Gặp gỡ, đối thoại, trò chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 54 - 56)

6. Cấu trúc luận văn

2.2 Cách tiếp cận đối tƣợng

2.2.1 Gặp gỡ, đối thoại, trò chuyện

Hầu hết những chân dung văn học được M.Gorky và K.Paustovsky xây dựng đều là những người bạn văn của mình bởi vậy mà hai tác giả có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò. Bằng cách kể lại những lần “đối thoại” đó, chân dung nhân vật hiện lên qua lời nói, quan điểm của chính nhân vật đó.

Bàn về văn học, chân dung A.Chekhov được xây dựng thông qua một lần đến chơi nhà A.Chekhov. M.Gorky đã có cuộc trò chuyện với A.Chekhov, được nghe A.Chekhov nói chuyện và tâm sự. Khi đó, A.Chekhov gây ấn tượng với giọng nói ấm áp, đôi mắt buồn “long lanh một nụ cười dịu dàng và tế nhị” sống giản dị, nghiêm trang, chân thành. Những lần đến nhà Chekhov, Gorky luôn được Chekhov kể những câu chuyện tưởng như vụn vặt của ông: “Giá tôi có nhiều tiền, tôi sẽ xây ở đây một nhà an dưỡng cho các giáo viên nông thôn ốm yếu”. Về ước mơ đó của mình, Chekhov đã hỏi Gorky rằng: “Anh nghe tôi kể những ước mơ viển vông như thế, có thấy chán không? Tôi lại thích nói chuyện ấy. Anh không biết chứ nông thôn Nga đang rất cần một người giáo viên giỏi, thông minh, có học thức, cần lắm! Ở Nga ta nhất thiết phải đặt người giáo viên vào một hoàn cảnh đặc biệt nào đấy, mà phải làm việc đó cho nhanh, nếu ta hiểu rằng không có một nền giáo dục nhân

dân rộng rãi thì Nhà nước sẽ sụp đổ như một ngôi nhà làm bằng gạch nung chưa chín!” [22, tr.325]. Qua những tâm tình mà Chekhov chia sẻ với Gorky, người đọc thấy được một con người tận tâm với sự nghiệp giáo dục của nước Nga, lo lắng cho tương lai đất nước Nga. Những trăn trở ấy như bóng tối của một nỗi buồn bao phủ lên đôi mắt của Chekhov. Nhiều lần đến nhà Chekhov, tác giả bắt gặp những người giáo viên rụt rè, nhút nhát và ăn mặc tồi tàn như nghèo khổ lắm, Chekhov luôn chăm chú lắng nghe và nói bằng giọng dịu dàng, đôn hậu của mình. Đến khi chào tạm biệt ông nhưng con người này đã từ bỏ cái vỏ ngoài run sợ của mình, mang theo những ý nghĩ tốt lành hơn. Chứng kiến những cảnh đó, Gorky nhận thấy: “… bất cứ người nào khi đứng trước Antôn Pavlôvits cũng bất giác cảm thấy trong lòng mình muốn giản dị hơn, chân thực hơn, đúng với bản chất của mình hơn” [22, tr.331].

K.Paustovsky trong Bông hồng vàng và bình minh mưa cũng đã dựng được chân dung M.Gorky qua lần đầu gặp. M.Gorky hiện lên là cái “bề ngoài duyên dáng lạ thường”, lưng hơi gù và giọng nói hơi khàn khàn. M.Gorky có “cái nhìn chăm chú”, trong dáng đi và trong bộ quần áo mà ông mặc một cách thoải mái và hơn nữa có vẻ cẩu thả của nghệ sĩ. Với K.Paustovsky thì M.Gorky là người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga tài năng vô tận. “Trong một lần tôi đến thăm Gorky tại căn căn nhà ngoại ô của ông trong vùng Gorky. Hôm ấy là một ngày hè, trời đầy mây nhẹ, loăn xoăn, bóng mây trong suốt làm cho những ngọn đồi xanh rực hoa bên kia bờ sông Matxoan trở thành sặc sỡ. Gió âm thổi trong các phòng. Gorky nói chuyện với tôi về cuốn truyện dài vừa xuất bản của tôi – cuốn Kônkhiđa – như thể tôi là người am hiểu kỹ càng thiên nhiên những miền á nhiệt đới. Điều đó làm tôi rất bối rối. Nhưng mặc dầu vậy, chúng tôi đã tranh cãi về truyện những con chó có bị sốt rét cơn hay không, Gorky cuối cùng chịu thua và còn mỉm cười hồn hậu nhắc đến một trường hợp trong đời mình khi ông nhìn thấy những con gà Pôti bị sốt rét, lông xù ra và rên rỉ. Không ai trong nói trong chúng ta bây giờ nói

được như ông nói khi ấy. Một giọng nói có khối, rõ nét và âm vang” [62, tr.209]. Có thể nói chân dung của Gorky qua những trang viết của K.Paustovsky là một con người duyên dáng, khiến bất cứ ai gặp lần đầu cũng bị hấp dẫn, cuốn hút.

Như vậy, bằng đối thoại, trò chuyện với nhân vật, cả M.Gorky và K.Paustovsky đã cho người đọc thấy được những quan điểm, suy nghĩ của các nhà văn hay đơn giản chỉ là những cách nói chuyện của họ như thế nào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 54 - 56)