Giọng đối thoại, bình luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 81 - 84)

Chƣơng 3 : TỔ CHỨC TRUYỆN KỂ TRONG CHÂN DUNG VĂN HỌC

3.3. Giọng điệu

3.3.1. Giọng đối thoại, bình luận

Cơ sở của giọng điệu này xuất phát từ chính đặc trưng của thể chân dung văn học: Chân dung văn học là một dạng đặc biệt của phê bình văn học, đồng thời cũng là thể văn thể hiện đậm nét tính chất chủ quan của người viết. Vì vậy, một điều dễ nhận thấy là bên cạnh những chân dung văn nghệ sĩ được khắc họa trong tác phẩm, các chân dung văn học còn thể hiện những suy nghĩ, nhận định của các tác giả về những vấn đề của văn học cũng như của xã hội. Hình thức bên ngoài của những bài viết này là trò chuyện- phỏng vấn, trong đó tác giả khi là người phỏng vấn, khi lại là người được phỏng vấn. Nội dung của đối thoại trong những bài viết này rất phong phú, không chỉ là về những tác phẩm văn học của các tác giả riêng lẻ mà còn xoay quanh nhiều sự kiện, vấn đề của đời sống văn học. Mặt khác, không chỉ là “vẽ” chân dung, điều quan trọng nhất mà tác giả muốn làm là thông qua hình thức đối thoại để xác định lại những giá trị văn chương. Vì vậy giọng đối thoại, bình luận ở đây có tác dụng rất lớn trong việc đưa tác phẩm trở thành: “… một dạng bình luận không dùng lý luận, hay lý luận được biến thành văn… Một quyển văn nói về văn và những vấn đề văn học đương đại… mà trong đó các nhà văn là nhân vật” [55, tr.359].

Trong những bài viết dựng chân dung các nhà văn, ta thấy tác giả không ngần ngại ném vào mấy cảnh đối thoại và trong những bài đối thoại nghiêm chỉnh ta lại thấy người viết phóng bút phác mấy nét chân dung. Còn nếu hiểu đối thoại theo một nghĩa sâu hơn thì ở khắp mọi trang của cuốn sách dường như đều mang tính đối thoại.

Qua khảo sát Bông hồng vàng và bình minh mưa người viết nhận thấy giọng đối thoại, bình luận toát lên từ hầu hết các bài viết trong cuốn sách, đặc biệt là ở những bài: Câu chuyện xảy ra trong cửa hàng Ansvang, Những cái tưởng chừng như vặt vãnh, Đêm trắng, Cội nguồn sáng tạo, Mikhail Prishvin… Hình thức bên ngoài của những bài viết này là trò chuyện- phỏng

vấn, trong đó tác giả khi là người phỏng vấn, khi lại là người được phỏng vấn. Nội dung của đối thoại trong những bài viết này rất phong phú, không chỉ là về những tác phẩm văn học của các tác giả riêng lẻ mà còn xoay quanh nhiều sự kiện, vấn đề của đời sống văn học lúc bấy giờ. Viết về Mikhail Prishvin, K.Paustovsky đã xây dựng tình huống về cuộc nói chuyện đặc biệt về văn học giữa nhà văn và một chú bé chăn bò. Bài viết ca ngợi cái giản dị của văn xuôi. Đó phải là những câu văn cô đọng, xúc tích và chân thật. Nhà văn phải là người gần gũi với đời sống nhân dân, biết lắng nghe thiên nhiên, biết chưng cất thành những yếu tố làm phong phú thêm cho trang viết của mình. Vì vậy, ở đây giọng đối thoại, bình luận có vai trò biến tác phẩm trở thành một dạng bình luận không dùng lý luận, hay lý luận được biến thành văn… Một quyển văn nói về văn và những vấn đề văn học đương thời mà trong đó các nhà văn là nhân vật.

Đối thoại về trí tưởng tượng trong việc sáng tác văn, K.Paustovsky đã xây dựng cuộc đối thoại giữa Maupassant và Zola trong bài viết Cội nguồn sáng tạo. Trong khi Zola cho rằng nhà văn hoàn toàn không cần dùng đến trí tưởng tượng, Maupassant đã phản ứng lại bằng cách hỏi vặn lại: “Thế cái việc ông viết những cuốn tiểu thuyết lớn chỉ dựa trên những tin đăng báo và hàng tháng trời không bước ra khỏi nhà thì giải thích ra sao đây?” [62, tr.157]. Ở đây, K.Paustovsky đã ngầm tỏ ý đồng tình với Maupassant về vai trò của trí tưởng tượng đối với việc viết văn. Đó là cái hoàn cảnh đẹp đẽ nhất cho sự phồn vinh của ý sáng tác, đất đai mang vàng bạc đến cho thơ văn. Để đến cuối cùng K.Paustovsky khẳng định: “Nhưng trước hết và mạnh hơn hết, tưởng tượng gắn bó với nghệ thuật, văn học và thi ca”. [62, tr.167].

Giọng bình luận, đối thoại của K.Paustovsky trong Bông hồng vàng và bình minh mưa còn tiếp tục thể hiện ở vấn đề liên tưởng trong văn học. Cũng trong bài Cội nguồn sáng tạo, K.Paustovsky đã kể lại cuộc nói chuyện giữa ông với nhà đạo diễn bậc thầy của nền điện ảnh Xô viết và thế giới – Eisenstein. “-Đạo diễn phải biết đủ thứ. Và tìm cách biểu hiện bằng hình ảnh cho đủ mọi thứ - Eisenstein nói.

Tôi hỏi:

- Cho cả những công thức đại số sao?

Dĩ nhiên! – Eisenstein trả lời!”. [62, tr.169]. Ở đây, chủ đề của đối thoại chính là người làm nghệ thuật thì cần phải có trí liên tưởng bởi liên tưởng tham gia một cách rất chặt chẽ trong sáng tác.

Tiếp tục đối thoại về dấu chấm câu trong văn bản, trong Câu chuyện xảy ra trong cửa hàng Ansvăng, K.Paustovsky đã tạo tình huống nhà văn Sobol mang bản thảo một truyện ngắn đến tòa soạn Người thủy thủ để đăng, thế nhưng nó rách mướp, lẫn lộn lung tung mặc dầu đề tài rất thú vị. Không ai trong tòa soạn dám chỉnh sửa lại bài của Sobol vì ông là một người hết sức cứng nhắc, duy chỉ có Blagov. Đọc lại truyện ngắn của Sobol sau khi được Blagop chỉnh sửa, K.Paustovsky đã phải thốt lên ngạc nhiên. Hoàn toàn không thay đổi câu chữ nhưng giờ đây nó là một tuyệt tác. “Thật là lạ - tôi hỏi – Ông làm cách nào vậy?

-Có gì đâu. Tôi chỉ có việc đặt lại các dấu ngắt câu cho đúng. Sobol vốn hay đặt lung tung các dấu ngắt câu như thế. Đặc biệt tôi đặt các dấu chấm rất cẩn thận. Và chia đoạn nữa. Ông bạn ạ, đó là một việc vĩ đại. Từ thời Pushkin còn sống, ông đã nói đến các dấu ngăt câu rồi. Có dấu ngắt câu là để làm cho ý được tách bạch, chữ nghĩa đâu vào đó, cho câu văn nhẹ nhàng và có âm điệu đúng. Những dấu ngắt câu cũng chẳng khác gì những nốt nhạc. Dấu ngắt câu giữ văn bài chặt chẽ không để nó bị vụn nát.” [62, tr.117]. Và ngay cả Sobol cũng phải xúc động khi đọc lại truyện ngắn của mình: “Cám ơn ông! – Sobol xúc động nói, - Ông đã cho tôi một bài học tuyệt vời. Chỉ tiếc là ông đã cho tôi bài học ấy quá chậm. Tôi cảm thấy có tội đối với những tác phẩm trước kia của tôi.” [62, tr.118]

Có thể thấy trong Bông hồng vàng và bình minh mưa, giọng điệu đối thoại, bình luận của K.Paustovsky thể hiện qua thái độ, cách đánh giá của ông với những hiện tượng văn học, đề tài, cách viết, nghiệp văn. Tác giả đã thể

hiện thái độ của mình trước những hiện tượng của văn học nước Nga đương thời: “Ở nước ta có rất nhiều cuốn sách tưởng chừng do người mù viết. Sách ấy lại nhằm cho những người sáng đọc, và những chuyện đó ta thấy tất cả cái lố bịch của việc xuất bản những cuốn sách như vậy. Muốn sáng mắt ra, không phải chỉ cần nhìn đủ mọi phía. Phải học cho được cách nhìn. Chỉ những ai yêu con người và đất đai mới hiểu được chúng. Văn xuôi nhàm và vô vị thường là do hậu quả của dòng máu lạnh của nhà văn.” [62, tr.237-238].

Đối với M.Gorky, trong bài viết Về Balzac, thông qua cuộc đối thoại giữa tác giả và Tolstoy, Gorky muốn gửi thông điệp tới tất cả những người theo đuổi sự nghiệp cầm bút: “Ông nên đọc Balzac, người mà ai nấy đã có thời học tập cách viết, nhưng cũng nên đọc Stendhal, Flobe, Maupassant. Họ biết cách viết, cái mẫn cảm về hình thức và cái tài năng cô đọng nội dung của họ phát triển lạ lùng”. [21, tr.151]. Có thể thấy, chính giọng điệu đối thoại, bình luận đã đem lại tính chất "ký" cho các chân dung văn học của M.Gorky.

Như vậy giọng đối thoại, tranh luận, bình luận được sử dụng khi các tác giả chân dung văn học bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, cách đánh giá của họ trước những vấn đề, hiện tượng của nghệ thuật nói riêng, của đời sống nói chung. Giọng điệu này cùng với giọng đôn hậu, trữ tình đã góp phần bộc lộ đậm nét cá tính của chủ thể sáng tạo trong chân dung văn học đương đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 81 - 84)