Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.3. Ảnh hưởng của các mức thay thế phân đạm hóa học bằng phân hữu cơ
4.3.6. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng phân hữu cơ giun quế thay thế một phần
phân đạm vô cơ bón cho cây cà chua trên đất phù sa sông Hồng
Bên cạnh mục tiêu năng suất, chất lượng thì hiệu quả kinh tế là mục tiêu quan trọng của người sản xuất. Sử dụng phân bón hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao là mục đích hướng tới của các nhà sản xuất cà chua. Hiệu quả kinh tế là chỉ tiêu quan trọng trong việc xác định khả năng thay thế phân đạm vô cơ của phân hữu cơ giun quế. Trong điều kiện của thí nghiệm, chúng tôi tiến hành nghiên cứu một số chỉ tiêu hiệu quả kinh tế như: tổng thu, tổng chi, lợi nhuận, VCRphc. Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế của các công thức thí nghiệm thể hiện ở bảng 4.14.
Bảng 4.14. Hiệu quả kinh tế của các mức bón phân đạm vô cơ và phân hữu cơ giun quế trên cây cà chua
Phân đạm (kg/ha) Phân hữu cơ (tấn/ha) NSTT (tấn/ha) Tổng thu (triệu đồng) Tổng chi (triệu đồng) Lợi nhuận (triệu đồng) VCRphc (lần) 160 10,00 29,12 232,96 124,99 107,07 2,97 160 10,95 36,37 290,96 128,95 162,01 4,12 160 11,90 38,77 310,16 133,55 176,61 4,17 140 10,00 23,72 189,76 120,30 69,46 1,94 140 10,95 28,58 228,64 124,14 104,50 2,69 140 11,90 32,44 259,52 127,62 131,90 3,15 120 10,00 18,49 147,92 109,78 38,14 1,08 120 10,95 22,07 176,56 123,22 53,34 1,39 120 11,90 27,63 221,04 126,34 94,70 2,28
Thu nhập hỗn hợp (gồm cả công lao động của gia đình) từ sản xuất cà chua của các công thức thí nghiệm dao động từ 147,92 - 310,16 triệu đồng. Chế độ bón phân đạm vô cơ cao (160 kgN/ha) và phân hữu cơ giun quế ở mức cao (10,95 - 11,9 tấn/ha) có thu nhập hỗn hợp cao nhất. Cùng một mức bón phân vô cơ, khi tăng lượng phân hữu cơ giun quế tuy có làm tăng chi phí trung gian nhưng tạo ra giá trị sản phẩm lớn hơn nên thu nhập hỗn hợp có tăng theo.
Hiệu quả đầu tư mua phân bón cho sản xuất (VCRphc) của các công thức thí nghiệm dao động trong khoảng 1,08 - 4,17 lần. Các công thức CT4, CT7, CT8 có tỷ suất lợi nhuận/chi phí bón phân nhỏ hơn 2,5 thấp hơn các công thức còn lại. Theo FAO, trong sản xuất nông nghiệp tỷ lệ lãi trên chi phí mua phân bón (VCRphc) đạt > 2,5 được xem là chấp nhận được (theo Nguyễn Như Hà và Nguyễn Văn Bộ, 2013). Mức bón phân đạm cao (140 kg/ha, 160 kg/ha) kết hợp với các mức bón phân hữu cơ giun quế (10,95 tấn/ha, 11,90 tấn/ha) giúp cho người trồng có lợi nhuận và tỷ lệ lãi trên chi phí mua phân bón (VCRphc) cao hơn các mức bón còn lại.
Nhìn chung, trên nền 100 P2O5 và 135 K2O, khi bón 140 kgN/ha kết hợp với 10,95 hay 11,90 tấn phân hữu cơ giun quế người trồng vẫn có chỉ số VCRphc
ở mức cao, (đạt giá trị lần lượt là 2,69 lần và 3,15 lần) lợi nhuận cao tương đương khi bón 160 kgN/ha/vụ với 10 tấn phân hữu cơ giun quế. Với mức bón đạm thấp hơn (120 kgN/ha/vụ) kết hợp 11,90 tấn phân hữu cơ, người trồng thu được hiệu quả kinh tế ở mức chấp nhận được trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhìn chung cả lợi nhuận (94,70 triệu) và chỉ số VCRphc (đạt 2,28 lần) đều giảm.
Trong điều kiện tiến hành thí nghiệm với giống cà chua VT3 trồng trên đất phù sa sông Hồng, trên nền phân khoáng 100 P2O5 và 135 K2O, các công thức CT1, CT5, CT9 cho năng suất thực thu tương đương nhau, nhưng lợi nhuận và tỷ lệ lãi trên chi phí cho phân bón lại thay đổi. Thay thế 20 kgN bằng lượng phân hữu cơ giun quế tương ứng (CT5: 140N + 10,95 tấn phân hữu cơ giun quế) sẽ cho lợi nhuận cao tương đương với bón phân 160N và 10 tấn phân hữu cơ giun quế (CT1), tỷ lệ lãi trên chi phí phân bón có giảm nhưng vẫn đảm bảo > 2,5 lần theo khuyến cáo của FAO. Nếu thay thế 40 kgN bằng lượng phân hữu cơ trùn quế tương ứng (CT9), mặc dù năng suất thực thu không bị ảnh hưởng nhưng lợi nhuận và chỉ số VCRphc đều giảm do chi phí tăng lên.