Văn nghệ sĩ – những con người tài năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 41 - 47)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Đối tƣợng đƣợc dựng chân dung văn học

2.1.2. Văn nghệ sĩ – những con người tài năng

Văn nghệ sĩ là một loại người đặc biệt trong xã hội, là những người được “văn tinh chiếu mệnh, chiếu thân”. Xây dựng chân dung văn học, M.Gorky và K.Paustovsky đều khám phá, phát hiện ra nét tài hoa, tài tử ở mỗi văn nghệ sĩ. Đó là những người sống giữa đời với một quan niệm, một lối sống và một cá tính riêng, độc đáo cùng với tài năng và niềm say mê sáng tạo cái đẹp. Cái tài ấy chính là thần cốt, khí chất, phần tinh anh, cũng là nhân cách, phẩm chất hơn người của người nghệ sĩ. Điều đó tạo nên cái duyên, sức hấp dẫn, lôi cuốn và giá trị lâu bền cho những sáng tác nghệ thuật của họ. Công việc mà họ làm là sáng tạo ra nghệ thuật, sáng tạo ra cái đẹp bằng chính tài năng và sự thăng hoa của cảm xúc của mình, để từ đó mang lại những suy ngẫm về cuộc đời, con người. Chính loại hình lao động sáng tạo nghệ thuật đặc thù như vậy nên đòi hỏi ở người nghệ sĩ phải có những tố chất đặc biệt, hơn người. Cái tài của việc viết văn có thể là năng khiếu bẩm sinh, có thể do sự chăm chỉ trau dồi mà nên nhưng đa số phải là sự kết hợp hài hòa của cả hai yếu tố: năng khiếu và sự chăm chỉ trau dồi của bản thân người nghệ sĩ. Vì vậy mà trong chân dung văn học, nhà văn hiện lên là những con người ưu tú và được nhìn nhận theo chiều hướng lý tưởng hóa.

Viết về A.Chekhov, M.Gorky đã bắt đầu bằng việc mượn một truyện ngắn mới xuất bản của ông. Cái tình của Gorky đối với A.Chekhov xuất phát từ sự kính trọng, khâm phục đối với tài năng, nhân cách của một con người vĩ đại. Với Gorky, A.Chekhov là một trong những “ông thánh truyện ngắn” vĩ

đại trong lịch sử văn học thế giới, là một trong những người đặt nền móng cho sân khấu kịch tâm lí hiện đại. Là người “nghệ sĩ duy nhất của thời đại ta nắm vững đến mức điêu liệu luyện viết làm sao cho lời chật mà ý rộng” [21, tr.46]. Cái tài của A.Chekhov chính là nói những điều cũ “nhưng những điều ông nói ra đều có sức thuyết phục mãnh liệt, đều đơn giản và rõ ràng đến mức khủng khiếp, và đúng một cách không bao giờ bác bỏ được. Ngoài ra lời lẽ của ông bao giờ cũng gói trong một hình thức đẹp đẽ lạ lùng và cũng lại đơn giản đến mức ngây thơ và cái hình thức đó càng tăng cường thêm ý nghĩa của lời nói” [21, tr.51]. Trong các sáng tác của mình, tài năng nghệ thuật của Chekhov được khẳng định: “Ở chỗ nào cũng phát hiện và nêu bật được sự dung tục, - một nghệ thuật mà chỉ người nào có những yêu cầu thật cao đối với cuộc sống mói có được, một nghệ thuật mà chỉ có một khát vọng thiết tha muốn thấy con người giản dị, đẹp đẽ hài hòa mới có thể hun đúc được” [22, tr.335]. “Ngay trong những truyện ngắn đầu tiên của A.Chekhov đã biết phát hiện ra trong cái bể tối tăm của sự dung tục những trò đùa ảm đạm một cách bi tráng của nó” [22, tr.340]. Chính vì tài năng mà mặc dù ở thời kỳ đầu của sự nghiệp, A.Chekhov bị đối xử một cách bất công, bị người ta lên án, chỉ trích nhưng những truyện ngắn mới của ông vẫn cứ ra đời và có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền văn học thế giới trong thế kỉ XX.

Về Sergei Yesenin, M.Gorky không chỉ viết về tài năng của ông mà còn lý giải hợp lý nhất (trong rất nhiều giả thuyết) cái chết của nhà thơ. Đó là một con người nổi bật lên như một tài năng nghệ thuật độc đáo trên thi đàn Nga những năm đầu thế kỉ XX. Thơ của ông đã truyền lại một cách tuyệt vời vẻ đẹp và hương thơm của mảnh đất Nga, thấm nhuần phong vị Nga trọn vẹn: “Yesenin không hẳn là một con người, mà là một thứ cơ quan của thiên nhiên được sáng tạo ra chỉ để làm thơ, để thể hiện nỗi buồn vô tận của ruộng đồng” [22, tr.463]. Không chỉ làm thơ hay mà Yesenin còn đọc thơ giỏi, đến mức Gorky đã thốt lên rằng: “… cách đọc thơ của của Yesenin có sức rung động

rất mạnh, và nghe anh đọc người ta thấy xót xa đến khóc lên được. Tôi không thể gọi cách đọc thơ đó là cách đọc có nghệ thuật, tài tình, vân vân, tất cả những tính ngữ ấy không nói lên được một chút gì về tính chất của cách đọc… Thậm chí tôi thấy khó tin rằng con người bé nhỏ ấy lại có một sức cảm xúc lớn lao như vậy” [22, tr.460-461]. Có lẽ một lòng gắn bó với làng quê nên một Yesenin tài năng đã cảm thấy cô độc giữa cái chốn vui chơi phù phiếm của cuộc sống đô thị. “Nhà thơ cuối cùng của làng quê” Nga ấy đã cảm thấy bất lực trước cuộc sống thôn quê vốn bình dị đang ngày ngày đổi thay theo hướng hiện đại hóa mà với ông nó xa lạ làm sao.

Về L.Tolstoy, tài năng của ông được khẳng định qua những kiệt tác tiểu thuyết, với nghệ thuật miêu tả tâm lí và tư duy sử thi đặc sắc, ông đứng vào hàng bút những cây bút văn xuôi lỗi lạc nhất của văn học thế giới. Sáng tác của nhà văn để dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học thế giới thế kỉ XIX và có ảnh hưởng lớn lao đến nhiều thế hệ nhà văn thế kỉ XX. Còn Dostoevsky là một thiên tài, ông có khả năng “cảm thấy và hiểu được một cách sâu sắc lạ lùng và mô tả một cách khoái chá hai chứng bệnh mà cái lịch sử quái gở, cái cuộc sống nặng nề và tủi nhục của con người Nga đã nuôi dưỡng trong tầm hồn họ” [21, tr.155]. Đối với M.Gorky, Pushkin là một con người vĩ đại. Điều này đã được Gogol, Turgenev, Dostoevsky, - tất cả những con người Nga vĩ đại này đều công nhận Pushkin là thủy tổ tinh thần của mình. “Khó có thể kể hết được những tác phẩm ưu việt, phi thường mà Pushkin đã viết” [21, tr.181]. “Sự nghiệp sáng tác của Pushkin là một dòng thác thơ văn rộng rãi chói lọi. Pushkin dường như đã thắp lên một vầng thái dương mới trên đất nước giá lạnh và ánh nắng của vầng thái dương ấy lập tức làm cho nó phì nhiêu, tươi tốt lên.” [21, tr.181].

Với K.Paustovsky và nhân dân Nga, Mikhail Prishvin là một bậc thầy về mô tả thiên nhiên. Ông có thể “viết cả một bài thơ trường thiên về mỗi chiếc lá thu rơi” [62, tr.215] và “nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người

đã đi sâu vào lòng đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó thì người trước tiên xứng đáng được hưởng ơn đó là Mikhail Prishvin” [62, tr.214]. Mikhail Prishvin sẵn sàng từ bỏ mọi cái xa lạ mà hoàn cảnh sắp đặt để sống theo những gì trái tim ông mách bảo. Con người trong trắng ấy mang một hồn thơ vô tận, bất cứ lĩnh vực nào của tri thức cũng được ông nắm bắt và truyền tải nó bằng đỉnh cao của ngôn ngữ. Cái tài về ngôn ngữ của Mikhail Prishvin có được chính là nhờ sự hiểu biết rộng rãi của ông: “Những hiểu biết rộng rãi của ông trong địa hạt nhân chủng học, sinh vật, khí hậu học, thực vật học, động vật học, nông học, khí tượng học, sử học, điều loại học, địa lý học, văn chương truyền khẩu, địa phương học và những khoa học khác nữa trở thành bộ phận hữu cơ trong đời sống nhà văn của ông. Chúng không nằm ỳ một đống như xác chết. Những khoa học ấy sống trong ông, óc quan sát của ông, bởi cái đặc tính may mắn mà ông có là nhìn được những hiện tượng khoa học trong cái biểu hiện thơ của chúng, trong những thí dụ nhỏ hoặc lớn, những điều bất ngờ như nhau” [62, tr.221]. Không chỉ là bậc thầy về miêu tả thiên nhiên, tài năng của Mikhail Prishvin còn được thể hiện ở việc đưa ước mơ thầm kín của con người ra ngoài ánh sáng. Đây là một việc làm không hề dễ, thế nhưng ông đã làm được, thậm chí còn làm được một cách xuất sắc. Chỉ có thấu hiểu con người, đồng cảm với mọi số phận trong đời sống, Mikhail Prishvin mới viết được những trang văn thơ đẹp đẽ ấy. Viết về Mikhail Prishvin, ngòi bút của K.Paustovsky đã một lần nữa khẳng định và bày tỏ sự trân trọng tài năng cả văn và đời của Mikhail Prishvin.

Trong Bông hồng vàng và bình minh mưa, cũng xuất phát từ tình cảm của mình, K.Paustovsky đã dành nhiều trang dựng lại chân dung của Eduard Bagritsky. Cái tài của ông chính là khả năng ngâm thơ mà cả trước và sau ông không ai làm được: “Những âm chất của từng từ, từng dòng bay bổng lên đến mức diễn đạt đầy đủ mệt mỏi và làm người nghe đau nhói nơi tim. Bất kỳ thơ của ai, bài ca về Giôn Hạt Đại Mạch của Bớcxơ, Đoona Anna của Blok hay là

Vì bến bờ của Tổ quốc xa xôi của Pushkin mà được Bagritsky ngâm, thì khi nghe ta không thể không nghẹn nơi cổ họng – điềm báo trước của những giọt nước mắt ” [62, tr.229]. Không chỉ có vậy, cái tài của Bagritsky còn được thể hiện ở khả năng ghi nhớ siêu phàm: “ Ông sẵn sàng ngâm thuộc lòng thơ của bất cứ thi sĩ nào. Trí nhớ của ông thực kỳ lạ. Trong lúc ông ngâm, cả đến những bài thơ quen thuộc cũng bông dưng nổi lên một âm điệu mới, ngân nga”. Tuy nhiên con người tài năng ấy đã mắc một sai lầm ở cuối đời mình, đã là chuyển đến ở Moskva. Con người ông không thể tách rời khỏi cái nắng ấm áp của miền Nam, biển cả và cả những món ăn Odessa. K.Paustovsky cũng như ai yêu mến Bagritsky đều thương cảm cho cuộc của ông ngắn ngủi, chưa kịp chín muồi cũng như ước muốn chinh phục vài đỉnh cao thi ca như ông thường nói.

Dưới con mắt của K.Paustovsky, Victor Hugo là “… nhạc trưởng vĩ đại của một dàn nhạc lớn gồm toàn kèn và sáo. Tiếng kèn hân hoan, tiếng trống ầm ầm, tiếng sáo lanh lảnh và buồn bã, tiếng ôbao khàn khàn. Nhạc của những tác phẩm của ông cũng hùng dũng như tiếng sấm của sóng triều đại dương đập vào bờ. Nó làm đất giật mình. Và trái tim của những người yếu ớt rung lên” [62, tr.212]. Bằng tài năng, lòng yêu thương con người, ông đã truyền cho nhân loại khát khao sống, niềm hân hoan và tình yêu sôi nổi của mình. K.Paustovsky đã ví Hugo như một ngọn cuồng phong xông vào cái thế kỷ cổ điển và đáng ngán ấy. Ông đã mang đến một ngọn gió Lãng mạn giữa bầu không khí tù hãm của châu Âu. Tài năng, nhân cách của Hugo đã khiến K.Paustovsky phải lặng đi và mê mẩn. Ông đã gợi lên trong mỗi người tình yêu đối với Paris, nhất là những ai được hạnh phúc trông thấy thành phố vĩ đại này.

Còn với M.Gorky – “người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga tài năng vô tận”, K.Paustovsky đã viết về ông với một tình cảm đặc biệt. K.Paustovsky ca ngợi ông, vị trí của ông trong lòng nhân dân Nga. Có được

điều này chính nhờ cái tài “hiểu biết nước Nga tường tận, hiểu biết nước Nga như cách các nhà địa chất nói, trong mọi “tiết diện”, cả trong không gian, cả trong thời gian. Ông không coi thường một cái gì trong đất nước này và không có gì ông không nhìn theo cách của ông, cách của Gorky” [62, tr.207]. Tài năng của Gorky đã được viết và ca ngợi nhiều đến nỗi “nếu ông không phải là một người không bao giờ có thể khai thác hết được thì chắc chắn ta sẽ dễ dàng bối rối, lùi bước và không dám thêm vào những gì đã viết về ông lấy một dòng” [62, tr.207]. Nếu tin vào tướng số thì có thể tin rằng tài năng của M.Gorky được dự báo ở diện mạo, thần khí của ông. Ngay từ lần gặp M.Gorky đầu tiên, tác giả đã phải sửng sốt trước bề ngoài duyên dáng lạ thường của nhân vật. Dường như cả con người Gorky đâu đâu cũng tỏa ra ánh hào quang của một con người vĩ đại.

Như vậy, chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky đều là những con người có tài năng mang tâm hồn nghệ sĩ luôn khám phá sáng tạo ra cái đẹp của đời sống tinh thần con người với một niềm đam mê kỳ lạ. Tất cả những tài năng đó đều được tạo thành không chỉ bởi năng khiếu sẵn có mà phần lớn còn do sự khổ luyện, tinh thần học hỏi và luôn cố gắng hết mình, phấn đấu hết mình cho văn chương, nghệ thuật của người nghệ sĩ. Họ, với tư cách là người nghệ sĩ, đã phấn đấu cống hiến hết mình cho văn học nghệ thuật thế giới.

Khám phá phương diện tài năng của người nghệ sĩ là một trong những nét hấp dẫn trong các trang sáng tác chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky. Mỗi nhà văn có một cách khám phá, và một lối dựng chân dung riêng nhưng qua các chân dung văn học, người đọc nhận thấy được nét tinh tế, nhạy bén trong ngòi bút của mỗi người. Có được những trang viết sinh động, hấp dẫn như vậy, ngòi bút của M.Gorky và K.Paustovsky đã xuất phát từ góc nhìn của những người cùng “cùng hội cùng thuyền”, dễ dàng nhận ra, dễ dàng đồng cảm, chia sẻ với nét tính cách đặc biệt, lối sống và niềm đam

mê riêng của người nghệ sĩ. Qua đó, M.Gorky và K.Paustovsky muốn người đọc hiểu rõ hơn về giới văn nghệ sĩ, cũng là một cách để các nhà văn nói về và tôn vinh cái nghề mà mình suốt đời đam mê, theo đuổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 41 - 47)