Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 79 - 82)

7. Cấu trúc luận văn

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Ngoại hình là những nét về trang phục, diện mạo, hình dáng, tác phong, cử chỉ của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện, dựng lên chân dung nhân vật với dấu ấn đặc trưng của con người Nam Bộ một cách rất rõ nét trước mắt người đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn nhận thấu đáo một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật.

“Nhìn mặt mà bắt hình dong”, có lẽ vì rất tâm đắc với với lời dạy đó của các cụ ta xưa nên Nguyễn Ngọc Tư đã rất hứng thú trong việc phác hoạ lại hình ảnh các khuôn mặt. Đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, ta dễ dàng bắt gặp cái khuôn mặt “lạnh trơ, bình thản” của Diễm Thương, khuôn mặt “teo héo, sạm đen” của ông Năm Nhỏ trong truyện Cải ơi. Thấy được cả khuôn mặt “trầm lặng mà sâu sắc” của Tứ Phương trong Nhà cổ, khuôn mặt “nhăn

nhúm, nám đen” của bà Hồng trong Cuối mùa nhan sắc, khuôn mặt “đen sạm, nhăn nheo” của người đàn bà trong Dòng nhớ, hay “nét mặt âu yếm” của Sương trong Cánh đồng bất tận.

Thật vậy, khuôn mặt là điểm nhận biết đầu tiên khi người ta tiếp xúc với nhau, là nơi bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc vì vậy nó là một phần để người ta nắm bắt tâm lí của nhau. Nắm bắt được điều đó Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện sự thành công đặc biệt của mình khi phác hoạ hình ảnh dễ gợi này.Từ nhân vật trẻ đến nhân vật già, ai cũng là những nhân vật bất hạnh nhưng khi

phác hoạ ngoại hình của nhân vật mình, tuyệt nhiên Nguyễn Ngọc Tư đã không để đặc điểm nhân vật trùng lẫn với nhau. Nói về Diễm Thương (Cải ơi), Ngọc Tư miêu tả: “khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì”, “mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre”, “nụ cười héo hắt”. Không miêu tả chi tiết khuôn

mặt của nhân vật theo kiểu mắt ra sao, mũi thế nào... Nguyễn Ngọc Tư chỉ khái quát một cách rất chung chung nhưng chỉ cần đọc thế thôi người đọc đã có thể tưởng tượng ra được khuôn mặt lạnh trơ là khuôn mặt thế nào; nụ cười héo hắt là nụ cười ra sao. Có thể mỗi người sẽ hình dung một khuôn mặt không giống nhau nhưng ở đó đều toát lên một điểm chung đó là tính cách rất lạnh lùng, bất cần đời do từng nếm trải bao sóng gió cuộc đời nhưng ẩn bên trong lại là sự yếu đuối, đau khổ.

Trong Biển người mênh mông, ta thấy ngay từ thưở nhỏ Phi là một cậu bé có cuộc sống rất buồn, không cha, mẹ thì theo chồng đi ở nơi khác. Ở với ngoại, hai bà cháu dành trọn tình yêu thương cho nhau nhưng từ khi ngoại mất đi Phi trở thành một con người “ăn vận lôi thôi, quần jean bạc lỗ chỗ, te

tua, áo phồng dài quá mông, râu ria rậm rạp móng tay dài tóc dài. Từ hồi nào muốn soi kiếng phải lấy tay vẹt mớ râu tóc như người ta vẹt bụi ô tô”, chỉ

qua ngần ấy chi tiết ta cũng có thể hình dung ra một con người phớt đời, phong trần có phần bụi bặm.

Bên cạnh những nhân vật trẻ tuổi đó, còn có những nhân vật già hơn nhưng dù tuổi tác như thế nào thì nét mặt, ngoại hình của họ vẫn không thoát được cái khuôn của sự khắc khổ. Người đàn bà trong Dòng nhớ được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả “Tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu; mặc chiếc

áo cộc tay màu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài mỏng te nhiều mụn vá”. Chỉ đọc đến đây thôi đã đủ điều kiện để ta hình dung một

ngoại hình của con người có cuộc sống lận đận, chịu nhiều mất mát. Mà cũng đúng thật, chồng bỏ đi, con chết, một thân một mình xuôi ngược trên các

dòng sông mà trong lòng lúc nào cũng khắc khoải nỗi nhớ chồng, thương con. Một con người như thế tránh sao được những xác xơ, vùi dập của cuộc đời.

Đến với Biển người mênh mông, ta làm sao quên được hình ảnh ông Sáu với “hàm răng trắng trơ, móm mém, mặt già nua với những chiếc xương

gồ ra trên thân hình nhỏ thó ốm teo”, “mặc độc một chiếc quần một chiếc quần tà lỏn đã xoăn lại còn ngồi giăt bộ đồ kaki màu cứt ngựa, thân hình nhỏ quắt quằn quặt’’. Thân hình vặm vỡ trước kia đã trở thành kỉ niệm quá vãng,

bây giờ Sáu Đèo đã trở thành một ông lão già nua, ốm yếu khắc khổ. Đó chính là kết quả do sự tàn phá của thời gian và đặc biệt là sản phẩm của bốn mươi năm quăng quật giữa biển người mênh mông để tìm người vợ yêu dấu của mình.

Miêu tả khuôn mặt, Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt chú ý đến việc miêu tả hình ảnh “đôi mắt”, người ta thường nói “ đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Thật vậy, qua hình ảnh một người đàn ông với Cái nhìn khắc khoải trong một đôi mắt “rân rấn” nước. Chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy nhưng cái “cửa sổ tâm hồn” ấy đã hé mở cho ta thấy nhiều điều về một con người. Đôi mắt ấy đã tự nó đã nói lên được cái khao khát mong ngóng hạnh phúc của một người đàn ông giàu lòng yêu thương.

Cũng với hình ảnh đôi mắt nhưng đôi mắt của ông Mười (Mối tình năm ) là “đôi mắt dữ tợn lên, đỏ ngầu dưới hai đám lông mày rậm rịt chớm bạc phát ra nhưng tia nhìn như xoay thấu người khác’’. Mới đọc những chi tiết này

có lẽ người sẽ chụp mũ đó là nhân vật dữ dằn, thô bạo. Nhưng thật ra ta phải hiểu được rằng lúc có được ánh mắt ấy là lúc ông đang ở trong tâm thế của một người chồng sẵn sàng che chở, bảo vệ cho người vợ yếu đuối của mình. Đằng sau vẻ dữ tợn đó là một tấm lòng lúc nào cũng lo lắng xót xa cho vợ con. Ông thương vợ và ông thể hiện tình thương đó một cách kín đáo, ông chấp nhận mọi người hiểu lầm ông ích kỉ hơn là việc người ta sẽ khơi lại chuyện cũ bởi ông biết rằng mỗi một lần như thế sẽ lại một lần vợ ông bị nhói đau.

Ngoài những nét chấm phá rất điển hình để miêu tả một khoảnh khắc trong cuộc đời nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn miêu tả ngoại hình gắn với sự biến đổi theo năm tháng. Nhan sắc của bà Hồng không thể chống lại quy luật tàn phai của thời gian. Thời con gái bà đẹp “tới đứng tim người ta’’. Trải qua bao vất vả cơ cực để cống hiến cũng đã đến lúc “đôi môi đã héo queo, mặt nhăn nhúm nám đen, cái cổ cao ngày trước giờ gần như đổ gục vì cái gánh tâm tư mà cuộc đời chồng chất’’ sự thay đổi đó làm cho ông Khanh “đứng chết lặng ngẩn người ra, lòng đau đớn, đó không phải là nhan sắc mà ông nhớ thương chờ đợi ...”.

Khi miêu tả ngoại hình, Nguyễn Ngọc Tư đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa tái hiện lại bằng một vài nét thoáng qua có tính chất chấm phá. Song những nét chấm phá ấy lại đạt tới giá trị tạo hình rất lớn nhằm tái hiện một cách sinh động tính cách nhân vật. Nhìn vào thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, ta dễ dàng thấy đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên toát nên từ tất cả, từ trẻ đến già ai cũng mang trên mình đặc điểm chung, cái nét chung của người nông dân Nam Bộ chất phác, cơ cực, nghèo khổ, lam lũ, vất vả nhưng giàu tình yêu thương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)