Khắc họa nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 84 - 88)

7. Cấu trúc luận văn

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.3. Khắc họa nội tâm nhân vật

Để xây dựng nhân vật trong tính toàn vẹn của nó thì bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú trọng đến việc khắc họa nội

tâm nhân vật. Nội tâm là toàn bộ những suy nghĩ, trạng thái, cảm xúc, cảm giác, những phản ứng tâm lí của bản thân nhân vật trước tình huống mà nhân vật trải qua hay chứng kiến trên bước đường đời của mình. Yếu tố tâm lí thường được nhà văn xem là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp của mình. Muốn xây dựng thành công một nhân vật phải nắm bắt được tâm lí của nhân vật. Đây cũng chính là một thử thách đối với nhà văn bời tâm lí của con người không đơn giản, khó nắm bắt. Mỗi người có một tính cách riêng, cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế giới và con người. Có thể nói thủ pháp được vận dụng thường xuyên nhất trong truyện Nguyễn Ngọc Tư đấy chính là dùng lời dẫn nửa trực tiếp. Cụ thể là trong lời kể chuyện của nhà văn đã bao hàm cả giọng điệu, thái độ, suy nghĩ của nhân vật; kể lại câu chuyện bằng chính giọng điệu của anh ta. Chẳng hạn trong truyện Huệ lấy chồng, Khi Điềm ước sau này sẽ gặp được người tử tế, lấy được một người chồng như Thi (người yêu của Huệ) thì “lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho thi lót lòng đi dạy, trưa đón thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô ”. Nhưng khi Thi đi lấy người khác Điềm sợ Huệ vì Thi mà làm dại “sợ vậy thôi, chớ Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên gì với nhau”. Đến ngày Huệ cũng

phải lấy chồng, vẫn qua lời của người kể chuyện ta thấy khi đi ngang qua đoạn gần nhà Thi “nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát …”. Rõ

ràng, những đoạn đã dẫn cho thấy nhà văn đã trần thuật lại câu chuyện bằng giọng điệu, nội tâm của nhân vật. Hình thức này khiến cho nhà văn không chỉ có thể tái hiện tự nhiên dòng tâm tư của nhân vật mà còn khiến tác phẩm biến hóa, nhiều giọng điệu.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có khả năng nhập thẳng vào nhân vật của mình, thông qua nội tâm của nhân vật mà kể lại câu chuyện nên rất nhiều tác phẩm của chị lựa chọn hình thức trần thuật theo ngôi thứ nhất, qua nhân vật

xưng “tôi” trong tác phẩm. Độc giả chẳng những lĩnh hội được câu chuyện mà còn thấu hiểu cả những trải nghiệm, suy tư, những cơn sóng tâm hồn của nhân vật kể chuyện, đó là những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Hình thức này cũng khiến cho dòng tâm tư nhân vật hiện lên “tươi rói” trên trang sách. Tiêu biểu nhât cho hình thức này là truyện ngắnCánh đồng bất tận. Như ta đã biết Cánh đồng bất tận chỉ dài gần 60 trang vậy mà số lần nhân vật Nương, xưng “tôi” dừng lại tái hiện những tâm tư của mình lên tới 15 lần, mỗi lần một suy nghĩ, một trạng thái cảm xúc khác nhau. Trong dòng suy nghĩ triền miên của nhân vật “tôi” thì nỗi nhớ chính là những lớp sóng tâm trạng miên man, cồn cào, dồn dập và giằng xé trong tâm hồn “tôi”. Mỗi lần nhớ, mỗi lần thương, mỗi lần đau “tôi” thường bộc bạch, mổ xẻ suy nghĩ của chính mình. Bắt đầu từ nỗi nhớ má “suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay khi vừa nghĩ đến má thì lập tức hình ảnh ấy lại hiện ra”.

Không hề tức giận khi bị cha đánh đòn, “tôi” chỉ ngồi đó tìm ra nguyên nhân xuất phát những trận đòn đó: “Và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng này, hồi trưa này

mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng”; “Tôi cảm thấy mình thất vọng đến rã rời. Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng làm sao tôi có thể bỏ được hình hài nầy”. Rồi khi đứa em trai từ chối sự trưởng thành, ghê tởm

những hoạt động sinh lí xác thịt Nương muốn giúp em mà không làm gì được bởi “Tôi muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không thể diễn đạt bằng

lời. Tôi không chắc chắn lắm nhưng tình dục và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đến cuộc sống nầy với những đổ vỡ nầy…”. Sau này khi Điền đã bỏ đi, mỗi khi qua những xóm kinh, Nương

“thường ngóng lên bờ xem có được gặp chị với Điền không”. Đến tận khi

truyện đi đến đoạn kết thì Nương vẫn không ngừng bộc lộ những dòng suy nghĩ chảy tràn của mình: “Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó ngay lúc

ấy…”. Trong hoàn cảnh hết sức thương tâm đó Nương nghĩ: “Ước gì cha tôi hiểu để mà thanh thản”.

Người đọc không thể ngờ được 17 tuổi mà Nương lại có những dòng suy nghĩ, những câu tự vấn sâu sắc đến thế về cuộc đời. Quá khứ, hiện tại, tương lai nó cứ đồng hiện, chất chứa thành một khối trĩu nặng với đầy đủ những sự day dứt cho quá khứ, dằn vặt về hiện tại, lo lắng cho tương lai. Sự trưởng thành, già dặn quá sớm của nhân vật chỉ có thể giải thích được bằng chính cuộc sống không người dạy dỗ, sống cuộc sống xa cách con nguời, không được sự quan tâm của cha cũng chẳng được sự chăm sóc của mẹ. Bao nhiêu sự trăn trở, lo âu về cuộc sống không biết giải bày cùng ai cho nên nhân vật luôn sống với những dòng suy nghĩ triền miên là điều tất yếu.

Cánh Đồng Bất Tận là sự thành công đặc biệt của Nguyễn Ngọc Tư trong việc miêu tả nỗi đau, một nỗi đau bất tận trước những tình cảnh làm quặn thắt lòng người. Đó là hình ảnh người cha đau đớn run rẩy khi nghe tin vợ bỏ đi, bởi ông ta không thể tin đó là một sự thật. Ông hỏi vặn lại người đưa tin: “Bộ hết chuyện dỡn rồi sao, cha nội”. Nguyễn Ngọc Tư đã nói thay tiếng lòng người đàn ông ấy: “Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết

lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng”. Nỗi đau đã vắt kiệt sức người cha, để rồi ông ta đốt nhà và dong ghe đi.

Khi gặp người đàn bà ở xóm Bàu Sen, lúc đầu cha “trút vẻ lầm lũi” vốn có.

Sau đó khi đã rủ chị bỏ nhà, bỏ quê để theo cha thì vừa mới đi được một đoạn đường cha quăng chị lại “cười dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã…Càng ngày cha càng “xanh xao, lạt lẽo, ngơ ngác và cô đơn”...

Nguyễn Ngọc Tư cũng miêu tả được tận cùng nỗi đau của sự tàn ác mà người cha của Nương gây ra cho những người đàn bà khác: “Với những

người đàn bà sau này, cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc..” [49, tr 196]. Qua lời kể của đứa con gái, tâm lí người cha càng ngày càng ghê sợ “không còn một

chút cảm xúc nào, nét mật tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phũ phàng”. Nhưng sau tất cả những điều đó đứa con gái vẫn hiểu

rằng bên trong tâm hồn cha là “một hố sâu thăm thẳm, bến bờ mịt mù, chơi

vơi, dễ hụt chân”.

Nguyễn Ngọc Tư đã diễn tả thật tài năng và xúc động nỗi bi thương che phủ cả bầu trời khi người cha phải chứng kiến cảnh con gái mình bị làm nhục. Ông ta đau đớn đến sững sờ vì bất lực: “Và tôi buột miệng thất

thanh: Điền! Điền ơi!... Tiếng gọi ấy làm cha tôi đau đớn đến sững sờ, ông rướn ngước mặt về phía tôi, miệng há hốc”… Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đã chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi” [49, tr218].

Qua đây ta thấy Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo linh hoạt tìm ra những phương thức sát hợp nhất thể hiện sắc nét nhất dòng tâm trạng, cảm xúc, những suy tư, trăn trở... trong nội tâm của từng nhân vật. Nội tâm vốn là là yếu tố không dễ nắm bắt nhưng với tài năng, sự nhạy cảm và tấm lòng gắn bó sự chân thành của chính bản thân mình với con người Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng đột nhập, khám phá nội tâm từng nhân vật để người đọc hiểu, thông cảm và trân trọng những tất thảy con người đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)