Những người cùng thời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 37 - 41)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Đối tƣợng đƣợc dựng chân dung văn học

2.1.1. Những người cùng thời

M.Gorky từng nói: “Văn học là tấm gương phản ánh thời đại”. Như vậy văn học phản ánh hiện thực đời sống, phản ánh tư tưởng thời đại. Hiện thực khách quan hiện diện trong tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng thẩm thấu qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.

M.Gorky và K.Paustovsky đều sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước nhiều biến động từ cuối thế kỷ XIX và cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đầy máu lửa những năm đầu thế kỉ XX. Dù muốn hay không thì trong ý thức của mỗi người vẫn thấm thía bi kịch của thời đại, của dân tộc. Hơn thế, những biến động của thời cuộc đã tác động khá sâu sắc đến cuộc đời của cả hai nhà văn. M.Gorky từng công khai phản đối chế độ Sa hoàng và bị bắt giữ nhiều lần. Ông đã kết bạn với nhiều nhà cách mạng và trở thành người bạn của V.Lenin. Trong khi đó, K.Paustovsky từng tham gia vào Hồng quân Liên Xô. Số phận của M.Gorky và K.Paustovsky đều chịu sự chi phối trực tiếp của đời sống chính trị của đất nước. Là nghệ sĩ chân chính, cả M.Gorky và K.Paustovsky lại càng không thể sống tách khỏi thời đại mình. Chính vì vậy mà trong những sáng tác của mình khi xây dựng những chân dung văn học, M.Gorky và K.Paustovsky chủ yếu viết về những nhân vật cùng thời đại, thông qua đó cho người đọc thấy đượcmột bức tranh sinh động, chân thực về đời sống xã hội đương thời. Đặc biệt là trong những sáng tác chân dung văn học, một thể tài mà đối tượng phản ánh là người thật, việc thật thì bức tranh xã hội đương thời hiện lên càng chân thực hơn.

Trước hết, điều này được thể hiện qua việc M.Gorky coi họ không chỉ là bạn văn mà cả bạn chiến đấu. Trong bài viết Về Romain Rolland, ở những năm đầu thế kỷ XX, khi mà cả châu Âu chìm trong bóng tối của chiến tranh,

con người trở nên mất niềm tin, bất lực, tự phủ nhận một cách bi đát. Đâu đâu cũng nghe tiếng đổ vỡ ầm ì, bốn bề chìm ngập trong nỗi u buồn đầy hằn học, thì một Romain Rolland vẫn kiên gan, bền bỉ sáng tạo những giá trị văn hóa. Hình ảnh của Romain Rolland như ngôi sao rực sáng trên bầu trời châu Âu đen tối. Những sáng tác của ông chống đối lại chiến tranh, khát khao công lý và tràn đầy niềm tin mãnh liệt vào dân tộc Pháp. Sống giữa cái thời đại mà niềm tin đã bị đánh mất thì Romain Rolland vẫn có một niềm tin sắt đá đối với tình yêu, đối với thế giới và con người. Với M.Gorky, ông cảm thấy “có được cái vinh dự cao cả được coi Romain Rolland là một người bạn” [21, tr.185] bởi chính ông cũng đã đến với những người mác xít, những nhà cách mạng xã hội dân chủ, đến với phong trào công nhân. Cũng như những nhà mác xít lúc bấy giờ, ông tin rằng những người công nhân sẽ giành được tự do bằng sức mạnh của chính mình. Ông đã trở thành nhà văn của những người vô sản, trở thành “con chim báo bão” của cách mạng Nga.

Trong cuộc đời của mình, M.Gorky từng đi khắp nước Nga, dọc theo sông Volga vĩ đại, xuyên qua những thảo nguyên vùng sông Đông mênh mông, những cánh đồng Ucraina màu mỡ, đi xuống Biển Đen, rồi tiến lên vùng núi Kavkaz hùng vĩ. Bạn của ông là những con người Nga vĩ đại, đó là Tolstoy, Chekhov và đặc biệt là Lenin. Mặc dù có một sự cách biệt lớn giữa Tolstoy và Gorky: Tolstoy hơn Gorky 40 tuổi; Tolstoy dòng dõi đại quý tộc, M.Gorky xuất thân từ tầng lớp lao động; Tolstoy không muốn dùng bạo lực chống lại cái ác, Gorky muốn làm cách mạng; Tolstoy tin vào Chúa, Gorky là người vô thần,… Song, giữa họ lại có mối quan hệ gần như là ruột thịt, bởi chảy trong huyết quản của họ đều là dòng máu của nghệ thuật, của văn chương và của tình yêu thương con người.

Chân dung những người bạn cùng thời đại của M.Gorky và K.Paustovsky được thể hiện rõ nhất ở đời sống văn học, văn hóa đương thời. Những chân dung văn học của hai nhà văn đều là những người có đóng góp

quan trọng đối với đời sống văn học, nghệ thuật của thời đại. Đó là những con người tài năng, đầy tâm huyết, luôn có khát vọng hướng tới một nền văn học nghệ thuật tiến bộ, có ích. Nửa cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX được coi là “Thời kỳ bạc” của văn học Nga. Thời kỳ này văn chương Nga được cách tân và mang nhiều sinh động. Với tinh thần dân chủ, các nhà văn, nhà thơ hoạt động say sưa, sôi nổi. Họ tranh cãi, bàn luận các vấn đề, khía cạnh của văn học, của nghiệp văn. Cùng với các nhân vật trong chân dung văn học của mình, M.Gorky và K.Paustovsky cũng chính là những người góp phần quan trọng làm nên cái không khí sôi động của đời sống văn chương một thời. Do vậy, sự gắn bó với các đồng nghiệp của M.Gorky và K.Paustovsky là một lẽ tự nhiên, tất yếu. Và người đọc có thể bắt gặp trong sáng tác của hai ông những trang viết về cùng một nhân vật, thậm chí chính hai ông cũng trở thành nhân vật trong tác phẩm chân dung văn học của nhau (Gorky trở thành chân dung văn học trong cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa).

Nghệ thuật của Gorky được tôn vinh ở thế kỷ XX, song nguồn cội của nó là thế kỷ XIX, là thời đại của Tolstoy, Chekhov và cả Dostoevsky, mặc dù M.Gorky luôn phê phán Dostoevsky. Thông qua những cuộc đối thoại giữa Gorky với Chekhov, với Tolstoy, ta thấy được một thời kỳ văn học rực rỡ của đất nước Nga nói riêng, bối cảnh hiện thực xã hội Nga nói chung.

Cuộc đời của K.Paustovsky đã dành ba mươi năm để chu du khắp nẻo đường Nga. Ông đã sống nhiều ngày với những con người thuộc mọi dân tộc. Ba mươi năm này ông dành để học và ba mươi năm cuối cùng để sáng tác. Chính vì thế mà ông gặp gỡ nhiều người, có nhiều bạn bè trong làng văn Nga. Ông và các bạn thường bàn luận trao đổi về văn chương và cuộc sống hay thậm chí chỉ là những câu chuyện phiếm để giải khuây. Với K.Paustovsky, Gaida là một bạn văn thân thiết, hai người đã từng sống cùng nhau, cùng nhau bàn luận về văn chương: “Anh mang bản thảo đến và đọc lại cho tôi nghe lần thứ hai. Tôi theo dõi bản thảo. Anh chỉ nhầm mất vài chỗ, nhưng là những

chỗ không quan trọng lắm. Vì câu chuyện đó chúng tôi đã cãi vã mấy ngày liền xem Gaida có được cuộc hay không” [62, tr.125]. K.Paustovsky thừa nhận: “Đó là khoảng thời gian đẹp đẽ vô cùng với những câu đùa bất tận, những cuộc đấu “bất phân thắng bại”, những trận khẩu chiến về văn học và những buổi câu ở các ao hồ và lòng sông cạn. Tất cả những cái đó, bằng một cách khó hiểu đã giúp chúng tôi sáng tác” [62, tr.125]. Trong quãng đời dịch chuyển của K.Paustovsky, ông đã gặp gỡ Fedin, đã cùng nhà văn Fedin sống ở trong một ngôi nhà nhỏ ngay bên cạnh bờ biển vùng Gagrư. Vì sống cùng nên K.Paustovsky đã thường xuyên được quan sát cách làm việc của Fedin, đó là chân dung một con người cẩn thận, chỉ ngồi xuống viết khi nào đã nghĩ thật chín đều mình định viết, chỉnh lý nó cẩn thận, làm nó phong phú thêm bằng những suy nghĩ sâu sắc và những hồi ức cho tới khi nó hình thành trong ý thức một cách hoàn toàn.

Trong bài viết Đêm trắng, ngòi bút của K.Paustovsky tái hiện khá rõ đời sống văn học Nga thời bấy giờ. Đó là thời kỳ Xô Viết, văn học trở thành vũ khí của cách mạng. Ở bài viết này, chân dung của M.Gorky được hiện lên khá rõ khi ông quyết định thành lập đội văn học. Mặc dù kính trọng, yêu mến M.Gorky nhưng K.Paustovsky từ chối, không đồng ý với cách viết văn theo đội bởi theo ông lối viết tập thể là không thể nào chấp nhận được trong việc viết văn. K.Paustovsky bày tỏ: “Trong một tác phẩm, bất kể đặc tính của tài liệu là thế nào, vẫn cứ phải có cá tính của nhà văn với tất cả những phẩm chất của sự cảm thụ hiện thực, cái bút pháp và ngôn ngữ của anh ta” [62, tr.147]. Tác giả đã nói chuyện này với nhân vật của mình là M.Gorky: “Ông cau mày, theo thói quen lấy ngón tay gõ gõ trên mặt bàn, nghĩ ngợi một lát rồi trả lời:

- Anh bạn trẻ ạ, người ta có thể buộc tội anh là ngạo mạn đấy. Nhưng nói chung, anh cứ làm đi. Có điều anh đừng ngượng. Thế nào cũng phải mang tác phẩm về nhé! Nhất định đấy! [62, tr.148]

Trong nhiều sáng tác chân dung văn học, K.Paustovsky, M.Gorky đã đặt các chân dung vào bối cảnh xã hội đương thời. Tuy không đặt ra vấn đề lí giải tình hình đời sống xã hội lúc đó, nhưng thông qua các chân dung nhà văn đã hé mở tình trạng rối ren của đời sống chính trị thời đại lúc bấy giờ. Bối cảnh xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học nói chung và số phận, sự nghiệp của mỗi cá nhân nhà văn nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 37 - 41)