Vai trò của cây rau trong đời sống con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng kim loại nặng trong sản xuất rau tại xã hương ngải, huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 27 - 29)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.2. Vai trò của cây rau trong sản xuất nông nghiệp và đời sống con người

2.2.2. Vai trò của cây rau trong đời sống con người

Giá trị dinh dưỡng:

Rau là thực phẩm rất cần thiết cho con người trong đời sống hàng ngày. Rau cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của cơ thể con người. Rau chứa một lượng khá lớn carbonhydrat, vitamin, đạm, đường, chất thơm, các chất khoáng và acid hữu cơ. Cây rau chứa hàm lượng vitamin và chất khoáng nhiều hơn hẳn một số loại cây trồng khác. Rau chứa nhiều nước, trung bình 80-90%, có khi 93-97% trọng lượng (dưa leo, xà lách…).

Lượng chất khô trong rau chiếm khoảng 20%, có loại rau chỉ chiếm 3- 5%. Phần lớn lượng chất khô hòa tan chứa trong dịch bào (5-18%), chỉ khoảng 2-5% là chất không hòa tan. Chất khô không hòa tan gồm tinh bột, cellulose, chất sáp và các sắc tố. Chất khô hòa tan gồm đường, đạm, các acid và chất pectin hòa tan.

Chất xơ là thành phần cấu tạo quan trọng của cây rau. Cơ thể không tiêu hóa được chất xơ nhưng chất xơ giúp tăng thể tích tiếp xúc của thức ăn với dịch tiêu hóa, giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng. Chất xơ có khả năng kích thích chức năng nhu động và tiết dịch của ruột, giúp cơ thể chống sự táo bón.

Chất đạm chứa khoảng 1-2% trọng lượng chất khô. Một số rau có hàm lượng đạm cao hơn như ở cải Bixen 5,3%; đậu Hà lan non 7%; nấm, đậu, bồ ngọt 5-6%; rau muống 2-3%...

Chất đường trong rau thường là đường glucose hay fructose. Đường chứa nhiều trong dưa hấu 6-10%, dưa melon 7-17% và hành tây 6-18%.

Rau là nguồn cung cấp vitamin phong phú và rẻ tiền. Rau có chứa các loại vitamin A (tiền vitamin A), B1, B2, C, E và PP... Trong khẩu phần ăn của nhân dân ta, rau cung cấp khoảng 95 - 99% nguồn vitamin A, 60-70% nguồn vitamin B (B1, B2, B6, B12) và gần 100% nguồn vitamin C.

Hợp chất khoáng trong rau chứa nhiều ion kiềm do đó giúp trung hòa pH trong máu và dịch tế bào. Các chất khoáng quan trọng cho cơ thể gồm có P, Ca, K, Na, Fe…Nhu cầu hàng ngày của các nguyên tố này rất khác nhau. Như P và Ca cơ thể cần từ 0,8-1,5g/ngày; nhu cầu về Fe ít hơn, từ 10-15mg/ngày. Fe có nhiều trong rau cải, củ cải trắng, cà chua… (Tạ Thu Cúc, 2003).

Bảng 2.3. Thành phần dinh dưỡng của rau và một số thực phẩm trong 100g sản phẩm tươi Loại sản phẩm Năng lượng (kcal) Hydrat- cacbon (g) Đạm (g) Lipid (g) Ca (mg) Sắt (mg) Vit C (mg) Vit A (mg) Rau ăn lá 22 3,7 1,6 0,3 76 2,3 44 2,2 Rau cải 40 4,4 1,6 0,4 119 1,5 76 1,1 Rau ăn củ 45 6,0 0,7 0,2 68 1,2 28 6,0 Hành tỏi 72 9,2 1,6 0,2 82 0,8 26 0,7

Rau ăn quả 44 5,3 1,4 0,4 30 0,8 28 0,2

Bánh mỳ 346 25,0 7,5 1,0 15 Vết 2,0 -

Sữa 67 4,8 3,4 3,7 120 - 1,7 0,03

Thịt heo 563 - 11,2 35,0 10 - 0,5 -

Nguồn: Tạ Thu Cúc (2003) Giá trị y học:

Rau chẳng những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn được sử dụng như những dược liệu quý. Nhiều loại rau được sử dụng làm vị thuốc trong đông và tây y do chứa chất dược tính như tỏi ta, hành hoa, gừng, nghệ, tía tô, hành tây… (Hoàng Minh Tấn và cs., 2000)

Cây tỏi ta được xem là loại dược liệu quý trong nền y học cổ truyền của nhiều nước như Ai Cập, Trung Quốc, Việt Nam… Tỏi chứa chất được sử dụng làm thuốc dễ tiêu, trị ho, rối loạn tiêu hóa. Ngày nay từ hành, tỏi chiết xuất được chất kháng sinh alixin, có khả năng kháng khuẩn dó kết hợp với nhóm -SH của các acid amin và làm vi khuẩn không có khả năng sử dụng các acid amin này nữa. Cải bắp có chứa nhiều vitamin U giúp chữa bệnh loét bao tử. Bồ ngót chứa alkaloid và papaverin giúp an thần, chữa bệnh mất ngủ. Hành có tính thán hàn, thông khí, tiêu thực và sát trùng, dùng trị cảm lạnh, ăn khó tiêu. Người ta cho rằng, nếu ăn mướp đắng và bí ngô thường xuyên có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường (Tạ Thu Cúc, 2003).

Giá trị kinh tế:

Sản xuất rau cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất 1 ha rau gấp 2-3 lần so với 1 ha lúa. Hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm người sản xuất và chủng loại rau. Nhìn chung cây rau có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể gieo trồng nhiều vụ trong năm do đó làm tăng sản lượng trên đơn vị diện tích. HTX Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì từ năm 1997 trở về trước, giá trị

sản xuất trên đất canh tác trung bình thu được 40 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2003, HTX này đã thu được 75 triệu đồng/ha/năm do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích trồng một số loại rau có hiệu quả kinh tế cao. Tương tự, trung bình một ha đất nông nghiệp tại huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội thu được 67 triệu đồng/năm (4/2004). Trong khi đó đất chuyên canh rau thuộc cùng địa bàn thu được 100-120 triệu đồng/ha/năm. (Trần Kim Loan, 1989)

Rau là loại hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao, thu ngoại tệ mạnh của nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm rau xuất khẩu có thể là tươi sống hoặc đã qua chế biến.

Rau là nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm phong phú và quan trọng. Nhiều loại rau được sử dụng làm nguyên liệu trong công nghiệp chế biến thực phẩm như cà chua, dưa chuột, ớt, nấm, bí ngô, đậu Hà Lan…(Trần Thị Kiếm, 2004).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng kim loại nặng trong sản xuất rau tại xã hương ngải, huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)