Kết cấu theo lối cổ điển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 65 - 68)

Chƣơng 3 : TỔ CHỨC TRUYỆN KỂ TRONG CHÂN DUNG VĂN HỌC

3.1. Kết cấu

3.1.1. Kết cấu theo lối cổ điển

Đây là kiểu kết cấu khá phổ biến trong các sáng tác chân dung văn học. Hình thức kết cấu này thường được sử dụng với những chân dung “khổ lớn”, có nghĩa là trong đó việc miêu tả, khắc họa các chi tiết về ngoại hình, tính cách của nhà văn được kết hợp với cả sự phẩm bình, nhận xét của người viết chân dung về tác phẩm của những nhà văn này. Như vậy, qua những bài viết theo lối kết cấu này, người đọc không chỉ biết được con người đời thường của nhà văn mà còn hiểu rõ hơn về phong cách sáng tác của họ. Từ đó, mối liên hệ (thường là thống nhất) giữa văn và người cũng được làm rõ. Vì chân dung nghệ sĩ được khắc họa chi tiết như thế nên dung lượng của những bài viết này tương đối lớn. Chúng ta có thể gặp hình thức kết cấu này ở những bài viết về Mikhan Prishvin, Eduard Bagritsky trong cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa. Ở đó, Mikhan Prishvin hiện lên là một nghệ sĩ bậc thầy nhưng vô cùng giản dị. Với Mikhan Prishvin, thành phố luôn xa lạ, còn những túp nhà của người tuần rừng, những bờ sông dằng dặc màn sương, dưới những đám mây và những vì sao của bầu trời đồng nội nước Nga mới là nhà của ông. Đó là một M.Prishvin luôn cho rằng mình là nhà thơ “bị đóng đanh trên cây thập giá văn xuôi”. Để khẳng định về ma thuật trong các tác phẩm của M.Prishvin,

K.Paustovsky đã dẫn chứng ra một đoạn văn: “Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã kết. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông. Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật thì sương đã ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh, tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để trang hoàng như vậy” [62, tr.217]. Bình luận về đoạn văn này, K.Paustovsky viết: “Trong đoạn văn này thực là mọi vật đều giản dị, chính xác và đầy chất thơ bất tử” [62, tr.217]. Chưa hết, K.Paustovsky còn trích nhận định của M.Gorky về đoạn văn trên của Prishvin: “Cao tay kết hợp mềm dẻo những từ đơn giản làm cho mọi vật được miêu tả gần như có thể sờ mó thấy” [62, tr.217]. Tiếp đó, tác giả còn mở ra những nhận xét sắc sảo, chi tiết: “Câu “Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch” hoàn toàn truyền đạt một cách rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi trên đất nước ngủ yên. Và “băng đầu mùa đã kết”, và “sương đã ướt đầm cây cỏ” – tất cả những từ đó đều sinh động, đều nhân dân, không phải nghe lỏm ở đâu mà được, hoặc rút ra từ sổ tay, mà là của riêng người viết. Bởi vì Prishvin là người của nhân dân chứ không phải là người quan sát đứng bên ngoài mà nhìn nhân dân như một tài liệu dùng cho những tác phẩm của ông” [62, tr.218]. Khi viết về cuốn Bốn mùa của Prishvin, tác giả chỉ trích một câu thôi: “Nơi trước kia có những dòng suối xuân chảy băng băng, giờ đây là những suối hoa”, đã cho thấy cái tài nghệ của Prishvin trong việc miêu tả dòng sông Dubna của Nga. K.Paustovsky bình luận: “Hàng vạn người đã đi qua dòng sông này. Trong số đó có các nhà văn, các họa sĩ và các nhà thơ. Nhưng không có ai nhận ra chút gì đặc biệt đáng miêu tả trên sông Dubna. Không có ai đi trên hai bờ sông này mà cảm thấy như đi trên một đất nước chưa người biết tới. Prishvin đã làm chuyện đó. Và sông Dubna bình thường bỗng lấp lánh lên dưới ngòi bút của ông, giữa những đám sương mù và những buổi hoàng hôn âm ỉ cháy, giống như một phát hiện địa lý, một phát

minh, như một trong những dòng sông thi vị nhất của đất nước” [62, tr.220]. Như vậy, trong bài viết này chân dung của Mikhail Prishvin đã hiện ra khá hoàn chỉnh, thể hiện qua cả cách sống cũng như các sáng tác của ông. Đồng thời chúng ta cũng thấy một K.Paustovsky luôn yêu quý bạn, dành cho bạn những tình cảm trân trọng nhất. Đó là một phẩm chất quan trọng trong con người tác giả và cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hút của cuốn sách này.

Trong bài Eduard Bagritsky, K.Paustovsky đã xây dựng chân dung một nhà thơ “có đôi mắt xám tươi cười và giọng nói hổn hển” [62, tr.227] nhưng luôn bịa đặt rất nhiều về chính cuộc đời mình. Eduard Bagritsky mang trong mình dòng máu của bộ lạc Hắc Hải, chính vì thế dưới con mắt của K.Paustovsky: “Ông lúc thì giống như gã thủy thủ lười biếng trên chiếc thuyền buồm tỉnh Khecxon, lúc thì giống như một “lỏi” đánh bẫy chim ở cảng Odessa, lúc thì giống anh bộ đội ngang tàng trong sư đoàn Kotovsky, lúc thì lại giống như Tin Ulenspighen” [62, tr.228]. Về cuộc sống của Bagritsky, ông không thể nào tách rời khỏi cái nắng ấm áp của miền Nam, biển cả và những món ăn Odessa quen thuộc của mình. Trong thú vui thường ngày, ông thích bẫy chim và thường mất hút sau những cánh đồng cỏ đằng sau vịnh Sukhoi, thậm chí ông còn dốc những đồng xu cuối cùng của mình để mua thức ăn cho chim. Sau khi chuyển về Moskva, ông thay chim bằng những bể cả. Vậy đó, trong đời sống, Bagritsky hiện lên là một con người như bao người thường khác với những thú vui riêng của mình. Đó là trong phương diện đời sống, còn trên lĩnh vực nghệ thuật, ông có cái tài ngâm thơ “vô đối”. Với các tác phẩm do Bagritsky viết, K.Paustovsky đã nhận xét bài thơ Bài trường ca dưa hấu của Eduard Bagritsky là “một bài thơ kỳ lạ vì chất ngon của những cảm giác, tựa hồ nó được sống bão Hắc hải tung bọt lên mình” [62, tr.228]. Viết về E.Bagritsky, K.Paustovsky luôn đặt những đặt những sáng tác và vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ trong mối quan hệ hài hòa với nhau.

Như vậy những sáng tác chân dung văn học được viết theo kiểu kết cấu cổ điển là những sáng tác mà ở đó chân dung tinh thần của người nghệ sĩ được khắc họa đầy đủ, chi tiết trên cả hai phương diện: nghệ thuật và cuộc đời. Trong những bài viết này, bên cạnh việc bày tỏ thẳng thắn cách đánh giá của mình về tác phẩm của những văn nghệ sĩ được khắc họa, người viết chân dung còn sử dụng và trích dẫn những nhận định khác từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, đó còn là những tư liệu có giá trị đối với độc giả nói chung, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu văn chương- nghệ thuật nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 65 - 68)