7. Cấu trúc luận văn
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.4. Đặt nhân vật vào tình huống lưu lạc, phân li
Lưu lạc được hiểu là con người bởi một lý do nào đó bị bứng ra, tách khỏi nơi quen thuộc, bị ném vào một không gian sống mới mẻ, xa lạ, thấy mình đơn chiếc, lạc lõng giữa biển đời mênh mông. Đó không chỉ là những cảm giác tồn tại dưới dạng những rung động riêng lẻ, thoáng qua; hay những cảm xúc xuất hiện khi có sự tác động của thế giới khách quan vào con người; mà là dạng tâm trạng tương đối ổn định, thường trực, ám ảnh và chi phối cuộc sống con người ở nhiều phương diện. Lưu lạc đã trở thành cảm thức, một mặt là thuộc tính cố hữu, khi con người chưa bị ràng buộc vào mối quan hệ xã hội;
mặt khác là một ý niệm có tính ổn định trong nhận thức của con người, nhất là khi con người va đập với mọi khổ đau, phi lí của cuộc đời.
Cảm thức lưu lạc dường như là cảm thức chung của con người ở mọi thời đại. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, con người phải lưu lạc, nổi trôi. Thế kỷ XVI, XVII, nhiều người dân từ xứ Quảng trở ra vì muốn thoát khỏi đói nghèo hoặc trốn sự truy đuổi của triều đình đã tìm đến mảnh đất phương Nam. Năm 1954, 1975 là mốc quan trọng đánh dấu sự di cư ồ ạt của không ít người Việt nhỏ bé đang sống yên ổn lại bị xô đẩy đến một không gian xa lạ, trở thành lữ khách bơ vơ. Nam Bộ là xứ sở của kênh rạch nên nhiều sinh hoạt của người dân gắn liền với sông nước. Họ đi lại, buôn bán bằng ghe thuyền và lập gia đình, nuôi dạy con cái cũng trên ghe thuyền. Cuộc sống tự do, cởi mở nhưng luôn lênh đênh, lưu lạc. Không chỉ vậy, hàng năm, những cơn lũ tràn đến và quét đi tất cả khiến cho con người phải làm lại từ đầu, dẫn đến tâm lý tạm bợ, muốn tìm những nơi thuận lợi hơn để mưu sinh. Hơn nữa, phần lớn cư dân Nam Bộ là những lưu dân. Họ từ Trung Hoa sang làm ăn, từ phía bắc Biển Hồ xuống định cư hay từ miền ngoài vào với hi vọng đổi đời… sẵn mang mặc cảm lưu lạc, bị ám ảnh bởi cuộc sống nay đây mai đó.
Nguyễn Ngọc Tư sinh ra tại Bạc Liêu nhưng lại sống ở Cà Mau từ năm bốn tuổi. Cô trưởng thành trong xã hội hậu hiện đại, khi con người bị đặt trong tình trạng cắt lìa khỏi những mối quan hệ ổn định, mất niềm tin vào các giá trị, không còn cảm giác thuộc về bất cứ đâu. Cảm thức lưu lạc in đậm trong mỗi trang viết của chị cũng là điều dễ hiểu. Chị thường đặt nhân vật của mình vào tình huống lưu lạc, phân li. Đa số nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đều có cuộc sống vô hướng, nay đây mai đó. Mỗi con người, mỗi số phận trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều có những trớ trêu, là điều kiện để họ bộ lộ bản lĩnh, nhân cách. Cảm thức lưu lạc ấyvừa “hắt bóng” không gian văn hóa cổ truyền, vừa in dấu văn hóa “hậu hiện đại” của vùng đất Nam Bộ.
Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều về những đứa con hoang, đứa con lạc mất ngay trong gia đình mình, những đứa trẻ trôi dạt với một số phận bất định, đơn độc, vô vọng giữa cõi người. Có một mối đồng cảm, một mối bận tâm canh cánh trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, bởi biết trách ai bây giờ? Bởi làm sao để bù đắp cho những mất mát không thể bù đắp được là tình người, tình thân? Phi (Biển người mênh mông) sinh ra không có cha. Phi ở với bà ngoại. Cha Phi đi khángchiến về không nhận con. Má theo cha ra sống ngoài chợ khi Phi năm tuổi rưỡi. Lớn lên Phi đi theo gánh hát, sống thui thủi một mình, lang bạt. Điệp ở với ông bà ngoại từ nhỏ (Chuyện của Điệp). Lên mười tuổi cha Điệp đi không thấy quay về nữa, lên mười hai mẹ bỏ đi làm ăn, sau đó lấy chồng. Mặc dù ông bà ngoại rất yêu thương nhưng không thể bù đắp những khuyết thiếu và tổn thương mà cha mẹ để lai trong tâm hồn đứa trẻnày. Luôn bị bà chửi “thằng cha mày không nên thân”. Bé trong Rượu trắng cũng là một đứa con hoang. Mẹ bỏ đi, Bé ở với bà ngoại. Lớn lên, bé lại sống với cái chất hoang của mẹ và bà, đơn độc giữa cuộc đời, khao khát yêu thương trong tuyệt vọng. Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận cũng là những đứa trẻ hoang dã. Mẹ bỏ đi, hai đứa theo cha trôi dạt. Chúng phải tự học tất cả, và đã phải trả giá. Cô gái câm trong Gió lẻ cũng là một đứa trẻ bỏ
nhà đi bụi. Không còn mẹ, không còn cha, không còn lại bất cứ kỷ niệm dấu yêu nào. Nhà của cha mẹ ngày xưa không còn là chốn em nương thân.Và em phải ra đi, trôi dạt bờ bụi. Bảy Trầu trong Khói trời lộng lẫy cũng là một đứa con hoang. Cha bỏ mẹ đi lúc cô 4 tuổi, sau đó mẹ bị tai nạn chết. Rồi khi bà ngoại chết, không ai còn ký ức gì về cô, một đứa con hoang thai. “Tôi đã trôi
đi không tăm tích gì giữa cuộc đời này”. Tại sao Nguyễn Ngọc Tư lại viết
nhiều về những con người bị thất lạc ngay trong gia đình mình, để rồi lạc mất giữa cuộc đời? Nguyễn Ngọc Tư không hề có lời nào phiền trách những người cha những người mẹ ấy, cũng không quy kết vào những nguyên nhân xã hội? Hơn thế cũng không đặt ra giải pháp nào để cứu lấy số phận những con người đáng thương kia? Câu trả lời có thể là, Nguyễn Ngọc Tư canh cánh
bên lòng mối ưu tư ấy và nâng vấn đề xã hội lên thành chủ đề có tính tư tưởng . Những đứa con hoang ấy là hiện thân cụ thể nhất cho thân phận con người đơn độc, trôi dạt và lạc mất giữa cuộc đời này, không thể níu giữ bất cứ cái gì. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã gọi những người dân Nam Bộ là “dân Ba Bảy Chín” có nghĩa đây là những con người phải sống cuộc sống vất vả, lênh đênh (ba chìm bảy nổi chín lênh đênh). Những năm đất nước hòa bình và đổi mới, con người mang cảm thức lưu lạc luôn trong hành trình kiếm tìm những gì đã mất, tình yêu, hạnh phúc, ý nghĩa của tồn tại, của cuộc đời. Con người của Nguyễn Ngọc Tư thường khắc khoải đi tìm những người thân yêu như má, vợ, con… mà vì một lí do nào đó, họ phải buông tay, rời mắt nhưng trái tim thì không nguôi nhớ về nhau, lo cho nhau. Ân hận vì câu nói dằn dỗi của mình: “Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm cho con
khỏe” mà bà bỏ đi, Dự (Gió lẻ) đã thề “không tìm được bà nội con không về”, đã gắn bó cuộc đời trai trẻ của mình với những con đường và mỗi khi dừng xe, “chạy lại giở nón của một người hành khất để tìm khuôn mặt già nua quen thuộc”, đến mức tấm hình của bà nội đã quăn queo, nhàu nát. Buồn
thay, khi Dự gặp lại bà thì bà chỉ còn là “một ụ đất bên đường, được đắp bằng tấm áo cỏ chen lẫn hoa mười giờ đỏ”. Hành trình kiếm tìm người vợ
của ông Sáu Đằng (Biển người mênh mông) kéo dài “gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò”. Ông đã đi qua bao nhiêu
ngõ, tới bao nhiêu hẻm, gặp bao nhiêu người mà vẫn không thấy bóng dáng thân thương, chưa thể nói được lời xin lỗi. Ông tự nhủ, “chỗ nào chưa đi thì đi, còn sống thì còn tìm”. Con người Nam Bộ khao khát tình yêu và hạnh
phúc. Họ chấp nhận lưu lạc, sẵn sàng trả giá để có thể chạm tới yêu thương, ngọt ngào. Yêu đào Hồng, Chín Vũ (Cuối mùa nhan sắc) bỏ nhà, bỏ cuộc sống giàu sang, làm chân kéo màn, dựng cảnh, đóng vai quân sĩ, người hầu mong được nhìn thấy đào Hồng đi ra, đi vô, được nghe đào Hồng hát. Cả cuộc đời phiêu bạt, ông Chín hạnh phúc vì hi sinh cho người khác, vì làm cho người nắm giữ trái tim mình có thể thanh thản, thỏa lòng. Nguyễn Ngọc Tư
quan niệm lưu lạc còn giúp con người có khả năng kiếm tìm ý nghĩa của sự tồn tại, đồng thời cũng là một cơ hội để vươn lên, tự hoàn thiện. Sói và em (Ấu thơ tươi đẹp) có cảnh ngộ giống nhau, đều lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại, “ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như
em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu để tiễn em đi”. Cả hai cảm
thấy cô đơn, lẻ loi trong chính gia đình vì không có được niềm vui của sự đoàn tụ, hơi ấm của sự sum vầy. Sói và em chọn chuyến tàu cuối hè là nơi, là thời điểm bắt đầu một cuộc ra đi khác, rốt ráo, quyết liệt hơn để tìm ý nghĩa thực của cuộc đời, để gọi tên cho sự tồn tại của chính mình. Nguyên cớ khiến Ân (Sông) quyết định ra đi lại là sự thất vọng về người tình đồng tính. Ân đi ngược sông Di như muốn “đào xới lại tâm thức, lật lại từng kỷ niệm, những tình tiết trong đời đã hình thành nên cái mình đang là”. Ân nhận ra mình
chẳng có gì kết nối với cuộc đời này: một người cha tưởng rằng mình không có đứa con như Ân ở trên đời; một người mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào cậu con trai duy nhất, muốn nó giống như mình nghĩ, mình mong muốn; một người yêu đã gửi tối hậu thư giục Ân trở về và “chỉ chờ hết tuần này là chấm hết” . Giữa mênh mang sóng nước, Ân nhấn chìm chiếc thuyền, muốn bơi về khơi xa, hi vọng tìm thấy một điều gì đó để mình thôi đắn đo, hoài nghi, đau khổ.
Điều đặc biệt là khi viết về những con người lưu lạc, Nguyễn Ngọc Tư thường chọn cái kết không có hậu. Bản thân lưu lạc đã mang trong mình sự bất trắc, khổ đau. Gia đình Nương (Cánh đồng bất tận) trôi dạt từ cánh đồng vắng ngắt qua cánh đồng không có tên, cánh đồng chết khô để cuối cùng trên cánh đồng, Nương bị đám thợ gặt hãm hiếp, “thấy mình như đã chết”, còn
người cha bất lực chứng kiến con mình bị làm nhục: “mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt” . Cuộc hành trình kiếm tìm
hạnh phúc của Di (Khói trời lộng lẫy) đầy mất mát. Di gặp cha khi “trong ký ức của ông không còn hình ảnh nào của tôi, đã đứt bằn bặt”. Có bao nhiêu
rửa mặt mỗi ngày bằng nỗi phiền muộn bảng lảng”. Đem em trai đi cùng với
mong muốn giữ lại vẻ đẹp thiên thần nhưng rồi Di hiểu mình đã tước đoạt, đánh cắp của em rất nhiều. Di, sau mọi ảo tưởng, thất vọng đã quyết định để mình tan biến trong khói trời lộng lẫy, thứ khói được tạo nên bởi trái khế con rụng xuống nằm khô trong máng nước, chiếc chiếu đã đứt mấy sợi dây chân và cả những sợi tóc của Di nữa. Những cái kết không có hậu làm cho cảm thức lưu lạc của người Nam Bộ thêm đau đáu, ám ảnh khôn nguôi.
Lưu lạc với Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là trạng thái chia lìa, lạc lõng mà còn tạo cơ hội giúp nhân vật tạo lập không gian tự do như một nền tảng sáng tạo, soi chiếu, đào xới và khẳng định ý thức của bản ngã. Bởi vậy, trong sáng tác của mình, bằng việc đặt nhân vật vào tình huống lưu lạc phân li, chị đã thành công trong việc khai thác chiều sâu tâm trạng nhân vật, diễn tả tinh tế các cung bậc cảm xúc của nhân vật, không chỉ dừng lại ở mặc cảm tha hương vì “trôi dạt nay đây mai đó nơi xa lạ” mà còn là sự cô đơn do con người trú xứ nhưng không thể hòa nhập, tâm tưởng luôn hướng đến một không gian khác. Bên cạnh đó, cảm thức lưu lạc chính là nỗi đau đớn, dằn vặt của con người trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc, ý nghĩa của tồn tại, những gì đã mất và nếm trải mọi cảm xúc vui buồn của cuộc đời.
3.2. 5. Mờ hóa và tẩy trắng tên nhân vật
Xét từ góc độ kết cấu và cách xây dựng nhân vật, mờ hoá và tẩy trắng tên nhân vật thích hợp với hoàn cảnh sống và biểu hiện số phận nhỏ bé lẻ loi của nhân vật.Từ đầu truyện đến cuối truyện ta không biết nhân vật tên gì, đến từ đâu? vì vậy, buộc chúng ta định danh nhân vật dựa vào tuổi tác, nghề nghiệp… Gọi là ông vì ông đã có vợ, có con và có cháu, “ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng” (Cái nhìn khắc khoải). Gọi là bà vì tóc bà đã bạc, nghề nghiệp bán bông trên sông (Dòng nhớ). Đến Chuyện của Điệp, Cải ơi, Cánh đồng bất tận, Biển người mênh mông,… tên nhân vật được gắn với ngôi xưng như: ông, bà, mẹ, chị,…là những người trụ trì trong gia đình nhưng chẳng ai
biết đến dẫu chỉ là cái tên. Họ là những con người đánh rơi hoặc sắp đánh rơi lịch sử. Những cái tên như: Hết, Nương, Điền, Thương, Nhớ hay Hận, Thù,… cho dù có được tác giả ưu ái gọi là chị, là anh,…thì họ cũng dễ lẫn vào vô vàn người Việt Nam có cùng cái tên đó. Họ bị đánh mất, nói đúng hơn bị tước mất lí lịch. Tính chất phiếm chỉ này cho thấy hiện đại và hậu hiện đại con người không còn cá nhân rực sáng như một bản thể trọn vẹn mà chỉ một mảnh vỡ, một phiến đoạn cuộc đời. Nhà văn cố tình làm mờ hóa và tẩy trắng tên nhân vật. Vì vậy, họ không còn cá nhân đơn lẻ mà cái chung của mọi số phận. Điều đó nói lên con người trong xã hội hậu hiện đại bất tận trong cõi cô đơn, nhưng không kêu la, than vãn mà chấp nhận và chung sống với nó. Xây dựng nhân vật không tên, không họ, không tiểu sử tất nảy sinh sự bất bình thường trong cuộc sống, trong quan hệ xã hội. Nó báo hiệu về sự khổ đau, đổ vỡ, báo hiệu một khát vọng đổi thay khác hơn hiện tại, vì khát vọng tột cùng của nhà văn hai chữ “tình yêu”. Có tên và không tên, còn lịch sử hay đánh mất, mục đích cuối cùng của tác giả nhằm sử dụng một thủ pháp để tái hiện cuộc sống bấp bênh, số phận “chìm nổi” của những con người nơi vùng đất tận cùng của Tổ quốc.
Như vậy từ việc miêu tả ngoại hình, mô tả hành động, dựng lên những đoạn đối thoại, mờ hóa, tẩy trắng tên nhân vật... Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng lại hình tượng những con người Nam Bộ “đặc sệt” trong tính toàn vẹn nhất của họ trước mắt người đọc. Và cũng từ thế giới nhân vật của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng chuyển tải được toàn bộ những ý đồ nghệ thuật sâu xa của mình đến với độc giả.
3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ
Ngôn ngữ vừa là đối tượng, vừa là phương tiện vừa của văn học. Và trong quá trình sáng tác nhà văn vận dụng ngôn ngữ toàn dân bên cạnh sự ảnh hưởng và chi phối trực tiếp của ngôn ngữ địa phương. Có thể nói, chính ngôn ngữ địa phương làm nên nét phong cách cho từng tác giả một khi biết vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả. Tìm hiểu ngôn ngữ Nam Bộ qua sáng
tác Nguyễn Ngọc Tư là đi tìm nét riêng của nhà văn này qua quá trình vận dụng ngôn ngữ địa phương vào trong sáng tạo nghệ thuật. Sự sáng tạo nghệ thuật ở chị đã làm cho ngôn ngữ địa phương trở thành lời văn nghệ thuật và tạo nên phong cách tác giả, chị đã sử dụng một cách thuần thục và điêu luyện ngôn ngữ Nam Bộ, chị đã khai phá tận cùng, quyết liệt những giá trị văn hoá đặc trưng của vùng đất “chín rồng”. Quả là không sai khi nhận định Nguyễn Ngọc Tư là người đã có công nâng tầm ngôn ngữ Nam Bộ trở thành ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ văn học với những nét đẹp đơn sơ mà lộng lẫy. Chính điều này đã góp phần tạo dấu ấn địa văn hóa đậm nét về mảnh đất và con người