7. Cấu trúc của luận văn
2.2.4. Hoạt động viện trợ đối ngoại
Viện trợ đối ngoại là công cụ chính sách quan trọng của Trung Quốc trong việc tiến hành hợp tác về chính trị, kinh tế với các nước khác. Trung Quốc cho rằng, trong quá trình thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và con đường” cần phải mở rộng quy mô viện trợ đối ngoại, để từ đó phát huy vai trò tiên phong, nhằm thực
hiện thuận lợi Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Hiện nay, chế độ viện trợ của Trung Quốc chưa được kiện toàn, chưa có luật viện trợ, hệ thống quản lý viện trợ chưa có sự hiệp đồng. Những thách thức đặt ra cho Trung Quốc là làm sao thực hiện được chiến lược viện trợ, điều chỉnh kết cấu và số lượng của nguồn vốn viện trợ, nâng cao hiệu quả của viện trợ… Sáng kiến “Vành đai và con đường” mang lại động lực và cơ hội cho việc hoàn thiện viện trợ đối ngoại.
Lĩnh vực viện trợ đối ngoại được Trung Quốc tích cực triển khai trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” chủ yếu xuất phát từ các phương diện:
Thứ nhất là, về phương diện địa chính trị. Trong một thời gian dài, về ngoại giao, Trung Quốc thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời”, đã vượt qua được rất nhiều yếu tố bất lợi, để Trung Quốc có được khoảng thời gian quý giá cho phát triển. Nhưng trong thời gian đó, Trung Quốc rất ít khi được trở thành người chủ đạo các quy tắc và nghị trình quốc tế, thường tham gia với vai trò bị động, thích ứng với những biến đối của tình hình quốc tế. Cùng với việc địa vị chính trị và kinh tế tăng lên, nhiều mâu thuẫn và xung đột quốc tế khiến cho Trung Quốc không thể tiếp tục lựa chọn chính sách lảng tránh, nhất là trong tình huống bị một số quốc gia với Mỹ đứng đầu tiến hành bao vây về kinh tế, Trung Quốc phải tham gia, gây ảnh hưởng hoặc là chủ đạo trong xây dựng các chế độ quốc tế phù hợp với lợi ích của bản thân mình, nếu không sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc sẽ bị sự hạn chế lớn hơn nữa. Viện trợ đối ngoại góp phần gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia, tăng thêm quyền phát ngôn cho Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, hóa giải những nguy cơ bị kiềm chế từ bên ngoài.
Thứ hai là, Trung Quốc cho rằng nước này đã đạt được những thành tích đáng kể trong vấn đề chống đói nghèo trong nước và hiện nay cần xem xét đến thúc đẩy sự phát triển toàn cầu. Trung Quốc luôn nêu bật vai trò của LHQ trong toàn cầu hóa và duy trì chủ nghĩa đã phương, việc thúc đẩy viện trợ đối ngoại sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhân loại của LHQ. Thông qua hợp tác và hỗ trợ cùng phát triển đã trở thành mục tiêu nhất trí của cộng đồng quốc tế
“Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ LHQ”, “Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030” đều nhấn mạnh, phát triển là chủ đề thời đại không tranh cãi trong thế giới ngày nay.
Thứ ba, các nước dọc tuyến Sáng kiến “Vành đai và con đường” đa số là các quốc gia có nền kinh tế và cơ sở hạ tầng lạc hậu, đặc biệt là thiếu sự triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, những hạn chế về năng lực đầu tư, thương mại và nguồn lực. Sáng kiến “Vành đai và con đường” đề ra nội dung hợp tác giữa các quốc gia thông qua nguyên tắc “5 thông”, nhưng có những nội dung hợp tác, dự án cần nguồn vốn lớn, trong khi đó nguồn lực của nước sở tại không đáp ứng được, nên ở mức độ nào đó phải phụ thuộc vào nguồn vốn, nhân lực, kỹ thuật từ viện trợ của Trung Quốc. Vì vậy, viện trợ đối ngoại là cần thiết trong Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Trong tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt tuyên bố về việc thành lập Quỹ hợp tác Nam-Nam về biến đổi khí hậu với số tiền 20 tỉ NDT để ủng hộ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập Quỹ Viện trợ hợp tác Nam-Nam với số tiền 2 tỉ USD ủng hộ các nước đang phát triển thực hiện nghị trình phát triển sau năm 2015; thành lập Quỹ Phát triển và hòa bình Trung Quốc-LHQ với số tiền 1 tỉ USD trong 10 năm, trong đó một phần của Quỹ được dùng để hỗ trợ hành động gìn giữ hòa bình của LHQ.Trung Quốc đã có những thay đổi lớn về phương thức, quy mô và nội dung viện trợ đối ngoại kể từ khi đề xướng Sáng kiến “Vành đai và con đường” [60, tr299]. Đối với Sáng kiến “Vành đai và con đường”, viện trợ đối ngoại phục vụ cho các mục tiêu chiến lược lớn đã đề ra là tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng thuận lợi về chính trị, xã hội ở các quốc gia và khu vực bao trùm của Sáng kiến.
2.3. Kết quả bƣớc đầu và một số phản ứng của các nƣớc đối với Sáng kiến
2.3.1. Một số kết quả bước đầu
Trong 5 năm qua, dưới sự thúc đẩy của hoạt động ngoại giao các cấp, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với 30 quốc gia dọc tuyến “Vành đai và
Con đường” như Tadzhikistan, Hungary, Israel, Madagascar đã được nâng cấp. Năm 2017, có 50 hiệp định hợp tác các loại trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” được ký kết mới, chiếm gần ½ tổng số hiệp định đã ký trong 5 năm; trong đó, hiệp định về hợp tác chiến lược, kết nối chính sách và kinh tế thương mại chiếm 50% [64]. Biện pháp ngoại giao kinh tế Trung Quốc vận dụng trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã đạt được những kết quả ban đầu, đóng góp vào “thành tựu chung” của quá trình triển khai Sáng kiến.
Theo thống kê về quan hệ ngoại giao với các nước, Trung Quốc duy trì cấp quan hệ đối tác chiến lược trở lên với 56,34% các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường” với nhiều lợi ích chung từ hợp tác song phương. Về quan hệ mật thiết trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trao đổi với Nga, Philippines, Campuchia và các quốc gia láng giềng chiếm tần suất lớn nhất. Tính đến tháng 4/2018, Trung Quốc đã ký kết 88 Thông cáo chung/Thông cáo với 44 quốc gia “Vành đai và Con đường”. Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy để các văn kiện về chính sách ngày càng hoàn thiện, cùng hợp tác với nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực hơn.
Hợp tác đầu tư kinh tế, thương mại của Trung Quốc và các nước tham gia “Vành đai và Con đường” bước đầu đã thể hiện được những kết quả, hợp tác thương mại và đầu tư được mở rộng hơn trong vòng 5 năm qua. Từ năm 2013 đến năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước dọc tuyến “Vành đai và Con đường” đạt 6.975,623 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng thương mại với các nước liên quan cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng thể với nước ngoài của Trung Quốc, trở thành sức mạnh quan trọng để thúc đẩy ngoại thương Trung Quốc nhanh chóng phục hồi trong điều kiện bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố trong nước và quốc tế. Sản phẩm xuất khẩu chính của Trung Quốc sang các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường” là máy móc điện tử; về các sản phẩm nhập khẩu, trang thiết bị điện cơ khí và nhiên liệu hóa thạch chiếm tỉ lệ lớn nhất. Các doanh nghiệp tư nhân được coi là quân chủ lực về thương mại của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đã đóng góp 43% kim ngạch thương mại.
Đại Dương, Tây Á chiếm tỉ lệ cao. Năm 2017, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Nga là các đối tác thương mại “Vành đai và Con đường” chính của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khu vực Trung Á là khu vực có tốc độ giao lưu thương mại nhanh nhất với Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Qatar, Mông Cổ và Kazakhstan đều vượt hơn 35%, là khu vực trọng điểm cho hợp tác thương mại thời gian tới.
Từ năm 2013 đến năm 2018, việc xây dựng hệ thống đầu tư tài chính của Trung Quốc đã được thúc đẩy, mức độ hỗ trợ tài chính để phát triển chính sách tiếp tục được đẩy mạnh, cơ chế đầu tư tài chính song phương, đa phương phát triển nhanh, tạo chỗ dựa hiệu quả cho việc triển khai “Vành đai và Con đường”. Đến cuối tháng 7/2018, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có tổng cộng 87 thành viên đến từ hơn 60% các đối tác nhỏ của “Vành đai và Con đường”; có thêm các thành viên mới là Afghanistan, Đông Timor, Hungary, Ethiopia, Lebanon so với năm 2017. Hiện nay, AIIB đang triển khai 28 dự án tại 13 quốc gia với tổng nguồn vốn hơn 5,3 tỷ USD.
Trung Quốc đã đầu tư 40 tỷ USD cho Quỹ Con đường tơ lụa, tháng 5/2017 bổ sung thêm 100 tỷ NDT, hiện đã ký kết 19 dự án, cam kết đầu tư 7 tỷ USD, hỗ trợ các dự án với tổng nguồn vốn 80 tỷ USD. Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác tài chính, Trung Quốc và các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường” cũng nỗ lực cải thiện môi trường hỗ trợ tài chính. Các ngân hàng có nguồn vốn Trung Quốc ngày càng mở rộng ở nước ngoài, 24 quốc gia thành lập 102 chi nhánh các ngân hàng có nguồn vốn Trung Quốc, trong đó Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan chiếm số lượng nhiều nhất.
Hệ thống thanh toán xuyên quốc gia đồng NDT cũng đã có mặt tại 165 ngân hàng của 40 nước “Vành đai và Con đường” như Nga, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan. Các quốc gia tham gia “Vành đai và Con đường” đã có hơn 50 dịch vụ tiếp nhận mở thẻ liên ngân hàng, tổng số thẻ được mở là hơn 25 triệu thẻ, có hơn 5,4 triệu doanh nghiệp tham gia, tăng gấp 14 lần so với con số Sáng kiến đề xuất trước đó và 680.000 cây ATM được mở, cao
hơn gần 3 lần so với dự kiến [64].
Nhìn tổng thể, dưới sự triển khai mạnh mẽ các biện pháp ngoại giao kinh tế trong Sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc đã vẽ nên một viễn cảnh hợp tác quốc tế, trọng tâm là hợp tác kinh tế, có sức hút đối với các nước để từ đó tập hợp được ngày càng nhiều lực lượng ủng hộ, tham gia Sáng kiến. Đây là kết quả mang ý nghĩa chính trị nổi bật. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác về thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, xây dựng cơ sở hạ tầng… được triển khai ở các nước cũng đã được thúc đẩy nhờ “động lực” và “quyết tâm” từ Sáng kiến. Bên cạnh những kết quả, “thành tích” đã đạt được, Sáng kiến “Vành đai và con đường” vẫn còn có những hạn chế, đang được Trung Quốc điều chỉnh, khắc phục (phụ lục 5, phỏng vấn PGS.TS Phùng Thị Huệ, Nguyên Viện phó Viện
Nghiên cứu Trung Quốc/ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); đồng thời
cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho ngoại giao kinh tế của Trung Quốc nhằm hoàn thành “viễn cảnh” của Sáng kiến mà ban lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra.
2.3.2. Phản ứng của các nước
Kể từ khi ý tưởng về xây dựng “Vành đai và con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lên vào năm 2013, thái độ và phản ứng của các nước đối với Sáng kiến có những diễn biến khác nhau, ở các cấp độ khác nhau. Quá trình phản ứng của các nước có thể trải qua những giai đoạn như hoài nghi – thận trọng - ủng hộ hoặc phản đối; cũng có những nước dù đã thể hiện sự ủng hộ chính thức, nhưng sự hoài nghi hay phản đối vẫn còn tồn tại trong xã hội nước đó. Tuy nhiên, xu thế chung là số lượng các nước quan tâm, ủng hộ và tham gia cùng Trung Quốc xây dựng “Vành đai và con đường” có xu hướng gia tăng rõ rệt [6, tr105]. Như tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” được Trung Quốc tổ chức vào tháng 5/2017, dù truyền thông Trung Quốc đã cố gắng tuyên truyền về tầm mức quan trọng của sự kiện, nhưng không thể phủ nhận Diễn đàn này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như số lượng đại biểu tham gia.
Những nghi ngờ của các nước (trước hết là trong giới học giả và người dân ở các nước vốn có tâm lý, thái độ cảnh giác với Trung Quốc) chủ yếu liên quan đến các yếu tố như: Mục tiêu chính trị mà Trung Quốc mong muốn đạt được thông qua Sáng kiến là gì, trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng đến thực hiện mục tiêu cường quốc toàn diện của thế giới? Những tác động, ảnh hưởng của Sáng kiến đối với từng quốc gia, khu vực dọc tuyến đường là gì, nhất là đối với các quốc gia tồn tại nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc (tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vấn đề do lịch sử để lại, vấn đề thâm hụt thương mại, tâm lý xã hội sợ hoặc ghét Trung Quốc…)? Tuy nhiên, cần nhìn nhận, thái độ hay phản ứng của mỗi nước đối với Sáng kiến của Trung Quốc không phải hoàn toàn là đồng nhất. Có nước chính quyền trung ương tỏ thái độ không ủng hộ, nhưng trong xã hội có bộ phận người dân, thậm chí quan chức vẫn tỏ thái độ ủng hộ dù không đại diện cho chính quyền; hoặc có những nước được đánh giá là “tham gia nhiệt tình” vào Sáng kiến của Trung Quốc, nhưng nội bộ bị chia rẽ vì chính những vấn đề gặp phải khi bắt tay hợp tác với Trung Quốc.
Thái độ hay phản ứng của các nước cũng có thể thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác dưới tác động của bối cảnh, xu thế tình hình kinh tế, chính trị quốc tế và bản thân mỗi quốc gia. Ban đầu có thể là nghi ngờ hoặc tuyên bố đứng ngoài, nhưng qua một thời gian, quá trình quan sát, nghiên cứu, thử nghiệm đã quay sang ủng hộ, bắt tay hợp tác với Trung Quốc. Những hiện tượng trên đây đều có xuất phát từ cách nhìn nhận về lợi ích quốc gia, dân tộc của mỗi nước trong quan hệ quốc tế.
Những nước có thái độ không ủng hộ, điển hình là Mỹ, Ấn Độ, trong thời kỳ đầu có thể kể đến Nhật Bản.
Đối với Mỹ, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, mặc dù về mặt ngoại
giao, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Một số quan chức và ngay cả Tổng thống D. Trump, trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã bày tỏ hi vọng sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các dự án
liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Tuy nhiên, trên thực tế phản ứng của chính quyền Mỹ đối với việc triển khai xây dựng Sáng kiến “Vành đai và con đường” không giống như phát biểu. Mỹ không tham gia ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng và khi Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” với sự tham dự của nhiều nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ của các nước và tổ chức quốc tế thì Mỹ chỉ cử phái đoàn tham dự ở cấp thấp (Matt Pottinger, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là Giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia về châu Á làm trưởng đoàn) [23, tr159]. Mỹ giải thích công khai việc đứng ngoài Sáng kiến của Trung Quốc là vì tính minh bạch, chuẩn mực tài chính… của Sáng kiến này chưa cao, chưa đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế và của Mỹ. Ở khía cạnh khác, xét trong mối quan hệ Trung – Mỹ hiện nay, vấn đề cạnh tranh giữa hai nước đang được đẩy lên cao và trên nhiều lĩnh vực (gần đây nhất là cuộc chiến thương mại giữa hai nước, những bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông…).
Mỹ đã chính thức nhìn nhận Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, cạnh tranh quyết liệt và thách thức vị trí lãnh đạo trật tự thế giới mà Mỹ đã thiết lập.