Tình hình thanh toán biên mậu của các NHTM tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh toán biên mậu việt nam trung quốc tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam, chi nhánh lào cai (Trang 38 - 43)

1.3.3 .Điện chuyển tiền biên mậu

1.5. Tình hình thanh toán biên mậu của các NHTM tại Việt Nam

Việt Nam có đường biển dài, đường biên giới trên đất liền tiếp giáp ba nước là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong đó đường biên giới trên đất liền dài gần 1500 km tiếp giáp với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam Trung Quốc đi qua 7 tỉnh gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đường biên giới giáp Campuchia qua 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Đường biên giới giáp Lào trải dài qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,

Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum.

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, nước ta là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu thương mại sôi động, đặc biệt tại các cửa khẩu vùng biên. Tuy nhiên, song hành với sự sôi động đó là mặt trái của “chợ tiền biên giới” hình thành tự phát và tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu…Do đó, đưa ra thị trường sản phẩm dịch vụ TTBM, các NHTM vừa góp phần hạn chế những mặt trái này, vừa tích cực hỗ trợ khách hàng trong thanh toán, đồng thời thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng tăng trưởng trong nhiều năm…

Về hoạt động thanh toán biên mậu Việt Nam - Trung Quốc, với truyền thống gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt Trung, quan hệ giữa hai nước trở nên mật thiết hơn sau khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ra thông cáo chung về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào tháng 11 năm 1991, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hợp tác và phát triển. Đến nay trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung đã có khoảng 30 cặp cửa khẩu chính thức, trong đó có nhiều cặp cửa khẩu quốc tế như: Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây), Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây), Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam), ngoài ra còn hàng chục chợ biên giới được mở để phục vụ các hoạt động giao lưu hàng hóa giữa cư dân ở khu vực biên giới 2 nước.

Năm 1996, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam cho phép các ngân hàng thương mại Việt Nam được hợp tác với các ngân hàng thương mại Trung Quốc thực hiện hoạt động thanh toán phục vụ xuất nhập khẩu qua biên giới bằng bản tệ, Agribank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất thực hiện TTBM với Trung Quốc và hiện nay ngân hàng vẫn đang đóng vai trò chủ lực triển khai hoạt động này tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc với thị phần hơn 50%. Hiện nay có thêm một số NHTM cũng có sản phẩm TTBM với Trung Quốc như: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, MB, BIDV, Liên Việt Post

Bank, MHB...

Thực hiện TTBM qua ngân hàng, khách hàng có thể lựa chọn các phương thức qua kênh phân phối truyền thống tại các chi nhánh và phòng giao dịch như: Hối phiếu ngân hàng; chứng từ chuyển tiền biên mậu; chứng từ thanh toán thương vụ; thư uỷ thác chuyển tiền TTBM; điện chuyển tiền; thư tín dụng chứng từ mậu dịch biên giới; thư bảo lãnh thanh toán mậu dịch biên giới.

Thông qua các tài khoản đối ứng mở tại NHTM Việt Nam và ngân hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia, khách hàng có thể sử dụng đồng bản tệ của mỗi nước như VND (Việt Nam đồng), CNY (Nhân dân tệ), LAK (Kíp Lào), KHR (Riel Campuchia) để thực hiện thanh toán an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được nhiều ngoại tệ cho nền kinh tế, nhất là vào những thời điểm đồng đô-la Mỹ khan hiếm, trong khi đó vẫn giữ được tỉ giá trao đổi phù hợp giữa các đồng tiền.Trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài không sử dụng hết tiền mua hàng hóa thì có thể làm thủ tục nhận lại số tiền đó một cách thuận tiện…

Từ năm 2007 đến nay, trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, khách hàng có thể sử dụng TTBM qua kênh phân phối hiện đại Internet Banking. Các chi nhánh NHTM ở vùng biên giới của Việt Nam (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng) đã phối hợp với 04 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc và nằm trong Top 10 ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), triển khai cung ứng cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ TTBM qua mạng trực tuyến Internet Banking. Khách hàng có thể sử dụng Internet để chuyển tiền, thanh toán, vấn tin tài khoản, mở L/C…

Sau gần 20 năm thực hiện có thể thấy rõ ích lợi do TTBM đem lại. Các doanh nghiệp và cá nhân ngày càng được đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí

khi thực hiện mua bán, trao đổi, hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, khi thực hiện TTBM qua Internet Banking, khách hàng tiết kiệm được nhiều thời gian thanh toán, giảm thiểu được rủi ro, quy trình thanh toán được thực hiện chính xác, và đặc biệt tiết kiệm được nhiều chi phí bởi phí dịch vụ rất rẻ. Đơn cử như khi thực hiện TTBM qua Internet Banking với các đối tác Trung Quốc, khách hàng chỉ cần chờ ở ngân hàng 5 - 10 phút là có thể nhận được tiền của đối tác chuyển qua tài khoản. Đồng thời, thực hiện TTBM qua kênh này, việc luân chuyển chứng từ được đơn giản hóa, cho phép đối chiếu ngay chứng từ thanh toán, số dư, chi tiết từng món giao dịch, chuyển tiền, thanh toán, in chứng từ... Hiện nay, lượng TTBM qua Internet Banking chiếm 75% tổng các dịch vụ thanh toán của các NHTM tham gia thực hiện TTBM .

Triển khai TTBM có hiệu quả, các NHTM đã và đang tích cực góp phần tăng độ an toàn cho khách hàng trong giao dịch khi tỉ giá luôn biến động và giảm thiểu các chi phí vận chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác, đảm bảo an ninh tiền tệ khu vực vùng biên... Với sự hỗ trợ của ngân hàng thông qua TTBM, giao lưu hàng hóa được thúc đẩy, việc kiểm soát, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới được thực hiện thuận lợi, tăng thu ngân sách địa phương. Các hình thức TTBM nhanh chóng, chính xác, đa dạng và thuận tiện vừa giúp khách hàng giữ được uy tín với đối tác nước ngoài, vừa góp phần xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho các NHTM hoạt động trong lĩnh vực này.

Thanh toán biên mậu là thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ biên giới giữa khách hàng Việt Nam và khách hàng các nước có chung biên giới. Do đó nó cũng là một nghiệp vụ trong thanh toán quốc tế, cũng bị điều chỉnh bởi các thông lệ quốc tế. Ngôn ngữ sử dụng là ngôn ngữ của hai nước có chung biên giới hoặc theo thỏa thuận của hai bên. TTBM sử dụng một trong hai đồng tiền bản tệ và ngân hàng ở nước này được phép mở tài khoản bằng đồng tiền của nước kia.

Từ khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương cho phép các NHTM Việt Nam được hợp tác với các NHTM Trung Quốc nhằm thực hiện hoạt động thanh toán phục vụ XNK qua biên giới bằng bản tệ, hoạt động TTBM giữ vai trò rất quan trọng trong hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vùng biên.

Chúng ta sẽ xem xét cụ thể hoạt động TTBM tại Agribank Lào Cai trong các chương tiếp theo để thấy rõ hơn điều này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh toán biên mậu việt nam trung quốc tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam, chi nhánh lào cai (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)