6. Bố cục luận văn
3.3. Giọng điệu kể chuyện
3.3.1. Giọng điệu trân trọng, ca ngợi
Người của một thời và Tài năng và danh phận là những cuốn bút ký viết về những đóng góp của các nhà chính trị, nhà giáo và văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp chính trị, khoa học, giáo dục và văn hóa văn nghệ của đất nước. Giọng điệu trân trọng, ngợi ca là giọng điệu dễ nhận thấy nhất trong hai cuốn bút ký này.
Giọng điệu đó được thể hiện ngay trong cách đặt tên đề tài của từng bài viết. Với Bác đó là: Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc Việt Nam và tầm thời đại của Người. Với Lê Đức Thọ đó là Lê Đức Thọ - Nhà chính trị, ngoại giao - nhà thơ. Với Tố Hữu đó là Tố Hữu - Tiếng thơ thức tỉnh và chia sẻ. Với
Nguyễn Khánh Toàn đó là Nguyễn Khánh Toàn - Cõi học và người thầy.
Cách đặt tên đó đã phần nào tóm được toàn bộ nội dung và tinh thần của bài viết, nêu được một cách ngăn gọn và đúng đắn về tài năng, nhân cách và danh vị của các chân dung danh nhân.
Trong tất cả các bài viết của mình, tác giả luôn dành tình cảm trân trọng cho tài năng và nhân cách của các chân dung văn học bằng những lời khen. Ông viết về Lê Đức Thọ: “Ông là một nhà ngoại giao xuất sắc, nhà thương thuyết chiến lược, sắc sảo, kiên định, có tầm nhìn xa và ứng biến linh hoạt” [11, tr 54]. Ông cũng không tiếc lời ca ngợi: “Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã có những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục trong thời kỳ xây dựng nền giáo dục nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn là một người am hiểu thực tiễn nhưng trước hết là một nhà lí luận... Cuốn sách của ông về những vấn đề giáo dục được viết ra với nhiệt huyết của một trí thức cách mạng, một người thầy yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu thế hệ trẻ.” Với Vũ Trọng Phụng, ông viết: “Vũ Trọng Phụng đã trở về với tư cách một nhà văn xuất sắc, một tài năng hiếm có của nền văn học thế kỉ XX'” [11, tr.253] và “ông đã để lại một sự nghiệp văn chương toàn bích” [11,
tr.262] và “Thời cuộc đã qua nhưng bức tranh xã hội còn nằm lại được ghi nhận chân thực, đầy đủ trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng”[11, tr.263]. Đó là những lời khen đúng đắn, chân thực.
Đối với những người có tài năng nhưng chưa được thừa nhận một cách xứng đáng, Hà Minh Đức cũng luôn dành những lời đẹp, trân trọng để nói về họ. Đó là trường hợp của giáo sư Trương Tửu, Cao Xuân Hạo, Bùi Văn Nguyên... Bên cạnh giọng điệu ngợi ca, Hà Minh Đức cũng có những sẻ chia cảm động và sâu sắc.
Giọng điệu ngợi ca, trân trọng trong bút ký của Hà Minh Đức thường ngắn gọn, súc tích không hoa mỹ, rườm rà và đặc biệt tạo ấn tượng với người đọc bởi cảm giác chân thành, xác đáng. Đó là điều đáng quý bởi ngợi ca thường hay quá đà. Để kìm giữ được cảm xúc ngợi ca, ngợi ca đúng mức là khó. Hà Minh Đức luôn biết điểm dừng khi ngợi ca, ngợi ca kết hợp với nhận xét chân thật, chân thành là điều luôn thấy trong bút ký của ông.