Lý thuyết sinh thái học

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với phụ nữ bị bạo lực gia đình (nghiên cứu tại huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định) (Trang 30 - 32)

Chƣơng 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA NGHIÊN CỨU

1.2. Lý thuyết ứng dụng trong nghiên cứu

1.2.3. Lý thuyết sinh thái học

Tiếp cận dựa trên sinh thái học là một trong những tiếp cận truyền thống khi nghiên cứu về văn hoá của cá nhân, nhóm, cộng đồng công tác xã hội. Đây là một khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa các cơ thể sống với môi trường tự nhiên của chúng. Ở đây môi trường tự nhiên khách quan có ảnh hưởng sâu tới các chế độ xã hội và tư tưởng của con người. Những người theo thuyết sinh thái học văn hoá cho rằng, kiểu văn hoá của mỗi tộc người được tạo ra là do sự quy định của những nguồn tài nguyên và những giới hạn của môi trường xung quanh, kể cả những thay đổi trong môi trường đó. Điều đó có nghĩa khác biệt trong cách tổ chức xã hội và văn hoá là kết quả của sự thích nghi với các điều kiện vật chất và sinh thái bao quanh. Ở đây “kiểu văn

hoá” đóng vai trò căn bản được hiểu như một tập hợp những nét khác biệt cho một lối sống do kết quả thích nghi với môi trường xung quanh và tạo nên hạt nhân của văn hoá – cái gắn liền với các hoạt động tạo ra phương tiện tồn tại, các thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo…. Nếu môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và tổ chức như thế nào thì việc giao tiếp ngôn ngữ, tâm hồn, tính cách, tư duy, ẩm thực và tương tác xã hội cũng có tác động như vậy, thậm chí còn nhiều hơn và rõ ràng hơn.

Chẳng hạn những người dân vùng biển sống phụ thuộc vào môi trường biển và nguồn thức ăn chính là cá thì chắc chắn văn hoá của vùng này, môi trường này cũng sẽ tạo ra những ngôn ngữ, từ ngữ để chuyển tải thông tin chính xác về cá và nghề đi biển. Đối với người dân nông thôn đồng bằng Bắc Bộ do tính chất manh mún trong đồng ruộng, sản xuất mà từ ngữ chỉ về nó cũng phong phú như: mang, vác, đội, gánh, khiêng… để chỉ một hành động vận chuyển sản phẩm của người lao động sau thu hoạch.

Như vậy hướng tiếp cận sinh thái học văn hoá đòi hỏi khi nghiên cứu phải đào sâu tìm hiểu nội dung, đặc điểm cùng với những hệ quả tinh thần – xã hội của một văn hoá nào đó ở môi trường tự nhiên đã hình thành nên chúng, nhất là trong công tác xã hội. Bất cứ một can thiệp hay giúp đỡ cho dù là một cá nhân hay tổ chức xã hội nào thì trước hết phải tìm hiểu môi trường sống của cá nhân hay tổ chức xã hội đó. Các hệ thống môi trường ở đây là hệ thống mở, các hệ thống có liên hệ chặt chẽ với nhau. Một hệ thống này bao gồm những phần từ nhỏ hơn nhưng nó có khi lại thuộc một hệ thống lớn hơn. Chẳng hạn: Gia đình bao gồm nhiều thành viên: cha mẹ, con cái gọi là gia đình hạt nhân. Nhưng gia đình con này lại nằm trong trong một gia đình lớn hơn còn gọi là gia đình mở rộng.

Theo thuyết này, tất cả các vấn đề của con người phải được nhìn nhận một cách tổng thể trong mối quan hệ với các yếu tố khác, chứ không được nhìn

nhận một cách độc lập, riêng lẻ. Nói cách khác, trong hoàn cảnh sống mỗi người đều có những hành động và phản ứng làm ảnh hưởng lẫn nhau. Một hoạt động can thiệp hoặc giúp đỡ một cá nhân, một nhóm đếu có ảnh hưởng ít nhiều tới những yếu tố xung quanh. Vì thế trong các hoạt động công tác xã hội, việc giúp đỡ, hỗ trợ một cá nhân, một nhóm, gia đình, cộng đồng, xã hội… cần phải được xem trên nhiều phương diện, nhiều mức độ khác nhau.

Lý thuyết môi trường sinh thái có ảnh hưởng nhiều đến các phương thức thực hành trong công tác xã hội như tư vấn, xử lý trường hợp, tư vấn gia đình, tư vấn nhóm, thiết kế và phát triển cộng đồng [ 43, tr.47].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của nhân viên công tác xã hội đối với phụ nữ bị bạo lực gia đình (nghiên cứu tại huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định) (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)