7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Thuận lợi
3.1.2. Bối cảnh trong nước Trung Quốc
- Tiềm lực kinh tế to lớn của Trung Quốc. Qua gần 40 năm cải cách mở cửa, nền kinh tế của Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, đứng thứ hai thế giới về tổng lượng kinh tế (năm 2010), chỉ xếp sau Mỹ. Dữ trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt trên 3000 tỉ USD.Trung Quốc có sự phát triển mạnh trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… đặc biệt, Trung Quốc có được những thành tựu lớn trong phát triển khoa học và công nghệ, cùng với tiềm lực về sức lao động dồi dào, Trung Quốc có đủ các điều kiện về kinh tế, tài chính, công nghệ để triển khai các hạng mục trong Sáng kiến.
- Vị thế chính trị, ngoại giao của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Trung Quốc đề xướng và triển khai xây dựng Sáng kiến với sự tự tin lớn của một quốc gia đang vươn lên trở thành một cường quốc thế giới, đồng thời việc triển khai Sáng kiến cũng phục vụ cho mục tiêu trở thành một cường quốc thế giới của Trung Quốc. Trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện mong muốn xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu, nâng cao vai trò và tiếng nói của Trung Quốc trong các sự vụ của quốc tế. Đối với khu vực châu Á, Trung Quốc tích cực đưa ra các quan điểm về “công việc của châu Á do người châu Á quyết định” qua đó muốn loại bỏ sự can dự và ảnh hưởng của các nước lớn bên ngoài vào khu vực châu Á, nhất là trong vấn đề an ninh. Trung Quốc cũng chủ động tham gia một cách tích cực, hướng đến vai trò dẫn dắt trong các diễn đàn, cơ chế hợp tác kinh tế của khu vực và thế giới như APEC, WTO, IMF…
- Sự ủng hộ từ trong nước. Sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng như những mục tiêu chiến lược lớn như “hai mục tiêu trăm năm”, “giấc mộng Trung Quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” do Ban lãnh đạo Trung Quốc đề ra đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc của toàn thể người dân Trung Quốc về một lịch sử dân tộc vĩ đại cũng như tương lai tươi sáng về một cường quốc hàng đầu thế giới. Lòng tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc trở thành sức mạnh tinh thần, đoàn kết người dân chung tay, góp sức cùng Đảng và Nhà nước phấn đấu thực hiện những mục tiêu đề ra. Mặt khác, thể chế chính trị do duy nhất một đảng nắm quyền, có sự lãnh đạo tập trung và thống nhất tuyệt đối trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách. Chính vì vậy, việc Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc đề xướng và triển khai xây dựng Sáng kiến “Vành đai và con đường” có được “sự ủng hộ to lớn của người dân” trong một hệ thống chính trị mà các tiếng nói phản biện, quan điểm phản đối, chỉ trích đối với Sáng kiến bị kiểm soát chặt chẽ.
- Kinh nghiệm về ngoại giao kinh tế được đúc rút từ thực tiễn quá trình mở cửa hội nhập quốc tế giúp Trung Quốc triển khai Sáng kiến một cách thuận lợi, phù hợp xu thế và tình hình quốc tế. Quá trình cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế là quá trình tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và vận dụng trong thực tiễn. Sáng kiến “Vành đai và con đường” được đánh giá là một sáng kiến lớn nhất về hợp tác kinh tế từ trước đến nay của Trung Quốc, là một chiến lược đối ngoại đã bao hàm trong đó nhiều biện pháp, cách thức, mục tiêu lớn, bao trùm những khu vực rộng lớn của thế giới, với quy mô kinh tế to lớn và không ngừng được mở rộng. Chính vì vậy, ngay từ khi nhen nhóm ý tưởng, đề ra quy hoạch cho đến tiến hành triển khai, Trung Quốc đã có sự tính toán kỹ về nhiều mặt trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai các biện pháp ngoại giao kinh tế để đảm bảo cho sự thành công của Sáng kiến.
- Sáng kiến “Vành đai và con đường” được triển khai trên cơ sở tổng hợp vào trong nó những biện pháp, hoạt động ngoại giao kinh tế Trung Quốc đã triển khai trước đó, ở tại ngay khu vực địa lý mà Sáng kiến đi qua. Trung Quốc coi đó
là “sự kết nối” với Sáng kiến, về bản chất các hoạt động ngoại giao kinh tế đó vẫn được tiến hành bình thường, nhưng được thúc đẩy hơn và được coi nằm trong một khuôn khổ tổng hợp là Sáng kiến “Vành đai và con đường”.