành đai và con đường”. Bên cạnh đó, Quỹ con đường tơ lụa cũng được khai thác mạnh mẽ. Đến 30/6/2018, Quỹ này đã ký 21 dự án, cam kết mức vốn đầu tư hơn 7,8 tỷ USD tại nhiều khu vực như Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, Tây Á, Bắc Phi và châu Âu, liên quan tới các lĩnh vực như phát triển điện, tài nguyên năng lượng, vận tải biển, cảng biển, giao thông, hóa dầu, thông tin, chế tạo, hợp tác tài chính ...