Điểm nhìn nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 68 - 71)

6. Bố cục luận văn

3.2. Nghệ thuật kể chuyện

3.2.2. Điểm nhìn nghệ thuật

Điểm nhìn nghệ thuật là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi thế nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra

cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn... Điểm nhìn nghệ thuật cung cấp một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó. [15, tr.113]. Như vậy, thông qua điểm nhìn có thể đánh giá được tư tưởng tác giả, quan điểm của anh ta. Thông qua điểm nhìn cũng có thể biết rõ thế giới nghệ thuật và phong cách của tác giả trong tác phẩm. Thông qua điểm nhìn, người thưởng thức sẽ có một cái nhìn mới với cuộc sống... Điểm nhìn nghệ thuật là một thành tố quan trọng của tác phẩm.

Điểm nhìn trong bút ký Hà Minh Đức có thể có các dạng sau:

+ Điểm nhìn bao quát, điểm nhìn xa. Điểm nhìn này có ở hầu hết các bài viết trong tùy bút. Điểm nhìn xa cho phép tác giả đánh giá, khái quát cả một phong cách của chân dung văn học trong những câu văn ngắn gọn. Ví như việc nhận định “Nhà thơ Huy Cận là người của công việc, của hoạt động xã hội và một phần tâm huyết dành cho thơ”[11, tr.93]. Nói được như vậy phải có cái nhìn bao quát và phải có sự tiếp xúc toàn diện, gần gũi với chân dung văn học. Thường các nhận xét của Hà Minh Đức rất công tâm, ít có tính chất cá nhân trong đó và nhận xét với vai trò là người cùng thời, có sự thấu đáo, chia sẻ với danh nhân.

+ Điểm nhìn gần, trực diện. Điểm nhìn này được thể hiện thông qua những chi tiết nhỏ, vụn về cuộc sống của những chân dung văn học trong bút ký của Hà Minh Đức. Mật độ điểm nhìn gần cho thấy mức độ thân sơ của tác giả đối với chân dung văn học. Điểm nhìn gần trong bài viết Chuyện kể còn

lại về giáo sư Bùi Văn Nguyên; Huy Cận - Ngọn lửa thiêng vẫn cháy sáng; Tô Hoài - Đậm đà bản sắc dân tộc... xuất hiện với mật độ dày. Trong Chuyện kể còn lại về giáo sư Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức viết: “Ông ở một mình, tự

dậy từ 5h và đến 7h đã có thể bắt đầu vào công việc, rồi cặm cụi suốt ngày. Buổi trưa tự nấu ăn, dành lại phần thức ăn và cơm để buổi chiều xào nấu và hâm nóng lại.”[11, tr.221]. Phải là người gẫn gũi, sống sát vách, ở sát tường mới hiểu rõ về lịch trình của vị giáo sư như vậy. Điểm nhìn gần cũng cho phép tác giả lưu giữ những ấn tượng đậm nét của chân dung văn học từ đó có sự chọn lọc trong quá trình miêu tả ngoại hình chân dung văn học như trường hợp ông miêu tả Hoàng Trung Thông - nhà thơ có bộ râu tóc “phóng khoáng và có lúc đến rối bời”[11, tr 314]. Còn nụ cười của thầy Nguyễn Lương Ngọc thì “có chút ông già vương lại nét trẻ con”.

+ Điểm nhìn hiện tại xen lẫn điểm nhìn quá khứ. Hai điểm nhìn này cho phép tác giả có sự khái quát theo chiều thời gian về một cuộc đời con người và trình bày chúng theo chiều dọc tác phẩm. Điểm nhìn hiện tại là điểm nhìn khi tác giả nêu ra đánh giá cuối cùng về nhân vật để tổng kết cho sự nghiệp và phong cách của nhân vật đó. Điểm nhìn hiện tại cũng có khi tác giả tiếp xúc, lưu giữ những ấn tượng về nhân vật. Song điểm nhìn này lại trở thành điểm nhìn quá khứ khi tác giả đứng ở thời khắc hiện tại nhìn về, kể lại những kỷ niệm đã qua. Nhờ hai điểm nhìn trên mà người đọc có cái nhìn hệ thống đối với nhân vật chân dung. Đó là cuộc đời tâm huyết với khoa học song cũng lắm lênh đênh, lận đận của giáo sư Bùi Văn Nguyên. Đó là cuộc đời nhiều hạnh phúc, thành công và rất thú vị của Huy Cận. Đó là cuộc đời lãng mạn song cô đơn của Xuân Diệu... Mỗi cuộc đời đều có những dư vị riêng, gặp gỡ nhưng không hề đồng nhất với bất kỳ cuộc đời nào. Mỗi một tài năng đều sáng chói song danh phận lại rất khác nhau.

+ Điểm nhìn khách quan và điểm nhìn chủ quan. Điểm nhìn chủ quan là cái nhìn của tác giả đối với chân dung văn học. Điểm nhìn khách quan là điểm nhìn bên ngoài, không phải của tác giả. Hai điểm nhìn này có những chỗ chưa thống nhất với nhau khi cùng nhìn một đối tượng, thậm chí có những lúc đối đầu. Điểm nhìn chủ quan cho thấy thái độ trân trọng, biết ơn và yêu mến

của tác giả đối với những tài năng và nhân cách nổi tiếng một thời. Điểm nhìn khách quan đôi khi tiêu cực, mâu thuẫn do sự chi phối của cá nhân người nhìn (không phải tác giả), sự chi phối của thời cuộc chính trị. Trong bài viết về giáo sư Bùi Văn Nguyên, giáo sư Trương Tửu, thầy Trần Đức Thảo... điểm nhìn bên trong hay điểm nhìn chủ quan đã giúp mang lại cho người đọc những suy nghĩ, những trăn trở về một con người tài năng nhưng chưa được công nhận về danh phận. Điều đó không khỏi khiến độc giả ngậm ngùi.

Hệ thống điểm nhìn vừa mang lại cái nhìn tổng thể, toàn diện, nhiều chiều vừa mang lại cái nhìn chi tiết, gần gũi hết sức đời thường. Tất cả tạo nên hình tượng chân dung văn học bằng xương thịt thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của độc giả về tác gia, tác giả văn học, các nhà chính trị.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)