6. Bố cục luận văn
2.2. Các nhà văn hóa, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học
Trong bút ký Tài năng và danh phận và Người của một thời, Hà Minh Đức dành phần lớn không gian để hồi nhớ lại hình ảnh và những phẩm chất
cao quý của các nhà văn hóa, nhà giáo có dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của ông. Đó là những trang viết giàu tình cảm: sự biết ơn trân trọng của tác giả đối với những người thầy, sự ngưỡng mộ, mến mộ tài năng những người bạn và sự gần gũi, đồng quan điểm với những người làm công tác văn hóa, văn nghệ mà tác giả am hiểu và có dịp gần gũi hoặc gắn bó trogn cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy của mình. Chùm bài Tình yêu khoa học và mái ấm gia đình của giáo sư Nonna Vladimirovich Stankenvich và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Thai Mai – trầm lặng và uyên bác, Nguyễn Lương Ngọc – tài trí và đức độ, Chuyện còn kể lại của giáo sư Bùi Văn Nguyên, Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố, Trần Đức Thảo – một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp, Nguyễn Khánh Toàn – cõi học và người thầy thấm đẫm tình cảm tri
ân cùng sự ngưỡng mộ chân thành của tác giả với nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu về khoa học xã hội nhân văn. Đây là những cây cao bóng cả trong giới học thuật, có nhân vật là bậc thầy của tác giả như Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, là đồng nghiệp như Nguyễn Tài Cẩn và vợ là giáo sư Nonna Vladimirovich Stankenvich, vừa là đồng nghiệp vừa là hàng xóm như Bùi Văn Nguyên.
Một trong những cây đại thụ vĩ đại “nhiều cành lá xum xuê” [9, tr11] trong khu vườn cổ tích về người thầy, có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tác giả là giáo sư Đặng Thai Mai. Có thể ví đó là người dẫn đường đầy tâm huyết, là ngọn đèn sáng ấm áp đối với giáo sư Hà Minh Đức. Giáo sư Đặng Thai Mai trong mắt tác giả là một người “Trầm lặng và uyên bác”. Hình ảnh giáo sư sau hàng chục năm vẫn còn in đậm trong tâm thức của tác giả: “Dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo nhân hậu” và ông luôn nhớ về thầy với lòng biết ơn, sự tôn kính: “thầy là người thầy, người cha không riêng của chúng tôi mà còn của rất nhiều đồ đệ kính mến thầy”.
Giáo sư Đặng Thai Mai là người thầy có tâm với nghề và uyên bác. Thầy có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, có học thức dày dặn, sắc sảo
về văn học cổ điển Pháp, Trung Quốc, thông thạo nhiều thứ tiếng. Nhớ lại những lần đến để được thầy chỉ giáo, tác giả viết: “Mỗi lần đến làm việc thầy vẫn ngồi ở giường tựa vào gối cao để giảng bài. Không cần có sách vở tra cứu, tất cả trong trí nhớ... Bên cạnh văn học nước ngoài, thầy còn là người say mê và am hiểu thơ cách mạng đặc biệt là thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có Nhật ký trong tù. Qua bút ký, tác giả đã giới thiệu, tóm tắt nội dung một số bài viết nghiên cứu của thầy đến với bạn đọc chưa có cơ hội được đón nhận và ông đánh giá: “cho đến nay đây là những bài viết hay nhất, sâu sắc nhất về tập thơ này”[11, tr207].
Về văn học trung đại Việt Nam, giáo sư Đặng Thai Mai cũng có nhiều công trình nghiên cứu quan trọng. Qua bút ký, tác giả hé lộ một thú vị: cả nhà giáo sư có duyên với Truyện Kiều. Nhiều thế hệ trong gia đình giáo sư từ con gái đến con rể đã nghiên cứu Truyện Kiều và có nhiều công trình giá trị.
Thông qua bài ký, tác giả có giới thiệu, dẫn giải các công trình nghiên cứu đó. Đó là phần tư liệu quý đối với những ai đang nghiên cứu văn học Trung đại Việt Nam, là kết tinh của trí tuệ, của sự đam mê, nhiệt huyết khoa học trải dài trong nhiều thế hệ gia đình giáo sư Đặng Thai Mai.
Với trí tuệ uyên bác nhưng không xa cách, giáo sự là người dẫn đường tận tụy và ân cần, đã dẫn dắt tác giả và nhiều sinh viên khác làm khoa học và giảng dạy khi ông mới ra trường. Từ chỗ chưa biết sưu tầm tư liệu khiến chúng “không có giá trị gì” đến tác phong ghi chép khoa học và cẩn thận, giáo sư Hà Minh Đức được chỉ bằng một lời khuyên nhỏ nhưng có giá trị to lớn: “Đối với một bài viết, điều quan trọng là tất cả những gì liên quan đến nó... Chữ đầu tiên khi cầm bút để ghi chép điều gì là ngày, tháng”. Tác giả đã bày tỏ sự biết ơn về lời dạy đó: “Từ đấy trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của mình, tôi luôn nhớ tới lời thầy”[11, tr204].
Thầy cũng là người tâm lý, luôn động viên học trò kịp thời. Bên cạnh công đã phát hiện tài năng Hà Minh Đức, giáo sư Đặng Thai Mai còn là người
có công đầu tiên trong việc đào tạo Hà Minh Đức trở thành một người thầy có nhiều thành tựu như hiện nay. Ông luôn khích lệ tác giả vào những thời điểm cần thiết nhất. Khi tác giả lùi bước trước khó khăn, ông động viên: “Cứ yên tâm, tôi sẽ giúp anh”. Trong giờ giảng đầu tiên, ông đặt tay lên vai, nhìn Hà Minh Đức với ánh mắt “thương yêu, thông cảm” và bảo: “No emotion”. Khi tác giả giảng bài, ông đã tạo cho học trò tâm lý thoải mái hết sức bằng cách ngồi quay ra ngoài như không có mình dự giảng. Để khích lệ, ông khen tặng học trò: “Bước đầu như thế là tốt”... Những hành động đó đã giúp tác giả vượt qua tự ti để phấn đấu trong con đường sự nghiệp.
Bên cạnh hình ảnh một người thầy với trí tuệ uyên bác và tấm lòng cao cả được vẽ lên bởi sự tôn kính, biết ơn, tác giả còn gợi mở những câu chuyện đời thường thú vị về cuộc sống của thầy mình. Theo như tác giả, giáo sư Đặng Thai Mai là con người ưa sự thanh khiết và nhẹ nhàng với những bữa cơm đơn giản, với ngôi nhà bình dị có “hàng cây long não vẫn tỏa hương thơm”[11, tr209]. Và cũng rất gần gũi với hình ảnh bắt tay học trò yêu sau buổi học tại nhà. Hoặc thầy có bốn người con gái đều là những nhà khoa học, kết hôn với các tướng lĩnh quân đội hay nhà nghiên cứu văn học. Trong đó có người là đồng nghiệp, đồng môn với tác giả. Đúng là một sự gần gũi như duyên trời se. Càng đọc những trang bút ký, người đọc càng thấy hình dung của mình về một vị giáo sư đáng kính khác nhiều so với trước đó.
Bên cạnh thầy Đặng Thai Mai, Hà Minh Đức còn dành nhiều trang riêng viết về những người thầy đã dạy ông trên lĩnh vực văn học, triết học như thầy Nguyễn Lương Ngọc tài trí và đức độ, thầy Hoàng Xuân Nhị uyên bác và gần gũi, thầy Trần Đức Thảo thông thái và có nhân cách cao đẹp, thầy Trương Tửu giỏi và vui tính; thầy Cao Xuân Huy am hiểu sâu sắc triết học và hiền lành và các thầy khác như Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường... Các thầy đều là “những cây cổ thụ xum xuê trong khu vườn cổ tích” khoa học của đất nước. Hà Minh Đức đã trân trọng dành những tình cảm đẹp nhất khi viết về
những cây cổ thụ tỏa bóng xuống cuộc đời ông. Qua trang viết của Hà Minh Đức, mỗi thầy hiện lên “là một pho sách của tri thức, một vốn quý của cuộc đời trải nghiệm, một phong cách sống giản dị và thanh cao. Có thầy sống trầm lặng, lắng về bề sâu, có thầy sôi nổi trong giảng dạy cũng như cuộc sống đời thường”[9, tr15]. Mỗi người giữ một vẻ riêng nhưng cũng gặp nhau tại một số điểm chung như: Họ đều là những người thầy tài năng, uyên bác có sự am hiểu sâu sắc, tường tận nhiều lĩnh vực khó như văn học nước ngoài và triết học; họ là những người hết lòng trong nghiên cứu khoa học; họ tận tụy với nghề và nhiệt tâm với sinh viên. Sinh viên đều nhớ đến các thầy “biết ơn các thầy, những người thầy kính yêu của giảng đường đại học và cũng là người thầy của cuộc đời chung.”[9, tr17]. Nếu có khác thì cũng chỉ khác ở chỗ mỗi người có một danh phận khác nhau, một tính cách khác nhau. Có thầy đã nỗ lực cống hiến và được ghi nhận, có thầy sau khi mất mới được ghi nhận công lao đóng góp của mình cho nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Song khi viết về các thầy, Hà Minh Đức luôn có một cái nhìn trân quý, một giọng văn thành kính mến yêu và ngưỡng mộ bên cạnh cũng có đôi chỗ ngậm ngùi, xót xa bởi trong số họ không phải ai cũng suôn sẻ giữa tài năng và danh vọng như thầy Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Bùi Văn Nguyên. Chính vì vậy trên những trang kí, người đọc cảm nhận được ở tác giả sự thấu hiểu và cảm thông. Điều mà tác giả quan tâm nhất ở mỗi nhân vật là tài năng và nhân cách, luôn nhấn mạnh đến những phương diện mà họ đóng góp cho khoa học, cho chuyên ngành.
Về Trần Đức Thảo, tác giả đã nhắc lại kỉ niệm thời sinh viên lớp văn khoa khóa 1954 – 1957 từng được nghe thầy giảng về triết học. Là nhà triết học nổi tiếng, Trần Đức Thảo được ghi danh vào cuốn Tự điển những nhà triết học (Nxb. Đại học Paris, 1984), nhưng với Nỗ lực phát triển tự do dân chủ (in trên Nhân văn, số 3, ngày 15-10-1956), ông bị ngừng giảng dạy. May
đánh giá xứng đáng với cống hiến của ông. Nhà nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhì (1993), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000). Hà Minh Đức đã trích lời của GS. Trần Văn Giàu “Mình không có truyền thống triết học nên có thể nói nếu có một nhà triết học thì người đó không phải Trần Văn Giàu… Người đó chính là Trần Đức Thảo”[tr.274].
Ở trường hợp GS. Bùi Văn Nguyên, để tránh nhận xét chủ quan, Hà Minh Đức lắng nghe nhận xét của nhà Hán học Nguyễn Ngọc San “Về chữ Hán, ông Bùi Văn Nguyên vào loại quý hiếm. Ông không được đánh giá đầy đủ và công bằng” tr.230]. Vì vậy mãi đến năm 2005, ông mới đạt Giải thưởng Nhà nước. Tác giả bài kí đã tiết lộ, là thành viên của Hội đồng nhận xét, ông nói trước Hội đồng: “Đáng lẽ ông (Bùi Văn Nguyên - BT) phải được giải thưởng cao từ một hai lần trước, nhưng số phận đã không thuận chiều, có lẽ lúc này, hồn ông đang bay ở trên trời xem hộ đồng chúng ta làm ăn thế nào?”.
GS. Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội trong một thời kì dài gần hai mươi năm, biết nhiều ngoại ngữ và là một trong những giáo sư hàng đầu nhưng chưa bao giờ được phong tặng Nhà giáo nhân dân hay Giải thưởng Nhà nước. Bù lại, hiện nay ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Hoàng Xuân Nhị và ở đất mũi Cà Mau, những cựu học sinh thời kháng chiến đã xây một ngôi trường mang tên ông – người suốt đời tận tâm với sự nghiệp giáo dục và khoa học, không màng đến vinh danh.
GS. Nguyễn Lương Ngọc tài năng và đức độ, có những công trình lí luận văn học giá trị, thì được GS. Hoàng Như Mai nhận xét “Nguyễn Lương Ngọc là một hòn ngọc ẩn, một người tài đức vẹn toàn mà không hề phô trương mảy may. Than ôi! Không phô trương nên người ta quên mất công lao của anh! Và nhớ lại thì đã quá muộn màng” [tr.219].
Không chỉ viết về những người thầy đã tỏa bóng xuống cuộc đời mình, Hà Minh Đức không quên dành không gian nhớ đến những người bạn đồng
nghiệp - những giáo sư tài năng - đa phần nay không còn nữa. Có những giáo sư cùng làm việc với ông trên một lĩnh vực như giáo sư Bùi Văn Nguyên, giáo sư Phan Cự Đệ. Có những giáo sư ở các lĩnh vực khác như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Trần Quốc Vượng, Lê Bá Hán, Phong Lê, Đỗ Văn Khang. Giáo sư nào cũng đều được Hà Minh Đức miêu tả nổi bật trên các lĩnh vực chính tài năng, danh phận và phẩm chất tỏa sáng trong nghiên cứu, giảng dạy và trong cả đời thường. Các bài viết đều súc tích, đôi chỗ hóm hỉnh. Một số bài viết để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc trong đó có bài viết về giáo sư Bùi Văn Nguyên, Cao Xuân Hạo và Phan Cự Đệ, Trần Quốc Vượng. Đó là những bài viết hay mang lại cho người đọc nhiều thông tin thú vị. Sở dĩ có điều đó là do tác giả có sự gắn bó, gần gũi hơn đối với danh nhân trong bài viết. Họ đều là những người bạn, người đồng nghiệp chia sẻ ngọt bùi trong công tác nghiên cứu, trong đời thường với tác giả hàng nửa thế kỷ. Viết về họ, Hà Minh Đức đã có dịp hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mình đồng thời cũng có những trăn trở, xót xa không nguôi. Đặc điểm chung của những nhà giáo này cũng vẫn là phẩm chất yêu khoa học, hết mình cho nghiên cứu khoa học. Họ đều là những người có tài đặc biệt như giáo sư Cao Xuân Hạo và Trần Quốc Vượng. Thứ hai họ cũng là những người thầy yêu nghề giáo, yêu sinh viên. Tuy nhiên, họ lại khác nhau ở mặt tính cách và phong cách làm khoa học. Cao Xuân Hạo là nhà ngôn ngữ tài ba và cái tài của ông còn được bộc lộ trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, kịch... Song con đường danh phận lại không xuôi chèo mát mái và không tỏa sáng đúng như năng lực của ông. Trần Quốc Vượng là một nhà sử học hàng đầu trong nước nhưng cũng là người gần gũi, hài hước và thậm chí có phần gọi là bỗ bã. Giáo sư Phan Cự Đệ lại là người cẩn trọng trong công việc và xử lý công việc một cách thông minh, tài tình... Với mỗi người bạn giáo sư, Hà Minh Đức đều dành những mĩ từ đẹp, những lời ngợi ca, những lời thân thiết để vẽ nên bức chân dung danh nhân. Họ hiện lên tương đối rõ nét và tỏa sáng khiến người
đọc xúc động, ngưỡng mộ. Sao không xúc động trước hình ảnh một người thầy - là bạn của giáo sư nhưng là thầy của thế hệ sau này - cặm cụi làm nghiên cứu khoa học nhưng cả đời sống khó khăn, tài năng không được ghi nhận như giáo sư Bùi Văn Nguyên. Sao không khỏi xúc động trước những ngày cuối cùng của giáo sư Trần Quốc Vượng trước bạo bệnh? Mỗi hình ảnh, kỷ niệm của tác giả đối với những nhà giáo chân chính đều mang đến cho người đọc những xúc cảm đẹp.
Nhận thấy rằng, qua hình tượng những người thầy trong bút ký - những người thầy đã dạy tác giả và những người thầy là đồng nghiệp với tác giả, chúng ta có thể khái quát về hình tượng người thầy chung được Hà Minh Đức thể hiện. Đó là người thầy tài trí với niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Đó là người thầy tận tâm với nghề. Đó là người thầy với phẩm chất đẹp.
Để xây dựng được hình tượng một người thầy như vậy, bên cạnh những mỹ từ đẹp, tác giả còn sử dụng những từ ngữ đời thường, giản dị. Nhờ đó, hình tượng các thầy vừa cao đẹp, vừa gần gũi, chân thực. Người đọc đọc bút ký không có cảm giác như đang đọc một cuốn tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân. Cảm xúc đến với họ một cách tự nhiên. Những suy ngẫm sâu sắc về người thầy và cuộc đời chung cũng bắt đầu được gợi mở từ bài viết một cách không gượng ép. Đó là thành công của tác giả Hà Minh Đức.