Thông qua tác phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 56 - 60)

6. Cấu trúc luận văn

2.2 Cách tiếp cận đối tƣợng

2.2.2. Thông qua tác phẩm

Phản ánh hiện thực là một thuộc tính của văn nghệ. Hiện thực là cơ sở, là nguồn gốc của ý thức, mà văn nghệ là một hình thái ý thức, một hình thái nhận thức. Do vậy, tất yếu hiện thực phải là cơ sở, là mảnh đất nuôi dưỡng văn học. Hiện thực cuộc sống là muôn hình muôn vẻ nên phạm vi hiện thực mà văn học hướng tới cũng đa dạng phong phú như tự nhiên, xã hội, con người, quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhưng giữa hiện thực bao la ấy, điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là sự quan sát, nghiền ngẫm về con người, bởi “văn học là nhân học”. Chân dung văn học có thể gọi là một thứ bút ký về người thật, việc thật, mà người thật ở đây là một nhà văn, một người nghệ sĩ. Chân dung con người tài năng ấy đươc hiện lên rõ nhất thông qua các tác phẩm của chính họ. Mỗi tác phẩm phản ánh tâm hồn của người viết.

Chân dung của Andersen được K.Paustovsky dựng lên nhờ những “truyện cổ tích của Andersen”. Thông qua tác phẩm, biết được tiểu sử của Andersen, tác giả đã có những “hình dung đời ông như một bức tranh thú vị, giống những hình vẽ minh họa truyện của ông”. Đó là “người kể chuyện cổ tích vui tính nước Đan Mạch”. Và tác giả cũng cho ta thấy được chân dung Andersen “đau khổ nhưng không khuất phục”. Một con người có tài ứng tác đầy hào hứng và người có tài chiếm lĩnh tâm hồn người- cả trẻ con lẫn người lớn.

Cũng dựa trên một số truyện ngắn: Phòng số 6, Câu chuyện đáng ngán, Người đàn bà phù phiếm, K.Paustovsky đã dựng chân dung một Chekhov có tài chuẩn đoán tâm lý mẫu mực. Văn ông chính xác, có tính phân tích và sắc như dao giải phẫu. Và K.Paustovsky cũng thông qua tác phẩm Những người khốn khổ để cho ta thấy chân dung Victor Hugo là “hiệp sĩ của tự do”. Ông là sứ giả, là người đưa tin, là người hát rong ca ngợi tự do. Tác phẩm Những người khốn khổ đã đưa Paris trở thành quê hương của K.Paustovsky . Chưa bao giờ nhìn thấy Paris nhưng đọc tác phẩm của Hugo, tình yêu đối với thành phố ánh sáng này của K.Paustovsky ngày càng vững chắc. K.Paustovsky đã khẳng định rằng: “Victor Hugo đã gợi lên cho nhiều người trong chúng ta tình yêu đầu tiên đối với Paris và chúng ta mang ơn ông vì điều đó. Nhất là những ai đã được hạnh phúc trông thấy thành phố vĩ đại này” [62, tr.214].

Chỉ dựa trên một đoạn văn trong tác phẩm của Prishvin mà K.Paustovsky đã dựng lên chân dung nhà văn, nhà thơ Prishvin được coi là cao thủ trong việc kết hợp mềm dẻo những từ ngữ đơn giản làm cho mọi vật được miêu tả gần như có thể sờ mó thấy. “Ngôn ngữ của Prishvin là ngôn ngữ nhân dân. Nó hình thành trong sự chung đụng chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong cái đơn giản và sáng suốt của tính cách nhân dân” [62, tr.218]. “Và sông Dubna bình thường bỗng lấp lánh lên dưới ngòi bút của ông, giữa những đám sương mù và những buổi hoàng hôn âm ỉ cháy, giống như một phát hiện địa lý, một phát minh, một trong những dòng sông thi vị nhất của đất nước với cuộc sống riêng, cây cỏ riêng”. [62, tr.220].

Hay thông qua tác phẩm Thác xanh Teeluri, K.Paustovsky đã tái dựng một Alexander Grin luôn thèm khát được hòa mình vào trong cuộc sống tự do miền biển. “Người ta ngất ngây say vì rượu vang, vì ánh sáng mặt trời lấp lánh, vì niềm vui vô tự lự, vì cái hào nhoáng của cuộc đời, cuộc đời khong bao giờ mệt mỏi dẫn chúng ta vào cái hào hoa và cái mát mẻ của những ngóc ngách đầy cám dỗ của nó và sau hết say sưa vị cảm giác về cao đẹp. Tất cả những điều đó đều có trong truyện ngắn của Grin” [62, tr.226].

Trong Bàn về văn học, một Balzac vĩ đại được thể hiện rõ nhất qua những tác phẩm của ông. Đó là cuốn Miếng da lừa, Lão GôriôTấn trò đời. Sau khi đọc hết toàn tập tác phẩm của Balzac: “Tôi đã đọc hết bộ sách này hai lần và đến đây tôi đã hiểu được cái vĩ đại của nhà văn này, quy mô anh hùng ca của tài năng ông đã khiến tôi kinh ngạc và say mê. Chiều rộng của tầm nhìn, sự táo bạo của tư tưởng, tính chân xác của ngôn từ và những điều tiên đoán thiên tài về tương lai – mà trong đó có nhiều điều ngày nay đã xác nhận – khiến ông trở thành một trong những người thầy vĩ đại nhất của nhân loại”. [21, tr.150]. “Ví thử không có Balzac, tôi sẽ ít hiểu được nước Pháp hơn, cái nước Pháp mà trước kia cũng như giờ đây vẫn đi ở hàng đầu nhân loại, luôn luôn tìm ra trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác những hình thức sáng tạo mới, những hình thức sinh hoạt mới…” [21, tr.150]. Đối với M.Gorky, Balzac không chỉ là một thần tượng mà còn một người mà ông chịu ơn: “Tôi không ý thức được cho rõ, tôi không biết bản thân tôi đã chịu ơn Balzac những gì, nhưng có một điều không còn hồ nghi được nữa, là đối với nền văn học Nga nói chung, ông đã có một ảnh hưởng quan trọng. Chính L.Tolstoy đã xác nhận điều đó” [21, tr.151]. Chính vì điều này mà khi nhắc đến Balzac, M.Gorky đều không nén được xúc động: “Những cuốn sách của Balzac đối với tôi thân thiết hơn cả vì tình thương yêu đối với con người, vì sự hiểu biết kỳ diệu đối với cuộc sống mà tôi bao giờ cũng cảm thấy có trong sáng tác củ ông với một nỗi xúc động mạnh và một niềm vui lớn”.

M.Gorky xây dựng một Dostoevsky thông qua những nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn này như Anh em Karamazôp, Bút ký dưới căn hầm, Láng Xtepantsikovo và cư dân của nó, Những người bị ma ám, Tội ác và trừng phạt. Qua đó, Dostoevsky hiện lên là “một đao phủ thủ vĩ đại và là một con người mang một lương tâm bệnh tật, cái mà ông thích mô tả chính là tâm hồn đen tối, phức tạp, ghê tởm đó” [21, tr.155].

Với Gorky, Pushkin là một thiên tài. Điều này được thể hiện rõ thông qua những vần thơ trữ tình tuyệt diệu, những thiên trường ca hùng tráng và đầy trí tuệ như Người kỵ sĩ đồng, Pontava, những truyện cổ tích tuyệt đẹp như

Ruxlan và Lutmita, Nàng tiên nước hay những truyện cổ tích chứa trí tuệ của nhân dân Nga như Truyện con gà trống vàng, Truyện người ngư dân và con cá, Truyện ông cố đạo và bác làm công Banđa. Đó là tác giả của những vở kịch lịch sử ưu tú nhất của nền văn học Nga với vở kịch đình đám Borix Gôđunôp. Ở lĩnh vực văn xuôi, với cái nhìn của một nhà sử học, Pushkin đã viết lên cuốn tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy. Với thể loại truyện ngắn, ông đã để lại cho nhân dân Nga và thế giới Con đầm pích, Người coi trạm…. Có thể nói Gorky đã xây dựng một Pushkin tài hoa, mà tất cả những tác giả Nga vĩ đại sau này đều coi ông là thủy tổ tinh thần của mình.

Về chân dung R.Rolland, Gorky đã xây dựng ông qua các tác phẩm Bi kịch của lòng tin, Jăng Crixtôp và thiên trường ca Côla Brơnhông. Ở đó Romain Rolland hiện lên là người có quả tin lớn làm nên những phép nhiệm màu mới và tràn đầy niềm tin mãnh liệt đối với dân tộc Pháp. “Tôi nghiêng mình trước R.Rolland chính vì niềm tin ấy của ông, niềm tin vang lên từ tất cả những tác phẩm ông viết, tất cả những việc ông làm. Đối với tôi, R.Rolland đã từ lâu trở thành Tolstoy của nước Pháp nhưng là một Tolstoy không căm thù lý trí, mối căm thù mà người duy lý chủ nghĩa Nga coi là cội nguồn của tất cả những nỗi đau khổ lớn lao của Tolstoy, và đã tàn nhẫn không cho phép ông giữ mãi phẩm chất của một nghệ sĩ thiên tài.” [21, tr.186].

Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng việc lựa chọn những tác phẩm và tác giả làm đối tượng xây dựng chân dung là một việc làm không dễ, cần phải có sự cảm thụ sâu sắc và một cái nhìn tinh tế mới thực hiện được.Việc M.Gorky và K.Paustovsky lấy các tác phẩm để xây dựng chân dụng văn học thể hiện dụng ý nghệ thuật và tính chủ quan. Ở đây, M.Gorky và K.Paustovsky vừa lấy đối tượng là những nhà văn trong quá khứ, những nhân vật dường như đã được

văn học lịch sử định vị giá trị rồi, đồng thời hai ông cũng xây dựng những chân dung đương đại, cùng thời với mình thông qua các tác phẩm của họ. Ở những tác phẩm quá khứ, hai ông chủ yếu là đánh giá lại giá trị của một tác phẩm, qua đó nêu lên ý kiến chủ quan của mình.

Dựng chân dung văn học đòi hỏi phải có tư duy lô gic và sắc sảo, hơn nữa đây lại là những chân dung văn học qua tác phẩm. Khi dựng lên chân dung qua tác phẩm, M.Gorky và K.Paustovsky thường nắm bắt cái đẹp của đối tượng qua một hình tượng nghệ thuật nào đó. Nó có thể là một trạng thái tâm hồn, một cung bậc tình cảm, cảm xúc. Nó có logic riêng của nó mà nhiều khi logic thường không hiểu được. Đây là đoạn K.Paustovsky nói về truyện ngắn Người sáng tác của Prishvin và đã làm hiện lên chân dung Prishvin: “Tôi nghĩ rằng có một truyện ngắn của Prishvin về cái giản dị của văn xuôi đáng được coi là kiểu mẫu về cách suy nghĩ đúng đắn. Truyện ngắn tên là

Người sáng tác”.

Văn học là sự phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Qua đó, tác phẩm văn học không chỉ phản ánh thế giới khách quan của nhà văn qua sáng tác của mình mà thế giới quan, lý tưởng và mơ ước của nhà văn cũng được thể hiện. M.Gorky, K.Paustovsky đã cho chúng ta thấy được sự phong phú trong thế giới quan của mỗi nhà văn và sự lý giải hiện thực và quan niệm của mỗi nhà văn là khác nhau. Do đó mà chân dung của mỗi người hiện lên rất đa dạng không giống nhau.

Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt rằng giữa con người nhà văn và con người đời thường có sự khác nhau. Cũng như trong phản ánh và sáng tao, chân lý nghệ thuật thống nhất chứ không đồng nhất chân lý đời thường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 56 - 60)