Chƣơng 3 : TỔ CHỨC TRUYỆN KỂ TRONG CHÂN DUNG VĂN HỌC
3.2. Điểm nhìn
3.2.2. Theo yếu tố thời gian
Trong một công trình nghiên cứu của mình, tác giả Đức Dũng đã viết: “Những con người và những sự việc mà chân dung văn học đề cập tới thường đã diễn ra trong quá khứ. Đó là lý do khiến cho chân dung văn học (cũng như hồi ký, truyện ký,…) không phản ánh được nhiều những điều đang xảy ra, mới xảy ra như bút ký, ký sự, phóng sự văn học.” [13, tr.192]. Nhận định nói trên đã nêu lên một đặc điểm của chân dung văn học: nội dung chủ yếu của những sáng tác thuộc thể văn này là những con người đã qua, những thời kì văn học đã qua. Người dựng chân dung có thể viết với tư cách người cùng thời hoặc kẻ hậu sinh tiếp nhận bài học được truyền lại từ các bậc đàn anh trong văn giới.
Trong sáng tác chân dung văn học của mình cả K.Paustovsky và M.Gorky đều gặp nhau trong điểm nhìn thời gian. Cả hai nhà văn đều xuất phát từ điểm nhìn hiện tại, nhớ về quá khứ, hồi tưởng lại những người bạn của mình trong một quãng đời đáng nhớ. Xuất phát từ điểm nhìn hiện tại con người luôn có một cách đánh giá một cách thấu đáo, sâu sắc hơn, công bằng và bao dung hơn về những gì đã diễn ra, đã trải qua. Cả hai viết chân dung văn học bên cạnh thể hiện tình cảm của mình dành cho bạn bè, còn thông qua đó bày tỏ quan niệm về văn học. Với điểm nhìn “hôm nay”, chân dung các nhà văn hiện lên một cách toàn diện, trọn vẹn hơn, đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của những thế hệ sau về những văn nghệ sĩ mà họ yêu mến.
Trong cuốn Bàn về văn học, đặc điểm này được thể hiện rõ nhất trong bài viết về Romain Rolland. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch Pháp từng đoạt giải Nobel văn học. Người kể chuyện đã dẫn dắt câu chuyện về cuộc đời của nhà văn này bằng đoạn mở đầu là thời đại của ông lúc bấy giờ. Đó là thời đại mà “người châu Âu lại sống trong một trạng thái mất lòng tin, bất lực, tự phủ nhận một cách bi đát… Những ngày dông bão. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng đổ vỡ ì ầm, và bốn bề đều chìm ngập trong một nỗi u buồn đầy hằn học… ” [21,tr.183-184]. Romain Rolland đã hiện lên giữa những ngày châu Âu đen tối ấy với một tâm hồn, ý chí kiên gan, mạnh mẽ, không hề biết mệt sáng tạo ra những giá trị văn hóa. Con người ấy đã viết lên những cuốn sách vĩ đại nhất thời đại như Bi kịch của lòng tin, Jăng Crixtôp và thiên trường ca Côla Brơnhông. Gorky đã bình luận: “Phải có một quả tim có sức làm nên những phép màu nhiệm mới có thể xây dựng được ở Pháp, sau những tấn bi kịch mà nó trải qua, một tác phẩm lành mạnh, hưng phấn đến như vậy – tác phẩm với niềm tin tưởng mãnh liệt, không gì lay chuyển nổi, đối với đồng bào mình: dân tộc Pháp”. Nhìn lại những gì R.Rolland viết, đối chiếu với hiện thực đương thời, Gorky mới có thể khẳng định: “Ông đã nhìn thấy trước sự ra đời của phụ nữ mới đến thế chân cho phụ nữ đang giúp sức phá vỡ thế giới này,
của người phụ nữ hiểu được vai trò thúc đẩy văn hóa của mình, cho nên muốn bước vào thế giới một cách đường bệ và toàn quyền, với tư cách là nữ chủ nhân tối hợp pháp của thế giới, với tư cách là mẹ của những người đàn ông do mình xé thịt đẻ ra và phải chịu trách nhiệm với mình về những việc họ làm” [21, tr.187].
Viết về Balzac, Gorky nhớ lại kỷ niệm thời trung học của mình khi lần đầu tiên đọc cuốn sách của ông – cuốn Miếng da lừa. Cái kỷ niệm đó, M.Gorky “còn nhớ rõ mồn một cái khoái cảm không sao tả xiết của tôi trong khi đọc những gian miêu tả gian hàng của người bán đồ cổ; đối với tôi, đoạn miêu tả đó cho đến nay vẫn là một trong những mẫu mực ưu tú nhất của nghệ thuật ngôn từ. Trong cuốn sách còn có một đoạn khác mà nghệ thuật viết văn đã khiến tôi kinh ngạc: đó là đoạn đối thoại trong bữa tiệc. Ở đây Balzac chỉ dùng những câu chuyện trò rời rạc bên bàn ăn mà vẽ lên được những khuôn mặt và những tính cách rõ nét lạ lùng” [21, tr.149].
Trong Bông hồng vàng và bình minh mưa, viết về M.Gorky, K.Paustovsky nhớ về những lần chuyện trò với nhân vật, cùng nhân vật bàn luận về một cuốn sách, về luận thuyết của Ghecnhet, thậm cùng nhân vật tranh cãi về chuyện những con chó miền á nhiệt đới có bị sốt rét cơn hay không. Từ văn chương đến những vấn đề thường ngày đều được tác giả và nhân vật say sưa bàn luận. Điều này thể hiện được sự thân thiết gần gũi của tác giả với nhân vật, qua đó thấy được tình cảm của tác giả dành cho nhân vật của mình. Kết thúc bài viết về M.Gorky, K.Paustovsky đã kể lại lần nói chuyện cuối cùng giữa tác giả với M.Gorky đó là bàn về luận luận thuyết của Ghécnhét: “Ông tranh luận với tôi về luận thuyết đó rất lâu, mỗi lúc một sôi nổi và đề nghị tôi gửi cho ông cuốn sách để in lại với một số lượng xuất bản lớn ở Nga. Và ông nói rất nhiều về chuyện có biết bao điều bất ngờ thông minh và tốt đẹp rình đón chúng ta bước” [62, tr.210]. Thế nhưng M.Gorky đã không kịp in cuốn sách đó, ít lâu sau ông qua đời. Như vậy ở đây, nhân vật
được xây dựng chân dung có thể là những tác giả còn sống, nhưng cũng có thể là họ đã mất. Trong số những nhân vật quá khứ đó trong cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa có thể kể đến như M.Gorky, Prishvin, Alexander Grin, Balzac, Pushkin, Victor Hugo, Chekhov…
Như vậy, sau những gì đã trải qua, đến một lúc nào đó con người sẽ xuất hiện nhu cầu “nhận thức lại” quá khứ để hiểu thấu đáo hơn một thời kì văn học cũng như lịch sử của đất nước. Trên phông nền đó, chân dung những văn nghệ sĩ một thời đã được các tác giả khắc họa với nguyên tắc cao nhất là tôn trọng sự thực.
Có thể thấy điểm hấp dẫn của các sáng tác chân dung văn học của M.Gorky và K.Paustovsky chính là sự dịch chuyển, thay đổi điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong trong nghệ thuật trần thuật. Điểm nhìn bên ngoài là trường hợp người kể chuyện đứng từ ngoài để quan sát câu chuyện. Còn điểm nhìn bên trong là sự quan sát nhân vật từ cảm nhận nội tâm của mình. Điểm nhìn bên trong cho phép trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, tái hiện đời sống nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Việc phối hợp và di chuyển điểm nhìn từ không gian, nội tâm đến thời gian, từ bên ngoài đến bên trong sẽ giúp cho nhà văn có điều kiện trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, nhà văn có đủ điều kiện để đào sâu vào cả tầng vô thức cũng như miêu tả một cách sinh động những đường quành tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật.
Có thể thấy, việc lựa chọn ngôi kể cũng như sử dụng chi tiết và ngôn ngữ trong cân dung văn học đều thể hiện một điểm nhìn nghệ thuật từ khoảng cách gần của các tác giả viết chân dung. Ở đây câu chuyện liên quan đến đối tượng được khắc họa chân dung được kể theo ngôi thứ nhất với cái “tôi” - vai chính hoặc cái “tôi” - chứng nhân, tạo nên cảm giác chân thực cho câu chuyện, đồng thời cũng khiến cho chân dung tác giả hiện lên rõ nét bên cạnh chân dung nhân vật. Cùng với đó là những chi tiết và ngôn ngữ đời thường
cũng được khai thác tối đa và đưa vào tác phẩm, giúp kéo gần khoảng cách giữa nhân vật- tác giả cũng như nhân vật/ tác giả với độc giả.