1.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
1.3.1 Các nhân tố thuộc về môi trường bên ngoài doanh nghiệp
1.3.1.1 Vấn đề khách hàng
Đối với bất kì một doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển đòi hỏi cần phải bán được sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình. Điều đó đồng nghĩa với việc làm thế nào để tăng thị phần khách hàng của tổ chức. Một trở ngại đặt ra với các công ty trong thời điểm nền kinh tế hiện nay đó là đòi hỏi của khách hàng đối với loại hình dịch vụ mà họ sử dụng ngày càng cao và khắt khe cả về chất lượng lẫn hình thức. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh hợp lý về nhiều mặt, trong đó yếu tố chất lượng lao động là một trong những yếu tố chủ chốt. Để cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ của công ty, chất lượng lao động cũng phải ngày được nâng cao, người lao động phải được cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với môi trường hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nhân viên, nhằm cải thiện chất lượng công việc, nâng cao khả năng tay nghề cho người lao động. Khách hàng luôn yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp đem lại. Nếu không đạt được chất lượng mà khách hàng yêu cầu thì khách hàng sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp khác. Chính vì lẽ đó doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng tốt được những yêu cầu mà khách hàng đưa ra, đồng thời cần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho mục tiêu tương lai của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng khách hàng một cách tốt hơn.
1.3.1.2 Yếu tố văn hóa
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, yếu tố văn hóa luôn có sự ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài trên một khu vực cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra cách thức sản xuất, chiến lược kinh doanh phù hợp đảm bảo lâu dài. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phải có những điều chỉnh trong việc đào tạo cho nhân viên nắm bắt được yếu tố văn hóa từng vùng, khu vực khác nhau, từ đó có những kỹ năng phù hợp với các thay đổi đó.
1.3.1.3 Yếu tố đối thủ cạnh tranh
Đây là một yếu tố có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức. Nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn khó khăn, suy thoái. Chính vì vậy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành với nhau rất gay gắt. Tất cả đều muốn làm sao để tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình, đều muốn có những bí quyết kinh doanh, sản xuất riêng. Có được như vậy thì mới có thể đảm bảo cho họ giữ vững được thị phần khách hàng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình. Để đạt được điều này thì hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng có ý nghĩa lớn, chất lượng đào tạo có được nâng cao, quy trình đào tạo có được cải tiến để phù hợp với môi trường cạnh tranh thì mới giúp cho doanh nghiệp có được đội ngũ lao động chất lượng, nắm bắt được các kỹ năng mới, từ đó cải thiện quá trình sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt hơn.
1.3.1.4 Thị trường lao động
Thị trường lao động được đặc trưng bởi số lượng và chất lượng lao động. Với một thị trường lao động mà có số lao động nhiều hay có chất lượng lao động tốt thì doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tuyển chọn được người lao động phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mình mà chỉ phải tốn ít chi phí để đào tạo lại. Đồng thời nếu doanh nghiệp tuyển được đội ngũ có chất lượng thì công tác đào tạo của doanh nghiệp sẽ có hiệu quả cao vì bản thân họ đã là những người có chuyên môn mà khả năng nắm bắt tốt.
Ngược lại nếu thị trường lao động có chất lượng kém hay số lượng lao động ít thì việc tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và công tác đào tạo sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian để đào tạo mới cũng như là đào tạo lại.
Hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thách thức. Lực lượng lao động dồi dào, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế đất nước với đa dạng ngành nghề, tuy nhiên chất lượng lao động còn kém, số lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng khả năng tác nghiệp còn kém là lớn. Vì vậy vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp là làm thế nào để tận dụng và phát huy được nguồn nhân lực hiện có.