Văn nghệ sĩ – cái tâm với văn chương và cuộc đời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 50 - 54)

6. Cấu trúc luận văn

2.1. Đối tƣợng đƣợc dựng chân dung văn học

2.1.4. Văn nghệ sĩ – cái tâm với văn chương và cuộc đời

Những chân dung văn học được K.Paustovsky và M.Gorky xây dựng đều có chung đặc điểm: họ là những con người có tài năng trong lĩnh vực văn chương và mang một chữ “tâm” với văn chương, với cuộc đời. Dù có thể cuộc đời họ gặp nhiều gian nan, lận đận nhưng vượt lên tất cả họ luôn có thái độ, cách ứng xử đẹp, đáng khâm phục với văn chương nói riêng và với cuộc sống nói chung.

Trước hết là thái độ với văn chương. Hầu hết những nhà văn, nghệ sĩ được khắc họa chân dung đều là những người luôn có thái độ nghiêm túc, cần mẫn và hết lòng trong nghệ thuật. M.Gorky đã thể hiện rất chân thực tình yêu với văn học của A. Chekhov: “Với văn học nói chung, anh có một thái độ quan tâm rất thấu đáo, và đặc biệt cảm động là sự quan tâm của anh đối với các nhà văn mới vào nghề.” [22, tr.348]. M.Gorky kể lại, Chekhov thường nói rằng: “Trong sinh hoạt nước ta, văn học vẫn còn là một môn mới và dành cho một số ít “tinh hoa”. Ở Na-uy cứ hai trăm hai mươi hai người dân thì có một nhà văn, mà ở ta thì một triệu dân mới có một nhà văn” [22, tr.348]. Điều này cho thấy, sự quan tâm của Sêkhốp đối với nền văn học nước nhà. Trong Bình minh vàng và bình minh mưa của K.Paustovsky, Chekhov cũng hiện lên là một nhà văn không bao giờ chấp nhận sự dễ dàng trong văn chương: “Văn của ông không sao chịu nổi chút xíu bụi bậm và vết bẩn”. [62, tr.199]. Mặc dù trong giai đoạn đầu của sự nghiệp văn chương, Chekhov bị nhiều người coi là kẻ thù bởi ông đã viết về những con người đã bỏ lỡ cuộc sống, ông đã viết chân thực quá đỗi cuộc sống này mà không thèm tô vẽ nó. Mặc những lời xỉ

vả, ông bỏ ngoài tai và lại cần mẫn tiếp tục viết. Không chỉ vấp phải sự chỉ trích từ bạn đọc mà nhiều nhà phê bình thời đó đã rủa ông sẽ “rượu chè be bét rồi chết dấp ở vỉa hè” [21, tr.48]. Song vươn lên tất cả, ông đã trở thành bậc thầy vĩ đại của nền văn học Nga. Ngoài cái tâm với nghiệp văn, cuộc đời của Chekhov còn là tấm gương đáng để con người ta học tập cả về cách sống: “… trong một thời gian dài, nhiều năm, ông đã gian khổ để đấu tranh vứt bỏ từng chút, từng chút một chất nô lệ trong con người. Chỉ cần trải ra những bức ảnh của Chekhov theo tuần tự năm tháng – từ lúc ông còn là thanh niên cho đến những năm cuối đời – là đủ thấy rõ cái nét tiểu tư sản mờ mờ phủ bên ngoài con người ông mất dần và gương mặt ông trở nên nghiêm nghị thêm, lớn lao thêm và đep thêm mãi, cả trang phục của ông cũng thanh thoát và duyên dáng thêm mãi” [62, tr.200].

Viết về L.Tolstoy, M.Gorky dành một sự kính mến như một học trò đối với một người thầy đã hướng dẫn tận tình chỉ bảo cho mình nhưng chỗ chưa đúng trong cách viết văn. Trong một lần đọc tác phẩm của mình cho L.Tolstoy nghe, Gorky đã nhận được sự góp ý thẳng thắn của L.Tolstoy: “Anh dùng từ lại vụng, tất cả các nhân vật của anh đều nói năng một cách rất thông minh. Ngoài đời họ rất ngu, rất vụng – người ta không hiểu ngay được họ muốn nói gì. Họ nói như thế là cố ý-phía dưới cái vẻ ngu ngốc của lời lẽ bao giờ họ cũng che dấu cái ý muốn để cho người kia tự nói lấy cái ý của họ. Người mu-gich chân chính không bao giờ để lộ ngay trí thông minh của mình ra, vì như thế không có lợi cho họ. Họ cho rằng đối với một người ngu thì người ta xử sự một cách giản dị, không lắt léo và đó chính là điều họ cần! Anh cứ mở toang ra trước mắt họ, thế là họ thấy ngay được tất cả những chỗ yếu của anh. Họ vốn đa nghi, ngay với vợ họ cũng không dám nói những ý nghĩ sâu kín của họ. Còn trong truyện của anh thì cái gì cũng thẳng đuồn đuột, mỗi truyện đều là một thứ đại hội toàn thế giới của những người thông minh. Và mọi người nói bằng cách ngôn: cái này cũng không đúng, cách ngôn

không hợp với tiếng Nga đâu”. [22, tr.362-363]. “Ngoài ra cái gì anh cũng tô vẽ cho đẹp lên, người cũng thế, mà thiên nhiên cũng thế, nhưng nhất là người! Đó là cách làm của Lexkôp, một nhà văn kiểu cách, vô lối, đã từ lâu chẳng ai đọc nữa. Anh đừng theo đuổi ai hết, đừng sợ ai hết” [22, tr.363]. Hay có lần M.Gorky đọc cho Tolstoy một cảnh trong vở Dưới đáy, Tolstoy đã góp ý một cách thẳng thắn: “Ở đoạn nào cũng thấy anh chực xông vào bất cứ cái gì, như con gà chọi, ngoài ra, anh lại cứ muốn lấy thuốc vẽ của bản thân bôi khắp các lỗ thủng, các khe rạn… Sau nữa, ngôn ngữ của anh quá láu lỉnh, lắm mẹo vặt, như thế không được. Phải viết cho giản dị hơn, nhân dân người ta nói năng giản dị, thậm chí có vẻ thiếu mạch lạc, nhưng thật ra rất hay” [22, tr.377]. Có thể thấy, phải là một con người có tâm với văn chương mới có thể hướng dẫn tận tình chỉ dạy cho thế hệ sau của mình như Tolstoy.

Về V.Korolenko, đó là một con người đáng kính bởi ở ông – theo Gorky - có một tình yêu vô bờ đối với văn học thế giới nói chung và văn học Nga nói riêng. Chỉ cần nghe mọi người đả động đến văn chương là “ông lập tức sôi nổi hẳn lên và bắt đầu kể chuyện một cách dí dỏm về cuộc đấu tranh giữa các nhóm văn học, và cuộc tranh luận giữa phái dân túy và phái Macxit” [22, tr.450]. Chính vì thái độ nghiêm túc đối với văn học mà Korolenko đã từng nhiều lần đưa ra lời khuyên cho Gorky về cách viết khi Gorky mang đến cho ông những bản thảo của mình: “Trong cái bài kinh cầu hồn này chỉ có mấy bài thơ là đăng được, nó độc đáo đấy, tôi sẽ đem đăng cho anh. Truyện

Bà lão viết tốt hơn, nghiêm túc hơn nhưng vẫn là một truyện phóng dụ. Viết thứ này rồi có ngày nguy đấy! Anh đã từng vào tù rồi phải không?” ... “tôi có cảm giác là anh hát bằng một giọng không phải của anh. Anh là nhà văn hiện thực chứ không phải nhà văn lãng mạn” [22, tr.433]. Trước tình yêu vĩ đãi của Korolenko đối với văn học, Gorky đã thừa nhận rằng: “Tôi cảm biết được sự chân thành đầy sức quyến rũ của nỗi vui mừng này và thấy khâm phục con

người nói về văn học như nói về một người đàn bà mà mình yêu với một mối tình đằm thắm, vững mạnh – yêu đến trọn kiếp” [22, tr.442].

Chân dung nhà văn Prishvin trong Bông hồng vàng và bình minh mưa

là một người luôn trăn trở về nghiệp viết, luôn cẩn trọng trong việc viết về bất cứ đối tượng nào, không phân biệt giai cấp: “Viết về con người, hình như ông phải nheo mắt lại vì cái nhìn sáng suốt của mình. Ông không chú ý đến cái ngoại lai. Ông say mê những ước mơ trong lòng mỗi người, dù cho người đó là người đốn rừng, là bác thợ giày, là người thợ săn hay là nhà bác học danh tiếng” [62, tr.221].

Chân dung văn học không chỉ khắc họa hình ảnh người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật mà còn tái hiện thái độ, cách ứng xử của họ với con người, với cuộc đời. Mặc dù là những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nhưng cuộc đời họ lại có thể từng có quãng thời gian “u tối” nhưng điều quan trọng hơn là họ vượt lên trên những điều đó, họ luôn yêu đời, yêu người, sống kiên cường, không đầu hàng số phận. Trong cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa, chúng ta bắt gặp Mikhail Prishvin – một tấm gương về con người “đã từ bỏ mọi cái xa lạ mà hoàn cảnh áp đặt cho ông và chỉ sống theo lệnh truyền của trái tim” [62, tr.215]. Đó là một Chekhov gian khổ đấu tranh vứt bỏ từng chút, từng chút một, chất nô lệ trong con người. Đó là một Grin luôn tin tưởng ở cuộc đời dù từng bị xã hội ruồng bỏ, bị cuộc đời đánh cho tả tơi. “Grin viết hầu hết các tác phẩm của mình để bênh vực cho ước mơ”. [62, tr.227].

Còn trong Bàn về văn học đó là chân dung một Romain Rolland tràn đầy tình yêu đối với thế giới và con người. Chính M.Gorky cũng cảm thấy ghen tị và thèm muốn trước tình yêu kiên định của Romain Rolland dành cho con người, dành cho sức mạnh của tình yêu. “Với tấm lòng dũng cảm không nhắm mắt trước những nỗi đau thương không sao kể hết đang đày đọa con người để rồi trôi qua, để lại cho ta cái chân lý đẹp đẽ và thuần khiết, Romain Rolland đang làm việc mình, công việc của một nhà văn và một nhà tư tưởng” [21, tr.187].

Như vậy, dựng lên chân dung của các nhà văn, những bạn bè, đồng nghiệp đương thời, M.Gorky và K.Paustovsky đã có một cái nhìn đa chiều, toàn diện về người nghệ sĩ. Để có được cái nhìn ấy, người dựng chân dung văn học phải xuất phát từ tấm lòng trân trọng, thấu hiểu sâu sắc đối với các nhân vật của mình. Ngòi bút M.Gorky và K.Paustovsky đã đưa hình ảnh của các nhà văn trở về gần gũi hơn với công chúng, với cuộc sống. Người đọc có dịp khám phá để hiểu thêm về những văn nghệ sĩ mà họ yêu mến thông qua cái tâm của họ với nghiệp văn cũng như với cuộc đời này từ đó có một cách hiểu đầy đủ hơn về những sáng tác của họ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể loại chân dung văn học trong sáng tác của m gorky và k paustovsky những đặc điểm loại hình (Trang 50 - 54)