bài học kinh nghiệm đối với Chi cục thuế huyện Thanh Trì
1.5.1. Kinh nghiệm kiểm tra thu thuế thu nhập doanh nghiệp ở Nghệ An
Trước thực trạng ngân sách hụt thu hàng trăm tỷ đồng, Tỉnh Nghệ An quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN thông qua việc quan tâm, tập trung đến kiểm soát thuế mà trọng tâm là thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh bằng các gải pháp chống thất thu và nợ đọng thuế.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu đặt ra, Cục Thuế Nghệ An đã ban hành công văn chỉ đạo công tác rà soát, quản lý, thanh tra, kiểm tra các đơn vị có hoạt động liên kết, nhất là đơn vị có dấu hiệu chuyển giá để đưa vào diện kiểm soát. Cùng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Cục Thuế Nghệ An cũng đã lựa chọn dựa trên tiêu chí rủi ro để tiến hành thanh tra các doanh nghiệp. Công tác đôn đốc số kiến nghị truy thu qua thanh tra cũng được Cục thuế Nghệ An chỉ đạo quyết liệt, nhờ đó đã thu vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cục Thuế Nghệ An đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác kiểm tra tại cơ quan thuế và kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế, công tác quản lý hóa đơn tại trụ sở doanh nghiệp, bao gồm các
nội dung: kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế; kiểm tra trước và sau hoàn thuế; kiểm tra hóa đơn và kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên. Đặc biệt, với tính chất đặc thù của của những diễn biến kinh tế, công tác kiểm tra giá đã được Cục Thuế chú trọng để kiến tạo nhiều giải pháp đổi mới, theo đó chất lượng kiểm tra ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa những hành vi vi phạm, nhằm chống thất thu cho ngân sách.
Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ cho Phòng quản lý nợ bằng những tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở các định mức này, hàng tháng các đơn vị thu nợ trong hệ thống đã thực hiện nghiêm các biện pháp phạt nộp chậm, cưỡng chế nợ thuế, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát lệnh thu ngân sách... Cục Thuế cũng đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành thành lập các đoàn liên ngành về công tác thu nợ tại Văn phòng Cục Thuế.
1.5.2. Kinh nghiệm kiểm tra thu thuế thu nhập doanh nghiệp ở Ninh Thuận
Triển khai nhiệm vụ và các giải pháp công tác thuế năm 2014, Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra năm 2013 và đưa ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Xác định công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và là công việc thường xuyên của cơ quan thuế các cấp; ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành thuế địa phương và quyết định giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tối thiểu cho từng đơn vị. Đồng thời, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề đối với các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao tiềm ẩn khả năng thất thu thuế, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, thực hiện kiến nghị xử lý truy thu về
thuế, xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, góp phần tích cực trong việc chống thất thu thuế và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao.
Trong năm 2013, đã thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách thuế của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn là 33 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Tổng số thuế truy thu và xử phạt qua thanh tra là 6.496 tr.đồng, số thuế truy thu: 4450 tr.đồng, số truy hoàn thuế: 97 tr.đồng, số xử phạt qua thanh tra: 1949 tr.đồng.
Song song với công tác thanh tra, ngành Thuế cũng đã thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 256 doanh nghiệp (đạt 127% kế hoạch), số doanh nghiệp kiểm tra có số truy thu là 241 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 94,14%. Số tiền thuế truy thu và phạt qua kiểm tra là 9317 tr.đồng. Trong đó, Phòng Kiểm tra đã truy thu và phạt số tiền là 4352 tr.đ, Chi cục Thuế Phan Rang Tháp Chàm: 1769 tr.đ, Ninh Phước: 1695 tr.đ, Thuận Nam: 648 tr.đ, Ninh Hải: 401 tr.đ, Ninh Sơn: 198 tr.đ, Bác Ái: 151 và Thuận Bắc là 106 tr.đ.
Hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện hành vi vi phạm của người nộp thuế dẫn đến truy thu thuế như: kê khai không đầy đủ các khoản doanh thu phát sinh; kê khai tăng chi phí, làm giảm thu nhập chịu thuế TNDN. Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế trong quá trình khai thuế, quyết toán thuế và nộp thuế.
Năm 2014, Cục Thuế Tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị trực thuộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; tập trung rà soát thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế như: doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục hai năm liền kề trước năm có quyết định hoàn thuế hoặc có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu trước năm liền kề có quyết định hoàn; kiểm tra việc phát hành sử dụng hóa đơn đối với các doanh
nghiệp mới thành lập; kê khai quyết toán thuế TNDN lỗ liên tục qua các năm, kê khai ưu đãi về thuế, trong đó trọng tâm là các CTCP. Việc thanh tra, kiểm tra tập trung các lĩnh vực hoạt động sản xuất khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác đất, đá, cát, sỏi, các đơn vị xây dựng cơ bản ngoài tỉnh, các ngành có rủi ro về kê khai thất thu thuế như: kinh doanh vận tải, dịch vụ ăn uống, khách sạn, vật liệu xây dựng, thu mua các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, ... nhằm chống thất thu thuế, khai thác nguồn thu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014 đã được Trung ương và địa phương giao.
1.5.3. Những bài học kinh nghiệm trong kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp NQD cho Chi cục Thuế huyện Thanh Trì nghiệp đối với doanh nghiệp NQD cho Chi cục Thuế huyện Thanh Trì
Từ kinh nghiệm kiểm tra thu thuế thu nhập doanh nghiệp ở Cục thuế Nghệ An và Ninh Thuận, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Chi cục Thuế huyện Thanh Trì như sau:
Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế giúp họ dễ dàng thực hiện việc đăng ký, kê khai thuế, nộp thuế.
Công tác kiểm tra thuế cần được hiện đại hoá về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức phù hợp, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thuế, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được sâu sát đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế; bảo đảm dự báo nhanh, chính xác số thu của ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Nhà nước bảo đảm đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại; có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương
mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế. Chính phủ ban hành chính sách về hiện đại hóa quản lý thuế.
Đẩy mạnh cải cách hiện đại hoá ngành thuế, trọng tâm là cải cách hiện đại hoá công tác quản lý thuế
Tập trung huy động đầy đủ kịp thời thuế TNDN vào NSNN, đồng thời quan tâm tới nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bằng những chính sách hiệu quả hợp lý khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh như thuế suất thấp, ưu đãi hỗ trợ các Doanh nghiệp thuế đất, lao động, tiền vốn, đào tạo nhân lực.
Tăng cường công tác hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra thuế). Pháp luật thuế nói chung và TNDN nói riêng nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp khai sai, khai thiếu thuế, trốn thuế để xử lý kịp thời duy trì kỷ cương pháp luật và công bằng xã hội. Khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế.