6. Bố cục luận văn
3.1. Nghệ thuật miêu tả
3.1.2. Miêu tả cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật
Như miêu tả ngoại hình, chân dung danh nhân trong bút ký của Hà Minh Đức cũng hiện lên sinh động, gần gũi qua biện pháp phác họa, chọn lọc ngôn từ, cử chỉ hoạt động.
Khi kể, xen vào những đoạn kể, Hà Minh Đức có một vài bộ phận câu, hoặc một câu, đôi khi là một đoạn hội thoại miêu tả cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật. Thường người đọc khá ấn tượng với những đoạn như vậy. Không có ở đâu trong bài viết, hình ảnh những người thầy lớn, những nhân cách và cuộc đời lớn lại hiện lên một cách thực và gần với cuộc sống như thế.
Thông qua những dòng miêu tả, mỗi nhân vật chân dung được xây dựng hiện lên sinh động, khơi cho người đọc nhiều cảm xúc trong đó có lòng ngưỡng mộ. Ví như đoạn viết về thầy Đặng Thai Mai không cần dùng sách vở để giảng bài “Thỉnh thoảng thầy lại đọc một đoạn thơ của Racine và Corneille có tính chất ngâm ngợi, thưởng thức... Thầy thường ngồi trên giường, điếu thuốc trên tay và nói giọng trầm bổng, có dáng điệu. Có hôm thầy nói say sưa và muộn giờ...”[11, tr205]. Hoặc thầy đưa bàn tay có những ngón tay rủ xuống để bắt tay học trò yêu của mình và học trò chỉ dám nắm nhẹ lấy mấy đầu ngón tay. Hoặc thầy giơ ngón tay lên bảo “No emotion” trước giờ giảng quan trọng của trò; ngồi nghe trò giảng mắt nhìn ra ngoài; khen ngợi trò “Buổi đầu như thế là tốt”... gợi lên một nhân cách cao đẹp của một người thầy lớn luôn tận tụy, tận tâm dìu dắt học trò và để lại nhiều cảm xúc với người đọc bút ký nhất là những người thế hệ sau chưa được may mắn học thầy. Đẹp biết bao hình ảnh người thầy “Trong cơ thể gầy yếu vẫn chứa đựng một ý chí và sức sống mãnh liệt và bền vững. Qua những trang viết cũng như giảng dạy, thầy luôn thể hiện tình yêu cuộc sống và cái đẹp phong phú ở ngoài cuộc đời và một phần nhỏ được tiếp nhận cho riêng mình.” [11, tr.206] . Hà Minh Đức đã nói về thầy với hai từ “trầm lắng và uyên bác” thật chính xác và đầy ngưỡng mộ.
Qua bút ký của tác giả, có những danh nhân gợi lên sự kính trọng, ngưỡng mộ và tự hào song bên cạnh đó cũng có những người gợi lên cả sự cảm thông, xót xa. Đó là thầy Trần Đức Thảo với cái dáng điệu cô độc “vừa đi vừa nói một mình” trên đường phố đông người lại qua. Không ai biết đó là
người thầy có lối tư duy sắc bén, logic, có cách giảng trí tuệ và cuốn hút. Người thầy ấy đã nhận nhiều vinh quang và cũng lắm oan ức trên con đường sự nghiệp của mình.
Đó là hình ảnh thầy Trương Tửu “đi từng bước đĩnh đạc” lên giảng đường, xung quanh có các “vệ sĩ” là các học sinh yêu quý đi cùng, có cách giảng bài lôi cuốn nhưng cuối cùng đã phải “bẻ bút” từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu và dạy học quá ngắn ngủi. Hình ảnh thầy sau buổi họp phê bình “Nhân văn giai phẩm” rồi đi một mình buồn bã khuất dần nơi cuối dốc khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi.
Đó là hình ảnh Giáo sư Bùi Văn Nguyên trong Truyện kể còn lại về giáo sư Bùi Văn Nguyên cô đơn, nghèo khó trên căn gác nhỏ tầng hai nhưng
vẫn ăn mặc đẹp để phỏng vấn ghi hình bởi quan niệm: "nghèo có gì hay ho đâu mà khoe". Hình ảnh ông nằm giữa đường rên vì đau đớn khi bị tai nạn nhưng sẵn sàng tha thứ cho đứa trẻ nhỏ gây tai nạn cho mình nói lên một trái tim ấm áp, thương người của vị "ẩn sĩ đường", một người nghèo nhưng giàu lòng tự trọng. Vậy nhưng những ngày cuối cùng của giáo sư thật đáng buồn. May thay, sau khi ông mất, ông đã được vinh danh như một phần trong nguyện ước của mình.
Như vậy, không cần tỉ mỉ trong nhiều hành động, nhiều lời thoại nhằm xây dựng được một bức chân dung văn học, Hà Minh Đức chỉ chèn những chi tiết nhỏ, chân thực nhưng có sức làm lay động người đọc, có sức bám sâu vào lòng người đọc đã là một thành công trong nghệ thuật miêu tả của bút ký
Người của một thời và Tài năng và danh phận.
Có thể nhận thấy, đa phần những nhân vật danh nhân trong bút ký của Hà Minh Đức đều gặp nhau ở những điểm sau: Họ đều là những con người tài giỏi, có tâm huyết, say mê với nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc; họ có nhiều cống hiến cho nền độc lập, nền khoa học của nước nhà. Và hơn hết, ở họ toát lên một nhân cách cao đẹp. Tuy nhiên, họ
cũng rất khác nhau. Khác nhau trong cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp. Mỗi người lại có những vẻ riêng không trộn lẫn.
Trong bút ký Người của một thời và Tài năng và danh phận có thể
chia ngôn ngữ nhân vật thành ba hướng như sau. Hướng thứ nhất là những nhân vật có ngôn ngữ khúc triết, thâm trầm, đầy tính triết lý và logic. Các giáo sư Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc, Hoài Thanh... là những người như thế. Thầy Đặng Thai Mai là người “trầm lặng và uyên bác”. Trong bài viết, thầy khá kiệm lời. Lời nói của thầy thường ngắn gọn, phần nhiều thẳng thắn và có nội dung khen ngợi, phê bình hoặc động viên. Hoài Thanh thì lại nghiêm khắc trong cách nhận xét, phê bình, nghiêm túc trong cách phát ngôn.
Hướng thứ hai là những danh nhân có cách nói mạnh, kiên quyết thậm chí hùng hồn kiểu diễn thuyết như Lê Đức Thọ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu. Qua ngôn ngữ giao tiếp, Lê Đức Thọ hiện lên là người thẳng thắn, kiên định và rất sắc sảo. Ông cũng là người rất biết quan tâm đến người khác, biết chia sẻ. Khi biết Hà Minh Đức bị đau tim, ông đã nói: “Phải giữ gìn sức khỏe, đó là vốn quý, ở tuổi anh là tuổi làm việc, nếu đau ốm thì thật uổng phí.'”[11, tr.54]. Qua đó, chúng ta thấy trong Lê Đức Thọ - nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ - yếu tố cương nhu luôn luôn hòa hợp với một trái tim ấm áp. Xuân Diệu thì hơi khác.
Hướng thứ hai là những người có ngôn ngữ giao tiếp có phần hóm hỉnh hơn, chân chất hơn như giáo sư Bùi Văn Nguyên, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Văn Cao, Xuân Diệu.... Chính những nhân vật này đã mang lại cho bút ký luồng thở sinh động và hấp dẫn của cuộc sống đời thường. Trong một lần tác giả bút ký có nói giúp học trò về mùi cơm xào của giáo sư làm học trò học không vào, giáo sư Bùi Văn Nguyên đã nói rất hài hước: “Sống cạnh nhau phải chịu đựng chứ? Ông tưởng tôi không phải chịu đựng ông à. Suốt các buổi luyện thi văn học hiện đại ông phóng Người cầm súng rồi Đất nước
đứng lên sang bên tôi thì tôi chịu sao nổi?” Vào những năm tháng cuối đời,
giáo sư không còn hài hước nữa, nếu có, nó cũng đậm vị chát cuộc đời: “Khi nào tôi xuống đất thì đem hạ thổ luôn”[9, tr.37-38].
Nguyễn Tuân là người tài hoa về mặt ngôn ngữ và dùng ngôn ngữ có chọn lọc trong văn chương. Nhưng đó là trên trang viết. Qua bút ký của Hà Minh Đức, Nguyễn Tuân được miêu tả khác hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn đọc. Lần đầu tiên, bạn đọc được gặp một Nguyễn Tuân trần trụi và chân thật như vậy. Tất cả tạo nên một Nguyễn Tuân phong phú và chính tác giả cũng phải đặt tiêu đề “Nguyễn Tuân - như tôi được biết” khi viết về ông. Đó là con người hóm hỉnh. Khi có người xui ông đi gặp người phụ nữ hâm mộ ông nhưng bị một người giả làm Nguyễn Tuân lừa, ông nói với người đó: “Ông đừng xui dại tôi, người ta đang căm giận Nguyễn Tuân giả, mình lại lù lù tìm đến... Biết đâu họ nghĩ mình là một Nguyễn Tuân giả khác...”[11, tr350]. Lên thăm nhà Hà Minh Đức trên tầng hai số 31 Hàng Ngang, Nguyễn Tuân “giơ tay và nói: “Tôi lạc vào Hồng Kông rồi.”, Nguyễn cũng thường gọi Hà Minh Đức là “ông Đức” xưng tôi mặc dù ông hơn tác giả nhiều tuổi.
Trần Quốc Vượng là một giáo sư đầu ngành về Sử học, được lớp sinh viên ngưỡng mộ nhưng trong bút ký, qua ngôn ngữ, người đọc lại được gặp một Trần Quốc Vượng hơi bỗ bã, cởi mở, vui vẻ. Ông cởi trần tiếp khách nữ và nghiêm nét mặt nói với cô tiến sĩ quen thân: “Anh hỏi thật, mày có định lấy chồng không. Nếu có thì nên nghĩ đến anh... Anh nói nghiêm chỉnh” [9, tr82]. Biết nữ tiến sĩ định không lấy chồng, ông buông: “Thế thì phí quá!”. Chỗ thân quen cũng thế mà trong chỗ xa lạ cũng thế, Trần Quốc Vượng cũng vẫn giữ nếp giao tiếp thoải mái của mình. Như trong cuộc họp ở miền Nam khi nói về truyện Bác Ba Phi: “Cười vui để xả hơi, xú páp, xả stress, căng
thẳng thần kinh thì chẳng có hại gì mà lại có ích lắm thay. Đôi lời quê kiểng của một tên “Bắc kỳ quặc” thêm tiếng nói nhỏ nhẹ ông bà con cô bác Nam bộ về truyện Bác Ba Phi”.
Còn Văn Cao thì vào bệnh viện vẫn uống rượu “Tôi không có rượu có thể bệnh lại tăng thêm, tôi quen với nó rồi, xin bác sĩ thông cảm” và lần gặp tác giả Hà Minh Đức trong bệnh viện đã hỏi: “Đứa nào đấy?” rồi tiếp “Phục binh à? Sao không xưng danh?”. Cái con người tưởng như lập dị ấy, lại rất nghiêm chỉnh và có một tâm hồn trong sáng như thiên thần. Tâm sự về Quốc ca, ông nói: “Tôi làm Quốc ca là dựa trên sức mạnh của đất nước, của dân tộc, đoàn quân Việt dù khó khăn vẫn vượt qua những khúc khải hoàn ca. Có thể một vài chữ hơi mạnh mẽ quá gắn với không khí quyết liệt của thời điểm lịch sử, còn nhìn chung, đó là một ca khúc thanh bình, một ca khúc chiến thắng”. Về gia đình, ông nói: “Tôi nghĩ không có gì hạnh phúc bằng một gia đình với tình yêu đằm thắm của vợ chồng”... Hoặc như Xuân Diệu lãng mạn, tinh tế trong thơ và thoáng trong giao tiếp đời thường. Trong Xuân Diệu – “ông hoàng của thơ tình yêu”, tác giả có trích đôi lời nói của nhà thơ rất thú vị và
hài hước. Khi Hà Minh Đức nhận xét việc Xuân Diệu đã nghiên cứu hầu hết các tác giả văn học trung đại nổi tiếng, Xuân Diệu gật gật đầu xác nhận: “Những miếng ngon mình sực mất rồi.” Yêu nghiên cứu thế, nhưng ông luôn than phiền: “Nghiên cứu làm tổn thọ”. Xuân Diệu là nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả và cả diễn thuyết, nhưng lại khá khiêm tốn. Ông nói về sự khiêm tốn của mình một cách dí dỏm: “Lẽ ra ngồi vào mâm mình phải được gắp bốn miếng nhưng mình chỉ khiêm tốn gắp một miếng” và mọi người vẫn nhớ đến ông là nhà thơ đỉnh cao trong phong trào Thơ mới.
Như vậy, qua ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ giao tiếp trong công việc, bằng những ghi chép tỉ mỉ của Hà Minh Đức, độc giả nhất là học sinh được tiếp cận với một mặt khác, xù xì, thô ráp hơn, của những danh nhân trong đó có các nhà văn, nhà thơ. Cùng với con người được tìm thấy trong tác phẩm văn học, bài nghiên cứu ở nhà trường, qua bút ký của Hà Minh Đức, bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật, người đọc đã hoàn thiện thêm bức tượng chân dung nhân cách của những con người tài năng của thế kỷ XX trong ấn tượng của họ.