6. Bố cục luận văn
3.3. Giọng điệu kể chuyện
3.3.3. Giọng điệu chậm rãi, trầm tư
Qua trang văn, người đọc có thể đoán định được một phần tính cách tác giả. Và qua tác giả, đôi khi cũng dự đoán được giọng điệu của trang văn ông ta viết. Văn của giáo sư, nhà phê bình Hà Minh Đức thường trầm và chậm rãi. Có lẽ cũng giống như tính cách ngoài đời của ông.
Hà Minh Đức kể chuyện trong bút ký rất chậm rãi, không vội vàng trước những câu chuyện nhỏ nhặt đời thường. Ông có thể kể từ lúc gặp nhau với giáo sư Phan Cự Đệ ra sao cho đến lúc ngày giáo sư mất. Những câu chuyện về một lần đi thăm một nhà văn mà ông và giáo sư Phan để quên địa chỉ ở nhà và việc Phan Cự Đệ xử lí tài tình và linh hoạt ra sao đều được ông
ghi nhớ và đưa vào bài viết. Hoặc có thể kể về vụ tai nạn của giáo sư Bùi Văn Nguyên và tấm lòng nhân hậu của giáo sư, chuyện đời sống thường ngày với cơm xào và căn phòng cũ kỹ luôn dột còn bị sét đánh một cách rất chi tiết. Hoặc là chuyện gặp gỡ thầy Trương Tửu sau khi bị “đấu tố”. Hoặc là chuyện về tình yêu của Nguyễn Đình Thi, về cuộc sống nơi sơ tán với thầy Cao Xuân Hạo... Tất cả là những câu chuyện mà qua đó, các danh nhân trở nên tỏa sáng song cũng hết sức gần gụi, đáng mến. Và như vậy, tuy là cách đưa chọn lọc nhưng người đọc hoàn toàn thỏa mãn vì đã biết được nhiều điều về vị giáo sư tài giỏi. Trong Tố Hữu – tiếng thơ thức tỉnh và chia sẻ, tác giả giúp người đọc hiểu hơn về tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu ở những năm cuối đời. Cũng như mọi người, Tố Hữu chịu sự chi phối của thời cuộc, đã đời thường hơn và thực tế hơn trong cả thơ và cuộc sống hiện tại. Là nhà thơ của lí tưởng, thành công ở những bài thơ mang đậm tính thời sự, Tố Hữu cũng tự thấy “làm báo bằng thơ” [tr.67], càng về sau càng có những chiêm nghiệm mang tính thực tiễn hơn: “Trước đây mình tưởng có những vấn đề có thể giải quyết trong một thập kỉ, bây giờ thì phải hàng thế kỉ” [tr.67].
Nói giọng điệu của bút ký chậm rãi không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều chậm chạp, lê thê, dài dòng. Bút ký tuy là tiểu luận xen những câu chuyện nhỏ nhưng cũng rất súc tích, chỗ nào cần tóm lược, Hà Minh Đức vẫn tóm nó lại bằng những liên từ thời gian “sau đó”, “sau khi”, “sau một thời gian dài”, “từ sau cuộc gặp đó”... Bên cạnh đó, ông khéo biết lựa chọn những câu chuyện nhỏ để đắp cho những luận điểm của mình như những luận chứng sinh động. Nhờ vậy cuộc đời của nhân vật trong bút ký vẫn hiển hiện sinh động mà không rối rắm.
Bên cạnh đó, bút ký Người của một thời và Tài năng và danh phận là một ngăn két chứa đựng, dồn tụ một khoảng thời gian dài hàng chục năm trong quá khứ với những gương mặt nổi tiếng một thời nên có thể nhận thấy giọng điệu bao trùm bút ký chính là giọng điệu trầm tư của một nhà văn, nhà
nghiên cứu, nhà giáo khi nhìn lại, ngắm lại và kể lại, viết lại về những con người nay đa phần đã không còn nữa. Giọng điệu trầm tư cũng thích hợp với tuổi tác của tác giả. Một người già nhìn lại những “Người của một thời” đã xa, đã qua bằng sự trải nghiệm và suy ngẫm thì giọng điệu này cũng không có gì lạ.
Bên cạnh đó nữa, tác giả viết về những người đã từng gắn bó với mình một thời mà là những cây đại thụ, những con người có nhiều cống hiến – “những người trí thức chân chính, giàu tài năng” - nên giọng điệu trầm tư cũng góp phần thể hiện lòng thành kính, sự ngưỡng mộ và trân trọng.
Bút ký còn là một công trình nghiên cứu nhỏ nhưng giá trị. Vì vậy trong bài viết về danh nhân, Hà Minh Đức bao giờ cũng mở rộng từ chỗ ký sang việc phê bình một hoặc vài tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn, nhà thơ. Một giọng điệu hài hước, một lối viết tản mạn e có chiều không hợp với thể loại này và đa phần những người đọc bút ký chân dung văn học đều thích đọc nó với một giọng trầm tư để suy ngẫm và đồng cảm.