Hiện thực chiến trường hào hùng – khốc liệt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 36 - 42)

1 .Lý do chọn đề tài

6. Kết cấu luận văn

2.1 Hiện thực trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy

2.1.1 Hiện thực chiến trường hào hùng – khốc liệt

Đúng như Nguyễn Văn Long đã viết trong Phê bình văn học Việt Năm 1975 - 2005“Văn xuôi sau năm 1975 cũng có sự đổi mới đáng kể của các phạm trù thẩm mỹ. Bên cạnh “cái cao cả” có “cái tầm thường” ; “cái thực” hiện diện đan xen “cái ảo”; “cái hư”; “cái nghiêm túc” không choán chỗ “cái buồn cười”; “cái nên thơ” bình đẳng với “cái nghịch dị”, “khủng khiếp”; cái hài và cái bi đều góp phần làm tăngtính chân thật của cuộc sống”[35]. Tất cả những bình diện này đều được Khuất Quang Thụy khai thác và thể hiện thành công trong các sáng tác của mình.

Ông miêu tả hiện thực chiến tranh nhắm đến khung cảnh chiến trường, những nơi diễn ra cuộc giao tranh cam go, ác liệt, những cuộc hành quân gian nan vất vả và cả cuộc sống sinh hoạt nghèo đói, thiếu thốn trên mặt trận. Hiện thực ấy được khắc họa một cách trực tiếp, toát lên sự chân thực và sống động. Miêu tả về thế trận nổi bật lên những yếu tố như: diễn biến, quy mô, số lượng và khả năng bao quát cuộc chiến một cách đa dạng, đa chiều nhất.

Viết về hiện thực Khuất Quang Thụy đã đưa người đọc vào khí thế sôi nổi, hào hùng của chiến trường. Đó là những cuộc hành quân vừa vui tươi vừa phấn chấn thể hiện tinh thần tập thể và lòng yêu nước to lớn của cả dân tộc. Trong không gian và bối cảnh ấy mỗi người lính hiện lên với một nhuệ khí, ý chí và sức mạnh bất diệt, họ tượng trưng cho truyền thống của dân tộc. Chính nhờ vào sự nỗ lực, kiên cường, bất khuất ấy mà người lính đã giành được chiến thắng sau mỗi trận đánh như một điều tất yếu đối với người lính cách mạng. Không chỉ có niềm vui, chiến thắng, hiện thực ấy còn đan xen cả nỗi buồn và sự mất mát. Đằng sau những chiến công là sự hy sinh của người lính, là những lần đối đầu với địch vừa căng thẳng vừa cam go. Trong mỗi trận

đánh, Khuất Quang Thụy còn đi sâu vào quy mô số lượng, mức độ quan trọng, đặc biệt là miêu tả tỉ mỉ từng chiến lược và diễn biến của trận đánh. Có những cuộc chiến diễn ra thần tốc nhưng cũng có những cuộc chiến có kế sách và sự chuẩn bị vô cùng công phu.

Hiện thực trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy là không gian rộng lớn của vùng rừng núi. Nơi đây là những cánh rừng bạt ngàn, những đèo cao dốc núi kèm theo những cơn sốt rét, bệnh tật và cơn đói hoành hành con người. Chắc chắn, người đọc sẽ không thể quên được tuyến đường Trường Sơn trải đầy máu và nước mắt cùng với mảnh đất Quảng Trị nơi mà biết bao thế hệ trẻ đã hy sinh giành giật lại từng tấc đất. Và hiện thực ấy còn là mất mát lớn về con người về những vị chỉ huy và chiến sĩ. Mỗi đợt hành quân diễn ra, nắm cơm của anh nuôi lại thừa ra đến gần một nửa, mỗi người chỉ huy được lên chức là đồng nghĩa với đồng đội của mình đã hy sinh. Chiến tranh còn là những thiếu thốn về đời sống, người lính không chỉ hy sinh nơi trận mạc mà không ít người chết vì đói vì thiếu thuốc men và sốt rét rừng. Khuất Quang Thụy miêu tả về cuộc chiến với đúng quy luật và bản chất của nó. Đó là quy luật của sự thắng thua, không một chiến thắng nào tránh được sự mất mát và hy sinh, không một cuộc chiến nào không có cái gian lao vất vả. Có chiến tranh là có đau thương nơi ấy không tồn tại những con người hèn nhét, thiếu ý chí, lập trường, cuộc chiến ấy sẽ bài trừ những con người đào ngũ và sẵn sàng bán đứng đồng đội.

Trước ngưỡng cửa bình minh” tiểu thuyết viết về trận đánh lớn trước ngày toàn thắng. Tác phẩm mang âm hưởng hào hùng và thấm đẫm nhuệ khí chiến đấu. Câu chuyện không chỉ xoay quanh những chiến công rực rỡ mà đan cài vào đó sự mất mát, hy sinh, hiện thực cuộc sống khắc nghiệt mà người lính từng trải qua. Tác giả viết về cái chết, về nỗi khổ của người lính không khỏi cảm động, xót xa. Để cắm được lá cờ lên sở chỉ huy của địch biết bao

chiến sĩ đã nằm xuống “Việt thoáng thấy lá cờ thủng lỗ chỗ loang lổ những máu. Mộc là người thứ ba đón nhận lá cờ vinh quang ấy”[54; tr.92].

Trong cơn gió lốc” tiểu thuyết phản ánh chân thực sự khốc liệt của chiến tranh. Tác phẩm viết về chuỗi ngày đau thương mất mát, nơi đã cướp đi tính mạng của hàng trăm chiến sĩ. Cái ảm đạm thê lương vẫn còn ám ảnh người đọc bởi “Tiếng khóc than của những người vợ lính có chồng chết trong vụ pháo kích và trong những trận đụng độ lẻ tẻ phía ngoài thị xã từ ngày qua cho đến ngày nay vang lên ầm ĩ, ai oán” [53; tr.43]. Chiến tranh còn là sự tàn phá nhân cách con người không thương tiếc, người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau để sống. Điều này được minh chứng bằng cái chết của Minh và chị Tám, trong cuộc di tản khỏi Tây Nguyên họ đã bị chính những người phe của mình sát hại một cách oan nghiệt. Dưới cánh rừng, những tiếng khóc xé lòng của người phụ nữ mất con vang lên, không gian nhuốm màu đang thương tang tóc, khắp nơi la liệt xác người, chết vì bom bọn và chết vì đói khát. Đau thương xen lẫn mất mát nhưng không vì thế mà người lính trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy mất đi sự kiêu hùng. Không một cảnh chết chóc, súng đạn và khó khăn nào có thể quật đổ ý chí chiến đấu khiến người lính lùi bước. Có chăng cái chết của đồng đội chỉ thêm phần căm hận, giúp họ đào sâu ý chí giết giặc trả thù cho chiến sĩ của mình.

Những bức tường lửa” và “Đối chiến” có lẽ là hai tác phẩm phản ánh rõ những hy sinh đau đớn tột cùng. Chiến tranh không chỉ lấy đi tính mạng còn là sự hủy diệt, đặt con người vào những hoàn cảnh lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Chiến tranh không chỉ là nơi tôi luyện họ thành những người anh hùng mà còn là sự bào mòn về nhân cách. “Những bức tường lửa” lấy bối cảnh là công cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1986, một thời điểm lịch sử hào hùng quan trọng của dân tộc. Một trận đánh mang tính quyết liệt, thời khắc ấy đòi hỏi người lính cần sự dũng mãnh và cảm tử. Khuất Quang Thụy đã lột tả một cách rõ nét nhất về hiện thực cuộc chiến, nơi mà những người chiến sĩ lần

lượt ngã xuống và cũng là nơi mà họ phải gánh chịu hàng tấn chất độc da cam của quân đội Mỹ. Tác phẩm còn phản ánh rõ nét nhất sự ghê rợn và nanh vuốt sắc nhọn của chiến tranh. Khi mà súng đạn và máu của đồng đội chính là cách tốt nhất để tô luyện sự kiên trì và lòng dũng cảm. Cái chết luôn rình rập con người mọi lúc mọi nơi, có những người hy sinh ngay trong quá trình huấn luyện, có những người chưa kịp ra trận vì bị sốt rét rừng cũng có những người hy sinh trên đường hành quân vì mảnh đạn, mảnh bom cùng những gian nan thiếu thốn.

Các trận đánh lớn không tránh khỏi mất mát và hy sinh, mỗi lần bom pháo địch nổi lên là hàng loạt thương binh tử sĩ la liệt, những trận địa pháo binh “bắn liên hồi kỳ trận”. Người lính phải chứng kiến cái chết của đồng đội mình, đó là những cái xác khô, những thân thể cháy đen vì bom đạn. “Hùng Phong rùng mình, co rúm người lại khi thấy hai cái cục đen xì, nham nhở nằm trên mặt đất”. Còn “Hướng ngồi thụp xuống nôn thốc nôn tháo, Lân thì vừa khóc ồ ồ vừa đấm chan chát vào một thân cây” [56; tr.132]. Không phải ai cũng quen và chai sạn trước cái chết của đồng đội, đó không chỉ là nỗi đau về tinh thần mà còn là nhuệ khí và động lực giúp người lính quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Mở đầu cho những mất mát đó là sự hy sinh của tiểu đoàn trưởng Hoàng Mạnh và chính trị viên Lê Văn Sớm trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, họ là những người chỉ huy tài ba “vẫn còn đang nung nấu chỉ huy những trận đánh long trời lở đất”. Cái chết lại càng đến nhanh hơn nữa với những người chiến sĩ “một loạt tiếng rú kinh hồn, mặt đất như lộn ngược lên, những tiếng nổ như xé ngang trời đất”. Thêm một loạt chiến sĩ bị thương, những tiếng kêu xé ruột. Tiếng thở gấp, tiếng khóc của những người bị thương. Vài chiến sĩ gục ngã ngay trên con đường ra cửa mở” [56; tr.153]. Hiện thực ấy không chỉ có người lính phải gánh chịu đó còn là nỗi đau mà người dân phải gánh chịu “trước ánh sáng ban ngày ngôi làng bị bỏ hoang trông lại càng tan hoang hơn. Trong mấy ngày đêm vừa qua anh đã từng điqua

hàng chục ngôi làng như vậy. Những ngôi làng không còn là làng, không một mái nhà tranh còn sót, không có tiếng trẻ con, không có tiếng gà gáy và không có một làn khói bếp. Những ngôi làng chỉ có hố bom” [56; tr.205].

Sức mạnh của chiến tranh thật ghê tởm, nơi mà con người bị đẩy đến bờ vực của sự tồn vong. Trong những trang viết Khuất Quang Thụy còn khéo léo đan cài vào đó những cảm xúc, để người lính tự bộc lộ sự run sợ, những nỗi đau trước sự hy sinh của đồng đội. Đồng thời, ông cũng phản ánh chân thực những người lính hèn nhát đã quay lưng bỏ chạy khi nhìn thấy pháo đạn, những người lợi dụng chiến trường để đầu cơ tích trữ và làm giả giấy tờ lý lịch. Khuất Quang Thụy đã viết về chiến trường dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau. Hiện thực ấy đã tác động không nhỏ đến số phận mỗi người. Chính thời đại đã tạo nên Hùng Phong, một con người được tôi luyện, rèn rũa là lá cờ đầu trong mọi phong trào, một người anh hùng tài ba đúng nghĩa. Nhưng chiến tranh cũng đã khoác lên cho họ lớp hào quang để rồi chính hào quang ấy đã tạo ra bao đau khổ và bi kịch cuộc đời.

Hiện thực trong “Đối chiến” cũng không kém phần khốc liệt, tang thương. Vẫn là những hình ảnh người lính, súng đạn nhưng Khuất Quang Thụy đã tái hiện thành công toàn diện cảnh chiến trường giữa lực lượng đối trọng là quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên cái nền là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Tác phẩm đánh dấu bước chuyển biến lớn trong đề tài chiến tranh, nếu như ở các sáng tác trước nhà văn mới chỉ đề cập đến quân giải phóng cùng với những hy sinh, gian khổ thì với tiểu thuyết “Đối chiến” tác giả đã khắc họa rõ cảnh thảm bại nặng nề của đối phương.

Hiện thực ấy được Khuất Quang Thụy phản ánh một cách sinh động và chân thực. Từng bước đi diễn biến, tình tiết của cuộc chiến được miêu tả một cách trực tiếp. Đằng sau những thắng lợi vang dội tác giả còn mô tả cái khốc liệt, đau thương khiến người đọc không cầm nổi xúc động: “Xác người ở khắp

nơi. Xương thịt, áo quần, tóc tai đàn bà con gái văng ra khắp nơi. Mùi máu trộn với mùi thuốc bom thuộc đạn xông lên nồng nặc, ngấm vào từng ngõ ngạc, từng ngọn cỏ, lá cây tạo nên một vùng không gian xú uế âm u tang tóc đến rợn người”[58; tr.106]. Ngay cả khu vực chỉ huy cũng trở nên hỗn loạn khi máy bay địch ném bom.

Một loạt đạn pháo đã rơi trúng khu vực chỉ huy tiểu đoàn, đất đá văng tứ tung, cây cối ngã rạp, mùi thuốc pháo nồng nặc xộc vào hầm khiến tiểu đoàn trưởng Hải Đông và chính trị viên Đào Sen ho sặc sụa. Lát sau nghe có tiếng người lao xao rồi cậu Khai liên lạc xộc vào hầm:

- Anh Phê trợ lý tác chiến báo cáo, khu hậu cần tiểu đoàn trúng đạn pháo. Quản lý Hồng hi sinh, nhân viên quân khí Thân bị thương. Một hầm anh nuôi bị sập, đang cho đào bới” [58; tr.406].

Không chỉ nhắc đến thương vong của quân đội Bắc Việt, Khuất Quang Thụy còn phản ánh rõ những tổn thất nặng nề của địch trong cuộc đổ quân vừa phô trương và ồn ào “Ngay từ những loạt pháo đầu tiên, đội hình của đơn vị đã rối tung lên. Binh lính la hét hoảng loạn rồi mạnh ai nấy chạy, dẫm đạp lên nhau để giành nơi tránh đạn. Lớp chết, lớp bị thương, tiếng kêu khóc rùm trời. Các sĩ quan mất liên lạc với chỉ huy các phân đội. Khả năng phản kháng có tổ chức đã bị triệt tiêu” [58; tr.413]. Huỳnh Xuân Thời đã phải thốt lên rằng một cuộc “làm mềm” vô tiền khoáng hậu. “Từ trên trực thăng nhìn xuống, quang cảnh bãi đáp và cả khu ngoại vi rộng hàng vài dặm vuông trông chẳng khác gì quang cảnh chết chóc thê lương sau một trận động đất kinh hoàng cỡ hàng chục độ richter. Cả một dải đồi như bị lộn ngược lên, chỉ thấy đất đá đỏ lòm và gốc Cây, cành cây lởm chởm, ngổn ngang, cháy nghi ngút, chẳng theo một trật tự nào hết.Trên bãi đáp, xác binh lính nằm ngổn ngang” và “Lướt qua đã thấy hàng chục chiếc trực thăng đang ngùn ngụt bốc cháy” [58; tr.411].

Dưới lưỡi hái của tử thần, mất mát hy sinh là điều không thể tránh khỏi. Đó không chỉ là vết thương nóng hổi mà còn để lại trên thân thể người lính những vết sẹo chằng chịt như Tuấn trong “Không phải trò đùa”, căn bệnh mất trí nhớ và tâm thần của nhân vật Tình. “Không phải trò đùa” tác phẩm ít tiếng súng đạn nhất, nhưng dòng ký ức được tái hiện qua trí nhớ của người lính trinh sát như Tình và Tuấn không kém phần đau thương. Họ đã dốc hết lòng vì cuộc chiến, sẵn sàng hy sinh cho độc lập nước nhà.

Viết về chiến tranh mỗi tác giả sẽ có hướng khai thác riêng, viết về trận mạc Khuất Quang Thụy đã không né tránh nỗi đau mà phản ánh chân thực cuộc chiến cam go, khốc liệt ấy. Nơi mà mỗi ngày hàng ngàn chiến sĩ phải bỏ mình trên chiến trận. Nơi mà những ngôi làng chỉ còn lại là những hố bom, nơi ấy không tồn tại sự sống của con người, vừa hoang tàn, vừa xơ xác. Đồng thời với độ lùi về thời gian, nhà văn đã hé lộ những góc khuất mà ít nhiều nhà văn không muốn nói thẳng. Đó là những chiến sĩ trẻ run sợ trước cái chết và bỏ trốn, là những vị chỉ huy hèn nhát mà bỏ đồng đội. Thực tế đó còn được ông đề cập đến phía bên kia chiến tuyến. Chiến tranh không ngoại trừ ai, bất kỳ là phía ta hay địch đều phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần và thể xác. Khuất Quang Thụy đã lên án chiến tranh, nó không chỉ là hố lửa tử thần mà còn là nơi thiêu trụi nhân cách con người. Hiện thực càng khắc nghiệt thì góc khuất con người càng được soi roi. Đồng thời, viết về chiến tranh Khuất Quang Thụy muốn thế hệ sau nhận thức được giá trị của chiến thắng, để nhắc nhở thế hệ mai sau nhớ về thời kỳ gian truân nhưng hào hùng của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)