1 .Lý do chọn đề tài
2.1 .3Bức tranh cuộc sống đời thường
3.2 Ngôn ngữ và giọng điệu
3.2.3 Giọng điệu triết lý
Giọng điệu là yếu tố dẫn đường cho công cuộc đi tìm thế giới nghệ thuật của nhà văn. Bởi mỗi nhà văn đều có một giọng điệu riêng, tạo nên sự khác biệt trong tác phẩm của mình. Giọng điệu phản ánh thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả và do đó nó đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn. Văn học là tác phẩm ngôn từ, thông qua ngôn từ người đọc có thể hiểu được nội dung tác phẩm nhưng càng hay hơn nếu như người viết thổi vào đó một cái “hồn”. Đó chính là giọng văn, ngữ điệu và thông qua biểu cảm này để bộc lộ tình cảm, cảm xúc cũng như thái độ tư tưởng của người viết.
Ở mỗi thời đại giọng điệu sẽ có sự thay đổi khác nhau, ở giai đoạn trước viết về chiến tranh đều quy chụp trong giọng điệu hào sảng, ngợi ca. Viết về người lính với tinh thần hào hứng, đầy ắp nhuệ khí ra trận. Tuy nhiên đến với tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy ông có cái tài truyền cảm bằng giọng điệu ngôn từ. Ngòi bút của ông không thể trộn lẫn vào đâu, ông viết về chiến tranh với muôn hình vạn trạng, nó không chỉ là ca ngợi mà còn là sự chua xót,
không chỉ là cái khí thế vui tươi hừng hực của ngày đầu ra trận mà còn là giọng điệu xót xa ngậm ngùi. Ông viết về người lính cách mạng thời bình với một giọng văn trầm tư ôn hòa, bộc lộ vẻ suy ngẫm chiêm nghiệm.
Một trong những giọng điệu nổi bật, thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm của Khuất Quang Thụy là giọng điệu triết lý. Văn học thời kỳ đổi mới đặt con người trên nhiều bình diện, bởi quan niệm về con người có sự thay đổi, đó không còn là con người tập thể mà là con người cá nhân, với những ước mơ, khát vọng. Đồng thời, họ cũng là con người có lập trường, có quan điểm riêng về cuộc sống và xã hội. Tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy đã làm nổi bật lên vấn đề triết lý nhân sinh, trước tiên quan điểm này được thể hiện trong môi trường chiến trận. Đó là những suy tư chiêm nghiệm của Việt ở tiểu thuyết “Trước ngưỡng cửa bình minh” khi suy nghĩ về con người, với anh cuộc chiến là điều vô cùng quan trọng đây là hành trang để anh trở về giảng đường truyền đạt lại cho thế hệ mai sau lịch sử của đất nước. Việt đã từng tự nhủ trước lòng mình: “Các em ạ! Người ta ai cũng muốn sống, trước cái chết lòng ham sống lại càng mãnh liệt hơn”[54; tr.104]. Thế nhưng với Việt làm sao để vượt qua được sự run sợ ấy đó chính là nghĩ đến thế hệ tương lai của tổ quốc, chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì những người thân yêu.
Đối với tác phẩm “Những bức tường lửa” chất triết lý được thể hiện qua những dòng nhật ký Lương Xuân Báo, ông đã đề cập đến con người đến sự kiện lịch sử. Với ông con người là một thực thể sống, không ai là hoàn hảo và toàn diện, mỗi người sẽ có một vết tối trong tâm hồn cũng chính vì thế mà ông muốn nhắc nhở con người cần có niềm tin và chiến đấu giữ tâm mình thanh sạch. Lương Xuân Báo đã bộc bạch: “Tổ quốc ta thêm một lần chiến thắng. Nhưng trong cuộc chiến này tôi là người thua cuộc – Nước không mất nhưng nhà đã tan. Tuy vậy! Tôi đã giữ được một thứ vô cùng quý giá đó là niềm tin, nếu không còn niềm tin sẽ không còn khả năng chiến đấu trong bất
kỳ cuộc chiến nào, kể cả trong cuộc đấu tranh để giữgìn nhân phẩm của chính mình”[56; tr.295].
“Trong cơn gió lốc” là tiểu thuyết được tác giả truyền tải cảm hứng về đất nước về dân tộc. Tác giả đã để Thuần với vai trò của một người cha, người chỉ huy nói lên quan điểm của mình: “Có lẽ, với nơi nào mà việc cầm súng trở thành lẽ sống còn như ở Việt Nam mình thì mới có những người cha, người mẹ chỉ mong con mình lớn nhanh lên để đặt vào tay con khẩu súng”[53; tr.6]. Một đất nước có lịch sử là những cuộc chiến nơi mà người cha mong con mình lớn lên để dạy cầm súng ra quân liệu đó là niềm hạnh phúc hay là sự chua xót.
Một quan điểm rất hay được Khuất Quang Thụy khai thác từ phía Việt Nam cộng hòa đó là Thuận, một con người tiêu biểu dám nhìn rõ vào bản chất của cuộc chiến: “Có lẽ với những ngăn cách về ý thức hệ đã ngăn trở chúng ta hoặc chúng ta không dám nhìn vào sự thật. Bởi sự thật bao giờ cũng khắc nghiệt. Tôi chỉ có một nhận xét: họ thực sự có sức mạnh. Sức mạnh của họ không xuất phát từ nguồn gốc vật chất… sức mạnh của họ bắt nguồn từ lý tưởng, về tinh thần”[53; tr.39]. Và đến “Đối chiến” cũng là tác phẩm giàu chất triết lý ẩn chứa trong lớp ngôn từ.
“Đối chiến” là cách để người đọc nhìn lại một thời kỳ trong giai đoạn chống Mỹ của dân tộc. Đó là thời điểm nhạy cảm, then chốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khuất Quang Thụy viết về chiến trận nhưng chỉ yếu phản ánh con người đặc biệt là đưa cái nhìn sang con người đối phương. Ông viết về họ có tên tuổi quân hàm, chức tước, có hành động và cả triết lý nhân sinh. Thông qua cuốn tiểu thuyết nhà văn muốn chiêm nghiệm cho người đọc biết về con người. Dù là người lính cộng sản hay Việt Nam Cộng hòa họ đều chung một dòng máu, họ đều là những con người có lý tưởng và quyết tâm hết lòng vì lý tưởng mình theo đuổi.
Đến với tiểu thuyết “Không phải trò đùa” người đọc có dịp chiêm nghiệm và khám phá về bản thân. Đó không chỉ là triết lý về cuộc đấu tranh
bảo vệ dân tộc mà còn là triết lý về đời sống nhân sinh về thực tại xã hội trong buổi đầu hòa bình vẫn còn đan xen giữa các mảng sáng và tối: “Có một ngàn con đường dẫn đến sự thật nhưng chỉ có mộtcon đường dẫn đến sự dối trá”[59; tr54]. Đó còn là những suy tư, trăn trở về cuộc sống “chiến tranh kết thúc nhưng xã hội vẫn chứa trong lòng nó những yếu tố của bạo lực, của yếu tố coi tính mạng con người như cỏ rác” và “Việc dọn dẹp hậu quả của chiến tranh đâu phải chúng ta có thể trút lên vai người khác mà chính thế hệ chúng ta phải ghé vai vào mà dọn dẹp. Nhưng còn điều quan trọng hơn là người lính phải tự tìm chỗ đứng trong cuộc sống mới, tự chúng ta khẳng định lấy giá trị mới của mình. Nếu không thì chúng ta sẽ là kẻ lạc hậu, kẻ vứt đi như một cái vỏ đạn không hơn không kém.”[59; tr179].
Giọng điệu triết lý còn là lời bộc bạch chân thành của ông Dần trong
“Góc tăm tối cuối cùng”. Dù làm công việc ở nhà xác bệnh viện, nơi tận cùng của góc tối nhưng ông Dần lại có quan điểm và triết lý sâu sắc về công việc mình đang làm: “Ông Dần coi mình là người may mắn vì ông được tới đây hàng ngày, được chứng kiến sự ra đi của biết bao con người, nên ông thấm thía cái sự phù du của kiếp người. Và từ đó trong tâm hồn ông nảy nở một tình yêu bao la đối với con người” [55; tr.17]
Giọng điệu triết lý được xem là những nét khái quát, tổng kết và đánh giá về con người về thực tiễn xã hội. Giọng điệu triết lý đã giúp Khuất Quang Thụy đưa được tư tưởng đến với người đọc của mình. Qua đây, cũng cần phải khẳng định tài năng của nhà văn ông không chỉ miêu tả yếu tố ngoại cảnh, con người mà còn có những chiêm nghiệm, đúc kết rất đúng đắn về thời cuộc. Những triết lý này không chỉ có ý nghĩa với xã hội hôm nay đó còn là những suy tư trăn trở về cuộc đời mà mỗi người đều vướng phải trong cuộc sống.