Con người nghĩa hiệp, hào phóng, hòa đồng, hiếu khách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 53 - 56)

7. Cấu trúc luận văn

2.2. Dấu ấn đị a– văn hóa về con ngƣời Nam Bộ trong truyện ngắn

2.2.3. Con người nghĩa hiệp, hào phóng, hòa đồng, hiếu khách

Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều nghèo, phải lao động cực nhọc, vất vả. Song tất cả những điều đó không thể ngăn cản họ làm việc nghĩa, giúp người khác trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ông Hai trong Cái nhìn khắc khoải đã cưu mang cô Út khi gặp cô khóc bên bờ kinh dù cuộc sống của ông cũng rất khó khăn. Ông nghèo, sống bằng nghề nuôi vịt chạy đồng nay đây mai đó nhưng những ai cần giúp đỡ ông vẫn sẵn lòng. Ông đưa cô Út về nhà, đối xử với cô tử tế, đúng mực. Cô làm việc nhiều, ông rầy la. Ông dựng cho cô cái nhà tắm bằng lá dừa. Thấy cô đeo đôi dép mòn vẹt nên bị ngã, ông mua cho cô đôi dép mới… Biết cô gái còn để lòng thương người chồng đã bỏ cô đi, ông cất công tìm giúp cô. Ông làm mọi việc bằng lòng tốt chứ không hề vụ lợi.

Ông già Tư Nhỏ đã mở rộng vòng tay để cưu mang cô Cúc và đứa con trong bụng cô trong Đau gì như thể. Dù đứa trẻ không phải con mình nhưng ông yêu thương họ hết lòng, ngay cả khi cô Cúc bỏ ông ra sống ngoài xóm chợ. Khi Nga có thai, dân làng đàm tiếu, nghi ngờ ông hại đời con gái nuôi, dù khổ song ông vẫn không oán giận, trách mắng Nga. Ông không bỏ mặc hai mẹ con Nga trong lúc họ cần ông. Lòng nghĩa hiệp của ông xuất phát từ lòng nhân hậu, bao dung mà không phải ai cũng làm được.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tinh thần nghĩa hiệp không chỉ có ở đàn ông mà còn có ở cả những người đàn bà. Tiêu biểu là nhân vật má tôi trong Dòng nhớ. Biết chồng mình suốt đời thương nhớ người phụ nữ khác, song vượt lên sự oán hận và ghen tuông, bà vẫn cất công đi tìm người phụ nữ kia dù biết khó khăn như mò kim đáy bể. Bà muốn người ấy hiểu rằng: chồng

bà dù không cùng chung sống nhưng đã suốt đời nhớ thương cô. Bà mong việc làm của bà sẽ an ủi hai con người bị chia lìa nhưng suốt đời yêu thương nhau. Bà còn muốn người phụ nữ đó đồng ý khi qua đời sẽ lên nằm bên cạnh chồng bà để ông được thanh thản. Người phụ nữ này thật bao dung và cao thượng. Đó còn là hình ảnh của Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận không ngại phiền toái, chẳng quản hiểm nguy cứu thoát cô gái điếm tên Sương khỏi nanh vuốt của những người đàn bà trong cơn cuồng nộ của hờn ghen.

Tuy nhiên, đôi khi vì quá tin, quá yêu hay quá hiền lành, lương thiện mà nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sẵn sàng giúp đỡ cả những con người không tốt, không xứng đáng với họ. Tiêu biểu là là cô Út trong Cái nhìn khắc khoải và Tiên trong Nửa mùa. Cô Út trong Cái nhìn khắc khoải yêu và lấy một anh thợ gặt mà không hề biết rõ tính tình, quê quán, gốc gác…của anh ta như thế nào. Đến khi sống cùng cô mới biết anh ta không phải người tốt. Anh ta “làm ít nhậu nhiều... Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng,

nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc”. Người chồng tệ bạc như thế mà cô Út không hề oán giận, trách móc. Khi giận quá cô gọi hắn bằng “thằng” nhưng ngay sau đó lại có tiếng “xin lỗi” đi kèm. Cô không nghĩ đến những cực nhọc mà mình phải chịu đựng mà chỉ nghĩ làm sao cho người mình thương hiểu được tấm lòng của mình. Tiên trong Nửa mùa là một cô gái nghèo phải làm đủ mọi nghề nặng nhọc để kiếm sống, cô nghèo đến nỗi không có một mái nhà, phải ngủ dưới mái hiên nhà người khác. Nay cô phải làm nhiều hơn, vất vả hơn để nuôi cả tên nhạc sĩ. “Nó thấy đời này, kiếp này mình phải có nhiệm

vụ che chở, bao bọc cho anh chứ anh mảnh khảnh nho nhã thế kia sao để lấm lem với bụi đời và mưa nắng được”. Khi nổi tiếng hắn thấy ghê tởm Tiên vì

Tiên xấu xí, thô kệch. Hắn không thèm biết rằng cô như thế là do làm việc nặng nhọc quá sức để lo cho hắn những bữa ăn ngon, quần áo đẹp, nhà cửa sạch sẽ. Vậy mà Tiên không một chút oán hận. Tiên nghĩ rằng hắn đã vô cùng

đau khổ, dằn vặt khi bỏ cô, hắn làm như vậy vì không muốn cô khổ chứ không phải vì bây giờ hắn đã nổi tiếng, giàu sang mà quên người đã cưu mang hắn: “Trong nó chỉ còn tràn ngập những nỗi niềm thương nhớ…chắc là anh

mặc cảm, anh không muốn làm gánh nặng cho nó nên anh mới ra đi. Chắc là anh không dùng cách giả đò thân mật với các cô gái khác vì sợ làm tan nát lòng nó…Tiên phải đi tìm anh, dù ở cùng trời cuối đất, để nói với anh rằng nó có thấy nặng nề, cực nhọc gì đâu, cả nghĩ tới điều đó nó cũng không mảy may nữa là”. Dường như cô không biết đến thù hận, oán trách. Trong cô chỉ có tình

thương, sẵn sàng bao bọc chở che cho người khác dù mình có phải chịu vất vả, thiệt thòi. Cô có tấm lòng trong trẻo vô cùng, do vậy cô suy nghĩ về người khác cũng đơn giản, độ lượng, chỉ thấy những điều tốt ở người khác và luôn suy xét mọi việctheo chiều hướng tích cực. Lòng nghĩa hiệp ấy xuất phát từ sự cả tin và tác động của phim ảnh lãng mạn. Song lòng tốt ở Tiên còn quá nhiều mê muội. Cô không phân biệt được tốt xấu, không nhận thấy được sự thay đổi của lòng người.Vì thế, cô tốt với cả những người không xứng đáng.

Thiên nhiên rộng lớn gắn liền với vô vàn sông rạch, miệt vườn và những cánh đồng bát ngát tận chân trời. Thiên nhiên đó đã tạo cho con người Nam Bộ có tính cách rất vô tư, hào phóng. Hào phóng trong cách ăn ở, trong các mối quan hệ giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Người Nam Bộ khác biệt với người Bắc Bộ ở chỗ, họ chỉ biết đến hôm nay mà không lo tới ngày mai, hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền có thể tiêu xài bằng hết, ngày mai không có gạo tính sau. Đó là người dân Đầm Thị Tường chuyên sống bằng nghề đánh lú cá tôm. Mà cá tôm hồi thời trước thiếu gì, ê hề, ăn mệt nghỉ. Và một khi đã có mồi ngon rồi thì tất nhiên là phải có nhậu nhẹt. Cư ngụ chung quanh đầm là “những người hào sảng đậm đặc chất Nam

Bộ. Đàn ông nhậu một mâm thì đàn bà cũng một mâm. Đàn ông say thì ca vọng cổ, (…) đàn bà say chỉ nhảy múa cho vơi hơi rượu đi” [48, tr 24].

Điểm đặc biệt trong nét tính cách của người Nam Bộ là họ rất hoà đồng, hiếu khách. Khách dù quen hay lạ đến chơi bao giờ cũng được tiếp đón rất niềm nở, cởi mở. Những người quá giang luôn được đối đãi đặc biệt. Họ được ăn ở cùng chủ, sử dụng đồ dùng của chủ, thậm chí được nhường cho nơi ở tốt hơn.Tận cùng phương Nam đất nước, nơi mang địa danh Cà Mau, một mũi phù sa nôn nả lấn tràn ra biển Đất mũi mù xa, “Nơi ấy, những ngôi nhà đều không cửa, nhà mở toang cho gió nam vào, chướng tới, bấc qua, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày cả gan ruột…” [51, tr 11]. Trưởng ấp Tư

Mốt trong Thương quá rau răm từng căn dặn bà con trong ấp “Bất cứ người

xứ lạ nào đến làm việc ở đất cù lao đều quý, mình phải đối xử cho tử tế, thiệt tử tế”. Khi bác sĩ Văn đến cù lao Mút Cà Tha, bà con trong ấp đã đón tiếp anh

thật nồng hậu, chân tình và cởi mở “Hôm Văn đến, bà con ôm lại cho một đống quần áo, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rọng. Rồi mấy con cá ốm nhom, trắng đờ con mắt, lội vật vờ tới lui chờ hóa kiếp mà Văn vẫn còn ngợp trong mớ lời mời, hết nhà nầy đến nhà khác, bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um...”[49, tr 20]. Tấm lòng con người Nam Bộ là thế

đó rộng mở, hào phóng đến lạ thường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mảnh đất và con người nam bộ trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư dưới góc nhìn địa văn hóa (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)