6. Bố cục luận văn
2.1. Các nhà chính trị
Là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, Hà Minh Đức tỏ rõ sự am tường văn học đặc biệt là văn học hiện đại. Song trong lĩnh vực chính trị, ông cũng thể hiện mình là người có say mê và am hiểu. Ông luôn dành những tình cảm cao quý nhất cho những nhà chính trị tiêu biểu của đất nước. Người giáo sư ngưỡng mộ thành kính nhất, luôn nỗ lực tìm hiểu và mong muốn có nhiều bài viết nghiên cứu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Minh Đức luôn có mong muốn viết chuyên khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng có nhiều bài viết, bài nghiên cứu về người. Trong tập bút ký Tài năng và danh phận, ông đã dành những trang đầu tiên để ngợi ca tài năng và nhân cách của Người với tinh thần kính trọng và biết ơn sâu sắc một vĩ nhân sáng chói nhất thế kỷ XX.
Trong bài viết, Hà Minh Đức đã dành 128 dòng để tóm tắt cuộc đời cuộc Hồ Chí Minh kể từ lúc rời Bến Nhà Rồng năm 1911 cho đến khi người mất năm 1969, Với 128 dòng, người đọc như được xem một thước phim quay chậm về cuộc đời của một con người hi sinh hết thảy cho độc lập dân tộc, một con người giàu lòng yêu nước và giàu tinh thần học hỏi. Con người đó đã đi khắp các châu lục từ Á đến Âu đến châu Mỹ, châu Phi và khắp các nước thực dân, đế quốc hùng mạnh như Anh, Pháp, Mỹ để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Trong quá trình đó, Người đã không ngừng lao động và học tập gian khổ đồng thời cũng tranh thủ thời cơ để đấu tranh cho tự do của nhân dân Việt Nam và Đông Dương cũng như nhân dân nô lệ trên toàn cầu. Những năm bôn ba nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc cũng đã khẳng định được mình trên trường quốc tế, xây dựng được mối quan hệ gần gũi với các Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản các nước thực dân đế quốc đặc biệt với người dân cần lao của các nước đó. Tất cả trở thành nền tảng, thành sức mạnh góp phần không nhỏ để mang lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Hà Minh Đức viết:
“Người tiếp nhận được tư tưởng tự do của công cuộc giải phóng và giành độc lập ở Mỹ với những tên tuổi lớn” và “Trong những ngày tháng ở xứ người, người thanh niên trẻ tuổi này ngoài việc kiếm sống, thường dành thời gian đều đặn để lên thư viện đọc sách, học ngoại ngữ và tìm hiểu cuộc sống của những người lao động nghèo khổ.”[11, tr.16-17]. Nói về những khó khăn người gặp phải, giáo sư viết về cuộc hành trình dài gần 40 năm của Người: “Chuyến đi vất vả, nhiều lúc biển sóng to gió lớn nhưng Người đã tiếp nhận được nhiều tri thức”[11, tr.15]. Từ biển được ông dùng ở đây với nghĩa là cuộc đời chung rộng lớn với nhiều khó khăn, thử thách mà nếu không có nghị lực phi thường, con người không thể vượt qua. Một trong những khó khăn lớn nhất của Người đó chính là nỗi nhớ nước nhà, khao khát được giải phóng nước nhà nhưng phải chịu cảnh tù đày. Khó khăn đó lớn hơn sự đói khổ, nhọc nhằn mà người phải chịu đựng. Qua 128 dòng, người đọc kính yêu và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc.
Ở nhiều công trình về Hồ Chí Minh, cuộc đời của Người cũng đã được tóm tắt và đọc giả cũng được biết đến nhiều những công trình tóm tắt đó. Nhưng với Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người,
người đọc được dẫn dắt dưới cách viết của một giáo sư văn học, việc lĩnh hội cảm thấy dễ dàng hơn. Ngắn gọn, súc tích và chỉ nói những thông tin cần thiết giúp bài viết của giáo sư dễ được ghi nhớ.
Với 133 dòng tiếp theo, Hà Minh Đức dành để bình luận, nhận xét về những ý kiến, đánh giá, ghi nhận của bạn bè quốc tế về tài năng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là phần tác giả có thể trình bày những ý kiến của mình dưới những bình luận của quốc tế. Có những nhận xét khẳng định lại, có những nhận xét bổ sung. Qua nhận xét của tác giả cho thấy ông là người có am hiểu về chính trị và am hiểu một cách có bài bản, có học hỏi không phải là sự ngẫu nhiên hoặc bình luận tùy ý.Với những nhận xét đúng, tác giả viết “Nhận xét đó là đúng đắn”. Với những điều cần bổ sung, tác giả
viết: “Phải nói thêm là”, “Nói thực cho đúng ra thì...”. Đó là những bình luận, bổ sung đúng và sâu thể hiện sự hiểu biết về chính trị và luôn tìm tòi, nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Phần tiếp theo của bài viết, Hà Minh Đức trình bày những luận điểm về tài năng và phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh đến tầm thời đại của Hồ Chí Minh trong cái nhìn toàn cầu, qua các nhận xét và đánh giá cao của bạn bè quốc tế và trong nước trên cả hai phương diện anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa gắn với phẩm chất nhân đạo của Người “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được đặt vào đền thờ những anh hùng của thời đại, hay nói một cách mạnh hơn, đúng với ảnh hưởng của cụ thì xứng đáng được đặt vào đền thờ của những bậc vĩ nhân” (tr.33 báo Miền Nam nước Đức ngày 4-9-1969). Thông qua những luận điểm đó, tác giả cũng bày
tỏ được sự ngưỡng mộ của mình đối với người anh hùng dân tộc.
Phần cuối cùng, tác giả xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh qua lăng kính văn học. Ngoài tài năng và phẩm chất được cả thế giới biết đến, Hồ Chí Minh còn có một sự nghiệp văn học giàu giá trị chính trị - nhân văn - lịch sử và giá trị nghệ thuật. “Thơ của Người là tình cảm, tấm lòng của lãnh tụ viết trong một hoàn cảnh khó khăn, tù đày nhưng tâm hồn vẫn tỏa sáng, từng lời thơ vẫn kết hợp giữa chất thép và tình người”[11, tr.32]. Và sự nghiệp văn học của Người được tác giả ca ngợi: “Đó là một kho tri thức cần phải suy nghĩ, tìm kiếm và càng tìm hiểu càng thấy giá trị to lớn của Hồ Chí Minh Toàn tập”[11, tr.32].
Ngoài bài viết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Minh Đức còn có hai bài viết về hai nhà chính trị khác là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Đây là hai người học trò giỏi được Bác yêu mến và tin tưởng giao cho những trọng trách lớn của đất nước. Lê Duẩn là người “thực hiện trực tiếp mệnh lệnh của Hồ Chí Minh: giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước”. Hình tượng của ông được tác giả xây dựng trên hai mặt: một là nhà chính trị giỏi, hai là nhà
văn hóa có tầm nhìn sâu, rộng. Vế thứ hai được viết một cách cụ thể và súc tích hơn, trình bày những quan niệm của Lê Duẩn về văn hóa và những hoạch định văn hóa của ông thể hiện một cái nhìn đúng đắn về thời đại bởi “Quan niệm về văn hóa của Lê Duẩn bao gồm nhiều lĩnh vực chính trị, tư tưởng, triết học, hình thái tư duy và các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, báo chí văn nghệ”. Quan niệm đó đã tạo cho những nhận định của Lê Duẩn về các chính sách về văn hóa của ông hết sức logic. Ông cho rằng văn hóa là vũ khí đấu tranh không thua kém vũ khí nào, có tác dụng vô cùng tích cực trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông khẳng định văn hóa Việt Nam là nền văn hóa cao, khó có thể đồng hóa được và muốn giữ được nền văn hóa ấy thì phải làm chủ đất nước, con người và chính mình. Và muốn làm chủ được thì nền văn hóa phải có tính Đảng và tính Nhân dân.
Bên cạnh nhận định về văn hóa, Lê Duẩn đặc biệt chú trọng đến vấn đề phát triển con người. Ông ca ngợi những người mẹ, người phụ nữ và vị trí cao quý của họ trong nền văn hóa dân tộc. Ông thấu hiểu tình thương là nguồn cội và sức mạnh của truyền thống dân tộc. Song Lê Duẩn cũng phê phán thứ tình cảm chỉ biết “rưng rưng” trước hiện thực nhưng không hành động để thay đổi nó.
Lê Duẩn là một trong những nhà chính trị luôn đề cao vai trò của giáo dục trong xây dựng đất nước bền vững. Ông đề cao vị trí của người thầy và có nhiều quan điểm hiện đại về quan hệ thầy - trò. Nhiều quan điểm của ông về giáo dục hôm nay đã được chứng minh là đúng đắn. Nhận định về tài năng của Lê Duẩn, tác giả viết: “Tư duy lý luận của Lê Duẩn luôn chú ý tới sự kết hợp hai mặt hài hòa và khác biệt, hài hòa và đối lập các phạm vi lý thuyết và thực tiễn, truyền thống và hiện đại, con người và thiên nhiên, tạo vật, lý trí và tình cảm. Quan niệm về giáo dục của Lê Duẩn vừa tiếp nối truyền thống của cha ông, vừa thể hiện tinh thần mới của cuộc sống hôm nay.” và “Thể hiện niềm tin sắt đá vào ý chí và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, thể hiện
tình cảm trân trọng và yêu thương con người, là cơ sở xuyên suốt những suy nghĩ về văn hóa của Lê Duẩn”. Theo tác giả thì đó chính là “phong cách riêng đáng quý” [11, tr.43] của Lê Duẩn. Đó là những nhận định mang đầy ý nghĩa ca ngợi và tôn vinh những đóng góp của Lê Duẩn trong sự nghiệp phát triển văn hóa - giáo dục của đất nước. Tuy nhiên cũng nhận thấy rằng, tác giả chưa dám bình luận những ý kiến trái chiều về danh nhân này. Có lẽ sự phân biệt ranh giới giữa văn học và chính trị? Cũng có thể người viết hoàn toàn thuyết phục với những quan điểm tư tưởng của danh nhân?
Một người học trò nữa được Bác rất yêu mến là Lê Đức Thọ. Trong Tài
năng và danh phận, Lê Đức Thọ được viết đến với tư cách vừa là nhà chính
trị, vừa là nhà thơ, nhà văn. Bài viết về ông cũng được in trong cuốn Người của một thời - cuốn sách dành cho những nhân vật có sự gắn bó với tác giả
trong quá khứ.
Lê Đức Thọ như giới thiệu của tác giả là một trong số những nhà thơ cách mạng “không chuyên” có mặt trong cuốn Nhà văn Việt Nam. “Thơ Lê
Đức Thọ có chiều sâu tư tưởng, giàu cảm xúc, mang dấu ấn cá nhân” [11, tr.45] với nhiều tập thơ như Trên những nẻo đường, Nhật ký đường ra tiền tuyến, Đường ngàn dặm. Trong toàn bộ các tập thơ của Lê Hữu Thọ, tác giả
nhận định: “thể hiện một ý chí, một quyết tâm của người thanh niên... khi đến với lý tưởng cách mạng” bất chấp hiểm nguy, tù đày. Mặc dù là những vần thơ của một nhà chính tri nhưng thơ ông “gây được xúc cảm với người đọc về tấm lòng chân tình”[11, tr.46].
Không chỉ chân tình trong thơ, qua chia sẻ trong bút ký, tác giả còn cho thấy trong đời thường Lê Đức Thọ là người gần gũi với bạn bè và văn nghệ sĩ. Ông gọi giáo sư Hoàng Xuân Nhị là “Anh” và thăm hỏi ân cần: “Anh Nhị vẫn khỏe chứ?”. Ở địa vị cao, khó tiếp xúc với đời tsống hàng ngày nhưng ông luôn niềm nở, chân thành với những cuộc gặp văn thơ. Là một người yêu thơ, trân trọng thơ, Lê Đức Thọ cũng thể hiện mình là người có khả năng nhìn
nhận, đánh giá sắc bén. Ông cũng là người thẳng thắn khi phê bình thơ kể cả với nhà thơ nổi tiếng. Với Phạm Tiến Duật, cách phê bình của ông vừa gần lại vừa thật: “Thơ anh rất đẹp, chủ yếu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn gần đây thì không được như thế”[1, tr47]. Cái thật của nhà thơ là cái thật của một người cộng sản. Ông không cho phép sự “ngoa dụ” trong thơ - một lĩnh vực sáng tạo không biên giới. Khi giáo sư Hà Minh Đức ngỏ ý thay từ “cõng” bằng từ “tựa” trong bài “Điểm tựa” của Lê Đức Thọ nhằm làm cho hình ảnh anh bộ đội cõng nhà thơ lên chốt trở nên “thơ” hơn, ông đã gạt phắt đi. “Đấy là sự thật, nếu nói như anh là không đúng sự thật.”. Chân thực là phẩm chất đáng quý của người lính, nhà chính trị Lê Đức Thọ.
Làm công tác chính trị, tư tưởng, Lê Đức Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề gần dân, lấy thực tiễn làm gốc. Ông cũng nhắc các nhà văn, nhà thơ bởi theo ông: “Cuộc sống là nguồn sáng tạo của văn nghệ, văn chương phải khơi nguồn từ cuộc sống và sự phong phú của đời sống không phụ lòng người viết” và “thực tiễn cách mạng sẽ giúp mình (nhà thơ - người viết) giải tỏa được những tình cảm riêng tư” [11, tr.48]. Đây là quan điểm đúng đắn của tác giả về phương pháp sáng tác lúc đó và cả hiện nay.
Ông còn là một nhà chính trị yêu nước, yêu và tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về đất nước anh hùng và giàu truyền thống văn hóa. Tình cảm đó đã trở thành kim chỉ nam cho đường lối tư tưởng của Lê Đức Thọ. Ông dặn các nhà văn, nhà thơ tham dự hội thảo khoa học ở Mỹ hãy “trình bày những vấn đề khoa học theo quan điểm của Đảng... để họ hiểu rõ hơn chúng ta” và ông biết ơn những người sống và cống hiến cho Tổ quốc: “Chính chúng tôi mới phải cảm ơn các anh vì sự có mặt của cá anh ở hội nghị không phải chỉ với tư cách cá nhân mà là tiếng nói của Việt Nam, của đường lối khoa học của chúng ta.”[11, tr52].
Qua câu chuyện nhỏ trích trong bút ký, tác giả chia sẻ những lần gặp mặt gần gũi với nhà chính trị Lê Đức Thọ. Trong đó, ngoài những cuộc gặp
liên quan đến văn hóa, văn nghệ, còn có những bàn luận nhỏ về chính trị. Trong những lời bình luận được tác giả ghi lại chân thực, ta thấy hiện lên một nhà chính trị đau đáu cho sự nghiệp xây dựng Đảng trong tương lai, một nhà chính trị công tâm và thành thực, không che dấu khiếm khuyết của Đảng và đội ngũ đứng trong Đảng. Ông cho rằng đội ngũ trẻ trong Đảng chỉ “khoảng bảy mươi phần trăm là đúng tiêu chuẩn”[11, tr53].
Phần cuối bút ký, tác giả xây dựng lại hình ảnh một nhà chính trị, nhà ngoại giao Lê Đức Thọ xuất sắc, in dấu trong lịch sử đấu tranh của dân tộc với màn đàm phán tại Paris để ký kết hiệp định Paris. Đó là một Lê Đức Thọ sắc sảo, kiên định và có tài ứng biến linh hoạt, đối trọng với nhà ngoại giao số một của Mỹ bấy giờ. Ông là một trong ba bộ óc giàu trí tuệ góp phần làm nên thành công của hiệp định Paris, song lại là người thành thực sẵn sàng từ chối giải Nobel hòa bình - một giải thưởng không ít danh nhân muốn có. Tài năng trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, văn học và phẩm chất chân thực, công minh, giàu tinh thần tự tôn dân tộc của Lê Đức Thọ qua phác thảo chân dung của Hà Minh Đức đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc.
Trong những nhân vật chính trị tiêu biểu được viết trong tập tùy bút thì Lê Đức Thọ là danh nhân mà tác giả được gặp mặt, gần gũi và có nhiều kỷ niệm để viết nhất. Chính vì thế, bài ký mang hơi thở của cuộc sống nhiều hơn, hơi thở của tự sự nhiều hơn, giúp người đọc hình dung một cách toàn diện về tài năng và phẩm chất con người Lê Đức Thọ.
Bên cạnh ba nhà chính trị trên, tác giả còn nhắc đến Tố Hữu với vai trò vừa là nhà lãnh đạo vừa là nhà thơ cách mạng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, việc xếp Tố Hữu vào nhóm các nhà văn nghệ sĩ có lẽ hợp hơn và tác giả trong bài viết của mình cũng chủ yếu khai thác cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu qua lăng kính văn hóa, văn nghệ.