Giọng điệu hóm hỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 77 - 79)

6. Bố cục luận văn

3.3. Giọng điệu kể chuyện

3.3.4. Giọng điệu hóm hỉnh

Giọng điệu trầm tư là giọng điệu bao trùm toàn bộ bút ký song pha trong đó cũng có một chút hóm hỉnh.

Sự hóm hỉnh được tạo nên từ chính những câu chuyện về các giáo sư, nhà văn. Nó cho thấy mặt đời thường của họ như chúng tôi đã có dịp nhắc đến trong phần nghệ thuật miêu tả chân dung. Đó là chuyện Trương Tửu đùa vui với học trò yêu sau hàng chục năm trời không gặp: “Thầy nhớ tất cả, chúng mày giống nhau quá, vẫn vui vẻ như xưa” [9, tr.55]. Thầy Nguyễn Lân gọi học trò nay đã ở tuổi “thất thập” là “ông” và “bà”: “Thưa các ông, các bà. Hôm nay tôi rất vui mừng dự lễ 40 năm ra trường của các ông, các bà.” Hoặc chuyện về thầy Cao Xuân Huy nhìn thấy kẻ trộm lấy áo của mình nhưng im lặng, đến khi hắn lấy quần, thầy mới nói: “Phải để cho tôi một chiếc chứ” làm kẻ trộm phát hoảng... Qua đó, người đọc được biết thêm về sự giản dị, đời

thường và thêm kính trọng tài năng, nhân cách của họ. Dù cuộc sống có khó khăn, những nhà khoa học vẫn luôn biết cách để thi vị hóa nó. Như trường hợp của giáo sư Bùi Văn Nguyên trước việc nhà ông bị mưa dột và sét đánh trúng, ông hài hước nói với giáo sư Hà Minh Đức rằng: “Sét nó nhằm đánh vào cậu nhưng cậu đi vắng nó đánh trượt sang nhà mình. Đừng hòng mà vật ngã tôi. Thoát khỏi trận này...” và được tác giả phụ họa: “Anh trở thành bất tử.”. Hay với nhà văn Nguyễn Tuân có một câu chuyện về Nguyễn Tuân giả cũng khiến chúng ta khi đọc đến phải tủm tỉm mà cười. Tất cả được tác giả kể lại bằng những đoạn đối thoại hài hước. Cái cười được bật lên rất nhẹ nhàng nhờ giọng điệu hóm hỉnh, những câu thoại dí dỏm đó của các nhân vật trong bút ký.

Qua những chi tiết hóm hỉnh, người đọc cũng có dịp được biết đến mặt đời thường của danh nhân có thể trái ngược với tưởng tượng của họ. Có lẽ nếu không có những trang bút ký chân dung như của Hà Minh Đức, người đọc sẽ không có dịp được biết đến một Trần Quốc Vượng “thân thiết trong cái bắt tay và chào hỏi bạn bè “Có gì mới không mày?” với “khuôn mặt tươi cười pha lẫn nét của ông lão và trẻ thơ”[9,85] mà chỉ có thể biết đến một nhà sử học với những công trình nghiên cứu khoa học và khảo cổ nổi tiếng cả nước. Một nhà văn Tô Hoài đa tình “Mình yêu nhiều hơn Thi (Nguyễn Đình Thi) nhưng không có sự cố gì nên cũng ít người biết”. Một Văn Cao thích uống rượu và nói chuyện dân dã. Một Xuân Diệu ưa ví von, hài hước… Song song với những đoạn bình luận, suy ngẫm, trầm tư, những đoạn hóm hỉnh đã mang lại một không khí khác cho bút ký, mang lại cho người đọc tiếng cười thoải mái, nhẹ nhàng.

Cái hóm hỉnh trong bút ký của Hà Minh Đức không phải bởi giọng văn mà bởi tác giả đã khéo léo cài ghép những câu chuyện nhỏ, đoạn thoại hoặc đơn giản chỉ là một câu nói của nhân vật vào trong bài viết của mình như một luận chứng. Đặc biệt Hà Minh Đức đã sử dụng những câu hóm hỉnh, hài hước

ấy một cách rất tự nhiên, không làm cho mạch viết bị gián đoạn. Đó cũng là cái tài của người viết bút ký. Vừa đảm bảo được tính chân thực của thông tin vừa góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp cho người đọc về chân dung văn học.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)