1 .Lý do chọn đề tài
2.1 .2Cái nhìn lãng mạn thời chiến tranh
Hiện thực chiến trận không chỉ có máu và nước mắt, đó còn là những khoảnh khắc đẹp của tình yêu, là những ước mơ của người chiến sĩ về ngày giải phóng. Không nằm ngoài quy luật bản năng, người lính trên chiến trường cũng khát khao hạnh phúc, có những phút giây suy tư về gia đình, người thân. Khuất Quang Thụy tái hiện thành công những câu chuyện tình thời chiến diễn
ra một cách nhanh chóng, chớp nhoáng nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Đọc “Đối chiến” ta sẽ khó lòng quên được mối tình say đắm giữa Nhài và Hải Đông. Mặc dù biết Hải Đông đã có gia đình vợ con nhưng Nhài vẫn cam tâm tình nguyện hy sinh bằng tình yêu trong sáng. Đó là thứ tình yêu không vụ lợi, là lòng khao khát sống, khao khát được hưởng hạnh phúc và tự do.
“Trước ngưỡng cửa bình minh” là tác phẩm đầy tiếng súng nhưng không thể phủ nhận đi giá trị của tình yêu. Giữa chiến trường đầy khói lửa tình yêu vẫn nảy nở, người lính không hề trở nên chai sạn, trái tim họ vẫn luôn tràn ngập yêu thương. Trên cao nguyên khô cằn, nơi không có bóng dáng của gia đình, làng mạc nhưng tình yêu của Giáp và y sĩ Thảo đã làm rung động lòng người. Họ yêu nhau đến với nhau bằng tiếng gọi trái tim, bằng tất cả những gì chân thành, đáng quý nhất. Đó còn là tình yêu của Năm dành cho Tám Sương bất chấp quá khứ, họ yêu nhau từ những điều giản dị, bình thường cùng trao cho nhau nhịp đập trái tim cùng ươm những mầm xanh đầu tiên của sự sống. “Tám Sương vừa nói vừa rất tự nhiên đặt một lọn tóc vào tay anh. Năm nhẹ nhàng vuốt ve những lọn tóc ấy, lòng anh bỗng dịu hẳn xuống. Tiếng đại bác nghe xa vời đâu đó. Những bông hoa cỏ vẫn vật vờ trôi. Những xoáy nước hình vân gỗ. Đàn cá mương. Những bông hoa cỏ vẫn vật vờ trôi” [54; tr.59]. Thật hạnh phúc và hiếm hoi biết bao khi giữa mịt mù khói lửa người chiến sĩ vẫn có những phút giây thanh tịnh với lòng mình.
Tuy nhiên, không phải mối tình nào trong chiến trận cũng đều đơm hoa, kết trái tình yêu trong “Không phải trò đùa” là sự dang dở giữa Tuấn và Hảo, là sự day dứt khổ đau đến cuối đời của Dần và bà Nụ trong “Góc tăm tối cuối cùng”. Tình yêu của Đào dành cho Hùng Phong, tình yêu của Lân dành cho Thanh tất cả đều phản ánh rất rõ rằng con người luôn khát khao và hướng tới hạnh phúc, chiến tranh không thể nào ngăn nổi tâm hồn lãng mạn, không thể nào hủy diệt sự sống. Càng khó khăn, đau khổ người ta càng khao khát được yêu thương được vươn lên, đây cũng là quy luật tất yếu chống lại sự tàn
phá của chiến tranh. Tình yêu ấy còn được Khuất Quang Thụy đề cập đến những con người ở bên kia chiến tuyến. Đó là mối tình lãng mạn và nổi tiếng nhất Sài Gòn của chàng mũ đỏ Huỳnh Xuân Thời. Mặc dù đã có vợ con nhưng các cô nữ sinh đặc biệt là Mai vẫn mê đắm anh thiếu tá này. Mai sẵn sàng làm vợ nhỏ, gạt qua những định kiến, ngăn cấm của anh trai mình. Tình yêu trong cô là sự chân thành và giàu lòng hy sinh, Mai chấp nhận bỏ qua danh phận chỉ để sống trọn với tình yêu của mình. Dù là bên này hay bên kia, con người đều trân quý tình yêu, đều mong muốn và khao khát hạnh phúc. Họ đều là con người đều có những rung động có chăng chỉ là lý tưởng của mỗi người đã được chế độ định hướng theo cách khác nhau.
Đây cũng chính là yếu tố mới trong tiểu thuyết viết chiến tranh của Khuất Quang Thụy. Viết về mối tình của Huỳnh Xuân Thời, ông đã khéo léo đưa vào cả tình và lý để người đọc cảm nhận được tình người ấm áp. Nhân vật có trái tim độ lượng mà Khuất Quang Thụy đề cập đến là vợ của Huỳnh Xuân Thời, một con người đã gạt qua ghen tuông cá nhân mà sẵn sàng yêu thương coi Mai như em gái và tác hợp cho họ thành đôi. Từ góc nhìn khách quan, Khuất Quang Thụy viết hề phía phản diện bằng thái độ tôn trọng, ông đã khéo léo đưa họ vào những hoàn cảnh khác nhau để từ đó làm nổi bật lên nhân cách con người. Họ là người có trách nhiệm, có tình thương và đau xót khi người thân của mình hy sinh ngoài mặt trận.
Yếu tố lãng mạn trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy còn thể hiện trên nhiều phương diện của hiện thực. Cuộc hành quân vất vả gian lao nhưng người lính vẫn có những phút giây yêu đời. Đó là khung cảnh lãng mạn của núi rừng Trường Sơn, là khoảnh khắc tươi đẹp của thiên nhiên đất trời. Khung cảnh ấy đã tác động không nhỏ đến tâm hồn, trái tim mỗi người lính cách mạng. Họ lặng đi để cảm nhận hương vị của thiên nhiên “Gió thổi phóng khoáng! Hình như dưới cánh đồng, lúa đang làm đồng. Thoảng trong gió những làn hương chỉ có riêng của lúa ngọt và say. Quyện lẫn với hương lúa là
mùi bùn đất tanh nồng, mùi phân trâu trộn với rơm rạ hoại mục. Tất cả những thứ đó làm nên hương vị ruộng đồng, gợi nên những nỗi nhớ man mác xa xôi…”[53; tr.163]. Bao năm sống chiến đấu trên mảnh đất Tây Nguyên, người lính trước hết vẫn là con người, vẫn có một trái tim để rung động, để buồn vui, thương nhớ. “Chúng tôi đang nghĩ đến hai tiếng giản dị đồng bằng. Hai tiếng ấy đối với những đồng chí bao năm lăn lộn trên Trường Sơn thiêng liêng lắm. Những năm chiến đấu trên cao nguyên chúng tôi hằng thao thức về đồng bằng. Đồng bằng không chỉ gợi cho chúng tôi những kỷ niệm hồi thơ ấu mà đồng bằng còn là cái đích chúng tôi khao khát đi tới”[53; tr.163].Đọc tác phẩm “Trong cơn gió lốc” người đọc sẽ khó lòng quên được khung cảnh tuyệt vời của biển, một buổi sáng nước biển lấp lánh, xa xăm in hình mây trời, những hình ảnh đẹp ấy giống như nguồn động lực để người lính sống và chiến đấu. Trên cái nền thiên nhiên lãng mạn và tươi đẹp, cuộc sống chiến trường hiện lên thật bình dị, yên bình: “Buổi sáng xuân hôm nay mới đẹp làm sao? Gió lồng lộng thổi. Mặt trời rực rỡ như một làn mây vừa đậu nhẹ xuống mặt biển thân yêu của tổ quốc [53; tr.168].Đúng như vậy, chiến trường khốc liệt nhưng không ngăn cản được những rung động của con người, hiện thực có phũ phàng nhưng không thể ngăn cản được những chồi non hạnh phúc.
Chiến trường còn là những khoảnh khắc đẹp về thiên nhiên trên đường hành quân, về những âm thanh của tiếng chim kêu, ríu rít, của những buổi sáng trong lành và yên tĩnh. Hình ảnh về con sông Ba đẹp mơ màng trên mảnh đất Phú Yên sẽ còn khắc sâu trong lòng mỗi người lính “Trăng đang lên. Mặt sông lấp lóa ánh vàng. Dưới ánh trăng dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều, mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát” [53; tr.158]. Chiến trường trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy không chỉ có sự chết chóc đó còn là không khí vui tươi, là những tình tiết hài hước dí dỏm của cuộc sống bộ đội.
Người đọc sẽ rất nhớ những chi tiết hài hước trong cuộc sống sinh hoạt của những người línhở tiểu thuyết “Những bức tường lửa” “Đáng lẽ phải hô “Một... hai... ba. Tôi là quân nhân hạng bét!” thì cậu lại hô “Một... hai... ba... tôi là quân nhân hạng... nhất! Một... hai... ba. Tiểu đội 9 có một tiểu đội trưởng hạng nhất và một quân nhân hạng bét!” [56; tr.21]. Hồi hợp hơn là màn tỉ thí bắn súng giữa hai tiểu đội trưởng cừ khôi, không chỉ tạo nên sự thân thiện gần gũi mà còn phần nào bớt đi sự căng thẳng, áp lực của người lính trên chiến trường. Cuộc sống sinh hoạt tập thể là sự hòa đồng vui vẻ, sau những giờ nghỉ quân họ cùng chơi một ván bài rồi “hò hét rùm trời, xoa tay lia lịa lên cái đít nồi quân dụng để bên cạnh, rồi đè nhau ra mà bổ sung thêm những cái râu, cái ria quái gở”[56; tr.3]. Nếu nói chiến tranh không có chỗ cho sự mộng mơ và lãng mạn thì đây chính là một thiếu sót lớn. Yếu tố lãng mạn, như một nguồn động lực khích lệ tinh thần của mỗi cá nhân. Người lính cần sự lạc quan, yêu đời, họ vẫn ngày đêm ấp ủ những ước mơ dù chỉ đơn giản như “khi nào đánh xuống đồng bằng mình muốn ăn một bát canh cua” những điều tưởng chừng như đơn giản ấy trong thời chiến lại là một ước nguyện vô cùng khó khăn.
Giữa chiến trường sặc mùi thuốc súng vẫn hiện lên nét tươi vui, nhộn nhịp của Tết cổ truyền. Trong cái không khí ấy, ai nấy đều như quên đi sự khắc nghiệt đau khổ và hào hứng kể một câu chuyện thú vị về Tết ở quê hương mình. Cũng vì thế mà dường như chặng hành quân hôm nay ngắn hơn, bộ đội đi đường nhanh hơn. “Tới trạm đã sớm, lại được tin cấp trên cho nghỉ ăn Tết, lính tráng anh nào anh nấy đểu mừng ra mặt” Người ta vẫn thường nói, Tết phải có bánh chưng xanh có lẽ vì thế mà niềm vui lại càng nhân đôi trong mỗi người. “Có Tết chứ - tiểu đoàn trưởng bỗng đứng dậy nói - nếu không có bánh chưng thì bảo các đơn vị giã bột làm bánh cuốn cho bộ đội ăn. Thịt lợn tươi không có thì cho xuất thịt hộp dự trữ chiến đấu. - Không có bánh chưng... thì làm sao gọi là Tết được?”[56; tr.138]. Tuy chiến trường còn nhiều
khó khăn nhưng “nhìn vào mâm cỗ thì ai cũng hài lòng. Đúng là mâm cỗ Tết, có đủ cả giò chả, thịt mỡ... thậm chí cả dưa hành! Duy chỉ có bánh chưng thì không thể lo kịp, thế vô đọ là xôi đỗ xanh được đồ rất đúng cách”. Trong không khí vui tươi của buổi tiệc ấy, người lính truyền tay nhau bát rượu làng Vân sóng sánh, thơm lừng. “Mỗi người tuy chỉ được một hớp, nhưng một chút hơi men đổ thôi cũng đủ để mọi người đều cảm thấy lâng lâng, ngây ngất. Mọi nỗi gian truân vất vả của hơn một tuần hành quân như đã tan biến”[58; tr.344].
Với người lính hai chữ chiến trường hiện lên thật thiêng liêng cao cả, nơi ấy không chỉ có đau thương, mất mát mà còn lắng đọng kỷ niệm tươi đẹp của một thời áo lính. Đứng giữa một cơn lốc chiến tranh, giữa bộn bề cái chết người lính vẫn luôn giữ được tâm thế hào hùng. Họ là những chàng trai trẻ khao khát được yêu được sống, được tự do và cống hiến. Trước cái chết, người lính không trở nên chai sạn, họ không phải là cỗ máy của chiến tranh, họ là những con người bằng xương bằng thịt luôn chất chứa những yêu thương thuần khiết. Với họ hạnh phúc là nhìn thấy đồng đội của mình đầy đủ sau mỗi trận đánh, được cùng anh em chiến sĩ đọc lá thư gửi ra từ quê nhà. Niềm vui với họ còn là mâm cỗ cúng đầy đủ cho những người đã hy sinh, là những phút tri ân, tưởng niệm những người đã khuất. Họ là con người tràn đầy nhiệt, huyết bằng tất cả sức trẻ và lòng khát khao họ đã làm chủ cuộc chiến của mình vượt lên hiện thực đau thương để chống lại sự hủy diệt của cuộc chiến.