1.3. Quy trình và nội dung Công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh
1.3.2. Nội dung công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp NQD
1.3.2.1. Kiểm tra việc chấp hành đăng ký thuế của doanh nghiệp
Đăng ký thuế là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh. Thông qua việc đăng ký thuế, Nhà nước quản lý được mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở ngay từ khi bắt đầu hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kế hoạch hoá nguồn thu Ngân sách.
Nội dung kiểm tra trong lĩnh vực này bao gồm: (i) Kiểm tra các nội dung liên quan đến đăng ký thuế như tính pháp lý của đăng ký thuế, tính trung thực của các tài liệu kê khai trong đăng ký so với thực tế về vốn kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, đặc điểm kinh doanh, hình thức kế toán áp dụng, tài khoản kế toán giao dịch…..(ii) Kiểm tra các địa điểm kinh doanh thực tế của doanh nghiệp có đúng với các địa điểm kinh doanh đã đăng ký hay chưa.
Việc kiểm tra đăng ký thuế giúp cán bộ kiểm tra có cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp nhất, từ đó đi vào phân tích, đánh giá sát với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp chống thất thu về ngân sách nhà nước.
1.3.2.2. Kiểm tra việc chấp hành chế độ kế toán thuế của doanh nghiệp
Doanh nghiệp khi bắt đầu được thành lập và đi vào hoạt động kinh doanh phải chấp hành đầy đủ về chế độ sổ sách, kế toán, chứng từ theo quy định của luật kế toán. Việc thực hiện chế độ kế toán, sổ sách, chứng từ, hoá đơn có liên quan mật thiết đến việc tính thuế, nộp thuế và công tác quản lý của Nhà nước.
Nội dung kiểm tra trong lĩnh vực này bao gồm những vấn đề cơ bản sau: - Việc chấp hành luật kế toán: Việc mở sổ sách kế toán, việc quản lý và sử dụng các loại hoá đơn, chứng từ… Đối với doanh nghiệp NQD việc chấp hành luật kế toán chưa được tốt, do vậy công tác kiểm tra này cần phải quan tâm chú trọng.
- Việc lập các loại hoá đơn, chứng từ có liên quan đến việc tính thuế: Xác định tính hợp pháp, hợp lý, trung thực của từng loại chứng từ, hoá đơn có liên quan như: hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho…
Nội dung này giúp cán bộ kiểm tra thuế nắm được mức độ chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, nắm khái quát được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, phát hiện các hành vi gian lận từ sổ sách kế toán và chứng từ gốc. Nội dung này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo chính xác căn cứ tính thuế, ngăn chặn các hành vi hạch toán sai, sử dụng chứng từ bất hợp pháp ...., đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh.
1.3.2.3. Kiểm tra việc kê khai, tính và nộp thuế
Hồ sơ khai thuế TNDN của doanh nghiệp bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để doanh nghiệp khai thuế, tính thuế.
Việc kê khai tính và nộp thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với Nhà nước. Doanh nghiệp phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế TNDN. Nội dung kiểm tra này giúp cơ quan thuế nắm tổng thể mức độ chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh: kê khai có trung thực không, có trốn lậu thuế không, có nộp thuế đúng hạn không?
Nội dung kiểm tra về việc kê khai, tính và nộp thuế TNDN đối với doanh nghiệp NQD bao gồm:
- Kiểm tra căn cứ tính thuế: Được tiến hành thông qua việc so sánh, đối chiếu số liệu kế toán với số liệu kê khai thuế, so sánh đối chiếu số liệu kê khai và số liệu kế toán thực tế kinh doanh như số liệu về doanh thu, về chi phí được trừ, về thu nhập khác, thu nhập miễn thuế, ...
- Kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp ngoài NQD: xem xét việc doanh nghiệp có chấp hành thời hạn nộp thuế đúng hạn không, có nợ đọng không? Theo quy định hiện hành các doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN theo quý. Thời hạn nộp thuế của quý chậm nhất không quá ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Đối với quyết toán thuế TNDN năm, doanh nghiệp phải khai và nộp thuế theo quyết toán chậm nhất không quá ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.