Tác động của BĐKH tới môi trường tự nhiên

Một phần của tài liệu BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 68 - 71)

8. Cấu trúc khóa luận

2.3.2.1.Tác động của BĐKH tới môi trường tự nhiên

Với tốc độ BĐKH như hiện nay, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 30C và mực nước biển có thể dâng 1m. Theo đó, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập. Các vùng ảnh hưởng là Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình. Trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh ĐBSCL bị ngập hầu như toàn bộ, và có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng bị ảnh hưởng mạnh nhất, nước biển dâng cao hơn sẽ làm cho nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ, hàng triệu người sẽ có nguy cơ bị mất chỗ ở, từ đó làm gia tăng sức ép lên sự phát triển của các vùng lân cận, làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước. ĐBSCL diện tích đất bị ảnh hưởng mặn chiếm tới 2,5 triệu ha vào năm 2050.

Trong vài chục năm tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Sẽ có từ 15.000 – 20.000 km2 đất thấp ven biển bị ngập hoàn toàn. Lưu lượng nước sông MêKông giảm từ 2 – 24% trong mùa khô, tăng từ 7- 15% vào mùa lũ. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nước lũ sẽ cao hơn tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, thời gian ngập lũ tại đây sẽ kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh

ven biển gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nước ngọt sẽ khan hiếm.

Đặc biệt, hàng năm vào mùa lũ sẽ gây ngập lụt các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, vùng kẹp giữa 2 sông Tiền và sông Hậu nghiêm trọng hơn. Ngoài các thành phố, thị xã đã bị ngập hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 1m, trong đó nghiêm trọng nhất là Cần Thơ và Vĩnh Long. Nước biển dâng sẽ làm cho tiêu thoát nước các thành phố, thị xã Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau khó khăn hơn.

Nước ngọt rất cần cho sinh hoạt của nhân dân cũng như trong sản xuất và các sinh vật khác, trong khi đó chúng ta biết rằng ĐBSCL là vùng thiếu nước ngọt, đặc biệt là vào mùa khô. Cùng với ảnh hưởng của BĐKH nguồn nước ngọt ở đây sẽ bị tác động lớn:

- Các dòng chảy sông ngòi sẽ có lưu lượng không đều, khi lên cao, khi xuống thấp.

- Lượng mưa cũng thay đổi theo từng khu vực, do đó làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và lưu lượng nước ngầm.

- Do băng tan từ dãy Himalaya nên mực nước dòng chảy lên cao. - Nhiệt độ nước tăng làm cho chất lượng nước cũng bị giảm đi. - Các cơn lũ sẽ gia tăng về cường độ và tần suất.

Lưu lượng nước của các sông ngòi cũng như mực nước ở các ao hồ, đầm nước có thể thay đổi phụ thuộc vào cường độ, thời gian, lượng nước của các trận mưa, điều kiện tuyết tan… Sự tăng lên về nhiệt độ, cường độ bức xạ, độ ẩm không khí, tốc độ gió… do biến đổi khí hậu gây nên sẽ làm cho hiện tượng bốc hơi và thoát hơi từ thực vật bị xáo trộn, nồng độ CO2 tăng cũng làm thay đổi các cơ chế sinh lý thực vật và ảnh hưởng tới lượng thoát hơi nước từ cây cối.

Nước ngầm chịu ảnh hưởng của lượng mưa và gia tăng nhiệt độ của Trái Đất, nhưng đối với ĐBSCL thì dưới tác động của biến đổi khí hậu thì vùng sẽ chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng nhiễm mặn nguồn nước ngầm.

Chất lượng nước: nhiệt độ tăng cao làm cho khả năng tự lọc của nước sẽ giảm hiệu lực, lượng oxy cần cho sự phân hủy sinh học không còn đủ để làm sạch nước, từ đó nguồn nước sẽ dần ô nhiễm, gây nhiều bệnh cho người dân. Đối với đồng bằng sông Cửu Long là vùng có đường bờ biển khá dài, địa hình lại thấp, lượng nước ngọt thường rất ít, nước biển hay xâm nhập vào các mạch nước ngầm, hiện tượng này lại càng xấu đi khi mực nước biển tăng cao - hậu quả của BĐKH.

*** Tác động tới hệ sinh thái tự nhiên.

Lưu vực sông MêKông được xem là một nơi có hệ sinh thái và đa dạng sinh học lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau lưu vực sông Amazone (WWF, 2004). ĐBSCL được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam (Tuấn và Guido, 2007). Ở đây chủ yếu là rừng ngập mặn và rừng tràm. Tính đa dạng sinh học ở vùng ĐBSCL rất cao, phong phú cả về lượng và loài thực và động vật. Hệ sinh thái vùng ĐBSCL được đánh giá là nhạy cảm với các biến động thời tiết và động thái, cũng như chất lượng nguồn nước.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 347.500 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là 53.700 ha, rừng trồng là 294.500 ha. Như vậy, diện tích rừng che phủ trong toàn vùng đạt chưa đến 10% diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, tổng diện tích rừng ngập mặn chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An... Vùng rừng ngập mặn này luôn luôn chịu sự chi phối của thủy triều biển với hệ thực vật rừng phổ biến là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước.

Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tính đa dạng sinh học cao với 98 loài cây rừng ngập mặn; ngoài ra ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản.

Ngoài ra, khu vực này còn có 10 khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước đã được thành lập và đầu tư phát triển là Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, Rừng đặc dụng Vồ

Đặc biệt ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã được đầu tư dự án Bảo tồn rạn san hô và thảm cỏ biển trong hợp phần của Dự án ngăn chặn suy thoái biển Đông và vịnh Thái Lan do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Có thể nói, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với tác dụng chắn sóng, gió có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu. Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển.

Khi rừng ngập mặn tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng, sẽ tạo thành những bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng.

Các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của người dân, cùng với những nguy cơ đe dọa của biến đổi khí hậu đang đe dọa sự suy giảm diện tích rừng và sinh vật hoang dã.

Một phần của tài liệu BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 68 - 71)