Đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáp nhập, mua bán trong lĩnh vực Ngân hàng, kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý đối với Việt Nam (Trang 108 - 113)

4.2. Một số hàm ý đối Việt Nam

4.2.2 Đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Thứ nhất, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, định hướng hoạt động sáp nhập và mua lại:

NHNN phải lập kế hoạch phát triển ngân hàng trong 10 năm thậm chí 20 năm tới để giúp các ngân hàng có định hướng phát triển, giúp sự ổn định trong hệ thống. Điều này đã được thực hiện rất có hiệu quả tại Hàn Quốc khi Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc đã chủ động xây dựng cho Ngành Ngân hàng một định hướng rõ nét cho hoạt động sáp nhập và mua bán (kế hoạch 02 giai đoạn). Việc xây dựng chi tiết kế hoạch này sẽ giúp các đối tượng có định hướng trong việc thành lập ngân hàng mới, củng cố hoạt động hay sáp nhập và mua lại. Có một chiến lược phát triển ngành ngân hàng để từ đó NHNN có thể đưa ra các qui định pháp lý phù hợp nhằm điều chỉnh và quản lý các hoạt động ngân hàng đi theo đúng mục tiêu vĩ mô đã đặt ra và giúp các ngân hàng thương mại có định hướng hoạt động, tránh lúng túng như trong thời gian vừa qua khi cấp phép ồ ạt các ngân hàng sau đó có quyết định ngưng cấp phép gây khó khăn cho các bên đã chuẩn bị việc thành lập ngân hàng.

Tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường, tạo động lực cho các ngân hàng vươn lên, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng. NHNN cũng cần có định hướng việc giảm số lượng các ngân hàng trên cơ sở cơ cấu, sáp nhập lại các ngân hàng hiện nay thành 5-10 ngân hàng, tổ chức tài chính lớn nhằm có được ngân hàng thực sự mạnh về tiềm lực tài chính để đủ sức cạnh tranh với các Ngân hàng nước ngoài.

NHNN định hướng việc sáp nhập không phải bằng những quyết định hành chính mà có thể đưa ra một số quy định cao hơn trong hoạt động ngân hàng như quy mô về vốn, nhân sự, công nghệ, chiến lược kinh doanh, hệ số an toàn vốn, cơ cấu thu nhập, trích lập dự phòng. Khi đó các ngân hàng mạnh hơn sẽ tồn tại và phát triển, các ngân hàng yếu hơn thấy việc tự nguyện sáp nhập là cần thiết theo yêu cầu của thị trường từ đó hình thành các ngân hàng mới lớn mạnh hơn giữ sự ổn định cho hệ thống, đủ sức cạnh tranh và từng bước vươn ra thị trường thế giới

Thứ hai, hoàn thiện khung khổ pháp lý hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng

Cần rà soát, đối chiếu lại toàn bộ các quy định và văn bản dưới luật hiện hành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng với các cam kết quốc tế như Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, các cam kết gia nhập WTO. Cần chú trọng vào lĩnh vực tín dụng, đầu tư, bảo đảm tiền vay, ngoại hối, huy động vốn, thanh toán; các quy định về quản lý và giám sát cung cấp dịch vụ ngân hàng; cấp giấy phép và quản lý các loại hình TCTD, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ban hành các thông tư hướng dẫn các nghị định đã có hiệu lực. Những sửa đổi cập nhật cần thực hiện sớm nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động trong một môi trường nhất quán và ổn định. Những sửa đổi này cần phải tính đến sự đồng bộ với các quy định khác và các vấn đề có thể nảy sinh trong tương lai như các sản phẩm phái sinh, ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng qua biên giới, phù hợp với xu hướng diễn biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các ngân hàng.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn thủ tục triển khai việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng thương mại gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ và

Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ Tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số tổ chức tín dụng có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254. Một số tổ chức tín dụng yếu kém có thể được Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc thông qua mua cổ phần và tiến hành sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác.

Thứ ba, tăng cường năng lực xây dựng, thực thi chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ngoại hối

Đây là hàm ý được rút ra từ kinh nghiệm của Mỹ khi Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC) được trao quyền trong hoạt động kiểm soát chính sách tiền tệ và có quyền chấm dứt hoạt động của các Ngân hàng yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chúng ta cần:

Nâng cao khả năng dự báo để có các chính sách tiền tệ ổn định, như việc công bố định hướng tăng trưởng tín dụng cần ổn định tránh thay đổi liên tục để các NHTM chủ động tính toán phương án kinh doanh .

Điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và hiệu quả trên cơ sở các công cụ chính sách tiền tệ hiện đại, sử dụng các công cụ gián tiếp mà vai trò chủ đạo là nghiệp vụ thị trường mở. Hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường tiền tệ.

Điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt và gắn với điều hành lãi suất, điều hành lãi suất và tỷ giá hối đoái theo nguyên tắc thị trường.

Đa dạng hóa đối tượng tham gia, các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh, công cụ phòng ngừa rủi ro.

Thứ tư, tăng cường năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước

Trên cơ sở bộ máy Thanh tra NHNN hiện có, xây dựng hệ thống giám sát ngân hàng hiện đại và hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống

ngân hàng Việt Nam ngày càng đa dạng và thực hiện đúng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng (Basel). Đây là kinh nghiệm ở Hàn Quốc, khi NHNN đã thành lập FSC nhằm đánh giá các TCTD theo chuẩn mực Basel và phân loại các TCTD thành các nhóm từ đó làm căn cứ trong việc quyết định lộ trình M&A cho ngành tài chính – ngân hàng.

Cải cách hệ thống kế toán ngân hàng hiện hành, tất cả các ngân hàng đều phải bắt buộc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kế toán quốc tế. Hoàn thiện quy chế kiểm toán độc lập đối với các ngân hàng cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

NHNN cần tiến hành đánh giá lại chất lượng và sự chính xác của các bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng để có thể giám sát một cách có hiệu quả thông qua việc kiểm toán các nghiệp vụ kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế.

Rà soát và hoàn thiện quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán thu nhập/chi phí.

Nâng cao hiệu lực quản lý và tăng cường năng lực quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thanh khoản; rủi ro thị trường, lãi suất, tỷ giá hối đoái; rủi ro tín dụng.

Nâng cao vai trò, năng lực tài chính và hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc giám sát, hỗ trợ, xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn và góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, củng cố niềm tin cho người gởi tiền. Đây chính là hàm ý quan trọng được rút ra từ kinh nghiệm của Hàn Quốc & Mỹ, khi FIDC đã phát huy được vai trò cực kỳ lớn trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD tại 02 Quốc gia này.

Tăng cường vai trò và năng lực hoạt động của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để hỗ trợ cho hoạt động của các NHTM.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các hiệp ước, thoả thuận quốc tế về giám sát ngân hàng và an toàn hệ thống tài chính. Tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan giám sát NHNN.

Thứ năm, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng

NHNN phải định hướng về phát triển công nghệ làm cơ sở cho các NHTM thực hiện thống nhất.

Cải tạo và nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin của NHNN và các NHTM, nâng cấp hệ thống thanh toán. Triển khai các đề án cải tạo, nâng cấp các giải pháp an ninh mạng, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn tài sản và hoạt động của NHNN và các NHTM

Xây dựng hệ thống thống kê, báo cáo nội bộ ngành ngân hàng nhanh chóng, chính xác, kịp thời để giúp việc quản lý của NHNN.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm đạo đức của đội ngũ cán bộ. Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút chuyên viên giỏi từ các NHTM.

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành; nghiên cứu, phân tích, dự báo, đào tạo những chuyên gia phân tích thông tin phục vụ điều hành chính sách tiền tệ cũng như giám sát các ngân hàng do các giải pháp chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện mới chỉ mang tính xử lý tình huống hơn là mang tính trung hạn do hạn chế về năng lực phân tích dự báo.

Nâng cao nhận thức về tác động của việc hội nhập ngành ngân hàng đến tất cả các nhà quản lý và nhân viên ngành ngân hàng.

Khuyến khích phát triển và tạo thuận lợi cho hoạt động của các hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Thứ bảy, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng

Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng có tiềm lực tài chính, công nghệ, quản lý và uy tín mua cổ phiếu, tham gia quản trị, điều hành NHTM Việt Nam.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng theo lộ trình và bước đi phù hợp với khả năng của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tham gia các hiệp ước quốc tế, các diễn đàn khu vực và quốc tế về tiền tệ, ngân hàng. Phát triển quan hệ hợp tác đa phương và song phương; phối hợp với các cơ quan thanh tra, giám sát tài chính phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý rủi ro trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sáp nhập, mua bán trong lĩnh vực Ngân hàng, kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý đối với Việt Nam (Trang 108 - 113)