6. Bố cục luận văn
2.3. Các nhà văn nghệ sĩ
Là một người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học hơn nửa thế kỷ, giáo sư Hà Minh Đức có sự gắn bó sâu sắc với giới văn nghệ sĩ đặc biệt là các nhà thơ, nhà văn của thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong bút ký Tài năng và danh phận, giáo sư đã dành phần lớn dung lượng để viết về những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Có người đã thành bạn vong niên như Tô Hoài, Bùi Hiển và các nhà văn, nhà thơ khác như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Nguyễn Tuân,
Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên. Chân dung họ hiện lên vừa đa dạng vừa cụ thể như Bùi Hiển – từ “Nằm vạ” đến một sự nghiệp văn chương, Tô Hoài
đậm đà bản sắc dân tộc, Nguyên Hồng – trang sách thấm mồ hôi và hương đất, Nguyễn Khải “túi khôn” trong đời và trên trang văn, Vũ Trọng Phụng – tài năng và thời cuộc, Nguyễn Đình Thi – tài năng và danh vọng, Nguyễn Tuân: như tôi được biết, Nguyễn Huy Tưởng – tìm đến một mê cung, Huy Cận – ngọn lửa thiêng vẫn cháy, Xuân Diệu – “ông hoàng thơ tình”, Tế Hanh – dòng suối không vơi cạn, Hoàng Trung Thông – đời say cho thơ thêm hay, Chế Lan Viên – một thế kỉ, gần một ngàn b ài thơ, Anh Thơ – những bông hoa đồng nội, Hữu Thỉnh – người lính – nhà thơ, Một kỉ niệm với nhạc sĩ Văn Cao. Có nhiều nhà văn, nhà thơ giữ những trọng trách lớn trong các tổ chức
của Đảng về tư tưởng, chính trị, văn hóa và văn nghệ, có người giữ cương vị lãnh đạo trong các Hội nhưng tất cả đều được khai thác dưới góc nhìn văn chương. Họ đều là những tài năng văn chương thực sự.
Tố Hữu là cánh chim đầu đàn trong thơ cách mạng Việt Nam. Trong bút ký, Hà Minh Đức khai thác con người Tố Hữu trên hai khía cạnh. Một là một nhà chính trị và hai là nhà thơ. Là nhà chính trị, ông thường nhấn mạnh đến tính ổn định có lập trình của xã hội, song thời gian cũng giúp ông nhận ra rằng điều đó là không đúng. Tính lý tưởng đã ăn sâu kiên cố vào quan điểm của ông đã khiến đôi lúc Tố Hữu trở nên lạc lõng trước sự vận động đa dạng, nhiều chiều của thực tế.
Thơ Tố Hữu là thơ của lý tưởng chính trị, mơ ước và của trái tim chân thật. Nói như Hà Minh Đức, thơ Tố Hữu “chan chứa chất thơ, tình người và thiên nhiên về lý tưởng cuộc đời mới”[11, tr 67]. “Ông luôn tin tưởng vào lý tưởng cao đẹp, những con người tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội”[11, tr.69]. Nhờ luôn đặt niềm tin với Đảng lên trên hết, tình yêu đối với Tổ quốc và nhân dân lên trên hết nên trong cách mạng, Tố Hữu nhìn nhận những chiến tích, sự hi sinh với một cái nhìn đầy lý tưởng. Và nhờ chất lý tưởng đó, biết bao thế hệ
thanh niên Việt Nam đã hướng theo tiếng gọi Tổ quốc trong những vần thơ của ông, lên đường chiến đấu không mảy may một chút sợ hãi trước kẻ thù. Đó là đóng góp vô cùng quan trọng của thơ ông trên mặt trận văn hóa, chính trị.
Song cũng vì cái nhìn lý tưởng đó mà Tố Hữu cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời thực sau cách mạng. Ông “hẫng hụt trước đổi thay”. Điều này được thể hiện trong những lần ông nói chuyện được tác giả ghi lại trong bút ký. “Ngành Đại học có thêm trường nào không? Tại sao lại xây nhiều khách sạn đến vậy?”. Trước hụt hẫng của nhà thơ lớn, Hà Minh Đức đã có những nhận xét cảm thông và sâu sắc: “Sự đối lập giữa cảm hứng nóng về thời gian với cái lạnh, cái trì trệ, cái mờ mịt của thời gian không khỏi làm cho người trong cuộc chán nản”. Thơ Tố Hữu vì vậy cũng buồn hơn, là hạn chế của thơ Tố Hữu sau cách mạng. Tuy nhiên, Tố Hữu vẫn mãi là nhà thơ tiêu biểu nhất của thời đại thơ ca cách mạng. Những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng là điều không bao giờ chối bỏ được.
Trong bút ký, Hà Minh Đức chủ yếu viết về sự thay đổi trong tư tưởng của nhà thơ lớn, những đặc điểm của thơ ông trước và sau cách mạng. Phần còn lại của bút ký, nhà văn viết về những kỷ niệm có với gia đình nhà thơ sau khi nhà thơ mất như một cách nữa tôn vinh những đóng góp của Tố Hữu đối với đất nước và những đóng góp đó đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Kết thúc bài viết, tác giả tổng kết lại trong một câu ngắn nhưng bao hàm được ý nghĩa toàn bộ bài bút ký: “Nhà thơ lớn của đất nước chịu sự chi phối của thời cuộc”[11, tr.72]
Trong lĩnh vực thơ ca cách mạng được viết trong bút ký, Hà Minh Đức còn nói về Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi với nhiều lời ca ngợi. Ông đặt tiêu để cho bài viết về Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Thi - Tài năng
và danh vọng. Trong bài viết, tác giả khai thác nhà thơ theo hai khía cạnh này.
Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Trước hết là cái tài trong văn chương. Ông là cây viết trí tuệ và giàu suy ngẫm, triết lý. Không chỉ có mặt ở lĩnh vực
thơ, Nguyễn Đình Thi còn vươn bóng sang nhiều thể loại văn học như tiểu thuyết, kịch và ở lĩnh vực nào cũng có thành tựu cao đặc biệt là lĩnh vực tiểu thuyết. Ông còn là một trong số những tư duy triết học có tiếng ở nước ta, được ghi danh trong mục từ của Từ điển các nhà triết học, xuất bản năm 1984 tại Nhà xuất bản Đại học.
Trong lĩnh vực tiểu thuyết, Nguyễn Đình Thi ghi dấu ấn đậm nét với Vỡ
bờ tiếp đó là Xung kích, Vào lửa... viết về đề tài chiến tranh. Tiểu thuyết cho
thấy một Nguyễn Đình Thi đi nhiều, hiểu biết nhiều và chịu khó dấn thân trên nhiều chiến trường. Qua tiểu thuyết, Nguyễn Đình Thi cũng bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống, về thế hệ trẻ, về tình người, tình yêu. Chính vậy, những trang viết của ông mang hơi thở của cuộc sống, không hoàn toàn là tính lý tưởng.
Trong lĩnh vực thơ, Nguyễn Đình Thi là cây bút triết lý, sáng tạo. Ông cho rằng thơ là nơi ông dễ nói về mình nhiều nhất vì vậy mà thơ của Nguyễn mang đậm phong cách riêng biệt, khó trộn lẫn với những nhà thơ khác. Tác giả đã nhận định về thơ Nguyễn Đình Thi trong bút ký của mình như sau: “Cây đàn thơ của Nguyễn Đình Thi có vẻ đẹp riêng và có nhiều âm thanh quyến rũ... Thơ Nguyễn Đình Thi kín đáo, lặng lẽ mà vẫn có tiếng nói bên trong”[11, tr282] và giải thích cho cái độc đáo trong thơ Nguyễn: “Thực ra, Nguyễn Đình Thi say mê tìm tòi cái mới, không thích đi lại những nẻo đường cũ quen thuộc, vượt lên những ràng buộc xưa cũ, những định kiến bảo thủ”[11, tr284].
Cái tài thứ hai của nhà thơ là tài âm nhạc. Hai bài hát Diệt phát xít và Người Hà Nội là một đỉnh cao của âm nhạc, kết hợp được tính thời sự và tính
nghệ thuật. Ông đã biết kết hợp một cách tinh tế và khéo léo âm nhạc và văn học khiến cho tác phẩm của ông vừa có tính nhạc say mê, lôi cuốn vừa có ngôn từ giàu có và ý nghĩa.
Bên cạnh là một nhà văn, nhà thơ, Nguyễn Đình Thi còn là một diễn giả có tài với “ý hay, giọng nói lên xuống, vừa nhẹ nhàng, lắng sâu, vừa mạnh
mẽ thu hút người nghe”[11, tr286]. Đồng thời ông còn là một nhà chính trị với cái nhìn tinh tế. Ông không đưa nhiều những suy nghĩ về thời cuộc vào văn xuôi và thơ mà chủ yếu đưa vào kịch và kịch của ông có nhiều tác phẩm có giá trị, được người xem đón nhận.
Với những trải nghiệm sâu sắc và đa tài, chịu khó xông pha, luôn có khát vọng vươn đến cái đẹp và sự thực cuộc sống, Nguyễn Đình Thi thích hợp với những cương vị lãnh đạo văn hóa văn nghệ. Ông đã làm Tổng thư kí Hội Nhà văn qua nhiều nhiệm kỳ và nhận được sự tín nhiệm cao.
Về mặt đời thường, Hà Minh Đức dành thời gian để viết về một Nguyễn Đình Thi nhẹ nhàng, đa tình và cuốn hút. Ông ngoài khuôn mặt hiền lành còn có chất giọng đặc biệt khiến người đối thoại bị thu hút. Chính vậy, nhà thơ được phái nữ rất yêu mến. Qua bút ký, tác giả khai thác một chuyện tình đẹp của Nguyễn Đình Thi với người con gái ngoại quốc - Madơlen Riphô, làm nên nét thú vị cho bài bút ký. Ông cũng là người sống giản dị, thanh bạch và rất yêu thích sách đặc biệt là văn học cổ điển Pháp.
Qua gần nửa thế kỷ hoạt động và sáng tạo, Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đáng nể trọng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tác giả ngoài bài bút ký in trong Tài năng và danh phận còn có một công trình nữa với tên gọi “Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi” được xuất bản năm 2011. Và đúng vậy, Nguyễn Đình Thi là một con chim phượng lớn với tầm nhìn bao quát và khả năng vươn cao vượt trội, luôn khiến người khác phải ngước nhìn.
Bài viết của tác giả về nhà thơ cách mạng Hoàng Trung Thông cũng là một bài viết hay. Hình ảnh của một nhà thơ chân chất mộc mạc “nhà thơ của bản làng quê hương, trưởng thành với cách mạng và cuộc kháng chiến của dân tộc”[11, tr307] được Hà Minh Đức khai thác rất rõ. Trong bút ký, độc giả còn được biết đến một nhà thơ có “cốt cách thi nhân đẹp như say mà tỉnh, như mơ mà thực” rất lãng mạn trong thơ tình và thơ thiên nhiên. Thơ tình Hoàng Trung Thông “như ngấm men say và có vẻ riêng khác lạ” so với những nhà
thơ khác. Thơ thiên nhiên của ông cũng thường mênh mông, bãng lãng như người say đi trên không trung.
Bên cạnh viết thơ, Hoàng Trung Thông cũng là một cây bút nghiên cứu, phê bình có trình độ uyên thâm. Ngoài đời, ông là người vui tính, bình đẳng, được bạn bè yêu mến. Ông có phong cách sống như một thi nhân đúng nghĩa với việc “uống rượu, làm thơ, cho chữ” giống với các thi nhân thời xưa như Nguyễn Khuyến, Tản Đà. Không chỉ vậy, Hoàng Trung Thông cũng là một nhà quản lý tài năng, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghê như Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện trưởng Viện Văn học.
Hà Minh Đức mặn mà với phong trào Thơ mới. Ông có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu liên quan đến phong trào Thơ mới với các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... Trong bút ký của mình, Hà Minh Đức đặc biệt có những trang viết giàu cảm xúc và ấn tượng về ba nhà thơ trên.
Với Xuân Diệu, ông có Xuân Diệu – “Ông hoàng của thơ tình yêu” gần 20 trang sách. Người đọc đã được biết đến con người trong thơ Xuân Diệu. Đó là con người lãng mạn, say mê cuồng nhiệt cuộc sống và khao khát sống thắm thiết với đời. Thơ tình yêu của Xuân Diệu được các thế hệ trẻ đón nhận bởi có những cung bậc cảm xúc tinh tế, nói đúng được những rung cảm của con người trong tình yêu. Qua bút ký, Hà Minh Đức đã khái quát về sự nghiệp và đặc điểm thơ của Xuân Diệu trước cách mạng Tháng Tám đồng thời cũng chỉ rõ được sự vận động về mặt tư tưởng của Xuân Diệu trong thơ từ trước cách mạng đến sau cách mạng. Sau cách mạng, Xuân Diệu cũng có nhiều tác phẩm hay, có đóng góp cho nền thơ ca cách mạng. Tuy nhiên, về sau, thơ Xuân Diệu có phần hơi dễ dãi.
Xuân Diệu là người đa tình. Và ông cũng là người đa tài. Ông không những là nhà thơ mà còn là dịch giả, diễn giả, nhà nghiên cứu thơ có hạng, đặc biệt là nghiên cứu thơ văn cổ. Xuân Diệu qua đời, để lại nhiều thương tiếc trong lòng bè bạn văn chương. Ông để lại cho đời một sự nghiệp văn học và nghiên cứu giàu giá trị.
Xuân Diệu ngoài đời thường là một người ngăn nắp trong sinh hoạt, ưa sự cầu kỳ trong ăn uống. Ông vui tính nhưng cũng là người kỹ tính, thích được khen tặng và xem đó là món quà. Viết về Xuân Diệu, Hà Minh Đức chia sẻ nhiều điều về tình yêu trong thơ Xuân Diệu, về những bình luận gây tự ái cho nhà thơ, về những câu đùa vui hóm hỉnh... Với độc giả - những người yêu thơ và muốn tìm hiểu về nhà thơ Xuân Diệu thì đó là những điều thú vị.
Xuân Diệu và Huy Cận là hai anh em kết nghĩa, là đôi bạn thân như hình bóng trong cuộc đời thực và trong thơ, hai ông đều có vị trí cao trong phong trào Thơ mới. Hà Minh Đức dành cho Huy Cận bút ký: Huy Cận - Ngọn lửa thiêng vẫn cháy sáng. Bút ký không chỉ chỉ rõ những đặc điểm trong thơ Huy Cận trước và sau cách mạng mà còn vẽ nên một bức tranh chân dung về một nhà thơ, một nhà chính trị yêu nước, suốt đời sống cho lý tưởng của Đảng, trung thành với đất nước. Đời thơ của Huy Cận kéo dài trên 60 năm và đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm lớn và có nhiều tác phẩm có giá trị đặc biệt là tác phẩm trước Cách mạng Tháng Tám. Trong đó có tập Lửa thiêng được giới văn nghệ sĩ và giới phê bình đánh giá cao về nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Xét về tổng thể, sự nghiệp thơ ca của Huy Cận trước cách mạng là nổi bật nhất. Đó cũng là giai đoạn Huy Cận dồn tụ tình yêu vào thơ ca nhất và tạo nên những đứa con tinh thần nổi tiếng. Cũng như Xuân Diệu, Huy Cận tự hào và luôn bảo vệ, đấu tranh cho giá trị và vị trí của Thơ mới trên thi đàn.
Huy Cận cũng thành công trên lĩnh vực chính trị. Ông có điều kiện được gần gũi với Bác và giữ nhiều trọng trách quan trọng như Thứ trưởng, Bộ
Trưởng qua nhiều thời kỳ rồi Cố vấn văn hóa về châu Á. Ông còn là nhà ngoại giao giỏi với lối ứng xử nhanh nhẹn, linh hoạt.
Mặc dù đứng ở cương vị cao như vậy, nhưng Huy Cận cũng là người gần gũi trong đời thường. Giữa tác giả và nhà thơ có một mối quan hệ tương đối sâu sắc. Điều đó có thể được nhận thấy qua những cuộc trò chuyện của tác giả và nhà thơ, tình cảm của nhà thơ dành cho người bạn văn qua những lời giới thiệu trong các tập thơ của Hà Minh Đức. Tuy nhiên, gần gũi nhưng không dễ dãi. Ông là người cẩn trọng trong các mối quan hệ. “Trong quan hệ bạn bè, ông rất thận trọng khi khen chê, đặc biệt là khi chê ai thường đắn đo và dường như muốn đặt câu hỏi cần kiểm tra thêm”[11, tr100]. Ngay cả với Xuân Diệu, người vô cùng gần gũi, Huy Cận không bao giờ có một lời chê. Đó không hẳn là tính cách từ nhỏ mà là tính cách được tạo nên bởi cuộc sống. Và Hà Minh Đức đã khẳng định rằng: “Huy Cận là một nhà thơ nhưng thực sự là một quan chức”. Tính cẩn trọng giúp ông có được sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được gần gũi Bác, được Bác giao cho nhiều trọng trách quan trọng. Vì vậy, Huy Cận có những kỷ niệm đặc biệt với Bác mà ông luôn trân trọng đến cuối cuộc đời. Huy Cận mất đi, để lại một di sản lớn về thơ ca mà người đời sau luôn ngưỡng mộ.
Một phần vô cùng quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam là truyện ngắn, tiểu thuyết với những nhà văn lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn