Thông qua kí ức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 60 - 64)

6. Cấu trúc luận văn

2.2 Cách tiếp cận đối tƣợng

2.2.3 Thông qua kí ức

Đối tượng chân dung văn học được M.Gorky và K.Paustovsky dựng lên thông qua dòng hồi tưởng, ký ức. Do đó, đối tượng lúc đậm nét, lúc lung linh mờ ảo. Sự hồi tưởng ấy nhiều khi cũng có mạch lạc rõ ràng men theo

những ấn tượng sâu đậm về một số thời điểm trong đời văn của ông và bạn làng văn, một số tính cách, một số câu nói và việc làm nổi bật của họ. Ký ức về Blok của K.Paustovsky đó là một lần tác giả đi lạc giữa những khu phố vắng vẻ và giữa những nhánh sông dài ngập bùn lầy nhưng không thấy nhà Blok đâu, mãi sau đó mới tìm thấy nhà Blok bên bờ sông Priaska vắng vẻ và im lìm. Chỉ là ký ức về nơi sông của Blok nhưng K.Paustovsky đã hé lộ một con người sống nội tâm, không ưa những nơi ồn ào, náo nhiệt mà thích chọn nơi vắng vẻ và gần biển để sống bởi trái tim con người đó đã từng một thời rối bời.

K.Paustovsky đã dựng chân dung của V.Hugo thông qua cái kí ức “trên đảo Jecxây thuộc biển Măngsơ nơi V.Hugo bị lưu đày, người ta đặt tượng kỉ niệm ông”. V.Hugo hiện lên là một con người nồng nhiệt điên dại và sôi nổi, kẻ điên rồ trong khát vọng muốn truyền cho toàn thể nhân loại nỗi căm thù, niềm hân hoan và tình yêu sôi nổi của mình.

Chân dung của L.Tolstoy được M.Gorky dựng lên qua những “đoạn bút kí rời rạc”. L.Tolstoy có đôi tay thật lạ lùng-xấu xí, gân guốc vì những mạch máu bị giãn rộng thế nhưng vẫn tràn đầy một sức sống diệu kì. Với M.Gorky, L.Tolstoy giống như một vị thần “mặc dầu không uy nghi lắm nhưng có lẽ ông lại khôn ngoan hơn tất cả các vị thần”. Đó là những ký ức vụn vặt, những cuộc đối thoại ngắn ngủi. Đó có thể là lời khuyên mà L.Tolstoy dành cho M.Gorky đọc sách gì, tác giả nào: “Có lần ông đã hỏi tôi:

- Ông đọc tác giả nào nhiều nhất?

Tôi trả lời.

- Như thế là tốt. Nhưng ông nên đọc các tác giả Pháp nhiều hơn nữa. Ông nên đọc Balzac, người mà ai nấy đã có thời học tập cách viết, nhưng cũng nên đọc Xtenđan, Floobe, Moopaxxăng” [21,tr.151].

Với Gorky, ký ức về Yesenin là một cậu bé khi ấy trạc 15 đến 17 tuổi “tóc quăn và vàng, mình mặc chiếc áo sơ-mi Nga màu xanh nhạt khoác thêm

chiếc áo choàng ngắn kiểu nông dân, chân đi đôi ủng cao ống,… một cậu bé thùy mị và ngơ ngác, đang cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng trong cái thành phố Peteburg khổng lồ này” [22, tr.456-457]. Sáu, bảy năm sau cái lần gặp đầu tiên ấy, cậu bé Yesenin tóc quăn ngày nào khi này trong ấn tượng của Gorky là một chàng trai có “đôi mắt rất trong trẻo” [22, tr.457], nhưng lại gây cho người khác cảm giác bản thân mình là một người không thích gần gũi người khác. Sau này những kỷ niệm về Yesenin của Gorky luôn là hình ảnh của một con người không thể hòa đồng với cuộc sống của thành phố Peteburg và luôn mang trong mình hoài niệm về cuộc sống thôn quê Nga xưa. Có lẽ vì thế mà con người ấy đã chết dần chết mòn với cái bổn phận phải sống ở chốn thành thị thô kệch của mình.

Trong chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky, các nhân vật, các gương mặt cứ xáo trộn, đan xen với nhau với biết bao câu chuyện về nghề văn, nghiệp văn và những lời trữ tình ngoại đề. Lối viết chân dung – hồi ký này nếu không trường vốn, không đi nhiều, quen biết nhiều, ghi chép nhiều như hai ông chắc không viết nổi. Quả là bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người, lúc chầm chậm hiện dần lên, mỗi tí, mỗi tí qua từng trang, mà lối suy tư cách ứng xử, thói tật vùn vụt cùng niềm khao khát sống và viết ở họ cứ dần rõ dần, đậm dần. Lúc lại vùn vut chạy qua như một phim tư liệu chất chồng. Dòng hồi tưởng nào cũng vậy, các sự kiện bao giờ cũng thấm đẫm cảm xúc trữ tình của nhân vật. M.Gorky, K.Paustovsky dựng chân dung văn học gắn với những kỷ niệm của chính mình. Những kỷ niêm ấy, hầu hết cả hai tác giả đều được chứng kiến và đươc “mắt thấy tai nghe”, hay trực tiếp là người cùng tham dự cho nên nó hiện rất sâu đậm, rõ ràng trong ký ức của người cầm bút.

Dựng chân dung dựng theo dòng ký ức nhưng cả K.Paustovsky và Gorky không giống các tác giả khác kể về toàn bộ cuộc đời sự nghiệp sáng tác của họ theo trật tự thời gian nhất định mà chỉ kể ở từng đoạn, từng quãng

đời mà nhà văn biết, thậm chí biết rất kỹ. Lối viết chân dung theo dòng ký ức có lúc chi tiết đến kinh ngạc, người viết nhớ rõ cả câu nói, nụ cười và sắc thái của họ, thậm chí cả dáng vẻ của nét mặt lúc bấy giờ, màu quần áo mà nhân vật lúc đó mặc.

Tiểu kết

Trong thể chân dung văn học, hình tượng người nghệ sĩ đã được khắc họa thật chân thực, sống động. Họ là những người nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng thế nhưng họ cũng như bao con người thường khác đều có nhiều “khuyết điểm” trong lối sống hàng ngày. Là một nhà văn của thời đại, hình ảnh của họ phản ánh xã hội họ đang sống - đó là thế kỷ XIX, đầu XX với biết bao nhiêu biến động của nước Nga nói riêng và châu Âu nói chung. Mặc dù giữa thời cuộc hỗn loạn ấy, cuộc đời của họ đã gặp không ít khó khăn nhưng họ vẫn giữ được cái tâm của mình đối với văn chương và cuộc đời.

Để xây dựng thành công các chân dung văn học, các tác giả đã sử dụng nhiều cách tiếp cận đối tượng khác nhau. Đó có thể là những lần đối thoại, trò chuyện cùng nhận vật. Đó cũng có thể là thông qua tác phẩm hay dựa trên những ký ức của tác giả về nhân vật. Dù tiếp cận bằng cách nào đi chăng nữa thì giữa tác giả - người viết chân dung với nhân vật – người được dựng chân dung có một mối liên hệ với nhau theo kiểu bạn văn hoặc hậu sinh – tiền bối. Việc tiếp cận nhân vật ngoài mục đích dựng chân dung văn học, giúp bạn đọc hiểu hơn về nhân cách, cuộc sống của những người nổi tiếng, những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo nghệ thuật, tác giả chân dung văn học còn thể hiện được tình cảm, suy nghĩ dành cho nhân vật của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 60 - 64)