Vị trí thể loại chân dung văn học trong sáng tác của M.Gorky

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 28 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Vị trí thể loại chân dung văn học trong sáng tác của M.Gorky

M.Gorky (1864-1934) là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản, là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đời hoạt động văn học ngót nửa thế kỉ, ông đã để lại một sự nghiệp chói lọi, một di sản sáng tác khổng lồ, nó là niềm tự hào của nhân dân Nga và của cả loài người tiến bộ.

M.Gorky sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, ký, hồi ký, chính luận, kịch, phê bình văn học… Ông sáng tác qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường khác nhau, điểm nổi bật trong những sáng tác đó là sự đa dạng về phong cách “tính chất nhiều tính cách và nhiều phong cách”. Ông vừa là nhà văn lãng mạn, vừa là nhà văn hiện thực. Điều đó tạo nên sự độc đáo riêng biệt trong phong cách của M.Gorky. Trong mọi lĩnh vực, thiên tài nghệ thuật của ông đều chiếm lĩnh những đỉnh cao chót vót… Tuy nhiên, có thể nói M.Gorky là bậc thầy về truyện ngắn và chân dung văn học. Mặc dù viết về chân dung vẫn đang còn là một thể loại mới nhưng M.Gorky đã thực sự thành công ở thể loại này và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Thể loại chân dung văn học được thể hiện rõ trong cuốn “ Bàn về văn học” của Gorky. Đánh giá cao tài năng của M.Gorky, V.Lenin coi ông là “đại diện vĩ đại nhất của nghệ thuật vô sản” là niềm tự hào của dân tộc Nga.

Nói đến M.Gorky là nói đến một con người vĩ đại về bản lĩnh sống, “cánh chim báo bão” của cách mạng Nga. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với những biến đổi thăng trầm của lịch sử Nga và cuộc sống của quần chúng nhân dân lao khổ. Với quan niệm “Tôi đến với cuộc đời để mà không thỏa thuận”, nhà văn nguyện suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho mọi người: “Con người Gorky, tình yêu lớn đối với cuộc sống và lòng phẫn nộ đối với những gì chà đạp lên cuộc sống, tư tưởng cách mạng của ông, đã đi vòng quanh thế giới, trở thành một phần tình cảm, một phần suy nghĩ của nhân dân, trở thành một sự nghiệp giải phóng của những người bị áp bức và sự nghiệp xây dựng thế giới của những hôm qua còn là nô lệ” [7, tr.294]. Vì thế, sự nghiệp của nhà văn đã là đối tượng cho nhiều nhà phê bình, nghiên cứu.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, dường như M. Gorky đều gặt hái được những thành công vang dội, trong đó phải kể đến là thể loại chân dung văn học. Khi nói đến công trình viết chân dung văn học của Maxim Gorky thì không thể không nói đến tác phẩm M.Gorky viết về chân dung nhà văn hiện thực L.Tolstoy. Những cuộc tiếp xúc với Tolstoy đã giúp Gorky viết nên cuốn hồi ký về tác giả Chiến tranh và Hòa bình. Trong tác phẩm, Tolstoy xuất hiện như một “vị thánh của nước Nga, ngồi trên chiếc ngai bằng gỗ thích dưới một tán cây bằng vàng”. Ở đó M.Gorky đã nói đến “ngàn cái nhìn của Tolstoy”:

Tuy mang vẻ hoang dã, đôi mắt L.Tolstoy lại tỏa ra ánh sáng của trí tuệ minh triết, thấu tỏ bao sự vật, từ những cái nhỏ đến những cái lớn lao, vĩ đại lay chuyển cả lịch sử loài người. Có thể nói ánh mắt L.Tolstoy biểu hiện tâm hồn của một kẻ đã đạt đến đỉnh cao của sự thông tuệ và lại quay trở về vẻ giản dị, hoang sơ. Ngoài ánh mắt, L.Tolstoy còn có đôi bàn tay rất đặc biệt mà các họa sĩ và những thợ chụp ảnh có lẽ đã không chú ý đến. M.Gorky, người biết Tolstoy những năm tuổi già, đã viết về L.Tolstoy: “Ông có đôi bàn tay kỳ diệu! Chúng không đẹp, gồ ghề những đường gân máu lớn nhưng đầy sức

biểu cảm và năng lực sáng tạo. Có lẽ Leonardo da Vinci cũng có đôi bàn tay như thế. Với đôi tay đó người ta có thể làm được bất cứ điều gì”. L.Tolstoy có thể thể hiện tình cảm và suy nghĩ bằng đôi bàn tay mà M.Gorky nhớ L.Tolstoy lúc chơi bài (một thú đam mê của văn hào): “Ông chơi nghiêm túc và hăng hái. Đôi tay ông trở nên bị kích động khi nhặt những lá bài lên, hệt như ông đang giữ giữa các ngón tay những con chim sống động chứ không phải là những mảnh bìa vô tri vô giác” và “ông động đậy những ngón tay, dần dần gom lại thành nắm đấm, rồi bỗng nhiên xòe chúng ra, đồng thời thốt ra một câu rất hay và đầy trọng lượng”…

Khi Gorky gặp Tolstoy năm 1900, hai người đều là những cây bút vĩ đại của nền văn học Nga. Nhưng lúc này, Tolstoy đã từ bỏ văn chương, say mê đắm chìm trong niềm tin tôn giáo của mình. Tolstoy biến mình thành đấng cứu thế của nước Nga. Ông ăn mặc như nông dân, đi khắp nơi rao giảng về quan điểm bất bạo động và sự tôn trọng những giá trị tinh thần của con người cá nhân. Giữa Tolstoy và Gorky là một sự cách biệt lớn lao: Tolstoy hơn Gorky 40 tuổi; Tolstoy dòng dõi đại quý tộc, Gorky xuất thân từ tầng lớp lao động; Tolstoy không muốn dùng bạo lực chống lại cái ác, Gorky muốn làm cách mạng; Tolstoy tin vào Chúa, Gorky là người vô thần;… Tuy nhiên, giữa họ lại có mối quan hệ gần như là ruột thịt, bởi chảy trong huyết quản của họ đều là dòng máu của nghệ thuật, của văn chương và của tình yêu thương con người. Nghệ thuật của Gorky được tôn vinh ở thế kỷ XX, song nguồn cội của nó là thế kỷ XIX, là thời đại của Tolstoy.

M.Gorky nổi tiếng với câu nói “Văn học là nhân học”, vì vậy những tác phẩm của ông đều có những nét đặc sắc về nội dung, tư tưởng, mang đậm tính nhân văn. Từ những chân dung văn học, ông đã làm thay đổi những ấn tượng của độc giả về những con người ấy. Ông đã xoá tan khoảng cách ranh giới giữa người nổi tiếng với những người bình thường, đã vén màn sương huyền ảo để tiết lộ một sự thật, không phải cứ những gì thần tượng đều trở nên

thiêng liêng và có những hành động cao siêu như thần thánh. Từ những chân dung văn học, M.Gorky đã cho ta nhìn thấy cuộc sống đời thường của các nhà văn, thấy họ là những con người như chúng ta, có khi còn nghèo khó, túng quẫn và nhếch nhác. “Với những truyện ngắn của mình, Gorky đã mang vào văn học một luồng gió mới đã buộc những người đương thời phải thay đổi những suy nghĩ đã thành nếp của mình về con người, về cuộc đời và cả văn học, thúc giục họ hành động, tiến lên để bước cùng một nhịp với đời sống anh hùng, thời đại bão táp cách mạng mà bản thân ông đã được mệnh danh là Con chim báo bão” (Đỗ Xuân Hà). Những quan niệm về văn chương của M.Gorky đều đã được nhà văn thể hiện rõ trong tác phẩm của mình. Sự nghiệp cầm bút của mình, M. Gorky đặc biệt chú ý đến chân dung những người nghệ sĩ lớn, nổi tiếng trước và sau ông, ông coi họ như là những tấm gương để soi vào đó mà học hỏi, tôi đúc và rèn luyện bản thân. Cách nhìn nhận tiến bộ ấy đã được ông đúc kết trong cuốn sách Gorky bàn về văn học

cùng nhiều tác phẩm khác của nhà văn nữa.

Cuộc đời nhà văn M.Gorky là một huyền thoại: một con người từ “dưới đáy” xã hội, hoàn toàn bằng con đường tự học đã vươn lên thành một nhà văn vĩ đại. Mọi người nói ông là người vô thần, ông không tin vào Chúa. Điều đó có lẽ cũng không hoàn toàn đúng. Trong ông luôn có một vị Chúa toàn năng: đó là “Con Người viết hoa” - con người của lao động, của tự do, con người luôn kiếm tìm sự thật, kiếm tìm chân lý - con người đó luôn có thể vượt lên tất cả, làm được tất cả. Và chính ông, bằng cuộc đời và sáng tạo của mình đã là một minh chứng thật hùng hồn cho sức mạnh của “Con Người viết hoa” đó. Thông qua các tác phẩm văn chương của mình, đặc biệt là trong cuốn Bàn về văn học cùng nhiều tác phẩm chân dung văn học khác, nhà văn đã khẳng định một cách hùng hồn về niềm tin cũng như sức mạnh của con người. Trân trọng và đề cao con người cũng là một mục đích nhân văn cao

đẹp mà văn học hướng tới. Đó cũng là lý do vì sao tác phẩm của M.Gorky sống mãi với thời gian và trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 28 - 32)