Văn nghệ sĩ những con người của đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 47 - 50)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Đối tƣợng đƣợc dựng chân dung văn học

2.1.3. Văn nghệ sĩ những con người của đời thường

Bên cạnh phương diện tài hoa, tài tử, các nhà văn còn hiện lên trong chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky ở phương diện con người của đời thường. Với một nhãn quan đời thường, cự ly tiếp cận gần, quan sát trực diện, M.Gorky và K.Paustovsky đã khám phá con người nhà văn trong cuộc sống thường nhật, ở khía cạnh đời tư.

Với góc nhìn ấy, các chân dung văn học trong sáng tác của M.Gorky và K.Paustovsky được đặt trong mối quan hệ phức tạp của đời sống: quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, quan hệ xã hội, quan hệ chính trị… Qua những mỗi quan hệ đó, nhà văn hiện lên với những nét vẽ chân thực, cụ thể và hết sức sinh động. Mỗi nhà văn là một số phận với bao nhiêu buồn vui, cay đắng của cuộc đời. Để tồn tại, để sống một cách có ý nghĩa với những khát vọng, đam mê của mình, trước hết người nghệ sĩ có khi cũng phải lăn lộn với cuộc đời thực, làm tròn bổn phận của mình. Những nhà văn trước hết họ cũng là những con người đời thường như bao con người khác, họ ăn uống đi lại nói cười ồn ào, suồng sã. Không hiếm người nhiều lúc bộc lộ những nét tuềnh toàng nhếch nhác, những ngộ nhận cần được hiểu và cảm thông.

Với cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa, K.Paustovsky đã dựng chân dung Dostoevsky lúc nào cũng làm việc cật lực, viết rất nhiều và lúc nào cũng vội vã để trả nợ vì túng thiếu. Gánh nặng viết văn khiến ông phải luôn làm việc về đêm và liên tục uống trà để tỉnh táo. Công nợ buộc ông phải cố kéo dài hết sức việc viết dù ông ý thức được rằng cuốn tiểu thuyết của ông cũng còn chưa chín khi ông ngồi vào bàn viết. Nghèo túng đã chi phối cuộc đời ông và cả những sáng tác của ông. Chính ông đã phải thốt lên: “Vì nghèo

túng tôi buộc lòng phải làm việc vội vã và viết để kiếm tiền, do đó nhất định tôi phải làm hỏng tác phẩm” [62, tr.134].

Hay như Bagritsky túng thiếu đến mức phải dốc những đồng xu cuối cùng mới có thể mua được thức ăn cho chim. Ông phải chấp nhận việc những tờ báo Odessa trả cho ông rẻ mạt những bài thơ tuyệt tác chỉ độ năm, mười rúp. Dường như với Bagritsky, K.Paustovsky dành nhiều trang viết về khía cạnh đời thường của ông hơn. Ở đó, Bagritsky chỉ là một con người đam mê thú chơi chim, hầu như hết ngày này sang ngày khác “Bagritsky mất hút trong cánh đồng cỏ đằng sau vịnh Xukhôi và bẫy chim ở đó” [62, tr.232]. Trong căn phòng của ông treo hằng chục chiếc lồng với những con chim chụi lông. Sau này khi chuyển về sống ở Moskva, ông thay lũ chim bằng những bể cá rất lớn: “Phòng của ông giống như một thế giới dưới nước” [62, tr.233]. Ông có thể đắm chìm hàng giờ ngắm nhìn những con cá đủ màu sắc để vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ miền Nam, nhớ biển cả. Và có thể chính vì thế mà việc ông chuyển đến sống ở Moskva là một sai lầm trong cuộc đời ông.

Trong một cự ly gần, ngòi bút K.Paustovsky còn phát hiện và miêu tả những khía cạnh trong nhếch nhác, những thói tật, vẻ lập dị, gàn dở của người nghệ sĩ, những điều mà chỉ có thể thấy được trong không gian của cuộc sống đời thường. Đó là chân dung Balzac “mặc chiếc áo choàng cũ, ngồi thở hổn hển như người mắc bệnh suyễn. Khói thuốc mù mịt trong phòng. Trên bàn ngổn ngang từng đống giấy viết vội vã” [62, tr.131]. Hay đó là một nhà văn Gaida có cách làm việc: “Vừa đi vừa nghĩ ra những câu văn, ghi lại rồi lại nghĩ. Suốt ngày anh hết trong nhà lại ra ngoài vườn” [62, tr.124]. Một nhà văn Fedin có thể làm việc và thường làm việc vào bất cứ giờ nào. Chỉ thi thoảng mới chịu rời công việc để nghỉ ngơi đôi chút. Trong khi đó, với nhà văn thì Floobe thì viết chậm đến nỗi chính ông phải thốt lên một cách tuyệt vọng. Ông làm việc suốt đêm: “Flobe làm việc về đêm. Ngọn đền chỉ tắt khi trời bắt đầu sáng” [62, tr.129]. Hay đó là một nhà thơ Blok sống trong một ngôi nhà

trên bờ sông Priaska – một nơi vắng vẻ và im lìm trong một tỉnh lị xa xôi. “Có thể Blok đã chọn nơi vắng vẻ và gần biển này vì nó trả lại sự yên tĩnh cho trái tim rối bời của con người” [62, tr.202].

Cũng giống như bao người bình thường khác, các nghệ sĩ cũng yêu, cũng trải qua những mối tình đau khổ. Đó là một Maupassant tự giận mình vứt bỏ hạnh phúc, từ chối tình yêu của một nữ họa sĩ. Và đặc biệt, câu chuyện về tình cảm trong sáng của một cô thợ trong xưởng máy Paris dành cho Maupassant. Hay đó là một Andersen đã chạy chốn tình yêu và phải trả bằng một cái giá rất đắt cho những câu chuyện cổ tích của mình. Ông đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra ông được hưởng và đã bỏ lỡ mất khoảng thời gian mà đáng lẽ trí tưởng tượng phải nhường cho thực tế.

Trong cuốn Bàn về văn học, đó là một V.Korolenko giản dị khi bận “chiếc áo sơ mi Nga bằng vải trúc bàu màu xanh thắt chiếc nịt da, trong chiếc quần vải đen nhét vào ống lủng” [22, tr.427]... “ông ngồi bên bàn trà trong căn phòng nhỏ có cửa sổ trông ra phố, trên bậu cửa sổ và ở các góc phòng có đặt chậu hoa, khắp nơi la liệt từng đống sách vở và báo chí” [22, tr.426]. Có lẽ tuổi già đã khiến con người ta sinh ra nhiều tật xấu và V.Korolenko cũng không ngoại lệ khi chính ông cũng thừa nhận rằng: “Bỗng dưng tôi cứ ngẩn người ra suy nghĩ cái gì, như vừa đâm đầu xuống giếng. Tôi không trông thấy gì, không nghe thấy gì nữa hết, nhưng tôi cứ lắng nghe một cái gì ở đâu đâu, và lắng nghe rất chăm chú” [22, tr.438].

Với L.Tolstoy vĩ đại, có lẽ không ai có thể biết được “góc khuất” của ông nếu như không được Gorky kể lại. Đó là một “ông cụ ngồi trong góc, mệt mỏi, xám xịt như thể phủ một lớp bụi của thế giới khác, và chăm chú nhìn mọi người với đôi mắt của một người lạ hay một người câm” [22, tr.381]. Dường như vốn sống dầy dặn của một bậc thầy đã khiến ông thâm trầm hơn, lặng im hơn với chính bản thân mình.

Như vậy, chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky đã dựng nên những bức chân dung của người nghệ sĩ- với tư cách là những con người

của đời thường. Họ cũng phải vất vả trong cuộc sống mưu sinh với bao chuyện buồn - vui như những con người bình thường khác, cũng có đủ mọi “thói hư tật xấu”. Điều đó không chỉ giúp độc giả có cơ hội để hiểu thêm về đời tư của người nghệ sĩ mà còn khiến chúng ta có thể cảm nhận được, với tư cách là những con người của đời thường, người nghệ sĩ hiện lên thật đáng yêu và đáng trọng biết bao nhiêu!

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 47 - 50)