4.1. Hoạt động sáp nhập, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
4.1.3. Những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện M&A trong lĩnh vực ngân
hàng của Việt Nam
4.1.3.1. Những thuận lợi
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, dưới sự quản lý thực hiện triệt để của Ngân hàng nhà nước hy vọng những cuộc sáp nhập
tiếp theo của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có những bước tiến đáng ghi nhận để xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh, huyết mạch của nền kinh tế nước ta.
Việc giảm số lượng các ngân hàng thương mại giúp cho Ngân hàng nhà nước dễ dàng hơn trong công tác quản lý, thực thi các quy định và giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng một cách tốt nhất. Những sự việc không hay vừa qua tại một số ngân hàng thương mại là do sự quản lý thiếu chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước.
Thông qua sáp nhập các ngân hàng sẽ loại bỏ được những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ, thiếu vốn. Việc giảm các ngân hàng yếu kém này là tránh những nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Việc sáp nhập sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại lớn mở rộng hơn mạng lưới các chi nhánh của mình, mở rộng thị phần và đặc biệt những ngân hàng này sẽ sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhiều hơn.
Tiếp nữa, sau khi sáp nhập thì ngân hàng lớn sẽ xử lý được nợ xấu tốt hơn rất nhiều vì ngân hàng lớn có tiềm lực về tài chính, trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn.
4.1.3.2. Những khó khăn khi thực hiện
Trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, việc sáp nhập các ngân hàng với nhau để hình thành hệ thống mới vững mạnh sẽ gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, có đạt được kết quả như mong muốn hay không lại tùy thuộc vào ý chí quyết tâm của các lãnh đạo ngân hàng. Trong khi thực hiện các thương vụ sáp nhập có một số khó khăn thường gặp như khó khăn trong việc thương lượng giữa các bên: Trong quá trình thương lượng cần dựa vào những thông tin, số liệu xác thực dựa trên giá trị ở sổ sách, giá trị thực và giá thị trường. Do vậy những ngân hàng tham gia vào thương vụ phải công khai rõ ràng về vốn, tài sản, nợ xấu, sở hữu chéo,… và trong thực tế việc này rất phức tạp và
khó khăn. Mặt khác, việc sáp nhập các ngân hàng thương mại theo cách làm như hiện nay chỉ là giải pháp để giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, còn để tạo ra những ngân hàng thực sự lớn mạnh thì chưa được như vậy.
Hiện nay một số ngân hàng được coi là lớn mạnh hơn tham gia đóng vai trò chủ đạo vào sáp nhập, tuy nhiên việc xử lý những ngân hàng nhỏ, yếu kém bằng cách sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn chút để to lên có phải là một giải pháp hữu hiệu không thì cũng cần phải xem xét kỹ. Liệu với những ngân hàng có quy mô, thực trạng khác nhau nhưng lại phải mặc cùng một “mẫu thiết kế” liệu có ổn không?
Vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu. Có những ngân hàng cần tái cơ cấu theo hướng sáp nhập, có ngân hàng cần phải tìm nơi nương tựa nhưng không nhất thiết phải to lên bằng cách sáp nhập.
Không những thế, câu chuyện nhân sự sau sáp nhập cũng là điều đáng bàn. Với ngân hàng nhận sáp nhập, họ luôn có lợi thế hơn nên được quyết về nhân sự. Câu chuyện của nguyên tổng giám đốc Habubank về làm người thu hồi nợ tại SHB sau khi hợp nhất đã cho thấy phần nào bức tranh đào thải sau sáp nhập, hợp nhất.
Rõ ràng không phải nhân sự nào của ngân hàng bị sáp nhập cũng làm việc không hiệu quả, nhưng thực tiễn diễn ra sau cuộc sáp nhập lại cho thấy sự yếu thế của những người lao động về ngân hàng mới.
Cần nhấn mạnh đích đến của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hình thành một hệ thống lành mạnh, trong đó, mỗi ngân hàng là một cơ thể khỏe mạnh nhằm tạo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Nếu chỉ hình thành những ngân hàng lớn bằng cách sáp nhập liệu có giải quyết triệt để được nguyên căn của những yếu kém và ngân hàng sẽ có những cơ thể khỏe mạnh?