Cách kể chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 66 - 68)

6. Bố cục luận văn

3.2. Nghệ thuật kể chuyện

3.2.1. Cách kể chuyện

Một trong những cái duyên của người cầm bút đó chính là duyên kể chuyện. Nếu không có duyên kể chuyện thu hút, hấp dẫn thì nội dung chuyện có hay song cũng không dễ gì khiến bạn đọc tập trung. Đối với nhà văn viết truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết thì cái duyên kể này vô cùng quan trọng. Thực tế, duyên kể chuyện chính là cách kể chuyện hay nói cách khác là cách tổ chức, sắp xếp các tình tiết, tiểu tiết để làm nên cốt truyện. Truyện hay, thu hút được bạn đọc là truyện có cách kể chuyện hợp logic, khơi gợi được trí tò mò và cảm xúc của người đọc.

Bút ký là thể loại văn học phóng khoáng biết kết hợp nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống. Song cách kể chuyện trong bút ký sao cho hấp dẫn lại rất khó. Thêm vào đó mặc dù bút ký là thể loại mang tính tổng hợp song đòi hỏi người viết cũng phải biết lựa chọn những câu chuyện điển hình có thật xung quanh nhân vật và tổ chức nó lại thành một bài viết logic.

Bút ký của Hà Minh Đức nhẹ nhàng và hiền lành. Đó là những ghi chép về những tài năng chính trị, văn nghệ và những câu chuyện tiêu biểu do tác giả chứng kiến, nghe lại được diễn ra trong sự nghiệp và đời sống thường nhật của những tài năng đó. Hà Minh Đức thường chọn những câu chuyện nhẹ nhàng không chọn những câu chuyện tranh cãi gắt gao dù nó có thể có. Song cái tài của ông là biết lồng ghép và dẫn dụ những câu chuyện đó ra một cách tự nhiên.

Có thể ví cách kể chuyện trong bút ký của Hà Minh Đức như một cái cây thông thẳng với những bộ phận rõ ràng và có liên kết: gốc - thân - ngọn - lá cành. Nếu so sánh các ý chính về tài năng và nhân cách là ba bộ phận kia thì cành và lá là những câu chuyện nhỏ được góp nhặt. Hà Minh Đức có cách kết nối các câu chuyện nhỏ một cách tự nhiên bằng biện pháp liên kết nối ý.

Trong bài viết Tố Hữu - Tiếng thơ thức tỉnh và chia sẻ, tác giả khéo léo đi từ chỗ nói đến lý do gặp nhà thơ khi làm cuốn sách kỷ niệm 40 năm đời thơ Tố Hữu đến lần đi Bungari của nhà thơ và lời đề tựa của Tố Hữu trong cuốn thơ tặng bà Đimitrova. Rồi từ câu chuyện đó lại kể câu chuyện về việc Tố Hữu không thích ghi âm và khen tác giả viết nhanh. Rồi sau đó, để bắt đầu cho câu chuyện khác, tác giả lại viết: “Khi biết tôi làm thơ và đọc thơ tôi gửi tặng, ông có nhiều ý kiến nhận xét....” và bắt ngay sang chuyện Tố Hữu đã nhận xét thơ của mình ra sao. Những vấn đề tưởng như rời rạc nếu sắp xếp lại phải nói nhiều, nói dài thì tác giả gom chúng rất gọn, nối chúng tự nhiên, dễ dàng không ngượng nghịu. Chính cách bắt nối đó làm cho mạch văn bút ký gắn kết đưa người đọc đi từ chuyện nọ đến chuyện kia một cách hết sức tự nhiên.

Cách kể chuyện của Hà Minh Đức là cách kể chuyện có chọn lọc. Thường những câu chuyện thú vị mới được Hà Minh Đức đưa vào và phần lớn đều có dụng ý chiếu sáng cho nhân vật của bút ký. Nói như tác giả trong lời nói đầu đó là “những giá trị dễ bị lãng quên với thời gian” và thật tiếc nếu ông không viết ra. Viết về Nguyễn Khánh Toàn thì đó là câu chuyện về những lần gặp mặt bàn về chính trị, văn học và văn hóa nhằm toát lên một con người trí tuệ, sâu sắc. Với Huy Cận thì đó là những lần gặp để bình luận văn chương một cách thân mật, những câu chuyện về Bác, những lần ăn phở chung.... để nổi bật một đỉnh cao của Thơ mới, một người suốt đời kính trọng Bác và yêu chuộng Chủ nghĩa Xã hội đồng thời cũng là nhà thơ hóm hỉnh, biết hưởng thụ cuộc đời. Với Bùi Xuân Nguyên lại là những chuyện nhỏ nhặt nhưng gần gũi của những ngày tác giả và giáo sư sống khi ở gần nhau, những chuyện thế thái... để cho độc giả thấy được một phần nào đó của chữ “danh phận” trong cuộc đời danh vọng chưa được viên mãn của giáo sư, thấy được một con người không chỉ có tài mà còn có cái tâm sáng, không ích kỷ, không ganh đua... Những câu chuyện trên tuy nhỏ, hơi vụn nhưng có ý nghĩa lớn. Tất cả đều nhằm tô đậm thêm chân dung danh nhân ở góc độ tài năng, nhân cách và danh phận.

Những chi tiết, chuyện vặt trong bút ký của Hà Minh Đức là những ghi chép chi tiết, chân thực. Chính điều này làm cho người đọc thích thú, thỏa mãn mong ước tìm hiểu về những danh nhân yêu thích. Những lời nói của nhân vật đều được giữ nguyên chứng tỏ tác giả là người rất cẩn trọng, có sự ghi nhớ tốt và có trách nhiệm với việc trích dẫn trong bài viết. Những thông tin cần có độ chính xác cao, mang tính tế nhị đều được tác giả trích kèm ngày tháng và kể rõ ràng từng chi tiết nhỏ hoặc luôn có người thứ ba cùng chứng kiến. Như chuyện gia đình Tố Hữu đến đón tác giả và gửi biếu tác giả hai mươi triệu đồng, chuyện cùng Huy Cận đi ăn, chuyện tình của các nhà thơ như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài... Qua đó cũng cho thấy phẩm chất, nhân cách của Giáo sư Hà Minh Đức - một con người thẳng, thật và thanh bạch.

Tuy nhiên, cách kể của Hà Minh Đức thường hơi thiên sang bình luận, phê bình, tóm tắt, đánh giá hơn là kể những chuyện nhỏ nhặt đời thường. Điều đó làm văn Hà Minh Đức hơi khô, hơi nghiêm và thiếu sự thu hút của tính hài hước và nhiều lúc khiến bạn đọc mất kiên nhẫn khi đọc. Song trong nhiều bút ký, đôi lúc, cách kể cũng rất dí dỏm, hóm hỉnh đặc biệt trong bút ký

Cô gái và tình yêu văn hóa Việt và Năm ngày trên đất nước Hàn in trong

Người của một thời và Huy Cận - Ngọn lửa thiêng vẫn cháy sáng, Tô Hoài - Đậm đà bản sắc dân tộc, Nguyễn Khánh Toàn - Cõi học và người thầy... in

trong Tài năng và danh phận...

Cách kể chuyện của tác giả được gói gọn trong giọng văn trầm tư, hơi văn nhẹ nhàng, ý văn rõ ràng và ngôn từ trong sáng. Đọc Tài năng và danh phận vì vậy thích hợp với mọi kiểu người. Học sinh cũng có, nhà nghiên cứu

cũng có và đông đảo người yêu văn hóa, văn nghệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật bút kí chân dung của Hà Minh Đức qua Người của một thời và Tài năng và danh phận. (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)