2.1.2.1 Phương pháp phân tích, tổng hợp
Luận văn sử dụng phương pháp phân tích như là một công cụ để phân tích các quan điểm lý thuyết hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng. Qua đó làm cơ sở để luận giải động lực hay bối cảnh dẫn đến M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại các Quốc gia trên thế giới và Việt Nam
Luận văn sẽ luận giải và làm rõ:
+ Thực trạng về hoạt động M&A tại các Quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.
+ Phân tích những hình thái về hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng. + Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng.
+ Phân tích các điều kiện, khả năng, bối cảnh để diễn ra hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng.
Bước 1. Xác định vấn đề cần phân tích.
Vấn đề cần được phân tích trong Luận văn này là:
- Cơ sở lý luận và thực tiễn của M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua là gì?
- Các hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng của một số nước trên thế giới diễn ra như thế nào? Những thành công, tồn tại? Nguyên nhân?
- Vì sao Việt Nam phải tiến hành M&A trong lĩnh vực Ngân hàng và thực trạng M&A ngân hàng tại Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì từ hoạt động M&A trên thế giới (thành công, hạn chế) và Việt Nam cần phải làm gì, đề hoạt động M&A ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn?
Trên cơ sở đó, luận văn tiến hành phân tích vì sao cần nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học thành công & không thành công cho hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng? Những điểm thành công cũng như những tồn tại trong hoạt động là gì và nó có ý nghĩa như thế nào với hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại Việt Nam.
Bước 2. Thu thập các thông tin cần phân tích
Trên cơ sở xác định vấn đề cần phân tích, Luận văn đã tiến hành thu thập thông tin có liên quan. Đó là:
- Các nguồn thông tin thứ cấp được lấy từ các công trình nghiên cứu lý luận về hoạt động M&A như các sách giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo viết về M&A, các bài báo khoa học, các bài tham luận trong các hội nghị …Những tài liệu này được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo của Luận văn. Trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu, những thông tin liên quan đến vấn đề nghiên cứu đều được đánh dấu lại để thuận tiện cho việc tra cứu, tham khảo trong quá trình thực hiện đề tài. Một số thông tin đã được sử dụng bằng cách trích dẫn trực tiếp, một số thông tin được tác giả tổng hợp, khái quát nội dung thành những luận cứ cho quá trình phân tích.
-Ngoài ra, còn nghiên cứu các Báo cáo của Ngân hàng nhà nước, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, Báo cáo của Ngân hàng thế giới. Đây là các thông tin chính thức làm cơ sở và dẫn chứng để luận văn thực hiện các phân tích nhằm giải quyết vấn đề nghiên cứu.
Bước 3. Phân tích dữ liệu và lý giải
Trên cơ sở những thông tin thu thập được về lý luận về hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng, Luận văn đã soi chiếu vào các số liệu, dữ liệu về hoạt động M&A tại các quốc gia trên thế giới; lý giải ý nghĩa của những số liệu kinh doanh của các tổ chức tín dụng trước, trong & sau M&A. Các phân tích được thực hiện đa chiều, để lý giải sự cần thiết phải đưa ra được những bài học thành công trong hoạt động M&A. Kết quả thu thập thông tin chủ yếu thể hiện dưới hình thức phân tích định tính.
Bước 4. Tổng hợp kết quả phân tích
Sau khi phân tích các thông tin đã thu thập được, Luận văn tổng hợp các kết quả phân tích để đưa ra bức tranh về hoạt động M&A tại các quốc gia trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng cho những kết luận và kiến nghị của tác giả đối với việc nâng cao hiệu quả các thương vụ M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại Việt Nam.
2.1.2.2 Phương pháp thống kê
Luận văn sử dụng phương pháp này để:
- Thu thập, tổng hợp, trình bày số liệu, tính toán các đặc trưng của đối tượng nghiên cứu là hoạt động M&A tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua nhằm phục vụ cho quá trình phân tích, dự đoán và đề ra các định hướng cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới.
- Chỉ ra các đặc trưng của vấn đề nghiên cứu chính là các đặc điểm của hoạt động M&A trên thế giới, phân tích mối liên hệ giữa các nội dung nghiên cứu về hoạt động M&A của các tổ chức tín dụng: bối cảnh kinh tế, chính sách vĩ mô,
hoạt động kinh doanh nội tại. Từ đó, Luận văn đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại Việt Nam.
Luận văn thực hiện phương pháp này như sau:
Bước 1: Thu thập số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán các đặc trưng khác nhau của các nội dung nghiên cứu về hoạt động M&A tại các Quốc gia trên thế giới. Ví dụ: bối cảnh M&A, hình thức M&A, nguyên nhân của M&A, các nhân tố tác động M&A, kết quả của M&A,…
Bước 2: Phân tích mối liên hệ giữa các số liệu thu thập được với các câu hỏi nghiên cứu về hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại các Quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Bước 3: Đưa ra các kết luận trên cơ sở kết quả phân tích.
2.1.2.3 Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh được sử dụng để: Đối chiếu, tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt về cơ chế, chính sách, bối cảnh trong hoạt động M&A tại Mỹ, một số Quốc gia châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam.
- Thông qua việc so sánh các chỉ số, việc phân tích các luận cứ, giả thuyết đưa ra sẽ sâu sắc hơn, quá trình đánh giá, nhìn nhận hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại các quốc gia khác nhau được đa chiều hơn, từ đó giúp cho Luận văn có thể xác định thông tin một cách chính xác nhất, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Điều này nhằm khắc phục những khoảng cách, sai số trong việc đánh giá các thông tin mang tính định tính.
- Xác định mức độ biến động tuyệt đối và mức độ biến động tương đối cùng xu hướng biến động của chỉ tiêu phân tích. Trên cơ sở đó có những khuyến nghị những bài học đáng giá, hiệu quả cho việc cải thiện M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại Việt Nam.
Bước 1: Xác định các nội dung so sánh
Nội dung được so sánh chính là những nội dung liên quan, có ảnh hưởng hay có mối liên hệ với vấn đề cần phân tích là hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại một số Quốc gia trên thế giới (Mỹ, châu Âu & Hàn Quốc).
Bước 2: Xác định phạm vi, vấn đề so sánh
Phạm vi được so sánh: so sánh hoạt động M&A tại các quốc gia trong những bối cảnh giống nhau và sự thay đổi qua các thời kỳ.
Bước 3: Xác định điều kiện để so sánh các chỉ tiêu: + Đảm bảo thống nhất về bối cảnh.
+ Đảm bảo tính thống nhất về đơn vị tính, các chỉ tiêu về cả số lượng, thời gian và giá trị.
Bước 4: Xác định mục đích so sánh
Việc xác định mục đích so sánh sẽ giúp Luận văn tập trung phân tích và làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.
Bước 5: Thực hiện và trình bày kết quả so sánh
Đây là những “con số biết nói” giúp Luận văn đưa ra những nhận xét, đánh giá, làm cơ sở cho những khuyến nghị đối Việt Nam trong việc điều chỉnh các chính sách, cơ chế cho hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng.
Phương pháp so sánh được sử dụng sau khi đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp thống kê nêu trên.
2.1.2.4 Phương pháp kế thừa
Luận văn kế thừa những công trình nghiên cứu về hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng như đã nêu ở phần tổng quan và phụ lục tài liệu tham khảo kèm theo.
2.1.2.5 Phương pháp case – study
Trên góc độ chung, Luận văn nghiên cứu về hoạt động M&A trong lĩnh vực Ngân hàng tại Mỹ, một số quốc gia châu Âu và Hàn Quốc. Trên góc độ
cụ thể Luận văn nghiên cứu hoạt động M&A của một số Ngân hàng điển hình như: JP Morgan Chase (Mỹ), ABN (châu Âu), Ngân hàng Cho Heung (Hàn Quốc).
2.1.2.6 Tóm lại
Luận văn kết hợp phương pháp thống kê, chuẩn đối so sánh để phân tích, chứng minh, xử lý số liệu, tình hình và khái quát thành những luận điểm có căn cứ lý luận và thực tiễn.
Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu: thống kê và xử lý số liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tổng hợp và phân tích hệ thống, mô tả và so sánh để nghiên cứu và trình bày các vấn đề đặt ra. Sử dụng phương pháp thống kê lịch sử, phương pháp mô tả và phương pháp tổng hợp để phân tích và đánh giá các trường hợp M&A điển hình trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới. Sử dụng các phương pháp phân tích, phương pháp so sánh để phân tích đặc điểm của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, liên hệ kinh nghiệm thế giới đề xuất giải pháp, gợi ý chính sách để Nhà nước hoàn thiện công cụ quản lý thông qua M&A, cũng như quy trình tiến hành M&A trong lĩnh vực ngân hàng hiệu quả phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Luận văn cũng sẽ quan tâm tới kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có và bổ sung, phát triển những luận cứ khoa học và thực tiễn mới trong việc thực hiện các mục tiêu nghiên cứu của đề tài.