Tổng quan về huyện Nam Sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 58 - 60)

Huyện Nam Sách nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, cách trung tâm của tỉnh khoảng 6 km và thành phố Hải Phòng 41 km dọc theo Quốc lộ 5A. Toàn huyện có 18 xã, 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 109 km2, dân số 117.165 người, mật độ dân số bình quân 1.065 người/km2.

Nam Sách có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các vùng trong và ngoài tỉnh do nằm gần trục giao thông đường sắt, thuỷ, bộ nối liền tam giác kinh tế trọng điểm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; như tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5A nối liền từ thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, quốc lộ 37 nối thành phố Hải Dương với thị xã Chí Linh là hai khu vực phát triển kinh tế năng động nhất Hải Dương…tạo điều kiện thuận lợi cho huyện tiếp cận thông tin kinh tế thị trường, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm.

Địa hình tương đối bằng phẳng cùng với đặc trưng thổ nhưỡng là đất phù sa, thuận lợi cho việc thâm canh cây lúa nước, cây ăn quả và các loại rau màu thực phẩm khác. Khí hậu Nam Sách thuận lợi cho phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung. Khí hậu và số giờ nắng trong năm tương đối thích hợp cho việc canh tác 3 vụ trong năm tạo cho huyện có lợi thế về phát triển nông nghiệp thâm canh, năng suất cao.

Trên địa bàn huyện có nhiều vùng đất trũng, điều kiện thuỷ văn tương đối thuận lợi, tạo kiện nuôi trồng thuỷ sản.

Tuy nhiên, mưa lớn và tập trung vào một số tháng trong năm tạo ra mất cân đối nước cục bộ theo thời gian, gây ra tình trạng úng lụt và xói mòn đất tại các vùng dốc, các tháng 7, 8, 9 mưa nhiều, cường độ lớn có thể gây ngập úng ở một số xã vùng trũng và ven sông, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Quỹ đất của huyện Nam Sách được sử dụng khá hợp lý và có hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải chuyển dịch lại cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp có năng suất thấp sang sử dụng vào các mục đích khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và cần phải có các chính sách khai thác nguồn quỹ đất phi nông nghiệp một cách hiệu quả. ( Tham khảo phụ lục số 02- Bảng 01: Cơ cấu sử dụng đất đai của Nam Sách đến năm 2014)

Tổng dân số của toàn huyện tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 là 117.165 người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 51% dân số.

Dân số của huyện qua 05 năm 2010 - 2014 có xu hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2010 dân số toàn huyện là 113.345 người, đến năm 2014 là 117.165 người. Tỷ lệ tăng dân số trong giai đoạn 2010 - 2014 là 0,8%, mức tăng phù hợp với mức tăng bình quân chung của tỉnh. Số lao động trong độ tuổi cũng tăng dần qua các năm, với mức tăng bình quân chung là 0,8. Cơ cấu lao động của huyện có sự biến động qua các năm theo hướng: Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng. (Tham khảo phụ lục số 02- Bảng 02: Cơ cấu dân số và lao động huyện Nam Sách đến năm 2014).

Cơ cấu kinh tế của huyện giai đoạn 2010-2014 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp, tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ tăng chậm.

Theo giá trị sản xuất (giá hiện hành), tỷ trọng giá trị sản xuất khu vực công nghiệp là chủ đạo trong tổng giá trị gia tăng của huyện và tăng từ 47,39%

năm 2010 lên mức 52,73% vào năm 2014; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng không đáng kể từ 18,32% năm 2010 lên 18,92% năm 2014; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm nhanh từ mức 34,29% năm 2010 xuống còn 28,45% năm 2014. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là làm sao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản phải không ngừng tăng so với năm trước đó thì mới thu hút được vốn đầu tư, thu hút được khoa học kỹ thuật áp dụng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện một cách hiệu quả nhất. (Tham khảo phụ lục số 02- Bảng 03: Tình hình kinh tế huyện Nam Sách).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)