Mối quan hệ giữa tái cấu trúc ngân hàng và văn hóa doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng (nghiên cứu trường hợp ngân hàng TMCP sài gòn – hà nội) (Trang 32 - 36)

1.1 .Tái cấu trúc ngân hàng

1.1.1 .Ngân hàng

1.4. Mối quan hệ giữa tái cấu trúc ngân hàng và văn hóa doanh nghiệp

1.4.1. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng

Văn hoá doanh nghiệp tạo nên phong thái riêng trong hoạt động của ngân hàng thương mại đặc biệt là trong quá trình ngân hàng bước vào giai đoạn tái cấu trúc.

Việc mua bán và sáp nhập (M&A) các ngân hàng đã làm cho các ngân hàng biến đổi nhiều từ cơ cấu tổ chức đến đối tượng sản xuất kinh doanh, đến mối quan hệ đồng nghiệp trong tổ chức. Bất kỳ một tổ chức nào cũng mang những giá trị riêng, trước khi M&A, mỗi ngân hàng là một chủ thể riêng với phong cách lãnh đạo và triết lý kinh doanh khác nhau, hệ giá trị khác nhau, môi trường làm việc khác nhau. Khi bước đến quá trình tái cấu trúc, hầu như những văn hóa riêng đã thay đổi, một ngân hàng sau sáp nhập đang đứng trước rất nhiều khó khăn: từ việc thống nhất

đội ngũ lãnh đạo, xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp, triết lý kinh doanh và mục tiêu kinh doanh, chiến lược kinh doanh và cả sự đồng thuận từ phía đội ngũ cán bộ nhân viên trong ngân hàng sau sáp nhập...

VHDN chứa đựng trong nó rất nhiều bộ phận và yếu tố như kiến trúc, sản phẩm, tập tục, nghi lễ, thói quen, cách họp hành, chiến lược kinh doanh, logo, ấn phẩm điển hình, giai thoại về người sáng lập doanh nghiệp... Chính những yếu tố đó đã làm nên một phong thái, một nét riêng, đặc trưng của doanh nghiệp đó mà không doanh nghiệp nào khác có thể bị lẫn vào. Những yếu tố này có ảnh hưởng cực lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

VHDN giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác bởi những nét văn hoá đặc trưng của doanh nghiệp đó. Và nó cũng gây ấn tượng mạnh cho người ngoài, là niềm tự hào của các thành viên trong doanh nghiệp.

Để nhận ra phong thái của một doanh nghiệp không phải là quá khó khăn. Đặc biệt là một doanh nghiệp thành công, bởi ấn tượng của doanh nghiệp đó với công chúng là hết sức mạnh và nó trở thành niềm tự hào của các thành viên trong doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tái cấu trúc ngân hàng, văn hóa doanh nghiệp góp phần vào việc ổn định tổ chức, nhất quán tư tưởng từ cấp lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo nên sự đồng thuận nhất trí cùng xây dựng và phát triển, củng cố ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu và khẳng định tên tuổi và thương hiệu mới trên thị trường.

Văn hoá doanh nghiệp khích lệ quá trình đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thay đổi và vận dụng những yếu tố thúc đẩy ngân hàng phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy người lao động cố gắng làm việc và cống hiến cho tổ chức nhất là trong quá trình ngân hàng có những biến động về tái cấu trúc. Khi người lao động (NLĐ) chưa xác định được vị trí, vai trò, môi trường mà chính NLĐ sẽ như thế nào, khi NLĐ cảm thấy bất an với môi trường đầy thay đổi thì VHDN sẽ tạo cho NLĐ có niềm tin vào tổ chức, về môi trường mới đầy cơ hội và thách thức để phát triển, giúp chính những NLĐ có cái nhìn về tương lai của tổ chức và sẽ là động lực để NLĐ cũng làm việc hăng say và hết mình để cùng ngân hàng vượt qua và xây dựng một tổ chức bền mạnh.

Ở những doanh nghiệp có môi trường văn hoá ngự trị mạnh mẽ sẽ nảy sinh sự tự lập đích thực ở mức độ cao nhất, nghĩa là các nhân viên được khuyến khích để tách biệt ra, hoạt động độc lập và đưa ra sáng kiến. Sự khích lệ này sẽ góp phần phát huy tính năng động, khởi nguồn cho những sáng tạo của các thành viên, nhiều khi là những sáng tạo mang tính đột phá, đem lại những lợi ích không những trước mắt mà cả về lâu dài cho công ty. Từ đó tạo cơ sở cho quá trình xây dựng và phát triển của công ty. Mặt khác, những thành công của nhân viên trong công việc sẽ tạo động lực gắn bó họ với công ty lâu dài và tích cực hơn. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn cho chiến lược nhân sự, là gốc của sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

VHDN điều phối và kiểm soát hoạt động ngân hàng sau quá trình tái cấu trúc, giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống kiểm soát nhận thức hướng về những giá trị chung của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp xác định ranh giới hành xử cho thành viên trong ngân hàng theo đúng giá trị cốt lõi của ngân hàng đã được tái cấu trúc đó. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên nhận dạng chung cho các thành viên trong doanh nghiệp. Rất dễ dàng để nhận ra phong cách, giá trị và cách hành xử của các thành viên trong những doanh nghiệp có văn hóa tốt và rõ ràng. Văn hóa doanh nghiệp củng cố sự ổn định của hệ thống xã hội. Văn hóa doanh nghiệp tốt tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên, tạo nên chuẩn mực hành xử chung hướng tới mục tiêu đạt kết quả và phát triển cùng nhau. Đó cũng là động lực để khích lệ quá trình đổi mới và sáng tạọ của nhân viên. Họ sẽ được khuyến khích đưa ra những sáng kiến mới trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu thay đổi liên tục của thị trường, các ngân hàng phải chú trọng vào hoạt động đổi mới công nghệ và phát huy sáng kiến, sáng tạo của người lao động.

Văn hóa doanh nghiệp thể hiện những đặc trưng riêng có của mỗi doanh nghiệp, thể hiện những đặc điểm khác biệt so với các doanh nghiệp khác. Sự khác biệt đó thể hiện ở những tài sản vô hình như: sự trung thành của nhân viên, môi trường làm việc, cách đối xử của nhân viên với lãnh đạo, với nhân viên, các hành

vi ứng xử của nhân viên với khách hàng, lòng tin của đội ngũ nhân viên đối với cấp quản lý và ngược lại… Do vậy văn hóa doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng quý giá đối với bất kỳ ngân hàng nào đặc biệt là khi ngân hàng đang có sự thay đổi về quy mô và cơ cấu tổ chức.

Để tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, trước hết doanh nghiệp cần có uy tín cao, có trách nhiệm với xã hội, có đội ngũ nhân viên năng động nhiệt tình, tận tụy và chu đáo, luôn chú trọng phát triển mạnh thương hiệu của doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng cáo, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình biến động của thị trường kinh tế tài chính.

Một điều quan trọng tiếp theo là VNDN cũng là một nguyên nhân làm cản trở bước phát triển của ngân hàng. Nhất là trong quá trình tái cấu trúc, nếu chưa thể khẳng định vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa phù hợp thì ngân hàng rất dễ rơi vào tình trạng không đồng thuận trong quá trình vận hành tổ chức và các hoạt động kinh doanh dẫn đến ngân hàng có nền văn hóa tiêu cực sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh và có thể bị đào thải khỏi thị trường.

Ở những tổ chức không có sự phân biệt rõ ràng điều gì là quan trọng, điều gì không, VHDN được coi là yếu. Ở đó không có định hướng rõ ràng cho doanh nghiệp, luôn tỏ ra cứng nhắc, chuyên quyền, độc đoán, đặc biệt là trong đội ngũ quản lý của doanh nghiệp. Điều này có ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của doanh nghiệp bởi những người lãnh đạo không những đại diện cho cả doanh nghiệp trong quan hệ bên ngoài mà họ còn là tấm gương cho các nhân viên trong toàn doanh nghiệp khác noi theo. Một khi người lãnh đạo không thể giành được sự tôn trọng từ nhân viên thì sự phát triển của doanh nghiệp cũng ít nhiều bị đe dọa. Khi đó các nhân viên sẽ thờ ơ, không nhiệt tình với công việc, thậm chí còn có thái độ chống đổi, bất hợp tác đối với lãnh đạo. Không khí làm việc sẽ thụ động, và có sự sợ hãi của các nhân viên trong công ty.

Cũng có những doanh nghiệp không có ý định tạo nên một mối liên hệ nào khác giữa các nhân viên trong doanh nghiệp mình ngoài quan hệ công việc. Điều đó

thật tồi tệ cho một sự tồn tại lâu dài của công ty. Nơi đó không khí căng thẳng sẽ luôn bao trùm. Đối với các thành viên trong công ty mà nói thì nơi làm việc này chỉ là nơi trú chân tạm thời vì đó chỉ là tập hợp toàn những con người xa lạ, không có chút niềm tin, sự chia sẻ giữa các thành viên. Do vậy, VHDN yếu dẫn tới tình trạng mơ hồ, quyết tâm và nhiệt tình của nhân viên giảm sút, mâu thuẫn, hỗn độn, mất phương hướng và không có mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có thể sử dụng những đòn chơi xấu đối với đối với đối thủ cạnh tranh và không thực hiện các trách nhiệm xã hội... Từ đó có thể gây kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Công việc đi theo mỗi người phần lớn cuộc đời vì vậy môi trường làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người lao động, đến sự hứng thú trong công việc và cả sức khoẻ của người lao động. Như vậy, có thể thấy rằng môi trường văn hoá của doanh nghiệp mà không lành mạnh, không tích cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý người làm việc của các nhân viên và tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của toàn công ty bởi nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp là trung tâm của cả doanh nghiệp, đó là gốc của sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng (nghiên cứu trường hợp ngân hàng TMCP sài gòn – hà nội) (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)