PHẦN 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
4.5.2. Giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự tích lũy kim loại nặng trong rau
4.5.2.1. Đối với đất nông nghiệp
Biện pháp tăng pH đất để cố định các kim loại nặng.
Qua khảo sát thực tế đất trồng rau của xã Hương Ngải là đất thịt nhẹ, chua (pHKCl= 5,0 - 5,3). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho kim loại nặng dễ dàng vận chuyển vào cây trồng. Để khắc phục điều này, đề xuất sử dụng vôi (đối với Pb, Cd) như một công cụ để hạn chế sự tích luỹ kim loại nặng từ nước tưới vào rau, bởi vì khi các kim loại nặng được đưa vào đất từ con đường tưới nước, dưới điều kiện pH đất cao chúng sẽ kết bị kết tủa và giữ lại trong đất, hạn chế hấp thụ của chúng vào rau.
Khác với Pb và Cd, sự hấp thu As của cây trồng ít phụ thuộc vào sự thay đổi của pH đất, việc tăng mức bón vôi làm cho pH đất tăng lên nhưng hàm lượng As trong rau không có sự biến động, khi trong môi trường kiềm As có xu hướng linh động hơn do sự có mặt Ca+2 nên As tạo thành Ca3(AsO4)2, làm cho khả năng vận chuyển vào cây trồng nhiều hơn.
Như vậy để hạn chế sự tích luỹ As từ môi trường nước vào cây trồng không thể dùng biện pháp bón vôi thông thường mà phải có các biện pháp khác, như biện pháp hoá học dùng ôxit, hyđrôxyt Fe…, biện pháp sinh học lựa chọn loại thực vật như dương xỉ….
Tuy vậy, biện pháp bón vôi chỉ là biện pháp giải quyết trước mắt bởi vì chỉ khống chế được sự hấp thụ các kim loại nặng vào cây trồng nhưng chúng vẫn bị giữa lại trong đất và khi có điều kiện thì nó lại trở lên linh động.
4.5.2.2. Đối với nước tưới nông nghiệp
Chất lượng nước mặt của xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất hoàn toàn có thể sử dụng làm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong sử dụng cần chú ý đến vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ và sự tích lũy kim loại nặng trong nước.
Bảo vệ môi trường là công việc của toàn xã hội, nhưng ý thức của mỗi người trong vấn đề môi trường là hoàn toàn khác nhau, vì vậy tuyên truyền, giáo dục môi trường được coi là vấn đề cốt lõi trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó, Đảng uỷ, UBND xã Hương Ngải, UBND huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội cần chỉ đạo, kết hợp với các cơ quan đoàn thể như Hội nông dân, Đoàn thanh niên … tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tác động của các chất ô nhiễm đến sức khoẻ con người và đời sống cộng động, đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã, huyện.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp: Ở Thạch Thất hiện nay có rất nhiều các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm rải rác trên địa bàn huyện, gây khó khăn cho công tác thu gom và xử lý chất thải, nước thải, ... Vì vậy cần thiết phải quy hoạch các cơ sở đó vào khu công nghiệp tập trung. Việc quy hoạch vào khu công nghiệp tập trung vừa tiện cho việc quản lý khu công nghiệp, quản lý chất thải, nước thải lại tiện cho công tác thanh, kiểm tra môi trường.
- Các phương án khống chế ô nhiễm nguồn nước.
- Cải tiến công nghệ sản xuất đã lạc hậu để giảm bớt lượng xả thải chất thải. Mỗi cơ sở sản xuất cần có các hệ thống xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt cục bộ phù hợp với công nghệ, ngành nghề sản xuất của mình. Nước thải của các nhà máy phải được xử lý sơ bộ, sau đó được đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi thải ra sông ngòi. Thường xuyên tiến hành nạo vét kênh mương.
Ngoài ra, nguồn nước thải sau khi đã được xử lý tập trung nên tiếp tục xử lý sinh học bằng cách sử dụng các loài cây có khả năng hút Cu, Pb, Zn mạnh như: Rau ngổ, bèo tây, dừa nước, … trước khi thải ra ngoài môi trường.