6. Bố cục luận văn
3.1. Nghệ thuật miêu tả
3.1.1. Miêu tả bề ngoài nhân vật
Trong bút ký chân dung của Giáo sư Hà Minh Đức, nhân vật được miêu tả bề ngoài bằng những chi tiết chọn lọc và ngắn gọn thường chỉ gói gọn
trong một đến hai câu văn. Đó là những nét phác họa nhưng lại có khả năng dựng lại được hình ảnh hoàn chỉnh của một con người.
Hà Minh Đức không miêu tả cụ thể ngoại hình nhân vật mà chọn những chi tiết đắt giá ở ngoại hình hoặc phong cách. Thầy Hoàng Xuân Nhị để lại trong ấn tượng của Hà Minh Đức là mái tóc bạc phơ “Tôi nhớ đến thầy Hoàng Xuân Nhị, người cao to, tuổi chưa thật cao mà mái tóc bạc phơ.”[9, tr.12]. Mái tóc này còn được tác giả nhắc đến trong bài Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị
lên tên phố trong Tài năng và danh phận: “Thầy ngồi làm việc và chiếc màn
rộng bao phủ, màn trắng, tóc thầy bạc trắng trông như hình ảnh một đạo sĩ đang tu luyện” [11, tr.238]. Thầy còn để lại ấn tượng khác “Thầy có sức vóc cao khỏe, dáng vẻ tươi vui được nhiều sinh viên quý mến” [11, tr.236]. Một con người như thế hẳn sẽ có một đời sống nhiêu thú vị, giành được nhiều tình cảm của mọi người và hơn hết là một sự nghiệp khoa học đáng được vinh danh. Hoặc như trường hợp tác giả miêu tả thầy Trương Tửu với nụ cười và điệu bộ nháy hàng ria mép “Lên lớp giảng bài thầy giống như người diễn thuyết, nói hùng hồn kết hợp với dáng điệu... những chỗ giảng thú vị thầy ngừng lại và cười, cái cười hồn nhiên, cởi mở và quan trọng hơn là thầy lại nhay nháy hai hàng ria làm cho nụ cười thêm hoàn hảo” [11, tr50]. Hàng ria mép này cũng được nhắc đến khi tác giả miêu tả thầy Trương Tửu trong
Người của một thời với cách viết rất hay: “Đặc biệt thầy có bộ ria mép có thể
nhấp nháy điểm xuyết cho câu chuyện”. [9, tr16]. Đó chính là những nét của một con người giản dị, cởi mở và tận tâm với nghề dạy học không lẫn vào đâu được: “Thầy có vẻ riêng độc đáo... Ở giảng đường, thầy trình bày bải giảng mạch lạc và tri thức được mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu”.
Tác giả cũng rất chú ý đến vẻ bề ngoài của danh nhân như ăn mặc, đi đứng và chủ yếu đó là những nét riêng, không ai có. Cách ăn mặc của thầy Trương Tửu cũng chỉ tóm gọn trong một câu: “Tuy mỗi lần lên lớp đều đóng bộ complet sang trọng nhưng về đến nhà lại xuề xòa trong bộ quần áo ta” và
“dáng người tầm thước hay đúng hơn là hơi thấp nhưng thầy đi lại đĩnh đạc, đường hoàng” [9, tr.16]... Thầy Trần Đức Thảo thì vừa đi vừa lẩm bẩm như nói chuyện với ai. Nhà thơ Hoàng Trung Thông ở cái tuổi 60: “đi chậm, đầu hơi nhô về phía trước, chiếc áo lòa xòa và hai túi nhẹ tênh” với bộ râu tóc “phóng khoáng và có lúc đến rối bời”.[11, tr.314]. Những đặc điểm được tác giả chọn lọc và miêu tả dường như khiến chúng ta có thể nhận ra ngay danh nhân nếu được gặp mặt hoặc nhìn ảnh ở đâu đó. Điều đó có được nhờ vào sự quan sát, chú ý của tác giả cũng như tình cảm của ông đối với nhân vật của bài viết.
Khi miêu tả, tác giả thường dành cho nhân vật của mình những từ ngữ giản đơn, không hoa mỹ, màu mè nhưng lại toát lên được sự trân trọng đối với người được viết. Bởi đây là cuốn sách chân dung và được tác giả viết ra với tinh thần và tấm lòng tri ân những người thầy, trân quý những tình bạn nên các từ ngữ dùng để miêu tả cũng rất đẹp. Ví như trong Cõi học và người thầy, tác giả viết về Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn như sau: "Thầy Toàn người cao lớn và có vẻ đẹp khiến mọi người phải kính nể. Vầng trán cao, thanh thản, đôi tai rộng, có thành quách, cặp mắt luôn ánh lên những tia sáng của ý chí, nghị lực và đặc biệt là nụ cười âm vang sang trọng. Khi thầy cười thì khoảng cách giữa người nói và người nghe trở nên thật gần gũi"[9, tr.23]. Đó là cách miêu tả mang đậm tình cảm ngưỡng mộ của tác giả và không phải người viết nào cũng có thể viết được về giáo sư như thế. Tuy nhiên đó là sự ngưỡng mộ có giới hạn, không quá đà nên câu văn đúng mực, từ ngữ chính xác, gợi được xúc cảm trong sáng trong lòng người đọc.
Trong cách miêu tả của Hà Minh Đức cũng cho thấy tác giả là người có sự quan sát tỉ mỉ, có sự so sánh khi quan sát, có ấn tượng và ghi nhớ lâu những ấn tượng đó. Khi viết bút bút ký chân dung văn học, những ấn tượng lại trồi lên, theo mạch bút mà ra, đọng lại như hình ảnh của hồi ức. Ví như miêu tả Giáo sư Trần Đức Thảo, Hà Minh Đức viết: “Thầy Cao Xuân Huy là
nhà triết học phương Đông uyên bác, minh mẫn. Thầy có vẻ đẹp của một ông già phương Đông. Còn thầy Trần Đức Thảo có dáng vẻ một trí thức phương Tây.” Cái nét phương Tây này có thể là do “dáng người thư sinh, đôi kính trắng, vầng trán cao” và “Thầy giảng bài như người diễn thuyết, gặp chỗ đắc ý thì cười và nháy đôi ria mép” [11,tr.266-267]. Về thầy Nguyễn Lương Ngọc: “Thầy Ngọc tính điềm đạm ít nói, dáng ưu tư, vừa nghiêm khắc, vừa phúc hậu. Ở nơi công cộng, gặp chuyện vui, chuyện buồn nét mặt thầy ít thay đổi... Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi lên chơi nhà thầy ở phố Châu Long, thầy chuyện trò tự nhiên, nét mặt hiền và cởi mở, thỉnh thoảng lại cười nụ cười của ông già còn vương lại nét ấu thơ”. Giáo sư Bùi Văn Nguyên thì “chừng ngoài 50 mươi nhưng đã mang vẻ một cụ giáo”. Cách miêu tả, nhận xét của Hà Minh Đức rất nhẹ nhàng và hấp dẫn người đọc.
Bên cạnh những nhà chính trị, nhà giáo, nhà văn đa phần là nam giới, Hà Minh Đức cũng dành những trang viết của mình để tôn vinh những người phụ nữ. Họ là nhà giáo như Giáo sư Nonna, Darya và nhà thơ Anh Thơ. Và có thể là những người vợ của các Giáo sư hoặc là một người con gái để lại trong đời tác giả những dư vị ngọt ngào khó có thể quên như cô Lan sinh viên, như cô gái cùng tác giả thưởng ngoạn đêm trăng hồ Tây..., tuy không phải là danh nhân nhưng trong bút ký, ít nhiều cũng để lại trong người đọc ấn tượng khó quên. Với những nữ nhà giáo thì đó là những người phụ nữ làm khoa học nhưng giàu nữ tính, cương nghị và quan trọng là họ rất yêu khoa học. Trong mắt tác giả, họ là những người vợ giỏi, người đồng nghiệp đáng trọng. Giáo sư Nonna là người “Thông minh, đoan trang, giản dị” với “dáng người cao, tóc vàng cắt ngắn, vẻ dịu dàng”. Khi chấp nhận là một cô dâu Việt trong một gia đình Việt xuềnh xoàng, bà Nonna cũng đã hòa mình vào với cuộc sống chung “đội nón, mặc quần lụa đen, chân đi dép cao su, đeo ba lô...”, “trông xa như một bà nông dân dáng cao cao rảo bước trên con đường quê”[11, tr110]. Với Dayra, tác giả cũng dùng những mỹ từ trân trọng “tươi trẻ, thông minh và
đầy nhiệt tình với công việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt”. Với những người vợ của các giáo sư, Hà Minh Đức cũng không quên dành cho họ một vài dòng nhỏ thậm chí là gần hết một bài khi nói về cuộc đời của các Giáo sư. Đó là những người vợ tận tụy, hiểu chồng, thương chồng cũng rất tinh tế như vợ của Hoài Thanh, vợ của Chế Lan Viên, vợ của Tố Hữu... Với những người con gái để lại trong trái tim tác giả những xao động trong bút ký của mình, tác giả lại miêu tả họ bằng ngôn ngữ khác biệt. Thay vì chiêm ngưỡng và chắt lọc những chi tiết đắt giá, Hà Minh Đức “thật thà” miêu tả chủ yếu bằng những va chạm xúc giác. Là cô Lan trong Nhịp võng xe trâu với thân hình mềm mại, ấm nóng; đôi bàn tay thon, ngón tay mềm mại; mái tóc dài xổ ra vấn vít, quyến rũ; làn da cặp má mịn màng... Là “em” trong Truyện kể về một đêm trăng hồ Tây với: “đôi bàn tay đầy đặn, ấm áp như đang nói lời âu yếm của da
thịt”, với đôi mắt là làn môi khi cười làm khuôn mặt tỏa sáng...
Cách miêu tả nhân vật của Hà Minh Đức trong bút ký tóm lại có những nét như sau: Nhân vật được miêu tả ở những nét phác họa nhưng lại hiện lên rất rõ và sinh động. Những ai đã từng tiếp xúc với nhân vật có thể được gợi nhớ lại và cảm thấy rất đỗi gần gụi. Nhân vật chỉ được chọn tả ở những chi tiết đặc tả, được coi là điểm nhấn và thuộc về “tài sản riêng” của nhân vật đó. Hà Minh Đức luôn miêu tả nhân vật của bút ký với những tình cảm trân quý, sự kính trọng, ngưỡng mộ và gần gũi đặc biệt là đối với những người thầy lớn như thầy Đặng Thai Mai, thầy Cao Xuân Huy, thầy Trương Tửu, thầy Hoàng Xuân Nhị... Cách miêu tả của Hà Minh Đức thường nhằm làm toát lên sự giản dị trong lối sống; sự tài trí, cần mẫn trong công tác khoa học; sự dịu dàng, lãng mạn trong tâm hồn; sự sâu sắc, thâm trầm hoặc sôi nổi, hài hước trong tính cách của chân dung văn học thông qua những phác họa ngoại hình.