Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.4. Tình hình nghiên cứu và sử dụng phân bón cho cây cà chua
2.4.1. Tình hình nghiên cứu và sử dụng phân bón vô cơ cho cây cà chua
Theo Nguyễn Như Hà (2006), đất trồng cà chua có pH < 5,5 nên dùng nguyên liệu dạng đôlômit để vùa trung hòa độ chua đất vừa cung cấp cả Ca và Mg cho cây cà chua. Phân hữu cơ thường sửu dụng là phân chuồng hoai mục, nước phân chuồng. Các loại phân vô cơ dung trong trồng cà chua là amôn sunphat và ure, supe lân, kali sunphat, phân đa yếu tố chuyên dùng cho cà chua, các loại phân có chứa Mg.
Cà chua là loại rau quả rất được ưa chuộng trên thế giới nên đã thu hút rất nhiều các công trình nghiên cứu về bón phân nhằm nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Lượng phân bón cho cà chua tùy thuộc vào giống và năng suất kế hoạch, đặc điểm đất và mùa vụ, điều kiện thâm canh. Phương pháp trồng khác nhau lượng phân bón cũng khác nhau. Ngoài ra, lượng phân bón còn phụ thuộc vào giá phân bón và nông sản trên thị trường.
Lượng phân vô cơ bón cho cà chua dao động trong phạm vi khá rộng từ 120- 400 kg N/ha lượng phân lân dao động từ 60-200 kg P2O5/ha, lượng phân kali dao động từ 100-300 kg K2O/ha.
Về khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây cà chua, Rakesh and Vig (2010) cho rằng hệ số sử dụng phân bón của cà chua đối với N khá cao (60%), đối với K cũng tương đối (50 - 60%), còn đối với P thì thấp (không quá 15 - 20%), còn theo Kuo et al., (1998) cho rằng khi sản lượng cà chua đạt 50 tấn, thì cây cà chua đã hút 479 kg nguyên tố dinh dưỡng chủ yếu và trong đó: 3/4 (73%) tập trung vào quả, 1/4 tập trung ở thân lá, và lượng dinh dưỡng cây lấy từ đất phụ thuộc vào đặc tính về giống, thời tiết, kỹ thuật trồng và chăm sóc…
Theo Padem and Denguin (1999), phân bón lá có ảnh hưởng đến tất cả các chỉ tiêu chất lượng quả cà chua và nó tùy thuộc vào từng loại phân được áp dụng. Phân bón lá không ảnh hưởng đến màu sắc quả.
Theo Kuo et al. (1998), lượng phân bón cho cây cà chua sinh trưởng vô hạn: 180 kg N, 80 kg P2O5 và 180 kg K2O, lượng phân cho cây cà chua hữu hạn là 120 kg N, 80 kg P2O5 và 150 kg K2O. Các nguyên tố đa lượng khi bón làm nhiều lần, năng suất tương đối cao, đồng thời làm tăng hàm lượng đường trong quả. Các thời kỳ bón là lúc cây ra nụ, hoa rộ, quả non, quả phát triển và sau khi thu hái là hợp lý.
Bảng 2.6. Lượng phân bón cho cà chua
Loại phân bón Đơn vị Lượng bón trên 1 ha
Phân hữu cơ Tấn 15 - 30
N Kg 120 - 400
P2O5 Kg 60 - 200
K2O Kg 100 - 300
Nguồn: Tạ Thị Cúc (2007)
Theo Rakesh and Vig (2010), từ công trình nghiên cứu của mình đã đưa ra công thức bón phân cho 1ha gieo trồng cà chua như sau: 75 - 100 kg N, 105 - 200 kg P2O5, 150 - 200 kg K2O. Để đạt được năng suất cao hơn (60 tấn quả/ha) cần bón nhiều hơn phân NPK cho cây cà chua (320 kg N, 260 kg P2O5, 440 kg K2O).
Theo Choudhari and More (2002), để có 1 tấn cà chua cần: 2,9 kg N, 0,4 kg P2O5, 4 kg K2O và 0,45 kg Mg. Theo Becseev, để tạo ra 1 tấn cà chua cần 3,8 kg N, 6 kg P2O5, 7,9 kg K2O. Nghiên cứu của IFAI (1992) cho thấy, để có năng suất 50 tấn/ha thì lượng dinh dưỡng cây cà chua lấy đi (kg/ha) là 140 kg N, 65 kg P2O5, 190 kg K2O.
Theo nghiên cứu của Trần Khắc Thi và cs. (1996) trong điều kiện Việt Nam lượng phân bón cho cà chua là 25 tấn phân chuồng, 150 kg N, 90 kg P2O5, 150 kg K2O. Nguyễn Như Hà (2006) cho rằng, tại Đồng bằng sông Hồng để cây cà chua đạt năng suất 25-30 tấn/ha nên bón 120-150 kg N; 60-90 kg P2O5; 120-150 kg K2O.
Cao Kỳ Sơn và cs. (2009), khi nghiên cứu dinh dưỡng cho cây cà chua trồng trên nền giá thể có tỉ lệ theo thể tích 4/10 tro núi lửa và 6/10 xơ dừa tại khu công nghệ cao Hà Nội cho thấy là công thức tốt nhất có tỉ lệ và hàm lượng dinh dưỡng 400 kg N, 150 kg P2O5 và 800 kg K2O cho năng suất cà chua Bi đạt 73,06 tấn/ha.
Tổng hợp nghiên cứu về kết quả bón phân cho cây cà chua ở Việt Nam của Nguyễn Như Hà (2006) cho thấy: tại đồng bằng sông Hồng để đạt năng suất 25-30 tấn/ha thường bón cho mỗi ha: phân chuồng hoai mục với lượng 15-20 tấn, phân đạm 120-150 kg N, phân lân với lượng 60-90 kg P2O5 , phân kali với lượng 120-150 kg K2O. Trong điều kiên ở phía Nam, lượng phân bón cho mỗi ha trồng cà chua thường là: phân hữu cơ hoai mục 20-30 tấn, phân đạm 120-200 kg N, phân lân 100-150 kg P2O5, phân kali 50-150 kg K2O.
Kết quả nghiên cứu về các mức bón phân N P, K cho cà chua trồng trên giá thể hữu cơ của Nguyễn Văn Thao và cs. (2016) cho thấy, giá thể hữu cơ có pHKCl
(7,28) ở mức trung tính; hàm lượng hợp chất hữu cơ, đạm, lân, kali tổng số cao và tương đương với một số giá thể hữu cơ phổ biến trên thị trường. Các mức bón phân lân, phân kali khác nhau (trên cùng một mức bón phân đạm) không làm thay đổi năng suất quả cà chua. Tổ hợp mức bón 6,0 g N; 4,5 g P2O5; 6,0 g K2O trên 1 chậu giúp cây cà chua đạt khối lượng quả cao (78,32 g), năng suất thực thu cao (2,38 kg quả/chậu), hiệu suất chung của phân bón đạt 89,33 kg quả/kg phân nguyên chất. Phân kali có ảnh hưởng rõ nét tới hàm lượng đường Saccaroza trong quả cà chua và đạt trên 5,0% ở mức bón 4,0 - 6,0 g K2O/ chậu. Sau khi bón phân 15 ngày, hàm lượng NO3- trong quả cà chua của các công thức thí nghiệm dao động trong khoảng 29,7 - 110,3 mg/kg quả và thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép tiêu chuẩn VietGAP.
Từ các nghiên cứu về bón phân cho cây cà chua, với điều kiện đất phù sa sông Hồng chúng tôi thấy rằng để đạt năng suất cao (15-20 tấn) và chất lượng tốt lượng phân vô cơ nên bón phân chuồng hoai mục với lượng 15-20 tấn, phân đạm 140-160 kg N, phân lân với lượng 80-120 kg, phân kali với lượng 120-150 kg.